Nghiên cứu trao đổiTiền số

Ông Hồ Minh Sơn – Chủ tịch HĐQL Viện IRLPIE, Viện trưởng Viện IMRIC: Biện pháp chế tài như thế nào về tội phạm tiền ảo?

(HNTTO) – Hiện nay, khi khoa học công nghệ mang tính đột phá, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt ra nhiều vấn đề pháp lý mới, trong đó có vấn đề tiền ảo. Theo Luật gia – Nhà báo Hồ Minh Sơn – Chủ tịch HĐQL Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập (IRLPIE), Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC), đại diện Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống phía Nam cho rằng, có thể công nhận tiền ảo, tài sản ảo là một loại tài sản và quản lý chặt chẽ, để tránh sự biến tướng trong thời gian tới.

Đại biểu quốc hội Dương Quý Phước (đoàn Quảng Nam)

Ngày nay, khi sự phát triển của xã hội loài người luôn gắn liền với sự phát triển của khoa học, công nghệ và được đánh dấu bằng các cuộc cách mạng công nghiệp lớn. Các cuộc cách mạng công nghiệp này tạo ra nhiều thành tựu và mang lại nhiều lợi ích cho con người, giúp giải phóng sức lao động, nâng cao năng suất lao động và giá trị cuộc sống.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo ra nhiều sản phẩm mới, nhiều hình thức giao dịch mới, phương thức thanh toán mới, các loại tài sản mới…Một trong những sáng tạo nổi bật của cuộc cách mạng này là sự ra đời của công nghệ chuỗi khối (Blockchain) và tiền ảo (hay còn gọi là tiền mã hóa – crypto currency).

Theo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) quy định về các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi rửa tiền; hợp tác quốc tế trong phòng, chống rửa tiền. Đây là Luật đang được lấy ý kiến từ các Đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhân dân, trong đó vấn đề “tiền ảo”, “tài sản ảo” nhận được nhiều ý kiến bàn luận.

Cụ thể, vào ngày 7/9/2022 vừa qua, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách. Tại đây, đại biểu Dương Quý Phước (đoàn Quảng Nam) cho biết: Tiền ảo, tài sản ảo với lợi thế dễ dàng trao đổi trên phạm vi toàn cầu đã trở thành kênh để tội phạm lợi dụng rửa tiền, tài trợ khủng bố.Theo đại biểu Dương Quý Phước, nhấn mạnh :”Tội phạm có thể dễ dàng chuyển đổi các khoản tiền thu được thông qua các loại hình bất hợp pháp thành tiền sạch. Chuyển vào các khoản tài trợ cho khủng bố thông qua việc mua bán đồng tiền ảo ở các quốc gia khác nhau”.

Trong khi đó, đã xuất hiện loại tội phạm liên quan đến tiền ảo trong thời gian gần đây. Điển hình, vào tháng 5/2022 đã xảy ra vụ cướp Bitcoin tổng giá trị hơn 37 tỷ đồng, được thực hiện bởi 16 bị can, vụ án bắt cóc gia đình doanh nhân trên cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây. Cpó thể thấy, đây làbài toán đặt ra với cơ quan quản lý Nhà nước trong việc nghiên cứu, quản lý xem tiền ảo, tài sản ảo là một loại tài sản.

Theo Luật gia – Nhà báo Hồ Minh Sơn, nhấn mạnh :“Để tránh sự biến tướng thì nghiên cứu quản lý được tiền ảo, đầu tiên có thể công nhận tiền ảo, tài sản ảo là một loại tài sản và loại tài sản này cần phải được quản lý chặt chẽ”. Qua đó, có thể thấy giá trị của tài sản ảo, có giá trị kinh tế và giá trị sử dụng vì nó đáp ứng các nhu cầu của con người. Điển hình, các trò chơi trực tuyến đáp ứng nhu cầu về giải trí; tên miền cung cấp một hình thức đại diện cho doanh nghiệp, cơ quan, thương hiệu, mua bán tác phẩm nghệ thuật trực tuyến…Điều này đều có thể thanh toán bằng tiền ảo trên không gian mạng.

Trước những diễn biến khó lường và những ảnh hưởng tiêu cực của các hoạt động liên quan đến tiền ảo tại Việt Nam, ngày 21/8/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1255/QĐ-TTg về phê duyệt đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo. Sau đó, vào ngày 11/4/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTg về tăng cường quản lý các hoạt động liên quan tới Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác. Chỉ thị đã đề cập đến những rủi ro và hệ luỵ của các hoạt động liên quan đến tiền ảo trong thời gian vừa qua như: Người chơi tiền ảo dễ gặp rủi ro; nguy cơ sử dụng tiền ảo cho hoạt động tội phạm (rửa tiền, tài trợ khủng bố, chuyển tiền bất hợp pháp, trốn thuế, lừa đảo…); hoạt động đầu tư, mua bán tiền ảo, huy động vốn qua phát hành tiền ảo (ICO). Đặc biệt, hoạt động sử dụng tiền ảo để huy động vốn theo phương thức đa cấp ngày càng diễn biến phức tạp, có nguy cơ ảnh hưởng đến sự ổn định của thị trường tài chính, trật tự an toàn xã hội và có thể gây rủi ro rất lớn đối với tổ chức, cá nhân tham gia.

Bitcoin đang là đồng tiền ảo có giá trị lớn nhất thế giới.

Luật gia – Nhà báo Hồ Minh Sơn cho rằng có rất nhiều định nghĩa và cách hiểu về tiền ảo. Thời gian qua, mặc dù thuật ngữ tiền ảo được sử dụng thông dụng, nhưng các thuật ngữ “tiền kỹ thuật số”, “tiền thay thế”, “tiền internet”, “tiền mã hóa” cũng được đề cập với nghĩa tương đương. Tuy nhiên, thực tế, tiền ảo có thể tồn tại dưới nhiều dạng như: Tiền ảo có chức năng là chứng khoán; tiền ảo có chức năng là phương tiện thanh toán; tiền ảo có chức năng là tiện ích để tiếp cận, sử dụng một dịch vụ nhất định…Điều này, dẫn đến nhiều sự nhầm lẫn trong thực tế khi cần có sự quản lý hoặc giải quyết của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến tiền ảo. Bên cạnh đó, khái niệm tiền ảo cũng rất dễ gây nhầm lẫn với khái niệm tiền điện tử (là hình thức điện tử của tiền pháp định). Qua đó, việc chưa có được một cách hiểu chính thức về tiền ảo trong các văn bản pháp luật có thể là một rào cản và khó khăn đặt ra khi xác định các vấn đề pháp lý liên quan đến tiền ảo cũng như giải quyết các tranh chấp hoặc các hoạt động liên quan đến tiền ảo trong thực tiễn.

Theo Điểm A, khoản 2, Điều 6 Luật Ngân hàng Nhà nước quy định về ngoại tệ, Bitcoin không được xem là ngoại tệ và cũng không là đối tượng của ngoại hối vì Bitcoin không phải đồng tiền của bất cứ một quốc gia nào.

Luật gia – Nhà báo Hồ Minh Sơn, cho hay: “Tiền ảo đang nằm trong “khoảng trống pháp lý” khi không bị pháp luật cấm nhưng cũng không được pháp luật thừa nhận. Cùng với đó, trong thời gian gần đây liên tiếp có những đường dây đánh bạc, rửa tiền quy mô lớn đều sử dụng tiền ảo là công cụ, phương thức chính. Điều này, có thể gia tăng tội phạm về vấn đề tài sản ảo, tiền ảo.”

Song song đó, các hoạt động liên quan đến tiền ảo vẫn đang nằm ngoài sự điều chỉnh của pháp luật, chưa chịu sự quản lý của cơ quan chức năng. Bởi, các quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền chưa có quy định cụ thể về tiền ảo.

Trong giao lưu dân sự, tài sản là đối tượng chủ yếu của các quan hệ giữa những chủ thể được pháp luật dân sự điều chỉnh. Theo Luật gia – Nhà báo Hồ Minh Sơn, đối chiếu với quy định của pháp luật dân sự hiện hành thì tiền ảo không được coi là tài sản hay hàng hoá, bởi lẽ: Theo Điều 105 Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định: “Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Tài sản bảo gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai”.

Như vậy, cần nghiên cứu thêm việc công nhận tiền ảo, tài sản ảo, bởi lẽ quyền luôn là xử sự được phép của chủ thể mang quyền được pháp luật công nhận và bảo vệ. Quyền tài sản là một loại tài sản vô hình, nên xét về lý luận, nếu có hành vi xâm phạm đến quyền tài sản thì không thể áp dụng phương thức “kiện đòi lại tài sản” hay “kiện vật quyền” như đối với vật, mà chỉ có thể áp dụng phương thức khác như kiện yêu cầu chấm dứt hành vi hoặc kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Thế nhưng, đối với tiền ảo thì đây hoàn toàn không phải là xử sự, bởi tiền ảo thực chất là một thuật toán (dãy số) trên nền tảng công nghệ Blockchain. Hơn nữa, khi bị chiếm đoạt, chủ thể bị xâm phạm mong muốn đòi lại số tiền ảo đó. DO đó, Luật gia – Nhà báo Hồ Minh Sơn cho rằng, tiền ảo hiện không phải là một loại tài sản được công nhận trong Bộ luật Dân sự năm 2015.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012, rửa tiền được hiểu là hành vi của tổ chức, cá nhân nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc của tài sản do phạm tội mà có, bao gồm cả hành vi được quy định trong Bộ luật Hình sự. Điểm a khoản 1 Điều 324 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định, hành vi được coi là phạm tội rửa tiền có thể là: “Tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào giao dịch tài chính, ngân hàng hoặc giao dịch khác nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có”, Luật gia – Nhà báo Hồ Minh Sơn viện dẫn luật để thông tin thêm.

Qua đó, các giao dịch khác không được xác định cụ thể là giao dịch gì nên có thể hiểu mọi giao dịch (ngoài giao dịch tài chính, ngân hàng) nhằm mục đích đã được xác định tại quy định trên đều là phạm tội rửa tiền. Tuy nhiên, động cơ của tội phạm này phải nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản do mình phạm tội mà có. Trong khi đó, tiền ảo lại chưa được công nhận là tiền hay tài sản, nên tuỳ từng trường hợp, chủ thể có thể bị xác định là phạm tội rửa tiền hoặc không. Ví dụ, một người nhận hối lộ bằng tiền ảo và sau đó thực hiện các hoạt động rửa số tiền này thì không phạm tội; nhưng một người nhận hối lộ bằng tiền thật sau đó đổi sang tiền ảo rồi và thực hiện các hoạt động rửa tiền khác thì lại có thể phạm tội rửa tiền.

Theo Điều 324 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Các nhân là người phạm tội có thể phải chịu mức hình phạt tù lên đến 15 năm. Đồng thời, có thể bị phạt tiền lên đến 100 triệu đồng, bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Trường hợp pháp nhân thương mại phạm tội này thì có thể bị phạt tiền lên đến 5 tỷ đồng. Theo quy định tại khoản 1 Điều 300 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), người nào huy động, hỗ trợ tiền, tài sản dưới bất kỳ hình thức nào cho tổ chức, cá nhân khủng bố, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm, Luật gia – Nhà báo Hồ Minh Sơn chia sẻ thêm.

Như vậy, hành vi tài trợ khủng bố có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Bộ luật Hình sự không giới hạn hình thức tài trợ khủng bố mà chỉ quan tâm đến việc hành vi đó có nhằm huy động, hỗ trợ, tiền, tài sản cho tổ chức, cá nhân khủng bố hay không. Đối tượng tài trợ theo Điều luật này cũng phải là tiền hoặc tài sản. Quy định đã cho thấy, sự ra đời và tồn tại tiền ảo đã gây lúng túng trong việc xác định rất nhiều hậu quả pháp lý của các hành vi liên quan đến tiền ảo, trong đó có việc xác định tội phạm tài trợ khủng bố. Trên thực tế, các tổ chức quốc tế và nhiều quốc gia rất chú trọng đến vấn đề ngăn chặn việc sử dụng tiền ảo để rửa tiền hay tài trợ khủng bố.

Nhà báo – Luật gia Hồ Minh Sơn cho biết theo Điều 33 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”. Ngoài ra, theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Luật Doanh nghiệp năm 2014, doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà luật không cấm. Trường hợp các doanh nghiệp thực hiện hoạt động kinh doanh, mua bán, chuyển nhượng, huy động vốn hoặc góp vốn bằng tiền ảo thì không bị cấm bởi đó là quyền mà Luật Doanh nghiệp năm 2014 ghi nhận cho các doanh nghiệp được hưởng.

Luật gia – Nhà báo Hồ Minh Sơn

Do vậy, nếu tiền ảo được công nhận là tài sản thì tiền ảo cũng hoàn toàn có thể được xác định là chứng khoán theo Luật Chứng khoán và các hoạt động ICO sẽ được điều chỉnh bởi Luật Chứng khoán. Mặtkhác, khi tiền ảo được công nhận là chứng khoán cũng sẽ có những nét đặc thù hơn so với các loại chứng khoán khác, bởi nó chỉ tồn tại trên môi trường kỹ thuật số. Vì vậy, trong thời gian tới, cũng cần tính tới việc nghiên cứu hoàn thiện pháp luật chứng khoán liên quan đến điều kiện chào bán, hình thức chào bán, đăng ký chào bán, thủ tục chào bán, hồ sơ chào bán, công bố thông tin, báo cáo tài chính… đối với tiền ảo.

Tin rằng, việc hoàn thiện khung pháp lý nhằm quản lý, giám sát với tiền ảo, tài sản ảo và quy định pháp lý về phòng, chống rửa tiền là yêu cầu cấp thiết, nhằm giảm thiểu rủi ro và ngăn ngừa tội phạm trong thời điểm hiện nay.

Hồ Vĩnh Chung – Duyên Hồ

Bài viết liên quan

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button