Doanh nghiệpKhoa học công nghệ

Hơn 200.000 doanh nghiệp được cấp tài khoản trên Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số vào 2025

(HNTT) – Theo Đề án mới được phê duyệt, đến năm 2025, 100% tổ chức xúc tiến thương mại và trên 200.000 doanh nghiệp được cấp tài khoản trên Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số và 50% trong số này có phát sinh giao dịch và chia sẻ thông tin.

25% số lượng hội chợ, triển lãm sẽ được tổ chức trên môi trường số

Đề án “Đẩy mạnh ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2021-2030” vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 22/11.

Đề án này có mục tiêu tổng quát là đẩy mạnh ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại để nâng cao chất lượng và hiệu quả trong hoạt động của các cơ quan xúc tiến thương mại thuộc Chính phủ, tổ chức hỗ trợ xúc tiến thương mại và doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, trên cơ sở hình thành, phát triển Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số.

Đồng thời nâng cao nhận thức và năng lực về ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại, thúc đẩy phát triển ngoại thương và thương mại trong nước, góp phần tái cơ cấu ngành Công Thương.

Đề án phấn đấu đến năm 2025 xây dựng, hình thành Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số với 100% các tổ chức xúc tiến thương mại và trên 200.000 doanh nghiệp được cấp tài khoản trên Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số và 50% trong số này có phát sinh giao dịch và chia sẻ thông tin.

Cơ sở dữ liệu chuyên ngành xúc tiến thương mại và 10 ngành hàng xuất khẩu chủ lực được hình thành, kết nối, liên thông với cơ sở dữ liệu của 10 thị trường xuất khẩu trọng điểm.

Đề án đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2025, xây dựng, hình thành Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số. Cơ sở dữ liệu (CSDL) chuyên ngành xúc tiến thương mại và 10 ngành hàng xuất khẩu chủ lực được hình thành, kết nối, liên thông với CSDL của 10 thị trường xuất khẩu trọng điểm.

Một mục tiêu của Đề án là xây dựng, phát triển Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số (Ảnh minh họa: businessinsider.com)

Cũng đến năm 2025, 25% các dịch vụ kết nối thị trường được tổ chức trên nền tảng kết nối, hỗ trợ 100.000 lượt doanh nghiệp; 25% số lượng hội chợ, triển lãm được tổ chức trên môi trường số.

100% các tổ chức xúc tiến thương mại và trên 100.000 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được tập huấn, hướng dẫn, hỗ trợ các nội dung về ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại và bảo đảm an toàn thông tin.

100% các tổ chức xúc tiến thương mại và trên 100.000 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh sử dụng, khai thác, vận hành các nền tảng dùng chung và chia sẻ dữ liệu với Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số.

Cùng với đó, 100% thủ tục hành chính lĩnh vực xúc tiến thương mại đủ điều kiện được triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia với 90% doanh nghiệp hài lòng về kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.

Các mục tiêu cụ thể của Đề án đến năm 2030 gồm có: Hoàn thiện, phát triển Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số; 75% các tổ chức xúc tiến thương mại và doanh nghiệp được cấp tài khoản thường xuyên hoạt động, tìm kiếm, cung cấp, chia sẻ thông tin trên Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số; 50% các dịch vụ kết nối thị trường của doanh nghiệp được thực hiện trên Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số, hỗ trợ 1 triệu lượt doanh nghiệp…

Các thành phần của Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số

Để hiện thực hóa các mục tiêu đã đề ra, Đề án cũng đã xác định rõ 3 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được tập trung triển khai thời gian tới: Xây dựng, phát triển Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số; Hoàn thiện cơ chế, chính sách; Nâng cao nhận thức, năng lực.

Cụ thể, với nhiệm xây dựng và phát triển Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số, Bộ Công Thương sẽ chủ trì xây dựng, phát triển và tích hợp các nền tảng gồm: Hệ thống CSDL chuyên ngành xúc tiến thương mại (gồm mạng lưới xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế; doanh nghiệp xúc tiến thương mại; ngành hàng, thị trường) và các CSDL khác phục vụ hoạt động xúc tiến thương mại; Nền tảng kết nối giao thương trên môi trường số áp dụng công nghệ mới, hỗ trợ việc tìm kiếm thông tin, cơ hội kinh doanh trong nước và quốc tế;

Nền tảng hội chợ, triển lãm nhằm nâng cao hiệu quả, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trưng bày giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm thông tin, đối tác kinh doanh trên môi trường số; Đào tạo trực tuyến (E-learning) tích hợp các kho học liệu, thư viện điện tử, hỗ trợ tra cứu thông tin, nâng cao năng lực xúc tiến thương mại; Nền tảng định danh điện tử cho doanh nghiệp xúc tiến thương mại; Các nền tảng chuyên ngành khác phục vụ hoạt động xúc tiến thương mại.

Đề án cũng nêu rõ: Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số phải được xây dựng theo kiến trúc tổng thể, thống nhất, phù hợp với Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam; đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn công nghệ, kỹ thuật theo quy định; bảo đảm khả năng vận hành thông suốt, nâng cấp, mở rộng, kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu.

Song song đó, Bộ Công Thương cũng sẽ chủ trì xây dựng, phát triển, thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) đối với các mô hình mẫu về ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại; nhân rộng các mô hình thành công.

Các Bộ: Công an, Quốc phòng, TT&TT có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công Thương – đơn vị chủ trì Đề án, và các cơ quan liên quan bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, cơ sở hạ tầng phục vụ Đề án. Bộ TT&TT còn được giao phối hợp với Bộ Công Thương thực hiện các nội dung liên quan đến ứng dụng CNTT, chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực CNTT của Đề án.

Vân Anh

https://ictnews.vietnamnet.vn/cuoc-song-so/ung-dung-cntt-chuyen-doi-so-de-thuc-day-tai-co-cau-nganh-cong-thuong-398233.html

Bài viết liên quan

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button