(HNTT) – Tết đến xuân về là điểm khởi đầu cho một năm mới với nhiều mong ước, khát vọng mới tốt đẹp. Và vào dịp đầu xuân năm mới, người Việt Nam thường có phong tục đi lễ chùa và xin chữ đầu năm.
Với người Lệ Thủy, phong tục này đã trở thành một nét đẹp văn hóa tâm linh từ ngàn đời bởi cửa chùa đất Phật là chốn bình yên, thanh tịnh. Với mong muốn tìm được sự bình an, gạt bỏ đi những muộn phiền, lo âu của năm cũ và cầu mong những may mắn, hạnh phúc trong năm mới, trước thềm năm mới Nhâm Dần, xin mời quý vị cùng chúng tôi vãn cảnh Hoằng Phúc cổ tự – một trong những ngôi chùa nổi tiếng nhất miền Trung!
Chùa Hoằng Phúc được xây dựng cách đây hơn 700 năm. Theo các tài liệu ghi lại, năm 1301, Phật hoàng Trần Nhân Tông đến thăm chùa, cầu phúc đức cho nhân dân. Lúc đó, chùa có tên là Am Tri Kiến. Về việc này, xin được trao đổi thêm: Hơn một năm sau khi xuất gia, tháng 3 năm Tân Sửu, niên hiệu Hưng Long thứ 9 (1301), Thượng hoàng Trần Nhân Tông đi chơi các địa phương, sang Chiêm Thành và đến tháng 11 năm ấy Ngài trở về như Đại Việt Sử Ký Toàn Thư đã chép. Sự kiện này hoàn toàn khớp với Thánh Đăng Ngữ Lục và Tam Tổ Thực Lục đã ghi: “Sau ở chùa Phổ Minh của phủ Thiên Trường, Thượng hoàng mời đến các danh tăng, mở lớn các trường giảng, trải mấy năm bèn vân du phương ngoại, đến trại Bố Chính, chọn am Tri Kiến để ở”.
Am Tri Kiến tọa lạc trên đất thôn (phường, trang, giáp, hương…) Tri Kiến, thuộc huyện Tri Kiến mà huyện này đã trở thành đất của huyện Nha Nghi. Ở thời điểm sách Ô Châu cận lục ra đời (1555) thì huyện Kiến không còn nữa. Như vậy, Tri Kiến là một địa danh và đồng thời ở thời điểm đó, tại huyện Tri Kiến người ta đã có xây một cái am, một ngôi chùa, và theo cách gọi của dân gian, người ta gọi luôn là am Tri Kiến (Huyện Lệ Thủy có từ năm 1469 là do hai huyện Nha Nghi và Tri Kiến (có từ năm 1419), nơi có sông Kiến Giang chảy qua, lỵ sở của huyện ở xã Cổ Liễu).
Năm 1716, Chúa Nguyễn Phúc Chu đặt lại tên chùa là Kính Thiên. Năm 1821, vua Minh Mạng trong chuyến ngự giá Bắc tuần đã ghé lại chùa và đổi tên thành Hoằng Phúc tự.
Trải qua nhiều tác động của thời gian cùng chiến tranh, thiên tai, chùa bị tàn phá, hư hại. Cuối năm 2014, chùa Hoằng Phúc được phục dựng, tôn tạo nhưng vẫn giữ nguyên trạng chùa cũ theo lối chùa cổ thời nhà Trần và được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch trao bằng chứng nhận di tích lịch sử quốc gia.
Hàng năm cứ vào tháng Giêng Âm lịch, chùa Hoằng Phúc lại long trọng tổ chức lễ hội với quy mô lớn, thu hút hàng chục ngàn người tham gia. Nội dung của Lễ hội sẽ gồm hai phần, phần lễ và phần hội. Phần lễ sẽ bao gồm lễ rước nước, khai mạc lễ hội, thực hiện các nghi lễ theo Phật giáo và thả hoa đăng. Phần hội bao gồm các chương trình văn nghệ, tổ chức tuyến đường ẩm thực, các hoạt động thể thao dân gian như kéo co, cờ tướng, đẩy gậy, thi đấu võ thuật, đánh đu truyền thống, bài chòi,…
Lễ hội di tích lịch sử chùa Hoằng Phúc được tổ chức và duy trì hằng năm nhằm gìn giữ các giá trị văn hóa, tinh thần của nhân dân địa phương, khơi dậy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc như tình đoàn kết, lòng yêu nước, sự chia sẻ,… Thông qua lễ hội, lãnh đạo và các tầng lớp nhân dân huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình còn muốn gửi đi bức thông điệp bảo vệ các danh lam thắng cảnh của địa phương, quảng bá hình ảnh về mảnh đất, con người cũng như những nét đặc sắc về văn hóa truyền thống của quê hương, góp phần nâng cao hiệu quả du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội cho huyện nhà Lệ Thủy nói riêng và tỉnh Quảng Bình nói chung.
Từ bao đời nay, lễ hội luôn giữ vai trò như sợi dây gắn kết cộng đồng, tạo dựng không gian văn hóa vừa trang trọng, linh thiêng, vừa tưng bừng, náo nức. Lễ hội trở thành nơi công chúng đến với lịch sử cha ông, trở về với cội nguồn dân tộc, tưởng nhớ công ơn người đi trước, cầu mong những điều tốt lành. Mỗi lễ hội mang một nét tiêu biểu và giá trị riêng, làm cho thế hệ trẻ hôm nay hiểu được công lao tổ tiên, thêm tự hào về truyền thống quê hương, đất nước của mình.
Theo ĐỖ ĐỨC THUẦN/Bestlife.net.vn