TP. Cần Thơ: Chuẩn bị trình diễn nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học tiên tiến tại sự kiện Agritechnica Asia Live 2022
(HNTTO) – Trong 3 ngày (từ ngày 24 đến 26/8/2022) tới đây, tại TP. Cần Thơ – Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Hiệp hội nông nghiệp Đức (DLG), Viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) phối hợp tổ chức sự kiện Agritechnica Asia Live 2022 lần đầu tiên có chủ đề “Cơ giới hóa đồng bộ hướng tới nền nông nghiệp bền vững”. Sự kiện lần này sẽ thu hút khoảng 4.000 đại biểu, khách tham quan trong nước và quốc tế; Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC), Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống; dự kiến thu hút hàng trăm đại biểu là nhà quản lý, nhà khoa học, các doanh nghiệp, cán bộ khuyến nông, và bà con nông dân tham dự.
Cụ thể, Trung tâm Khuyến nông quốc gia (trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) làm Trưởng ban tổ chức sự kiện với mục tiêu hướng tới thúc đẩy áp dụng các phương pháp canh tác nông nghiệp thông qua cơ giới hóa nông nghiệp số để chuyển đổi sản xuất nông nghiệp bền vững, góp phần chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp ở Việt Nam.
Theo đó, sự kiện này nhằm góp phần mở rộng quy mô ứng dụng nông nghiệp 4.0 và các công nghệ thông minh thông qua trình diễn trực tiếp về cơ giới hóa và nông nghiệp kỹ thuật số. Đồng thời, sự kiện này cũng là dịp để các chuyên gia, nhà khoa học đề xuất chính sách, lộ trình cho việc ứng dụng công nghệ để chuyển đổi kinh tế nông nghiệp bền vững phù hợp với bối cảnh thực tế của từng lĩnh vực và từng quốc gia.
Được biết, Agritechnica Asia Live 2022 còn góp phần quảng bá văn hoá, đất nước và con người Việt Nam với bạn bè quốc tế. Từ đó, sự kiện còn là cơ hội để nông dân có thể tiếp cận công nghệ nhanh, cơ giới hoá đồng bộ, một giải pháp được xem là hiệu quả, thiết thực đối với nông dân trong bối cảnh chi phí đầu vào tăng cao và trước những thách thức của biến đổi khí hậu.
Tại sự kiện, mô hình trình diễn tại Viện lúa Đồng bằng Sông Cửu Long với quy mô 20 ha, tập trung vào các mô hình: Mô hình canh tác lúa tiên tiến; Mô hình các giống lúa OM; Mô hình so sánh hiệu quả kinh tế và kỹ thuật các kỹ thuật canh tác tiên tiến tại Đồng bằng Sông Cửu Long; Mô hình kết hợp hội thảo đầu bờ, gồm: Mô hình quy trình canh tác lúa thông minh tại Đồng bằng Sông Cửu Long; Mô hình bón phân sinh học bằng máy bay Globalcheck cho lúa; Mô hình sạ hàng khí động APV; Mô hình sản xuất giống lúa nguyên chủng…
Đặc biệt, mô hình trình diễn vệ tinh của các doanh nghiệp với quy mô 134,9 ha (thuộc 13 tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long), 59 mô hình, được triển khai tại 134 điểm trình diễn. Mô hình trình diễn khuyến nông tại Đồng bằng Sông Cửu Long thuộc các lĩnh vực trồng trọt, lâm nghiệp; chăn nuôi thú y; thuỷ sản với 25 mô hình, quy mô 2074,2 ha .
Cũng tại sự kiện, sẽ trưng bày, triển lãm công nghệ, máy, thiết bị nông nghiệp và sản phẩm OCOP nhằm giới thiệu các công nghệ, máy, thiết bị cơ giới hóa đồng bộ và sản phẩm OCOP, quy mô 70 gian hàng. Trong đó, có 50 gian hàng trưng bày máy, thiết bị, công nghệ (30 gian hàng của doanh nghiệp trong nước, 10 gian hàng của các viện – trường, 10 gian hàng quốc tế), 20 gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP.
Bên cạnh đó, trình diễn công nghệ, máy, thiết bị tiên tiến, hiện đại áp dụng trong sản xuất nông nghiệp bền vững quy mô 5 ha tại Viên lúa ĐBSCL. Sự kiện còn diễn ra các Hội thảo quốc tế và các hội thảo chuyên đề cũng được tổ chức trong chuỗi sự kiện, như hội thảo cơ giới hóa đồng bộ hướng tới nền nông nghiệp bền vững, hội thảo chuyên đề cơ giới hoá sản xuất trái cây, hội thảo chuyên đề cơ giới hóa lĩnh vực thuỷ sản…
(Bài xuất bản tập san in Thương trường và Doanh nghiệp thuộc Viện IMRIC số T8/2022)
Minh Sơn – Hoàng Quý