Để một số trường Cao đẳng trở thành trường chất lượng cao
(HNTTO) – Văn kiện của Đảng đã chỉ rõ hướng phát triển hệ thống GDNN mở, linh hoạt, phát triển các cơ sở GDNN chất lượng cao. Đứng trước yêu cầu đó, hệ thống GDNN cần đổi mới, trong đó yếu tố con người là quan trọng.
Trong hai ngày 26-27/8/2022, tại Vĩnh Phúc, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) tổ chức Lớp bồi dưỡng “Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý của các trường được đầu tư trở thành trường chất lượng cao”. Tham dự lớp bồi dưỡng có gần 200 Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng, Trưởng phòng đào tạo của khoảng 100 trường cao đẳng dự kiến được đầu tư trở thành trường chất lượng cao. Lớp bồi dưỡng được kết nối trực tuyến với 63 Sở Lao động – Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Mục tiêu của lớp bồi dưỡng là nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý trong việc nắm bắt các xu hướng về GDNN trên thế giới và định hướng của Việt Nam, qua đó nắm bắt cơ hội, thách thức, xu hướng phát triển của GDNN để đổi mới tư duy, nắm bắt thời cơ đón đầu xu hướng phát triển để đổi mới, nâng cao chất lượng GDNN Việt Nam theo hướng mở, linh hoạt, hội nhập. Phát biểu tại lễ khai mạc lớp bồi dưỡng, ông Trương Anh Dũng – Tổng cục trưởng Tổng cục TDNN – nhấn mạnh trong xu hướng hiện nay, vị trí, vai trò kỹ năng nghề của GDNN, nhân lực có kỹ năng có vai trò quan trọng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế qua đó thúc đẩy hiệu quả đầu tư. Thực tế cho thấy các quốc gia thịnh vượng phát triển là các quốc gia có nguồn lao động có kỹ năng nghề cao. Chính vì vậy, các quốc gia đều có xu hướng chuyển dịch, quan tâm đến GDNN, tái thiết lập hệ thống GDNN để đào tạo nhân lực có kỹ năng nghề cao.
Với sự phát triển của khoa học công nghệ, kỹ năng lao động cũng cần được nâng cao. Với khoảng 10-30% công việc thay đổi, sẽ có đến 40% lực lượng lao động không đáp ứng được nhu cầu thay đổi của công việc. Tự động hoá sẽ thúc đẩy nhanh hơn quá trình ứng dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất, do đó dự báo 85 triệu việc làm thay đổi do phân công lại việc làm giữa người và máy, 97 triệu việc làm mới sẽ xuất hiện và do đó có đến 40% người lao động cần đào tạo lại, các nhân viên cần đào tạo, bổ sung các kỹ năng mới.
20 năm qua, GDNN Việt Nam có nhiều chuyển biến, nhiều quy định mới về thể chế được xây dựng, ban hành đã tạo nền tảng pháp lý vững chắc góp phần đưa GDNN phát triển, đóng góp chung vào phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Với định hướng phát triển GDNN trong thời gian tới, văn kiện của Đảng đã chỉ rõ hướng phát triển hệ thống GDNN mở, linh hoạt, phát triển các cơ sở GDNN chất lượng cao, đổi mới phương pháp đào tạo, hiện đại hoá cơ sở vật chất. Với xu thế phát triển hiện nay, GDNN cần phải đáp ứng yêu cầu nhân lực cho nền kinh tế, vừa đào tạo mới nhưng xu thế đào tạo lại là tất yếu, để cập nhật nâng cao kiến thức, kỹ năng cho người lao động, đáp ứng đổi thay của công việc. Đứng trước yêu cầu đó, hệ thống GDNN cần đổi mới, đặt ra cho mình mục tiêu cụ thể để xây dựng chiến lược phát triển trong tình hình mới, mà ở đó sự đổi mới phải được thực hiện đồng bộ từ thể chế, chính sách, công tác điều hành chỉ đạo quản lý tới các cơ sở GDNN. Để thực hiện nhiệm vụ đó, trước hết Tổng cục xác định yếu tố con người là quan trọng, do vậy các lớp tập huấn, chương trình bồi dưỡng để nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý GDNN; đặc biệt đội ngũ Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng, trưởng phòng đào tạo của các trường cao đẳng dự kiến được đầu tư trở thành trường chất lượng cao là yêu cầu cấp thiết.
Trong thời gian 2 ngày, 26-27/8/2022 các giảng viên là Thủ trưởng các Vụ, đơn vị chuyên môn của Tổng cục và chuyên gia đại diện một số cơ quan, tổ chức có liên quan đã trình bày và thảo luận về các nội dung: định hướng phát triển và đánh giá, kiểm định, công nhận trường cao đẳng chất lượng cao; Xây dựng chương trình đào tạo chất lượng cao; Ứng dụng CNTT, số hóa trong quản lý, tổ chức đào tạo; Hợp tác doanh nghiệp trong đào tạo chất lượng cao; Định hướng quy hoạch và phát triển thành trường chất lượng cao; xây dựng phương án tự chủ; định hướng đầu tư của trường chất lượng cao; Kỹ năng quản trị nhà trường, quản lý rủi ro; Chia sẻ bài học thành công về đào tạo các chương trình chất lượng cao và công tác kiểm định.
Ông Phạm Vũ Quốc Bình – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN – phát biểu tổng kết lớp bồi dưỡng.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN Phạm Vũ Quốc Bình đề nghị các thầy Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng tiếp tục nghiên cứu nội dung tài liệu được trình bày tại Lớp và xây dựng kế hoạch, chương trình nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý của nhà trường. Sao cho Ban Giám hiệu được nâng lên về năng lực thì cán bộ các Phòng, Khoa cũng được nâng lên. Đề ra kế hoạch cụ thể để đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ nhà trường. Đồng chí Phó Tổng cục trưởng cũng đề nghị Vụ Tổ chức cán bộ tiếp tục có tổng kết lại 1 năm đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ trong năm 2022 để chuẩn bị ngay kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho năm 2023 và những nội dung đáp ứng yêu cầu đổi mới và nhu cầu của các trường. Tiếp tục có kế hoạch đề xuất lãnh đạo các Trường Cao đẳng để đào tạo học tập, nghiên cứu tại nước ngoài hoặc ở trong nước học các chuyên gia nước ngoài. Cần tổng hợp các mô hình, kinh nghiệm tốt trong đào tạo các chương trình quốc tế để in sổ tay tài liệu nhân rộng trong toàn hệ thống.
Theo: Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp