Hồ Xuân Trúc – Bước ngoặt mới từ vai hài sang vai… bi
(HNTT) – Trong một dịp tình cờ, chúng tôi đã gặp nhau và xoay quanh câu chuyện đời, chuyện nghề, chuyện và người tử tế…Theo đó, nghệ sĩ trẻ Hồ Xuân Trúc bộc bạch đang tự ngẫm em còn phải học hỏi nhiều, nhiều lắm…“Về xem lại mình diễn đi, để biết và tự mắc cỡ”.
Cho đến thời điểm nay, sau vài năm lăn lộn với kịch nghệ, vai diễn nào cho Trúc nhiều ấn tượng nhất, hoặc khiến em yêu thích nhất?
Em nghĩ vai diễn cho mình nhiều cảm xúc nhất và yêu nó nhất là Thị Bình trong Lôi Vũ. Một nhân vật có khoảnh đời éo le, cam chịu và đầy nước mắt. Vì cảm xúc mà Thị Bình cho em rất nhiều cung bậc tâm lý nhân vật và điều này rất mới lạ với em. Từ năm 2017-2020, thú thật em chỉ đóng toàn những vai hài, nên lần đầu thử sức với vai bi nhiều tâm trạng, đúng sở thích của bản thân nên em rất hào hứng.
Tôi rất ngạc nhiên vì sao Trúc không chọn làm ngành ngân hàng an nhàn mà mình đã tốt nghiệp Đại học mà chọn cách dấn thân vào nghề diễn này, em có thấy ngoài ánh hào quang của nghệ thuật, thì đời sống sân khấu còn nhiều khó khăn, thậm chí là cạm bẫy chông gai?
Thực sự em cũng suy nghĩ nhiều lắm, đã từng nghĩ, thôi thì mình đi làm văn phòng rồi kiếm tiền, đến tuổi rồi lấy chồng cho xong đi. Em nghĩ thế, rồi thực hiện lại không được. Anh thử hình dung em từng mỗi ngày cứ sáng lên công sở lúc 8 giờ, chiều 5 giờ lại về, đều đặn và nhàm chán. Rồi tự nhủ, không lẽ cuộc đời mình mấy chục năm sau vẫn cứ thế, cứ thế?
Em sợ lắm! Sợ cảm giác ngồi một chỗ, bức bối rất khó chịu. Khó khăn thì em nghĩ nghề nào cũng có, chẳng có việc gì dễ dàng cả. Còn cạm bẫy đâu đó, em cho mình đủ khả năng để nhận ra. Mặt em trẻ con thế thơi chứ đã 26 tuổi rồi chứ trẻ trung gì nữa đâu.
Hỏi thật nhé, Trúc có chạnh lòng và hờn tủi nhiều không, khi còn có người nghĩ về nghề diễn như “xướng ca vô loài”?
Nói không thì không đúng anh ạ! Có khi vô tình em nghe người ta phán xét về nghề của mình, tự nhiên rơi nước mắt. Nhưng em không ngại. Thầy em dạy, nghệ sĩ chính là người mang cái đẹp đến cho đời, mình làm đẹp cuộc đời, mang đến cho người đôi khi là tiếng cười vui vẻ, đôi khi lại là những giọt nước mắt nao lòng. Em hãnh diện vì mình đã và đang làm những điều đẹp đẽ này.
Cơ duyên nào đưa em đến với nghề và ai là người Hồ Xuân Trúc chịu ảnh hưởng nhất, hoặc các tiền bối đã dạy dỗ, nâng bước em trên con đường nghệ thuật?
Ôi, lạ lùng lắm anh! Có lần em đang học đại học năm nhất, một chị quen bên khoa ngoại ngữ rủ em diễn kịch vai một nữ… đại ca trong tù. Em ngại ngùng từ chối vì không có biết diễn làm sao, sợ hỏng vở kịch của chị. Nhưng chị ấy nghĩ em làm được, rồi chỉ em diễn. Thế là em có vai diễn đầu đời rất ngổ ngáo.
Làng sân khấu có nhiều người nói em diễn giống cô Hồng Vân. Thật sự em rất “mắc cỡ” vì thấy mình nhỏ bé lắm không thể nào mà “giống” cô. Em bước vào nghề được Thầy cô chỉ dạy rất nhiều. Những “sư phụ” đầu tiên của em gồm cô Hồng Vân, thầy Xuân Trang, thầy Hoàng Sơn, cô Mai Thanh Dung. Cho đến khi em được vào học lớp nâng cao thì thật sự may mắn khi em được gặp thầy Việt Anh và thầy Hữu Châu.
Vui lắm! Thầy Châu dạy em về tiếng nói sân khấu. Lúc nào Thầy cũng cầm cái roi “hăm dọa” tét đít em. Đúng em là đứa hay bị thầy la nhất, tại em lí lắc, ít khi chịu ngồi một chỗ. Nhưng nhờ vậy, thầy Châu lại nhớ tên em nhiều nhất.
Còn thầy Việt Anh dạy em về Kỹ thuật biểu diễn. Thầy vui tính mà nghiêm khắc, bảo em phải gọi “thầy” xưng “em” cho gần gũi, chứ không xưng “con, cháu” với cha chú, với… ông ngoại thì làm sao dám phản biện. Thầy dạy em nhiều lắm! Em nhớ mãi câu của thầy: “Các em ơi, nghề của mình không có tốt nhất, chỉ có tốt hơn”
Có một điều nữa, sao em biết không có nhiều nghệ sĩ giàu có với nghề, trong khi em còn trẻ, còn có nhiều cơ hội nghề nghiệp khác, lại chọn nghề này?
Anh hỏi làm em nhớ đến một câu dạy dỗ của thầy Việt Anh: “Nghệ sĩ không phải để làm giàu, mà chúng ta làm đẹp cho đời. Nếu muốn làm giàu thì em hãy chọn nghề khác!”. Em thấy đúng. Từ lúc theo nghề đến nay, mỗi ngày em chỉ mong đứng được trên sân khấu, trước máy quay, lột tả từng diễn biến tâm lý, tính cách nhân vật, được khán giả đón nhận, yêu thương, dù thua nhập chỉ đủ sống là tốt rồi! Mình biết đủ là đủ.
Trúc đừng dối lòng mình nhé, có bao giờ em gặp trục trặc đến nỗi muốn bỏ nghề và nếu cho làm lại, cho chọn lựa lại giữa nghiệp diễn xuất với một cuộc sống khác thoải mái hơn thì em chọn gì?
Em từng có 3 lần muốn đổi nghề. Lần đầu tiên là lúc sắp thi vở kịch Bỉ Vỏ. Lần thứ 2 là trước khi đóng vai Thị Bình trong Lôi Vũ. Và lần cuối cùng là gần đây nhất, sau đợt dịch COVID-19 vừa rồi. Nhưng em nói thật, đó chỉ là những phút yếu lòng nhất, chông chênh nhất với cuộc sống, khiến em chao đảo, không biết phải làm gì cho đúng.
Một thân con gái xa quê nhà Cà Mau lên Sài Gòn, em rơi vào nỗi sợ hãi không đủ chi phí sinh sống, không đủ tiền đi học. Bất chợt, em nhớ đến lời khuyên của một người bác sĩ thân quen: “Khi mình đang làm chuyện gì mà mình cho là quan trọng nhất, hãy gạt đi hết những thứ nhỏ xung quanh, đừng bận tâm đến!”.
Vị bác sĩ đó còn kể cho em nghe về tích xưa “Hàn Tín nhẫn nhục luồn trôn giữa chợ”. Thế là em lại nghĩ đến câu chuyện của cuộc đời em, và lại đi tiếp con đường em đang chọn, chính là “cái quan trọng nhất”.
Là học trò cưng của NSND Việt Anh, lại đang có một dự án trong loạt phim ngắn Chuyện Tử Tế của thầy, do đạo diễn Ngọc Tưởng dàn dựng, đã cho em điều gì?
Nhiều lắm anh! Những năm qua em học lý thuyết nhiều, giờ là lúc em bước vào làm nghề, có nhiều cái khác xa nhau. Nhớ ngày đầu đi quay, thầy chỉ cho em một chi tiết diễn rất nhỏ, thế mà em phải làm đi làm lại rất nhiều lần. Đến lần cuối thầy nói với em, nửa đùa nửa thật: “Về xem lại mình diễn đi, để biết và tự mắc cỡ”.
Đêm về nằm ngẫm nghĩ, em trách bản thân mình rất nhiều, vì chữ thầy trả cho thầy. Những kỹ thuật biểu diễn này em học rồi, ra diễn mấy lần không đạt. Sao mình tệ quá? Em giận mình, khóc sưng mắt, làm phí hoài công sức của thầy, của anh Ngọc Tưởng. Rồi em lại tự nhủ là phải làm tốt hơn, giỏi hơn chứ nước mắt chả giúp ít cho mình. Em phấn chấn hơn cho ngày quay kế tiếp, vì em biết mình còn phải học hỏi nhiều, nhiều lắm!
Theo Tuấn Công – Vũ Hoàng Nam/Bestlife.net.vn