Nghiên cứu trao đổi

Nâng tầm kỹ năng lao động – chiến lược cần ưu tiên trong bối cảnh dịch Covid-19

(HNTT) – Kỹ năng lao động đóng vai trò quan trọng, góp phần tăng năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhất là trong bối cảnh phát triển nhanh chóng của công nghệ, số hóa, tự động hóa, toàn cầu hóa hiện nay… Nhân Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam 4/10 năm nay, Thứ trưởng Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng có một số chia sẻ về chủ đề này.

Giờ học ứng dụng công nghệ tại Trường cao đẳng Cơ điện Hà Nội.

Phóng viên: Xin ông có thể cho biết sự cần thiết của kỹ năng lao động trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt là trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19?

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng: Kỹ năng lao động luôn có vai trò rất quan trọng, góp phần tăng năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhất là trong bối cảnh phát triển nhanh chóng của công nghệ, số hóa, tự động hóa, toàn cầu hóa đã tác động sâu sắc đến mô hình phát triển của các quốc gia, thúc đẩy nhu cầu nâng cao kỹ năng lao động trên toàn thế giới.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động nặng nề lên nhiều mặt của đời sống kinh tế – xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã phối hợp các bộ, ngành tham mưu Quốc hội và Chính phủ có nhiều chính sách và ưu tiên nguồn lực để hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động. Trong đó, có chính sách hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại nhằm nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phục hồi sản xuất, tạo việc làm cho người lao động, chống đứt gãy chuỗi cung ứng lao động và để thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Cụ thể như: Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 (gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng); Nghị quyết 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 Về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (gói hỗ trợ 38 nghìn tỷ đồng); Quyết định số 1446/QĐ-TTg ngày 30/8/2021 phê duyệt Chương trình “Đào tạo, đào tạo lại nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.

Trước đó ngày 28/5/2020, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Chỉ thị số 24/CT-TTg về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới…

Nhân dịp Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam 4/10 năm nay, Chủ tịch nước có thư gửi tới toàn thể người lao động và các cơ quan, tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp trong cả nước để biểu dương và tri ân những đóng góp lớn lao cho phát triển kinh tế – xã hội của đất nước trong thời gian qua; đồng thời kêu gọi chúng ta còn cần nỗ lực hơn nữa để cùng chung tay vượt qua đại dịch Covid-19 và đồng hành nâng tầm kỹ năng lao động, để đất nước ta chiến thắng dịch bệnh và phát triển thịnh vượng trong thời gian tới.

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng (Ảnh: Molisa.)

Phóng viên: Vậy ông đánh giá thế nào về tình hình nhân lực có kỹ năng nghề của Việt Nam hiện nay?

Năm 2020, giáo dục nghề nghiệp:

– Tuyển sinh khoảng 2,28 triệu người; Tốt nghiệp theo các trình độ đào tạo khoảng 2,19 triệu người

– Cả nước: 1.911 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, với 686 cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục và có vốn đầu tư nước ngoài (≈35,8%)

– Giai đoạn 2016-2020: Tuyển sinh đạt khoảng 11,1 triệu người. Tốt nghiệp theo các trình độ đào tạo khoảng 10,2 triệu người.

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng: Trong những năm qua, việc đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn bị nhân lực có kỹ năng nghề được Đảng, Nhà nước rất quan tâm và đã có nhiều chuyển biến tích cực về nhận thức, quy mô tuyển sinh, chất lượng và hiệu quả đào tạo.

Hệ thống các quy định pháp luật về giáo dục nghề nghiệp từng bước được hoàn thiện. Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp phát triển rộng khắp, đa dạng về loại hình và trình độ đào tạo; chất lượng được tăng cường. Đã xuất hiện ngày càng nhiều mô hình đào tạo chất lượng cao, đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Đánh giá về tình hình phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn vừa qua, Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng nhận định, giáo dục nghề nghiệp có nhiều chuyển biến, qua đó đóng góp tích cực vào xây dựng con người, phát triển nguồn nhân lực…

Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, quy mô, cơ cấu và chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu nhân lực trực tiếp cho phát triển kinh tế – xã hội của một quốc gia gần 100 triệu dân, 55 triệu lao động đang trong giai đoạn dân số vàng, nhất là trong bối cảnh do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, xu hướng tự động hóa, điện tử hóa, số hóa, tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế…

Phóng viên: Ông có thể cho biết quan điểm, định hướng về phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng của Việt Nam trong thời gian tới?

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng: Mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội trong từng giai đoạn sẽ quyết định tới nhu cầu về số lượng, cơ cấu, chất lượng nhân lực cho thị trường lao động.

Đảng ta xác định một trong những nội dung đột phá chiến lược là tiếp tục phát triển toàn diện nguồn nhân lực; chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao; đẩy nhanh thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, trọng tâm là hiện đại hóa và thay đổi phương thức giáo dục, đào tạo, nhất là giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp.

Hiện nay, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang thực hiện chỉ đạo của Chính phủ xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp và Đề án “Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam”, trong đó cũng một số quan điểm, định hướng phát triển lực lượng lao động có kỹ năng. Cụ thể là:

Lực lượng lao động có chất lượng, kỹ năng và hiệu quả cao là nguồn tài nguyên vô giá, là nhân tố quyết định sự phát triển của mỗi quốc gia. Trong bối cảnh hiện nay, khi đại dịch Covid-19 đang diễn biến và thế giới cũng đã xác định sống chung với Covid-19, vai trò nâng tầm kỹ năng lao động là một chiến lược cần ưu tiên để nhanh chóng khôi phục lại thị trường lao động, bảo đảm chuỗi cung ứng lao động không bị đứt gãy và chuẩn bị cho công cuộc phục hồi nền kinh tế sau Covid-19.

Các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức có liên quan ưu tiên nguồn lực, cơ chế chính sách và hành động quyết liệt để đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng, tay nghề cao, phổ cập nghề cho thanh niên.

Phát triển kỹ năng lao động là quá trình được hình thành trong học tập, lao động và cuộc sống. Do vậy, thay vì tư duy đào tạo một lần để làm việc suốt đời, chúng ta cần thay đổi chuyển từ đào tạo một lần sang học tập thường xuyên, học tập suốt đời để không ngừng nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp. Đào tạo, đào tạo lại để thích ứng với thế giới việc làm đang đổi thay là hết sức quan trọng. Mọi người lao động phải không ngừng học tập, rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp, liên tục sáng tạo để cải thiện năng suất và nâng cao hiệu quả lao động trong công việc.

Bên cạnh đó, một vấn đề hết sức quan trọng là nâng tầm kỹ năng lao động không phải là nhiệm vụ riêng của một ai, mà là của toàn Đảng, toàn dân, toàn xã hội. Cộng đồng doanh nghiệp và người sử dụng lao động cũng cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để triển khai kịp thời, hiệu quả các chính sách hỗ trợ đào tạo nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động, đặc biệt là chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Tôi cho rằng, với sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự đồng hành của các cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động và nhất là phát huy phẩm chất quý báu của người Việt Nam luôn có ý chí khắc phục khó khăn để vươn lên trong học tập, lao động và sản xuất sẽ nâng tầm kỹ năng lao động, đóng góp thiết thực, hiệu quả để đất nước ta chiến thắng dịch bệnh và phát triển thịnh vượng trong thời gian tới.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Từ năm 2020, Ngày 4/10 hằng năm là “Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam” để tôn vinh và lan tỏa giá trị của lao động có kỹ năng nghề, phát triển giáo dục nghề nghiệp nhằm:

– kêu gọi cộng đồng trong nước hưởng ứng và ủng hộ phát triển kỹ năng lao động bằng các hành động cụ thể để nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam, góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia.

– khích lệ tinh thần học tập, rèn luyện suốt đời để nâng cao kỹ năng, trình độ của học sinh, sinh viên và người lao động; tôn vinh và khẳng định vị thế, tầm quan trọng của người lao động có kỹ năng, nhất là người lao động có tay nghề cao, kỹ năng nghề nghiệp xuất sắc.

– thúc đẩy sự đồng hành, gắn kết của Nhà nước – Nhà trường – Nhà doanh nghiệp và toàn xã hội trong phát triển kỹ năng cho người lao động thích ứng với bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

Theo Ngân Anh/nhandan.vn

Bài viết liên quan

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button