Khoa học công nghệ

Hiệu quả công tác quản lý thuế đối với loại hình kinh doanh thương mại điện tử

(HNTT) – Loại hình kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT) có tính chất đặc thù, quy mô hoạt động rộng trên môi trường internet, dễ dàng thay đổi, che giấu hoặc xóa dữ liệu giao dịch. Do vậy, trong những năm qua, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo toàn Ngành tăng cường thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế, công tác thanh tra, kiểm tra thuế đối với loại hình này.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trong những năm qua, thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã ban hành nhiều công văn chỉ đạo toàn Ngành tăng cường thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế, công tác thanh tra, kiểm tra thuế đối với loại hình kinh doanh TMĐT.

Theo đó, toàn ngành Thuế đặc biệt chú trọng tới các hoạt động kinh doanh dựa trên nền tảng số của các nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh tại Việt Nam và hoạt động kinh doanh thông qua các sàn TMĐT; Chủ động triển khai phối hợp với lực lượng chức năng các cấp (bao gồm cả công an xã, phường, thị trấn), các ngân hàng thương mại, các công ty viễn thông, công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, truyền dẫn, cung cấp hạ tầng mạng… trên địa bàn để cập nhật đầy đủ các thông tin của tổ chức, cá nhân hoạt động TMĐT;

Cơ quan Thuế các cấp đã đẩy mạnh công tác truy thu thuế đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi kinh doanh trên mạng mà không khai báo với cơ quan thuế; Chủ động chia sẻ, cung cấp thông tin cho các cơ quan có liên quan đối với những tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong hoạt động TMĐT để cùng phối hợp xử lý kịp thời. Tăng cường công tác tuyên truyền về chính sách thuế và quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT…

Trong năm 2021, Tổng cục Thuế tiếp tục có văn bản chỉ đạo về việc thực hiện Kế hoạch tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động TMĐT của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, yêu cầu các Cục Thuế thành lập ban chỉ đạo công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT.

Theo đó, triển khai đồng bộ các giải pháp trong công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT, kinh doanh dựa trên nền tảng số của các nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh tại Việt Nam; Tăng cường rà soát công tác quản lý thuế đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực TMĐT trên Cổng thông tin Quản lý hoạt động TMĐT…

Song song với đó, cơ quan Thuế các cấp cần thực hiện phối hợp, đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương và website của đơn vị về các thông tin khuyến cáo các hành vi sai phạm về thuế thường gặp trong lĩnh vực TMĐT, kinh doanh dựa trên nền tảng số của các nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh tại Việt Nam; đồng thời, công bố các trường hợp cố tình không thực hiện kê khai, nộp thuế theo quy định, gian lận, trốn thuế…

Bên cạnh đó, Cục Thuế địa phương đã thực hiện tuyên truyền, phổ biến về chính sách, nghĩa vụ kê khai, nộp thuế, các sắc thuế phải nộp đến các tổ chức, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực TMĐT;  Bước đầu phối hợp với các sở, ban ngành tại địa phương để triển khai thu thuế đối với hoạt động TMĐT. Đặc biệt, đã phối hợp với Công an phường, các tổ dân phố trong xác định các địa chỉ, định danh đối tượng có hoạt động kinh doanh bán hàng online. Rà soát các kênh thông tin trên các trang mạng xã hội của nhưng người nổi tiếng, có nhiều người theo dõi để nắm bắt và đưa vào quản lý thuế…

Tổng cục Thuế cũng đã xây dựng Đề án “Quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT tại Việt Nam” trình Bộ Tài chính. Trên cơ sở Đề án nêu trên, Bộ Tài chính đã xây dựng Kế hoạch tổng thể để triển khai từ nay đến hết 2023.

Trong đó, tập trung các giải pháp tăng cường công tác quản lý thông qua một số giải pháp quan trọng như: Tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế; triển khai thanh tra, kiểm tra theo chuyên đề; hiện đại hoá công tác quản lý thuế; xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý rủi ro; phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức, hiệp hội có liên quan để trao đổi kết nối thông tin; củng cố địa vị pháp lý, chức năng nhiệm vụ cho một số đơn vị để đáp ứng quản lý chuyên sâu đối với TMĐT; xúc tiến hợp tác quốc tế trong việc đàm phán hiệp định song phương, đa phương về quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT…

Đối với lộ trình dài hạn đến 2025, Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) cũng đã đề xuất sửa đổi các Luật Thuế và pháp luật chuyên ngành có liên quan đến quản lý TMĐT; xây dựng Đề án bổ sung chức năng điều tra cho cơ quan thuế…

* Cục thuế một số tỉnh, thành phố đã đẩy mạnh triển khai công tác quản lý thuế hoạt động TMĐT. Điển hình như, tính đến hết tháng 9/2021, Cục Thuế TP. Hà Nội đã thu được 226 tỷ đồng; Bình Định đã thu được 14,27 tỷ đồng; Thái Nguyên đã thu được 908 triệu đồng… Bên cạnh đó, số thu thuế từ hoạt động TMĐT xuyên biên giới 9 tháng đầu năm 2021 đạt 1.017,38 tỷ đồng, bằng 88,95% năm 2020 (năm 2020 đạt 1.143,8 tỷ đồng).

* Theo số liệu tại hệ thống quản lý thuế thì hiện nay có khoảng 14 tập đoàn, công ty công nghệ lớn trên thế giới và 08 trang điện tử hoạt động TMĐT xuyên biên giới có thu nhập tại Việt Nam đã thực hiện nghĩa vụ thuế và số thuế thu được thông qua các tổ chức, cá nhận Việt Nam khấu trừ, nộp thay khoảng 1.000 tỷ đồng/năm. Tính từ năm 2018 đến hết tháng 9/2021, các tổ chức Việt Nam có ký hợp đồng quảng cáo trực tuyến với tổ chức nước ngoài không thành lập pháp nhân tại Việt Nam như Google, Youtube, Facebook… đã khai, nộp thuế với tổng số tiền là 4.099,68 tỷ đồng.

Theo Việt Dũng/tapchitaichinh.vn

Bài viết liên quan

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button