Khoa học công nghệNghiên cứu trao đổi

Ông Hồ Minh Sơn – Viện trưởng Viện IMRIC: Đổi mới sáng tạo là động lực, thúc đẩy năng suất, tăng trưởng kinh tế

(HNTT) – Tăng cường hấp thụ, phổ biến công nghệ và nâng cao chất  lượng nguồn nhân lực là chìa khóa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững ở Việt Nam. Trong bối cảnh CMCN 4.0 phát triển một cáchmạnh mẽ, công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ sớm giải phóng để tạo ra sự bùng nổ về năng suất và tăng trưởng kinh tế cao hơn.

Có thể thấy, trong những thập niên gần đây, nước ta chứng kiến sự phát triển nhanh của khoa học kỹ thuật, nhất là trên các lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới… đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng suất lao động, góp phần gia tăng hiệu quả sản xuất. 

Nhìn lại những thành tựu của những năm gần đây thì khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đã đóng góp quan trọng, toàn diện trong phát triển kinh tế – xã hội. Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng tăng từ 33,6% giai đoạn 2011 – 2015 lên 45,2% giai đoạn 2016 – 2020, tính chung 10 năm 2011 – 2020 đạt 39,0% (vượt mục tiêu 35%). Tỉ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị hàng hoá tăng từ 19% năm 2010 lên khoảng 50% năm 2020. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu – GII tăng 17 bậc trong giai đoạn 2016 – 2020, đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á, đứng đầu trong số các quốc gia ở mức thu nhập trung bình thấp.

Chia sẻ về điều này, ThS. Hồ Minh Sơn – Viện trưởng Viện Chiến lược Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) cho rằng cuộc CMCN 4.0 với sự ra đời của công nghệ mới và những sáng tạo có tầm bao phủ rộng đang lan tỏa nhanh chóng và rộng rãi hơn nhiều so với các cuộc cách mạng trước đó. Vì vậy, công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ sớm giải phóng để tạo ra sự bùng nổ về năng suất và tăng trưởng kinh tế cao hơn. Quy luật cạnh tranh của nền kinh tế trong CMCN 4.0 sẽ khác với các thời kỳ trước. Để có được lợi thế cạnh tranh, quốc gia phải đi đầu trong đổi mới sáng tạo.

Mới đây, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã công bố báo cáo về Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu GII cho thấy, năm 2020 Việt Nam đứng thứ 42 trên 131 quốc gia/nền kinh tế, đứng thứ 3 trong khối ASEAN (chỉ sau Singapore và Malaysia). Thứ hạng này đã cải thiện 20 bậc so với xếp hạng năm 2016 và đưa Việt Nam vươn lên xếp thứ nhất trong nhóm 26 quốc gia thu nhập trung bình thấp.

Đồng thời, Việt Nam đã nỗ lực rất nhiều để chuyển đổi hệ thống đổi mới sáng tạo, tìm kiếm con đường tăng trưởng và phát triển bền vững so với quá trình thực hiện cải cách từ những năm 90 của thế kỷ trước. Vì vậy, Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam giai đoạn 2011-2020 đã nhấn mạnh tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo và KH&CN.

Theo ThS. Hồ Minh Sơn – Viện trưởng Viện Chiến lược Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC), nhấn mạnh: “Đổi mới và sáng tạo công nghệ là chìa khóa để Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh, bền vững và đi tắt đón đầu trong giai đoạn phát triển tiếp theo. Nước ta cần sự lãnh đạo quyết liệt cùng thể chế mạnh để nắm bắt những cơ hội này và tháo gỡ những nút thắt để tiếp tục phát triển kinh tế. Về dài hạn, đầu tư cho R&D sẽ dẫn đến việc tích lũy các phát minh sẵn sàng ứng dụng và đưa vào sản xuất, dẫn đến việc tăng năng suất, hay tăng TFP nói riêng. Số lượng các công nghệ chưa được áp dụng ngày càng tăng cũng kích thích sự gia tăng của các hoạt động ứng dụng, đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất và từ đó kích thích các hoạt động sản xuất mới”.

Trong đó, chiến lược nêu rõ “Hướng trọng tâm hoạt động khoa học, công nghệ vào phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển theo chiều sâu góp phần tăng nhanh năng suất, chất lượng, hiệu quả và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Cụ thể, các nhiệm vụ đồng bộ thực hiện: nâng cao năng lực, đổi mới cơ chế quản lý, đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, tăng cường hội nhập quốc tế về khoa học, công nghệ”.

Trải qua một thập kỷ thực hiện Chiến lược, các chỉ tiêu đầu vào của nghiên cứu và phát triển như số lượng các bài báo khoa học, số bằng sáng chế đã được cải thiện. Năng lực đổi mới, bên cạnh việc tích lũy kiến thức từ các nghiên cứu và hoạt động sáng chế, còn thể hiện năng lực của một quốc gia khuyến khích sự sáng tạo, sự tương tác và hợp tác giữa các cá nhân và tổ chức, khả năng thương mại hóa các sản phẩm mới. Tuy nhiên, về năng lực cho đổi mới đã được cải thiện nhiều, nhưng các chỉ số vẫn cần được tiếp tục cải thiện để đổi mới, sáng tạo trở thành động lực cho phát triển kinh tế trong giai đoạn tới theo đúng chủ trương đổi mới mô hình tăng trưởng của Việt Nam.

Khẳng định rằng, với sự nỗ lực mở cửa nền kinh tế và thu hút đầu tư nước ngoài, chúng ta đã thành công trong việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ các ngành công nghiệp giá trị gia tăng thấp như dệt may sang các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao như điện tử và viễn thông, công nghiệp chế biến chế tạo. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế đã góp phần cải thiện năng suất trên cả nước, đồng thời cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp nội địa hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu và mở rộng thị trường.

Điển hình, chiến lược công nghiệp hóa hướng vào thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài đã thúc đẩy hoạt động xuất khẩu tăng trưởng đáng kể. Trong đó, có tổng kim ngạch xuất khẩu tăng từ 14,4 tỷ USD năm 2000 lên 264,2 tỷ USD năm 2019, chiếm 1,2% tổng kim ngạch xuất khẩu của thế giới.

Mặt khác, hoạt động xuất khẩu bị chi phối bởi các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Theođó, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp FDI vượt qua doanh nghiệp nội địa, khoảng cách này ngày càng mở rộng cho thấy sự phụ thuộc ngày càng lớn vào các doanh nghiệp FDI, trong xuất khẩu chủ yếu ở ngành công nghiệp chế biến chế tạo.

Theo tính toán của Viện Năng suất Việt Nam năm 2019 thì khoảng cách về năng suất lao động giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa của Việt Nam là trên 30%. Khoảng cách này liên quan đến quyền sở hữu cũng như trình độ công nghệ. Đây cũng là hạn chế đối với vấn đề tăng trưởng trong tương lai của Việt Nam.

Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị đưa ra tầm nhìn đến năm 2045 Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh, trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thuộc nhóm dẫn đầu khu vực châu Á; có năng suất lao động cao, có đủ năng lực làm chủ và áp dụng công nghệ hiện đại trong tất cả các lĩnh vực kinh tế – xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh.

Cũng theo ThS. Hồ Minh Sơn – Viện trưởng Viện Chiến lược Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) chia sẻ: Việt Nam là một quốc gia có tăng trưởng NSLĐ cao nhất ở khối ASEAN…Đồng thời, là một trong những nước có tốc độ tăng năng suất cao ở Châu Á. Có thể thấy, khoảng cách về năng suất giữa Singapore và Việt Nam đã giảm đáng kể, từ mức cao gấp 21 lần vào năm 1990, khoảng cách hiện tại là 11,3 lần. Những nỗ lực này đã giảm khoảng cách về năng suất của Việt Nam so với các nước phát triển trên thế giới.

Hiện nay, có khoảng gần 40 nước trên thế giới đang ở giai đoạn nền kinh tế hướng vào đổi mới, trong đó có 4 nước/vùng lãnh thổ châu Á gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Singapore. Nâng cao năng suất dựa trên khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo sẽ thúc đẩy phát triển nền kinh tế của Việt Nam chuyển sang hướng nền kinh tế đổi mới. Để làm được điều này, Việt Nam cần chú ý một số biện pháp cốt lõi.

Một là, cần xây dựng kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất lao động dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Trong đó, chú trọng sự liên kết bộ, ngành, địa phương và các thành phần kinh tế nhằm xây dựng các chương trình nâng cao năng suất, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo xuyên suốt.

Tính đến thời điểm hiện tại, được sự quan tâm của Chính phủ, nhiều chương trình KH&CN, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy năng suất đã được triển khai thực hiện ở các bộ, ngành, nhưng các hoạt động tương đối độc lập, thiếu sự liên kết. Để thực hiện hiệu quả các chính sách, sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương và các thành phần kinh tế là rất quan trọng. Cùng với đó, đổi mới sáng tạo vừa là chìa khóa quan trọng tăng năng suất lao động trong nội tại nền kinh tế, vừa là yếu tố nền tảng quyết định năng lực của một quốc gia trong việc nâng cao chất lượng đời sống của người dân. Vì lẽ đó, các chính sách thúc đẩy năng suất trong giai đoạn mới cần tác động toàn diện, tích cực và đồng bộ tới hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, gồm chính sách đối với các viện nghiên cứu, trường đại học thúc đẩy hoạt động nghiên cứu tạo ra tri thức, công nghệ và chính sách đối với các doanh nghiệp để doanh nghiệp thực sự phát huy vị trí trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo, phát huy vai trò trụ đỡ của nền kinh tế.

Hai là, xây dựng chính sách khuyến khích doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất. Để nâng cấp vị thế quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu, bắt buộc phải có hàng loạt công ty đổi mới sáng tạo quan trọng chứ không nhất thiết là các công ty mới khởi nghiệp trong các ngành công nghệ cao như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ nano. Các doanh nghiệp nhà nước truyền thống, doanh nghiệp nhỏ và vừa, cần được nâng cấp để trở thành các công ty đổi mới, sáng tạo.

Bên cạnh đó, để hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam có thể cạnh tranh, hội nhập trong bối cảnh toàn cầu hóa, doanh nghiệp cần phải triển khai các hoạt động nghiên cứu phát triển, đưa doanh nghiệp trở thành trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia. Mỗi loại hình doanh nghiệp cần có những chính sách, biện pháp phù hợp để thúc đẩy hoạt động KH&CN, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp.

Ba là, nâng cao năng lực hấp thụ tiến bộ công nghệ. Ở Việt Nam, doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm đến 98% tổng số doanh nghiệp cả nước, trong đó doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm 74%. Các doanh nghiệp quy mô nhỏ thường thiếu và yếu trong công tác đào tạo, tập huấn người lao động, cũng như hệ thống quản trị để có thể vận hành được công nghệ mới, hiện đại. Vì vậy, cần có một số hỗ trợ mang tính nền tảng cho việc hấp thụ công nghệ ở các doanh nghiệp.

Đặc biệt, việc truyền thông được ý nghĩa của việc nâng cao năng suất, tạo nhận thức trong cộng đồng về năng suất. Tuy nhiên, cần xây dựng được cơ chế gắn kết các chương trình hỗ trợ khác nhau, ví dụ, khi doanh nghiệp nhận được các chương trình hỗ trợ đổi mới công nghệ thì cần đi kèm với các chương trình đổi mới hệ thống quản trị hoặc các chương trình đào tạo kỹ thuật.

Văn Hải – Trần Danh

Bài viết liên quan

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button