Doanh nghiệpQuốc tế

Hơn 80 doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh Bình Phước

(HNTTO) – Mới đây, hơn 80 doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) đã có dịp tìm hiểu về nhiều cơ hội đầu tư tại tỉnh Bình Phước.

Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Phước, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và du lịch của tỉnh này đã phối hợp với Tổng Công ty Becamex IDC và một số sở, ban, ngành có liên quan tổ chức Hội thảo trực tuyến xúc tiến đầu tư Đài Loan.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền; ông Hàn Quốc Diệu – Chủ nhiệm Văn phòng Kinh tế văn hóa Đài Bắc tại Thành phố Hồ Chí Minh; ông Hồ Kiến Vĩ – Phó Hội trưởng Hiệp hội Thương gia Đài Loan tại Bình Dương cùng hàng chục lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh Bình Phước đã đến dự Hội thảo.

Toàn cảnh điểm cầu tại tỉnh Bình Phước

Trên thực tế, Việt Nam và Đài Loan (Trung Quốc) đã xây dựng và duy trì mối quan hệ song phương chặt chẽ trên nhiều phương diện từ đầu tư, thương mại và văn hóa – du lịch; những năm gần đây đã phát triển mạnh đem lại nguồn thu to lớn cho hai nền kinh tế. Năm 2021, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 9, thị trường xuất khẩu lớn thứ 7 và là đối tác cung ứng hàng hóa lớn thứ 10 của Đài Loan(Trung Quốc).

Tính đến nay, Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia và vùng lãnh thổ mà doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) đầu tư ra nước ngoài nhiều nhất; Đài Loan (Trung Quốc) là đối tác đầu tư nước ngoài (FDI) lớn thứ 4 của Việt Nam với 2.878 dự án, với tổng vốn đầu tư 36 tỷ 045 triệu USD. Nhiều dự án lớn của nhà đầu tư Đài Loan (Trung Quốc) đã hoàn thành và đưa vào khai thác rất hiệu quả, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam.

Các đại biểu ở các điểm cầu tại Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Phước

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền nhấn mạnh tỉnh này và Tổng Công ty Becamex IDC luôn hoan nghênh, chào đón và đánh giá cao tiềm năng của các nhà đầu tư Đài Loan (Trung Quốc), đồng thời mong muốn các tập đoàn lớn, cũng như các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Đài Loan (Trung Quốc) đầu tư nhiều hơn nữa vào Bình Phước với những lĩnh vực mà tỉnh quan tâm.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền: Bình Phước và Tổng Công ty Becamex IDC luôn hoan nghênh, chào đón các nhà đầu tư xứ Đài.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Huỳnh Anh Minh cho biết: Trong những năm gần đây, tỉnh Bình Phước luôn tích cực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật hiện đại và đồng bộ, xây dựng hệ thống giao thông kết nối nội vùng và liên vùng tương đối hoàn thiện.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Huỳnh Anh Minh: Bình Phước luôn tích cực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật hiện đại và đồng bộ, xây dựng hệ thống giao thông kết nối nội vùng và liên vùng tương đối hoàn thiện.

Để hiện đại hóa hệ thống hạ tầng giao thông, làm cơ sở để tiếp tục đón tiếp các nhà đầu tư nước ngoài, tỉnh Bình Phước đã kiến nghị và được Thủ tướng Chính phủ thống nhất chủ trương cho triển khai một số dự án giao thông trọng điểm như: Dự án đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành; đường cao tốc Đắk Nông – Bình Phước và một số tuyến đường kết nối giao thông liên vùng – các dự án dự kiến sẽ hoàn thành trong giai đoạn 2021 – 2025.

Tham dự sự kiện này, ông Trương Văn Trung – Trưởng Phòng Kinh tế, Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng quan hệ giữa Đài Loan và Việt Nam ngày càng phát triển trên nhiều lĩnh vực. Trong 7 tháng đầu năm, giao thương giữa Việt Nam – Đài Loan (Trung Quốc) đạt 17,1 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2021. Ông Trương Văn Trung đề xuất tỉnh Bình Phước tiếp tục tạo các cơ chế, chính sách thoáng, mở để ngày càng thu hút nhiều dự án đầu tư của các doanh nghiệp xứ Đài.

Chia sẻ tại Hội thảo, ông Tào Diệu Văn – Giám đốc Kinh doanh cấp cao của Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam khẳng định Việt Nam là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư Đài Loan (Trung Quốc). Chính phủ Việt Nam có nhiều chính sách ưu đãi về thuế cho các nhà đầu tư nước ngoài. Việt Nam đang ở thời kỳ “dân số vàng” nên có thể cung ứng nguồn lao động dồi dào cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Theo ông Tào Diệu Văn, Việt Nam đã sử dụng các hiệp định thương mại tự do như một công cụ để đảm bảo sức mạnh kinh tế và an ninh tài chính. Ngay cả khi dịch bệnh bùng phát, các hiệp định thương mại tự do đã được ký kết sẽ là bệ phóng để Việt Nam gia tăng số lượng và chất lượng hoạt động thương mại và đầu tư, đa dạng hóa đối tác và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Lãnh đạo tỉnh Bình Phước chụp hình lưu niệm cùng các đại biểu tham dự Hội thảo.

Đến nay, tỉnh Bình Phước đã thu hút được 364 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư gần 3,5 tỷ USD, trong đó có 34 dự án của các nhà đầu tư Đài Loan (Trung Quốc) với tổng vốn đầu tư là 201 triệu đô la Mỹ, lĩnh vực đầu tư chủ yếu là dệt nhuộm; sản xuất kệ gỗ, kệ tre, kệ sắt; bàn, ghế ăn, giường ngủ, các loại khung…

Tỉnh Bình Phước hiện có 13 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 6.000 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 53,5%. Trong đó, 11 khu công nghiệp đã thu hút được nhà đầu tư thứ cấp. Nhiều cụm công nghiệp đã được quy hoạch, triển khai xây dựng và đi vào hoạt động như những vệ tinh phụ trợ cho các khu công nghiệp.

Nổi bật trong các khu công nghiệp tại Bình Phước là Khu liên hợp Công nghiệp và Đô thị Becamex – Bình Phước tại huyện Chơn Thành có tổng diện tích 2.450 ha. Sắp tới đây, Bình Phước tiếp tục phát triển khu công nghiệp và dân cư Đồng Phú với quy mô hàng nghìn ha. Đây là các khu công nghiệp được xây dựng với quy mô lớn và hiện đại, điều kiện hạ tầng rất thuận lợi cho các nhà đầu tư. Những khu công nghiệp này được kỳ vọng sẽ tạo nên những bước đột phá phát triển ngành công nghiệp của tỉnh trong thời gian tới.

Khu công nghiệp Becamex Bình Phước thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Tại Hội thảo lần này, đại diện Tổng công ty Becamex IDC đã thuyết trình về tiềm năng, cơ hội đầu tư nước ngoài tại Bình Phước và Khu công nghiệp Becamex – Bình Phước.

Đồng thời, lãnh đạo tỉnh Bình Phước đã tích cực kêu gọi các nhà đầu tư Đài Loan (Trung Quốc) đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, thân thiện với môi trường, ít thâm dụng lao động, tạo ra giá trị gia tăng cao; dịch vụ tài chính, logistics; các ngành công nghiệp phụ trợ, nông nghiệp công nghệ cao như: chế biến gỗ, đồ gỗ nội thất; chế biến thực phẩm; chế biến hàng hóa từ mủ cao su; công nghiệp điện tử, sản xuất linh phụ kiện điện tử; công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí chế tạo máy móc thiết bị trong lĩnh vực công nông nghiệp…

Dịp này, các doanh nghiệp xứ Đài đã đặt các câu hỏi với phía Bình Phước và được giải đáp thỏa đáng về các chính sách về ưu đãi thuế và xây dựng kho hàng; các thủ tục xin giấy phép đầu tư mới; các vấn đề về hệ thống hạ tầng giao thông kết nối từ Bình Phước với TP. Hồ Chí Minh, cung cấp điện, cung ứng lao động, đào tạo nguồn lực chất lượng cao và tiếp doanh nghiệp định kỳ…

(Bài xuất bản tập san in Thương trường và Doanh nghiệp số T10/2022 thuộc Viện IMRIC)

Thắng Trân – Thanh Việt

Bài viết liên quan

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button