Hàng loạt cổ phiếu vượt đỉnh lịch sử cùng thị trường
(HNTT) – Các sàn niêm yết ghi nhận 72 mã cổ phiếu đứng tại vùng đỉnh lịch sử khi VN-Index thiết lập mức cao nhất vào thời điểm cuối tháng 10.
Trong những phiên cuối tháng 10 vừa qua, thị trường chứng khoán đã gây bất ngờ khi liên tiếp phá đỉnh mới và thiết lập mức kỷ lục hơn 1.444 điểm. Qua đó ghi nhận mức tăng 7,6% so với tháng trước và tăng gần 31% so với đầu năm.
Thanh khoản cổ phiếu tại HoSE cũng quay trở lại mức rất cao với giá trị và khối lượng bình quân phiên lần lượt đạt 22.139 tỷ đồng và 729 triệu cổ phiếu, tương ứng tăng 5,9% về giá trị và tăng 2,7% về khối lượng so với tháng trước.
Tại thời điểm cuối tháng, sàn HoSE có 532 mã chứng khoán đang niêm yết với giá trị vốn hóa đạt mức kỷ lục 5,6 triệu tỷ đồng, tăng hơn 37% so với đầu năm và tương đương 89% GDP. Tương tự quy mô niêm yết của HNX đạt mức 406.648 tỷ đồng, tăng 95% so với đầu năm và có 343 mã đang giao dịch.
Hàng loạt mã lập đỉnh mới
Đà bứt phá của VN-Index có sự đóng góp tích cực của rất nhiều mã chứng khoán, trong đó một số cổ phiếu cũng tăng vượt trội và đứng ở vùng đỉnh lịch sử của từng mã.
Thống kê trên cả 2 sàn niêm yết HoSE và HNX đến cuối tháng 10, thị trường ghi nhận có khoảng 72 cổ phiếu đang đứng ở mức giá cao nhất mọi thời đại. Trong đó có riêng 8 mã lập đỉnh với quy mô niêm yết lớn hơn 10.000 tỷ đồng.
Trong đó sàn niêm yết HoSE có 45 mã chứng khoán đạt đỉnh lịch sử cùng với VN-Index. Xét về vốn hóa, TPB của ngân hàng TPBank đang là cổ phiếu có quy mô niêm yết lớn nhất vượt đỉnh với giá trị vốn hóa hơn 52.000 tỷ đồng.
Cổ phiếu ngân hàng này tính từ đầu năm đã tăng giá hơn 67% để đạt đỉnh 44.850 đồng/cổ phiếu. Thanh khoản mã này cũng bùng nổ gần đây với lượng khớp lệnh bình quân đạt 5,2 triệu đơn vị mỗi phiên, gấp gần 6 lần năm ngoái.
Đà tăng diễn ra trong bối cảnh TPBank công bố lãi sau thuế 9 tháng đầu năm tăng trưởng mạnh 45% lên 3.515 tỷ đồng. Đồng thời ngân hàng đang lấy ý kiến cổ đông thông qua phương án phát hành hơn 410 triệu cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu, tương đương tỷ lệ thưởng cổ phiếu 35%.
Hai vị trí có vốn hóa lớn tiếp theo cũng đang đạt đỉnh là KDH của Nhà Khang Điền và DIG của DIC Corp, đây đều là những công ty bất động sản. Trong đó thị giá KDH tăng gần 92% và DIG tăng 137% so với đầu năm.
Xét về thị giá, giao dịch đắt đỏ nhất là mã HDC của Công ty Phát triển Nhà Bà Rịa Vũng Tàu (Hodeco) với giá trị 106.600 đồng/cổ phiếu, tương ứng tăng hơn 260% kể từ đầu năm. Giá trị vốn hóa theo đó đạt hơn 9.000 tỷ đồng.
Trên sàn niêm yết HNX, thị trường cũng ghi nhận có 27 mã chứng khoán giao dịch tại vùng đỉnh vào cuối tháng 10. Trong số này, THD của Thaiholdings là mã chứng khoán có thị giá cao nhất và cũng là đơn vị có quy mô niêm yết lớn nhất với gần 82.000 tỷ đồng.
Thị giá THD vào khoảng 234.000 đồng cho mỗi cổ phiếu, tức cao gấp đôi nếu tính từ đầu năm. Mã này tăng chủ yếu trong 2 tháng đầu năm, sau đó đi ngang tích lũy và tăng vượt đỉnh trong tháng vừa qua. Đà tăng được sự hỗ trợ từ kết quả lợi nhuận lũy kế tăng mạnh 568% lên 475 tỷ đồng.
Nhóm vốn hóa lớn phân hóa
Đối với rổ cổ phiếu có vốn hóa lớn, nhóm VN30 ghi nhận sự phân hóa tương đối rõ. Trong đó chỉ có hai mã cùng vượt đỉnh là TPB và KDH như liệt kê.
Một số mã khác cũng bứt phá để giao dịch ngay sát vùng đỉnh lịch sử. Đáng kể nhất là GAS của Tổng công ty khí PV Gas khi chốt phiên cuối tháng giảm nhẹ về 124.500 đồng/cổ phiếu, chỉ thấp hơn đỉnh lịch sử125.000 đồng vừa lập trong phiên trước đó.
Cổ phiếu GAS ghi nhận mức tăng đến 48% trong 10 tháng đầu năm, đặc biệt là sự bứt phá gần đây nhờhưởng lợi từ thông tin giá khí đốt thế giới tăng cao. Mã này liên tục nằm trong top có đóng góp tích cực nhất cho chỉ số chung gần đây.
Diễn biến tương tự cũng xảy ra với MSN của Masan khi kết phiên cuối tháng ở mức 150.900 đồng/cổ phiếu, chỉ thấp hơn mức đỉnh lịch sử vừa lập ở ngay phiên liền trước. Thị giá MSN đã tăng khoảng 71% so với đầu năm.
Một số mã khác cũng giao dịch ngay sát vùng đỉnh lịch sử và đóng góp tích cực cho chỉ số có thể kể đến nhưMWG của Đầu tư Thế Giới Di Động, FPT, GVR của Tập đoàn Công nghiệp Cao su, HPG của Hòa Phát hay PDR của Phát Đạt…
Nhóm vốn hóa lớn phân hóa mạnh dù VN-Index phá đỉnh lịch sử. Đồ thị: TradingView.
Ngược lại cũng có nhiều cổ phiếu lớn khác lại giảm đi đáng kể so với thị trường chung. Phần lớn cổ phiếu ngân hàng như VCB, VPB, STB, TCB, MBB, HDB, CTG, BID và ACB đều có chiều hướng đi xuống trong các tháng vừa qua và tác động tiêu cực lên chỉ số.
Nhóm cổ phiếu Vingroup cũng là tác nhân kìm hãm đà tăng chung, các mã VIC, VRE hay cả VHM trong một vài phiên gần đây diễn biến tích cực nhưng đều ở mức giảm sâu so với vùng đỉnh lịch sử.
Ngoài ra còn phải kể đến SAB của Sabeco liên tục lao dốc khi mất khoảng 17% giá trị từ đầu năm, VNM của Vinamilk giảm tương ứng hơn 13%, BVH của Bảo Việt cũng chưa thể quay về mức đầu năm…
Theo Huy Lê/zingnews.vn