Chất lượng đào tạo tiến sĩ hiện nay: Thực trạng và một số giải pháp?
(HNTTO) – Đào tạo tiến sĩ vừa là một nhu cầu vừa là nhiệm vụ thường xuyên của các cơ sở đào tạo đại học, các viện được thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các cơ sở giáo dục khác được phép đào tạo trình độ tiến sĩ quy định tại Thông tư số 18/2021/TT-BGDĐT, ngày 28/6/2021. Đào tạo tiến sĩ trong các lĩnh vực chuyên ngành khác nhau đều có một ý nghĩa rất quan trọng trong việc tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, vận dụng sáng tạo những thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 vào sự phát triển đất nước và thực hiện hội nhập quốc tế toàn diện. Bên cạnh đó, nhu cầu học tiến sĩ của người học là một tất yếu khách quan với một mục đích chính là đi vào học tập chuyên sâu, nghiên cứu một vấn đề còn vướng mắc, một chủ đề mớitrong một lĩnh vực chuyên ngành cao hơn cấp độ đã được đào tạo trước đó nhằm tạo ra những giá trị sản phẩm phi vật thể hữu ích về mặt học thuật, về khoa học mang tính hàn lâm để vận dụng vào thực tiễn cuộc sống trong các lĩnh vực y tế – giáo dục, văn hóa – nghệ thuật, thể dục – thể thao, an ninh – quốc phòng, chính trị – quân sự…
GS.TSKH. Dương Quý Sỹ, Hiệu trưởng Trường CĐYT Lâm Đồng được Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm là một trong 29 thành viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực (HĐQGGD-PTNL) Nhiệm kỳ 2022-2026 (người đứng bên phải Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam – Chủ tịch HĐQGGD-PTNL).
1.Thực trạng đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam trong thời gian qua
Thực tiễn qúa trình đào tạo tiến sĩ tại Việt Nam cho thấy rằng bên cạnh những kết quả đạt được là đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao đóng góp hữu ích cho sự phát triển về mọi mặt của đất nước trong công cuộc đổi mới trong thời gian qua, việc đào tạo tiến sĩ còn giúp chuẩn hóa đội ngủ giảng viên các cơ sở đào tạo trong cả nước (gần 33% giảng viên đại học có học học vị tiến sĩ). Việc đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập từ phía người học, người hướng dẫn và cả từ cơ sở đào tạo tiến sĩ, gây ra những dư luận trái chiều trong xã hội và những nhìn nhận không đúng về nhu cầu và mục đích của người học tiến sĩ và vai trò người thầy hướng dẫn.
Tuy nhiên, chất lượng đào tạo đào tạo tiến sĩ nói riêng và nguồn nhân lực chất lượng cao nói chung ở Việt Nam đã luôn được cả hệ thống chính trị và các bộ ngành liên quan giành cho sự quan tâm đặc biệt và đầu tư nguồn lực cùng với cơ chế chính sách phù hợp, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở đào tạo trong việc thực hiện vai trò tự chủ trong đào tạo tiến sĩ. Thật vậy, việc nâng cao chất lượng chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao đã được đề cập trong Nghị quyết 29/NQ-TW, ngày 4/11/2013 về “Đổi mới căn bản và toàn diện về giáo dục và đào tạo”; đặc biệt Văn kiện Đại hội ĐBTQ lần thứ XIII của Đảng đã xác định rất cụ thể vừa mang tính chỉ đạo vừa mang tầm chiến lược trong đào tạo nguồn nhân lực: “Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng giáo dục, đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài…”.
Do vậy để hoàn thành nhiệm vụ của người học tiến sĩ trước những yêu cầu thực tiễn mang tính học khoa học và sáng tạo, bảo đảm vai trò của người hướng dẫn học viên nghiên cứu sinh mang tính học thuật và chuẩn mực, trách nhiệm của cơ sở đào tạo tiến sĩ rất lớn trong việc bảo đảm chất lượng và đóng góp các sản phẩm khoa học hữu ích mang tính giải pháp hoặc luận cứ từ các đề tài nghiên cứu sinh nhằm góp phần thay đổi và giải quyết các vấn đề thực tiễn dựa trên cơ sở khoa học và lý luận thực tiễn. Thực trạng hiện nay cho thấy số lượng người có bằng tiến sĩ tại Việt Nam không ngừng tăng lên trong những năm vừa qua: theo thống kê của Bộ Khoa học và Công nghệ vào năm 2017, cả nước có 24 nghìn tiến sĩ và từ năm 2017 đến nay, theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hàng năm có khoảng 1.500 người tốt nghiệp tiến sĩ; thế nhưng trong số đó giảng viên các trường đại học – cao đẳng, các học viện chỉ chiếm khoảng 1/3 số người nhận bằng học vị tiến sĩ.
Thực tiễn cho thấy rằng các sản phẩm khoa học, các luận cứ mang tính học thuật và tính ứng dụng thực tiễn của những công trình nghiên cứu được thực hiện bởi nghiên cứu sinh tốt nghiệp tiến sĩ còn tương đối hạn chế. Do vậy một số chủ đề nghiên cứu của người học tiến sĩ không hữu ích, thậm chí có thể đã gây lãng phí thời gian của người học, lãng phí thời gian và tâm huyết của người thầy hướng dẫn, lãng phí nguồn lực của cơ sở đào tạo và của xã hội. Bên cạnh đó, những công trình nghiên cứu của người học tiến sĩ nếu không chuẩn mực về mặt khoa học, mô phạm về mặt học thuật, khập khiễng về mặt chất lượng thì vô tình sẽ tạo một dư luận xấu cho người nhận bằng tiến sĩ, người hướng dẫn và hội đồng nghiệm thu,làm lu mờ chất lượng của cơ sở đào tạo và quan trọng nhất là tạo ra một nguồn lựcbằng cấp cao nhưng chất lượng thấp, làm ảnh hưởng và suy yếu chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của cả nước.
Để tiếp tục phát huy những thành tựu đạt được, hạn chế những khiếm khuyết hiện nay và theo xu hướng chung của chuẩn mực đào tạo tiến sĩ của các nước có nền giáo dục tiên tiến mà Việt Nam đang hướng đến và đang trong quá trình thực hiện sự “đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo” theo hướng hội nhập, việc đề xuất một số giải pháp cơ bản nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ phù hợp với thực tiễn Việt Nam hiện nay là rất cần thiết.
- Một số giải pháp cơ bản nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ hiện nay
2.1.Tăng cường trách nhiệm của người học tiến sĩ
– Trách nhiệm của người học tiến sĩ với bản thân: người học tiến sĩ (học viên nghiên cứu sinh) cần nhận thức rõ việc làm nghiên cứu sinh tiến sĩ nhằm mục đích có cơ hội đi sâu vào nghiên cứu một lĩnh vực hiện đang giảng dạy, đang công tác, đang nghiên cứu một cách chuyên sâu nhằm tìm ra các giải pháp mang tính thực tiễn để vận dụng vào một cách sáng tạo vào công việc đang thực hiện; hoặc nhằm mở ra một định hướng nghiên cứu hay luận cứ mới, một lĩnh vực nghiên cứu đang được cộng đồng khoa học quốc gia và quốc tế quan tâm và thậm chí nhằm tạo ra sự đột phá về lý luận và giải pháp mang tính học thuật và khoa học. Việc học tiến sĩ chỉ để lấy bằng cấp làm công cụ thăng tiến trong bộ máy quản lý nhà nước hoặc chuẩn hóa theo quy định một số vị trí việc làm tại một số cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu mà không xuất phát từ niềm đam mê về khoa học và học thuật sẽ là một sự thiếu trách nhiệm của người học với bản thân vì quá trình học chỉ mang lại sự nhàm chán, mang tính đối phó, thụ động và thậm chí nảy sinh ra những tư tưởngthiếu chuẩn mực và mô phạm trong hoạt động nghiên cứu khoa học.
– Trách nhiệm của người học tiến sĩ với khoa học và cộng đồng: người học tiến sĩ cần phải hiểu rõ rằng khi được công nhận học vị tiến sĩ thì bản thân được xem như là những tinh hoa trong giới học thuật và khoa học chuyên ngành và sẽ trở thành chuyên gia trong lĩnh vực đã thực hiện công trình nghiên cứu liên quan. Do vậy khi chọn lựa vấn đề nghiên cứu cần phải cân nhắc đến trách nhiệm của bản thân đối với khoa học và cộng đồng để sản phẩm của công trình nghiên cứu sẽ hữu ích cho lĩnh vực chuyên ngành và đời sống xã hội. Ngoài ra, người học tiến sĩ sau khi đạt học vị sẽ trở thành người kế thừa thế hệ đi trước để dìu dắt và hướng dẫn các thế hệ sinh viên, học viên cao học – nghiên cứu sinh tiếp tục phát triển những vấn đề nghiên cứu mang tính hàn lâm, hướng dẫn và định hướng những vấn đề nghiên cứu cho các học viên mới trên tinh thần phát huy sáng tạo, đổi mới, chuyên sâu và liêm chính trong khoa học.
– Trách nhiệm người học tiến sĩ với người hướng dẫn và cơ sơ đào tạo: người học tiến sĩ phải luôn nhớ rằng chủ đề của đề tài nghiên cứu sinh và chất lượng nghiên cứu của mình là thước đo giá trị người thầy hướng dẫn và chất lượng cơ sở đào tạo tiến sĩ. Bên cạnh một số trường đại học, viện nghiên cứu quốc gia có bề dày lịch sử lâu đời và chất lượng đào tạo mang tầm vóc khu vực luôn lấy chất lượng đào tạo đại học, sau đại học làm thương hiệu, thì rất nhiều trường chạy theo chỉ tiêu thu hút tạo điều kiện cho người học tiến sĩ bằng mọi giá, thiếu liêm chính và chuẩn mực đã tạo ra một nguồn lực “vàng thau lẫn lộn” gây hoang mang cho người có nguyện vọng học tiến sĩ một cách chính đáng, gây bất cập trong công tác tuyển dụng – bổ nhiệm – đề bạt của một số tổ chức còn lấy bằng cấp làm tiêu chí hàng đầu và coi nhẹ khả năng – năng lực thật sự của người lao động. Do vậy, người học tiến sĩ cần phải xác định rõ trách nhiệm của mình với người thầy hướng dẫn và cơ sở đào tạo khi chọn lựa các chủ đề nghiên cứu và chất lượng của công trình nghiên cứu cá nhân; đặc biệt khi chọn lựa người hướng dẫn phải là những người thật sự là chuyên gia trong lĩnh vực mình muốn nghiên cứu để được giúp đỡnhiều hơn trong quá trình thực hiện nghiên cứu.
GS.TSKH. Dương Quý Sỹ, bác sĩ Việt Nam đầu tiên bảo vệ thành công xuất sắc luận án Tiến sĩ khoa học tại Đại học Y khoa Paris (tháng 12/2009).
2.2.Phát huy trách nhiệm của người hướng dẫn học viên tiến sĩ
– Trách nhiệm của người hướng dẫn với người học là học viên tiến sĩ (nghiên cứu sinh): người hướng dẫn nghiên cứu sinh cần phải xác định rõ mục tiêu học tập của học viên có thật sự xuất phát từ mong muốn được học tập và nghiên cứu khoa học chuyên sâu hay chỉ là để chuẩn hóa bằng cấp theo vị trí việc làm vì những mục đích khác. Người được đề nghị hướng dẫn nghiên cứu sinh cần phải định hướng và hoàn thiện ý tưởng, chủ đề nghiên cứu của học viên; hướng dẫn cho nghiên cứu sinh một phương pháp nghiên cứu phù hợp với mục tiêu nghiên cứu và các sản phẩm khoa học – học thuật đầu ra. Đặc biệt cần tránh việc hướng dẫn học viên thực hiện các chủ đề nghiên cứu ngoài lĩnh vực chuyên môn của người hướng dẫnvì người hướng dẫn phải là người am hiểu sâu nhất hay và thậm chí phải là chuyên gia trong lĩnh vực người học tiến sĩ muốn nghiên cứu. Người hướng dẫn phải thường xuyên theo dõi, động viên, nắm bắt quá trình học tập và kết quả nghiên cứu của học viên để hỗ trợ, tư vấn, động viên và định hướng công bố kết quả.
– Trách nhiệm của người hướng dẫn với bản thân và cộng đồng: người hướng dẫn nghiên cứu sinh cần phải có trách nhiệm với bản thân mình về chất lượng học tập và nghiên cứu của người học tiến sĩ. Một chủ đề nghiên cứu không được định hướng tốt và cách tiếp cận không khoa học sẽ làm mất thời gian và công sức của người học và của cả người thầy hướng dẫn. Người hướng dẫn phải chủ động bác bỏ các chủ đề nghiên cứu không có giá trị thực tiễn của người học tiến sĩ; hỗ trợ người học hoàn thiện và cụ thể hóa các ý tưởng nghiên cứu và chủ đề nghiên cứu phù hợp với thực tiễn và mang tính hữu ích. Người hướng dẫn luôn phải quán triệt bản thân trước khi đồng ý tham gia hướng dẫn luận văn cho người học tiến sĩ mình là người chịu trách nhiệm đầu tiên và trực tiếp khi một học viên được cấp bằng tiến sĩ không hội tụ được các phẩm chất cần thiết cho nguồn nhân lực chất lượng cao của đất nước; trách nhiệm cá nhân trong việc tham gia đào tạo ra các sản phẩm khoa học không hữu ích, thiếu tính sáng tạo và chuyên sâu.
2.3.Tăng cường phát huy trách nhiệm của cơ sở đào tạo tiến sĩ
– Bảo đảm tuyệt đối quy chế – quy trình đào tạo tiến sĩ: cần phải thực hiện nghiêm túc những quy định của Luật Giáo dục Đại học sửa đổi và bổ sung 2018 và thực hiện đúng những yêu cầu tối thiểu được quy định tại Thông tư 18/TT-BGDĐT. Trên cơ sở đó, mỗi cơ sở đào tạo phải cụ thể hóa quy chế đào tạo tiến sĩ theo hướng bảo đảm chất lượng, đúng quy định và xây dựng những tiêu chí bổ sung đặc thù của cơ sơ đào tạo nhằm năng cao chất lượng đầu ra và đặc biệt là chất lượng các công trình nghiên cứu của nghiên cứu sinh. Tránh chạy theo số lượng và đào tạo đại trà, dàn trải cho toàn bộ các ngành học mà cần phải tập trung nguồn lực và cơ sở vật chất cho đào tạo tiến sĩ những ngành nghề mũi nhọn cho sự phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay phù hợp với yêu cầu thời đại và mang tính khoa học – học thuật – thực tiễn; tránh việc thu hút người học tiến sĩ bằng những cam kết phi chất lượng theo hướng “đầu vào dễ và bảo đảm đầu ra” bằng những đề cương nghiên cứu không ngang tầm với bậc đào tạo.
– Bảo đảm tối đa nguồn lực cho việc thực hiện các đề tài nghiên cứu của người học tiến sĩ: theo quy định tại Thông tư 18/TT-BGDĐT, một người hướng dẫn NCS có học hàm giáo sư có thể hướng dẫn chính đồng thời cho 7 học viên tiến sĩ và phó giáo sư hoặc tiến sĩ khoa học có thể hướng dẫn chính cho 5 học viên tiến sĩ (đồng hướng dẫn được quy đổi là 0,5 học viên); tuy nhiên cơ sở đào tạo cần vận dụng một cách phù hợp và bảo đảm chất lượng của người hướng dẫn vì việc hướng dẫn 5 – 7 nghiên cứu sinh cùng một thời điểm sẽ không bảo đảm các yêu cầu cơ bản như là “hướng dẫn, hỗ trợ, đánh giá, theo dõi và đôn đốc nghiên cứu sinh thực hiện nhiệm vụ học tập và nghiên cứu theo kế hoạch đã thông qua (Mục 3a – Điều 6, TT18/TT-BGDĐT)”. Đặc biệt việc hướng dẫn đồng thời 5 – 7 nghiên cứu sinh đồng nghĩa với với 5 – 7 chủ đề nghiên cứu khác nhau vừa mang tính chuyên sâu, vừa mang tính kế thừa và thống nhất trong chuyên ngành của người hướng dẫn là một thử thách rất lớn; đòi hỏi người hướng dẫn phải là một chuyên gia nghiên cứu trong thực tiễn và là những người có năng lực nghiên cứu khoa học thật sự trong lĩnh vực chuyên ngành; nếu không chỉ là những mảnh ghép của những nghiên cứu nhỏ lẻ, rời rạc không có tính hệ thống và thiếu ứng dụng thực tiễn. Ngoài ra, các công trình nghiên cứu khoa học của người học tiến sĩ phải được thực hiện trong một không gian mang tính học thuật và môi trường khoa học đúng nghĩa, tiệm cận với khu vực và theo xu hướng quốc tế.
– Tạo điều kiện thuận lợi cho người học tiến sĩ chọn lựa chủ đề nghiên cứu và người hướng dẫn: định kỳ các cơ sở đào tạo tiến sĩ cần công bố các chuyên ngành đào tạo cùng với các định hướng hoặc chủ đề nghiên cứu chung được đề xuất từ người có đủ điều kiện hướng dẫn học viên, dựa trên những yêu cầu thực tiễn của lĩnh vực chuyên ngành hoặc các lĩnh vực có liên quan. Đây là cơ sở để các cơ sở đào tạo tiến sĩ có những định hướng đặc thù và chuyên sâu giúp thu hút người học. Việc công khai các chủ đề nghiên cứu cho các học viên tiến sĩ chọn lựa và phát triển thành chủ đề luận án nghiên cứu sinh giúp tránh được sự trùng lấp trong nghiên cứu, sự sao chép – phiên bản các vấn đề nghiên cứu giữa các cơ sở đào tạo; đặc biệt sự công bố các chủ đề nghiên cứu còn giúp thu hút người hướng dẫn ngoài cơ sở đào tạo tham gia hướng dẫn học viên tiến sĩ, tăng thêm nguồn lực bảo đảm chất lượng cơ sở đào tạo.
– Tăng cường chính sách hỗ trợ, khen thưởng khuyến khích học viên nghiên cứu sinh: các cơ sở đào tạo tiến sĩ hoặc cơ quan chủ quản nghiên cứu sinh cần có chính sách hỗ trợ một phần phí đăng bài hoặc chính sách khen thưởng những học viên nghiên cứu sinh có những công bố quốc tế trên các tạp chí WoS/Scopus hoặc đạt giải thưởng tại các hội thảo chuyên ngành quốc gia và quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu. Những thành tích của học viên nghiên cứu sinh trong quá trình học tập tại cơ sở đào tạo và những hoạt động nghiên cứu khoa học, những giải thưởng, phát minh – sáng chế sau khi tốt nghiệp tiến sĩ có thể đưa vào làm thang điểm đánh giá tốt cho người hướng dẫn. Đối với những vấn đề nghiên cứu chuyên sâu có tính ứng dụng thực tiễn cao cho sự phát triển lĩnh vực chuyên ngành, các cơ sở đào tạo có thể mở rộng mời người hướng dẫn là chuyên gia quốc tế có kinh nghiệm hướng dẫn học viên quốc tế; đây cũng là một trong những giải pháp nâng cao giá trị khoa học các chủ đề nghiên cứu và vị thế – chất lượng các cơ sở đào tạo tiến sĩ tại Việt Nam. Đặc biệt các cơ sở đào tạo tiến sĩ ở các trường đại học uy tín của các nước Pháp, Mỹ đã thực hiện việc mời một số chuyên gia trong lĩnh vực chuyên ngành của Việt Nam đủ điều kiện tham gia vào hội đồng bảo vệ luận án tiến sĩ của nghiên cứu sinh Việt Nam đang theo học tại các quốc gia này nhằm có được sự đánh giá toàn diện nghiên cứu sinh và tạo sự kết nối – chuyển giao nghiên cứu sinh tiếp tục thực hiện việc công việc nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của các thành viên tham gia hội đồng tại các nước sở tại sau khi trở về công tác.
– Nâng cao chất lượng công bố kết quả luận án nghiên cứu khoa học: hạn chế lớn nhất của một bộ phận người học tiến sĩ ở Việt Nam hiện nay là mang tư tưởng học để lấy bằng cấp không phải là nhằm để mở ra một chân trời mới về học thuật và nghiên cứu khoa học, phục vụ cho việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao theo kỳ vọng của xã hội. Do vậy đa số người học tiến sĩ thường ngưng hoạt động nghiên cứu sau khi nhận bằng học vị tiến sĩ và thậm chí không vận dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn; ngược lại vẫn có một số học viên vẫn đam mê con đường nghiên cứu và xem đây là một trong những nhiệm vụ của nhà khoa học và không phải đơn thuần chỉ là để chuẩn hóa điều kiện làm phó giáo sư sau này. Đây cũng là một tiền lệ, một nếp suy nghĩ của một số tiến sĩ sau khi đạt được học hàm phó giáo sư thì thường xa rời con đường nghiên cứu khoa học vì đã thỏa mãn với học hàm – học vị và chức vụ đạt được mà không hiểu rằng vô tình bản thân đã góp phần làm suy yếu đi nền học thuật và khoa học nước nhà.
Một số học viên nghiên cứu sinh đã coi nhẹ bản chất và mục tiêu của việc học tiến sĩ nên việc thực hiện công trình nghiên cứu khoa học chỉ mang tính hình thức, thiếu chiều sâu, thiểu bản chất học thuật mang tính hàn lâm, thiếu tính khoa học và sáng tạo cho nên chỉ cố gắng gửi bài cho một số tạp chí chuyên ngành ở Việt Nam cho dễ dàng và thuận lợi vì bằng tiếng Việt nên ít người đọc và không bị trích dẫn trên các tạp chí quốc tế; do vậy thiếu đi sự phản biện của cộng đồng khoa học quốc tế và phản biện độc lập như gửi bài đăng các tạp chí WoS/Scopus, vì tất cả đều được trích dẫn trên hệ thống google scholar, một công cụ bảo đảm tính liêm chính trong khoa học. Do đa số các công bố của nghiên cứu sinh hiện nay chỉ trên các tạp chí tiếng Việt không bắt buộc tạp chí tiếng Anh chuyên ngành thuộc hệ thống WoS/Scopus làm cho năng lực ngoại ngữ của đa số học viên không được cải thiện, khả năng viết bài tiếng Anh và công bố quốc tế không được rèn luyện và phát huy; do vậy năng lực ngoại ngữ phục vụ cho nghiên cứu khoa học trở nên mai một dù rằng đầu vào học tiến sĩ đã đòi hỏi chuẩn năng lực trình độ ngoại ngữ (bậc 4/6).Hiện nay các tạp chí khoa học quốc tế đều đầy đủ các lĩnh vực nghiên cứu từ văn hóa, giáo dục, quốc phòng, thể thao, nghệ thuật, y tế và các ngành khoa học cơ bản khác, tạo ra một mặt bằng chung và một yêu cầu tương đối thống nhất cho các công bố quốc tế của các quốc gia, do vậy các cơ sở đào tạo tiến sĩ cần phải có quy định riêng ở mức cao hơn so với mặt bằng chung của Thông tư 18/TT-BGDĐT về công bố khoa học để bảo đảm chất lượng và nâng cao năng lực toàn diện của người học tiến sĩ.
GS.TSKH. Dương Quý Sỹ tham gia là Ủy viên phản biện Hội đồng bảo vệ Luận án tiến sĩ tại Đại học Grenobles (tháng 12/2021).
3.Vai trò cơ quan quản lý Nhà nước trong việc bảo đảm chất lượng đào tạo tiến sĩ:
– Vai trò của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GDĐT) trong bảo đảm chất lượng đào tạo tiến sĩ: tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra giám sát quy trình đào tạo tiến sĩ tại các cơ sở đào tạo theo quy định Thông tư 18/TT-BGDĐT, tăng cường công tác hậu kiểm tại các cơ sở đào tạo tiến sĩ không bảo đảm nguồn lực cho việc đào tạo tiến sĩ thông qua việc kiểm tra hồ sơ quá trình đào tạo và thẩm định chất lượng luận án và đình chỉ hoạt động đào tạo nếu để xảy ra sai phạm hoặc làm trái với quy định hiện hành. Giám sát chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ của từng cơ sở đào tạo trên cả nước để có sự điều phối hài hòa tổng thể nguồn nhân lực chất lượng cao theo dự đoán nhu cầu nguồn nhân lực cần trình độ tiến sĩ của các ngành nghề chuyên biệt và đặc biệt ưu tiên đào tạo tiến sĩ cho những người làm công tác giảng dạy, nghiên cứu, phát minh sáng chế, hoạch định chính sách và quản trị hành chính công theo xu hướng đổi mới – hiện đại. Bộ GDĐT định kỳ bổ sung những yêu cầu, những quy định mới nhằm nâng cao dần chất lượng đào tạo tiến sĩ và chuẩn đầu ra của người học tiến sĩ theo xu hướng hội nhập quốc tế.
– Vai trò của Bộ Khoa học và Công nghệ (Bộ KHCN) trong nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ: Bộ KHCN định kỳ phối hợp với Bộ GDĐT trong hoạch định chiến lược đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trình độ tiến sĩ, xây dựng nhu cầu quốc gia về nguồn lực lao động cần có trình độ tiến sĩ học tập trong nước và nước ngoài (Đề án 89/QĐTTg, ngày 18/01/2019) để bảo đảm tính thống nhất trong đào tạo – sử dụng – phát triển khoa học công nghệ quốc gia. Bộ KHCN có thể đặt hàng các chủ đề nghiên cứu cho các cơ sở đào tạo tiến sĩ chuyên ngành liên quan, đây cũng sẽ là những chủ đề cho các công trình nghiên cứu của người học tiến sĩ, vànhư vậy các sản phẩm nghiên cứu sẽ có được nơi tiếp nhận và địa chỉ ứng dụng, góp phần tận dụng nguồn lực trong nghiên cứu khoa học và nâng cao giá trị thực tiễn. Ngược lại, Bộ KHCN cũng có vai trò chủ động khảo sát, tiếp nhận các công trình nghiên cứu của các luận án tiến sĩ có giá trị thực tiễn và mang tính ứng dụng cao để tiếp tục phát triển hoặc triển khai áp dụng trong cộng đồng. Với số lượng cả nước hiện nay có khoảng hơn 30 nghìn người có học vị tiến sĩ, cần phải xây dựng hệ thống danh mục các nhà khoa học có trình độ tiến sĩ theo ngành nghề, lĩnh vực chuyên môn và thường xuyên cập nhật các hoạt động khoa học, các chủ đề nghiên cứu, kết qủa nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế, các sáng kiến – giải pháp, các công bố sở hữu trí tuệ, hoạt động đào tạo sau đại học (tương tự như hệ thống trích dẫn profile các nhà khoa học hiện nay của Google scholar)…sẽ giúp cho người học tiến sĩ có thể chọn lựa người hướng dẫn thích hợp với định hướng nghiên cứu của mình, giúp cho các cơ sở đào tạo tiến sĩ có cơ sở chọn lựa các chuyên gia, các nhà khoa học kiêm nhiệm cho hoạt động đào tạo và hướng dẫn nghiên cứu sinh.
– Vai trò của Bộ Nội vụ trong bảo đảm chất lượng đào tạo tiến sĩ: Bộ Nội vụ cần tham mưu cho Chính phủ những quy định về cơ chế chính sách thu hút nhân tài, đãi ngộ nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút người có bằng tiến sĩ từ các nước tiên tiến về Việt Nam làm việc hoặc tham gia vào hoạt động đào tạo tiến sĩ. Điều này sẽ tạo động lực cho sự phát triển hài hòa nguồn lực quốc gia và sự tham gia đóng góp của các chuyên gia – nguồn lực chất lượng cao bên ngoài; tạo tiền đề cho hoạt động nghiên cứu khoa học trong đào tạo tiến sĩ và năng lực, trình độ người có học vị tiến sĩ ở Việt Nam giảm dần khoảng cách với chuẩn mực quốc tế. Đặc biệt trong một số ngành nghề cần nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sự đổi mới và phát triển đất nước trên những lĩnh vực đặc thù, Bộ Nội vụ cần tham mưu cho Chính phủ về nhu cầu đào tạo nguồn nhân có học vị tiến sĩ theo vị trí việc làm và quy hoạch các chức danh tương ứng, song song với việc thực hiện các chính sách đặc thù khuyến khích và hỗ trợ người theo học tiến sĩ và sử dụng sau đào tạo.
Tóm lại, nhu cầu có học vị tiến sĩ của người học và hoạt động đào tạo tiếnsĩ của các cơ sở đào tạo luôn mang là tất yếu, cần thiết và chính đáng. Tuy nhiên việc bảo đảm chất lượng đầu ra trong đào tạo tiến sĩ, việc tối ưu hóa mục tiêu học tập của người học và nâng cao chất lượng kết quả công trình nghiên cứu khoa học của nghiên cứu sinh được thể hiện trong luận án tiến sĩ cần phải ngày càng được nâng cao. Cần chú trọng vai trò đặc biệt quan trọng của chủ thể là người học tiến sĩ, vai trò hỗ trợ của người thầy hướng dẫn nghiên cứu sinh và đặc biệt là trách nhiệm bảo đảm chất lượng của cơ sở đào tạo là những nhân tố chính xây dựng nên một môi trường đào tạo tiến sĩ mang tính hàn lâm và khoa học. Bên cạnh đó, vai trò giám sát đào tạo tiến sĩ của các cơ quan Nhà nước và phản biện xã hội vẫn luôn là cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
(Bài được xuất bản trên Tc in Thương trường và Doanh nghiệp số T6/2022)
GS.TSKH. Dương Quý Sỹ
Thành viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển Nhân lực
Chủ tịch Hội Y học giấc ngủ Việt Nam – Hiệu trưởng Trường CĐYT Lâm Đồng