Đặc sắc bánh tét mặt trăng ở Quảng Trị
(HNTT) – Những ngày giáp Tết Nguyên Đán là những ngày bận rộn đối với những thành viên thuộc Tổ hợp tác sản xuất Bánh tét mặt trăng Đại An Khê thuộc thôn Đại An Khê, xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Khi hàng ngàn ngàn đơn đặt hàng bánh tét, bánh chưng ngày tết được các tổ chức, cá nhân trong ngoài tỉnh đặt hàng.
Để có được một thương hiệu bánh nổi tiếng, Tổ hợp tác sản xuất Bánh tét mặt trăng Đại An Khê trải qua biết bao thăng trầm để có được một sản phẩm bánh nổi tiếng, trứ danh không chỉ trong tỉnh mà còn khắp các tỉnh, thành trong cả nước
Bánh tét mặt trăng ý nghĩa đong đầy
Bà Hoàng Thị Kim Cúc – Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất Bánh tét mặt trăng Đại An Khê – cho biết sản phẩm bánh tét mặt trăng của Đại An Khê được làm bằng thủ công, nguyên liệu truyền thống không có hóa chất độc hại, do những người dân ở đây làm ra, được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh tin tưởng lựa chọn, sản phẩm đang dần có thương hiệu nên người dân đây rất phấn khởi.
Bánh tét mặt trăng Đại An Khê rất khác biệt với bánh tét trong cả nước từ hình dáng đến màu sắc, và ý nghĩa của nó. Bánh tét không phải hình tròn hay hình vuông, bánh tét nơi đây lại được tạo thành hình bán nguyệt, có màu xanh ngọc bích được trộn bằng nước ép lá rau ngót, hương vị thơm ngon. Bánh tét mặt trăng hiện diện như một nét văn hóa của làng quê, mang trong nó cả một nền văn minh nông nghiệp lúa nước. Với gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn… quyện vào nhau thật dẻo mềm, bùi béo giữa màu xanh thẫm và láng mượt của lớp lá chuối mang hương vị tự nhiên của trời đất.
Chia sẻ với chúng tôi, bà Lê Thị Vinh, cho hay để bánh tét nấu chín có màu xanh tự nhiên, khi ăn sẽ không thấy ngán hay béo của nhân mà có mùi thơm nhẹ nhàng, khoan khoái, kích thích vị giác. Để gói được thành hình mặt trăng đòi hỏi người gói phải chắc tay, vừa cột vừa nén để lớp vỏ bọc không bị bung ra, sau đó ép chặt 2 cái bánh lại với nhau rồi nấu bằng lửa củi nhiều tiếng liền.
“Thưởng thức bánh tét cũng đòi hỏi sự tinh tế và cầu kỳ, tuyệt đối không nên dùng dao để cắt, thay vào đó, người ta bóc vỏ rồi dùng dây buộc bánh để cắt thành từng khoanh mỏng. Bánh được đánh giá là gói khéo khi khoanh bánh có hình bán nguyệt, buộc chặt, nhân bánh nằm chính giữa, hình dáng tròn lại được gói thành hình bán nguyệt độc đáo. Bánh còn có màu xanh như ngọc trông rất đẹp mắt, hương vị dẻo thơm, đậm đà” bà Vinh tự hào.
Ngoài thương hiệu bánh tét mặt trăng, sản phẩm bánh của Đại An Khên còn có bánh chưng và bánh tày cũng được khách hàng ưu chuộng, nhất là trong dịp Tết Nguyên Đán. Từ ngày 24/12 đến 28/12 âm lịch làng Đại An Khê cho ra lò khoảng hơn 90.000 cái các bánh tét và bánh chưng, với giá chỉ từ 45.000 đến 55.000 đồng tùy theo loại, đối với ngày tết, ngày thường giá chỉ từ 35.000 đến 45.000 đồng.
Hơn 2 triệu cái bánh được sản xuất
Sau hơn 4 năm thành lập, Tổ hợp sản xuất Bánh tét mặt trăng Đai An Khê đang dần thể hiện vị trí và thương hiệu đối với người tiêu dùng trong khắp cả nước. Với hơn 20 hội viên, mỗi năm làng nghề này đưa ra thị trường hơn 2 triệu cái bánh mỗi loại gồm: bánh tét, bánh chưng và bánh tày.
Để đưa ra thị trường một số lượng bánh tương đối lớn, các hội viên trong Tổ hợp tác sản xuất Bánh tét mặt trăng Đại An Khê phải cật lực để tạo ra những cái bánh mang giá trị thẩm mĩ, giá trị dinh dưỡng cũng như mang ý nghĩa truyền thống và tâm linh trong từng chiếc bánh được tạo ra.
Bà Đào Thị Thu Huyền – Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng – cho biết Tổ hợp tác sản xuất Bánh tét mặt trăng Đại An Khê do hội quản lý, qua hơn 4 năm hình thành và phát triển thương hiệu Bánh tét mặt trăng Đại An Khê đã có mặt khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Mỗi năm làng nghề đã tạo việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định cho 80-100 lao động thường xuyên tại địa phương. Bên cạnh đó, tạo thêm công ăn việc làm cho một số hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn xã ( từ việc thuê gói bánh, thu mua nguyên liêu nếp, lá chuối, rau ngót…) giúp những hộ nghèo cận nghèo nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.
“Sản phẩm bánh các loại của làng nghề truyền thống Đại An Khê đã được Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng chứng nhận bánh đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và cung cấp tem mã vạch truy xuất nguồn gốc, đến tháng 11- 2021 được Cục sở hữu trí tuệ công bố Quyết định Bảo hộ thương hiệu tập thể ” bà Huyền chia sẻ.
Niềm vui của làng bánh Đại An Khê được nhân đôi khi đầu năm 2022, sản phẩm bánh của được UBND tỉnh Quảng Trị cấp giấy chứng nhận OCOP, đạt hạng 3 sao. Đây cũng là niềm cổ vũ, khích lệ và động viên tinh thần những hội viên tổ hợp tác sản xuất bánh tét mặt trăng làng Đại An Khê.
Đến nay, sản phẩm bánh tét mặt trăng của Đại An Khê được bày bán rộng rãi tại các siêu thị, cửa hàng như: cửa hàng Minh Phát minimart Thị xã Quảng Trị, siêu thị thực phẩm sạch Nongpro Đà Nẵng, cửa hàng thực phẩm sạch Organic- thành phố Hà Tĩnh, Cửa hàng rau sạch An Nông- Đồng Hới, Quảng Bình, siêu thị Vitamart Đà Nẵng….), Bên cạnh đó, sản phẩm bánh tét mặt trăng, bánh tày, bánh chưng thường xuyên được chọn là sản phẩm tiêu biểu tham gia các Hội chợ xúc tiến thương mại. Được UBND huyện Hải Lăng chứng nhận là sản phẩm CÔNG NGHIỆP- NÔNG THÔN TIÊU BIỂU cấp huyện.
Triệu Phong