Chuẩn hóa chương trình bồi dưỡng cơ bản về quản trị tài sản trí tuệ ở Việt Nam
Bồi dưỡng cơ bản về quản trị tài sản trí tuệ (TSTT) thường có mục tiêu trang bị những kiến thức, kỹ năng cốt lõi về quản trị TSTT cho đội ngũ nhân sự làm công tác này ở các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp… Việc tổ chức các chương trình bồi dưỡng đó một cách bài bản không chỉ góp phần làm gia tăng giá trị lợi ích của TSTT đối với tổ chức, mà còn là một yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy sáng tạo và đổi mới, thương mại hóa công nghệ, phát triển kinh tế… Trên cơ sở xem xét thực trạng bồi dưỡng cơ bản về quản trị TSTT ở Việt Nam so với thực tiễn phổ biến của quốc tế, bài viết đưa ra một số khuyến nghị nhằm chuẩn hóa chương trình bồi dưỡng này trong thời gian tới.
Ảnh minh hoạ
Mở đầu
Trong khoảng 20 năm gần đây, hoạt động quản trị TSTT trong kinh doanh ngày càng trở nên quan trọng và nhận được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp, tổ chức, các học giả và giới quản lý [1] , nhất là trong bối cảnh nhiều trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp có xu hướng điều chỉnh chính sách từ định hướng nghiên cứu thuần túy, công bố kết quả nghiên cứu khoa học cơ bản sang các nghiên cứu có khả năng tạo ra những kết quả có tiềm năng thương mại hóa và mang lại thu nhập [2]. Sở dĩ như vậy vì mục tiêu quan trọng nhất của quản trị TSTT là tạo ra giá trị gia tăng đối với các tổ chức, tối đa hóa lợi nhuận và bảo đảm vị thế cạnh tranh trên thị trường [3]. Theo Ignacio và Jose (2017) [4], quản trị TSTT ngày nay còn được coi là một trụ cột của chiến lược kinh doanh và là công cụ thiết yếu giúp cải thiện nội lực của doanh nghiệp.
Có thể thấy rằng, mặc dù là một phần trong quản trị kinh doanh nói chung, do một số đặc thù mà lĩnh vực quản trị TSTT có tính riêng biệt tương đối; một số thao tác quản trị được tiến hành với tài sản hữu hình có thể không thích hợp với TSTT. Do đó, việc trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết cho đội ngũ nhân sự làm công tác quản trị TSTT ở các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp là một đòi hỏi thực tiễn. Mục tiêu tổng quát của hoạt động bồi dưỡng quản trị TSTT là hình thành đội ngũ các nhà thực hành quản trị TSTT chuyên nghiệp [5]. Đội ngũ đó cần có hiểu biết về các khía cạnh pháp lý, kinh tế và kỹ thuật của TSTT đủ để hoạch định chiến lược quản trị TSTT phù hợp và đưa ra các quyết định quản trị đúng đắn nhằm gia tăng giá trị của TSTT và tổ chức.
Bồi dưỡng cơ bản về quản trị TSTT – Thực tiễn quốc tế và Việt Nam
Thực tiễn quốc tế
Do vai trò quan trọng của hoạt động quản trị TSTT đối với các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp, hiện nay trên thế giới đã có khá nhiều chương trình bồi dưỡng cơ bản về quản trị TSTT với nội dung và hình thức phong phú, đa dạng. Theo khảo sát của chúng tôi, bên cạnh các chương trình đào tạo đại học và sau đại học có cấp văn bằng, được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo tín chỉ, mang tính hàn lâm về quản trị TSTT do một số trường đại học danh tiếng trên thế giới tổ chức như: Mitchell Hamline, Chicago Kent (Hoa Kỳ), Cambride, Queen Mary (Anh), Strasbourg (Pháp)…, còn có khá nhiều tổ chức khác cung cấp các chương trình bồi dưỡng cơ bản về quản trị TSTT dành cho đối tượng thuộc các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp như: VTC Group (Hong Kong), Viện Quản trị TSTT quốc tế I3PM (Hà Lan), Transformed (Úc), AUTM (Hoa Kỳ), Cơ quan Sáng chế châu Âu (EPO), Cơ quan Sở hữu trí tuệ (SHTT) châu Âu (EUIPO), Tổ chức SHTT Thế giới (WIPO)… Mục tiêu tổng thể của hầu hết các chương trình bồi dưỡng nêu trên là trang bị kiến thức và kỹ năng cơ bản về quản trị TSTT của tổ chức, trong đó có công tác quản trị gắn liền với vòng đời của TSTT như quản trị việc tạo dựng, xác lập quyền, thương mại hóa, bảo vệ TSTT. Mục tiêu cụ thể của các chương trình này là trang bị cho người học những kiến thức, kỹ năng cơ bản về nhận dạng TSTT, vai trò của TSTT đối với tổ chức, cách thức đưa TSTT vào quy trình quản trị của tổ chức, cách thức tổ chức công tác quản trị TSTT trong mối quan hệ với quản trị hoạt động và chiến lược chung của tổ chức.
Các chương trình bồi dưỡng nêu trên khá bài bản và thường bao gồm các nội dung cốt lõi như: (i) Giới thiệu chung về TSTT và quản trị TSTT; (ii) Tạo dựng TSTT; (iii) Xác lập quyền đối với TSTT; (iv) Bảo vệ quyền SHTT; (v) Thương mại hóa TSTT; (vi) Chiến lược quản trị TSTT. Yêu cầu đối với đầu vào (người học) của hầu hết các chương trình bồi dưỡng nêu trên là không đòi hỏi học viên phải có kiến thức cơ bản về SHTT, nghĩa là những người chưa từng làm quen với lĩnh vực SHTT đang làm việc tại các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp đều có thể tham dự, ngay cả khi họ là ứng viên quản trị TSTT của tổ chức, nhà quản lý cấp trung/trưởng bộ phận hoặc chủ doanh nghiệp, chuyên gia về một lĩnh vực kỹ thuật cụ thể làm việc trong tổ chức.
Về thời lượng, thời gian trung bình của các chương trình bồi dưỡng nêu trên là 19,8 giờ, tương đương với khoảng 2,5 ngày (mỗi ngày 2 buổi, mỗi buổi 4 giờ). Thời lượng như vậy được coi là đủ để trang bị kiến thức và kỹ năng cơ bản về quản trị TSTT cho học viên, có một vài chương trình có thời lượng ngắn hơn, chẳng hạn của EPO và EUIPO (2 giờ), Transformed (4 giờ), SMU (8 giờ). Tuy nhiên, tùy theo từng đối tượng, thời lượng, điều kiện cụ thể, mỗi chương trình bồi dưỡng có các hình thức khác nhau, bao gồm cả trực tiếp và trực tuyến. Các tài liệu bồi dưỡng được thiết kế một cách linh hoạt, phù hợp với chuyên môn khác nhau của học viên (khoa học, kỹ thuật, kinh doanh, luật…), hiểu biết của họ về mỗi chủ đề cũng như mục tiêu của học viên [6].
Tại Việt Nam
Trong thời gian qua tại Việt Nam, số lượng TSTT được tạo ra có xu hướng tăng đều hàng năm. Riêng năm 2020, Cục SHTT đã tiếp nhận 76.720 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp (SHCN); cấp 48.072 Văn bằng bảo hộ (tăng lần lượt là 1,7 và 15,6% so với năm 2019), trong đó cấp cho chủ thể Việt Nam: 139 bằng độc quyền sáng chế, 1.110 bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, 25.659 giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu… [7], đó là chưa kể đến các TSTT được bảo hộ mà không cần đăng ký. Nếu các TSTT này không được doanh nghiệp đưa vào chu trình quản trị hoặc quản trị một cách không bài bản sẽ làm lãng phí nguồn lực trí tuệ, không phát huy được tiềm năng và vai trò vốn có của các TSTT, đánh mất cơ hội kinh doanh, thậm chí có thể vướng vào các thủ tục pháp lý do xâm phạm quyền SHTT của người khác…
Công tác phát triển nguồn nhân lực về SHTT thời gian qua mới chủ yếu ở mức tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về SHTT. Các chương trình bồi dưỡng quản trị TSTT được triển khai từ năm 2008 đến nay (Sở Khoa học và Công nghệ TP Hồ Chí Minh, Viện Khoa học SHTT, Viện Quản trị TSTT Minh Đức) vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm, hoặc vừa vận hành vừa điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Đến nay, đã có khoảng 600-700 người thuộc các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp được bồi dưỡng theo các chương trình nêu trên1. So với khoảng 800.000 doanh nghiệp (chưa kể các trường đại học, viện nghiên cứu) trong phạm vi cả nước, số lượng nhân lực được bồi dưỡng cơ bản về quản trị TSTT còn rất ít.
Về cấu trúc chương trình, so với thực tiễn quốc tế, hầu hết các chương trình bồi dưỡng cơ bản về quản trị TSTT hiện nay ở Việt Nam đều bám sát chu trình SHTT (vòng đời của TSTT). Các chương trình này thường được bắt đầu bằng chủ đề giới thiệu chung về TSTT và/hoặc quản trị TSTT, sau đó giới thiệu các hoạt động nhằm kiểm soát vòng đời của TSTT (từ khâu tạo dựng đến thương mại hóa, bảo vệ TSTT) và cuối cùng là giới thiệu về tổ chức hệ thống quản trị TSTT, việc xây dựng và thực hiện chiến lược/quy chế quản trị TSTT. Tuy nhiên, qua khảo sát chúng tôi nhận thấy, so với thực tiễn quốc tế, hầu hết các chương trình nêu trên đều chưa chú trọng tới chủ đề “tạo dựng TSTT” và cấu trúc thành một chủ đề riêng biệt tương ứng với ý nghĩa quan trọng của nó. Trong khi đó, tạo dựng TSTT là khâu đặc biệt quan trọng, khởi đầu của chu trình SHTT và quyết định chất lượng, tiềm năng kinh tế của TSTT.
So với thực tiễn quốc tế, việc khai thác thông tin SHCN phục vụ hoạt động tạo dựng, xác lập quyền, bảo vệ và thương mại hóa TSTT của các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp ở Việt Nam cũng còn hạn chế [8]. Vì vậy, việc bổ sung chủ đề về “tổ chức và khai thác thông tin SHCN” trong các chương trình bồi dưỡng cơ bản về quản trị TSTT vừa mang tính đặc thù vừa cấp thiết. Cũng qua khảo sát, chúng tôi thấy rằng, nhìn chung hình thức bồi dưỡng cơ bản về quản trị TSTT ở Việt Nam chủ yếu là trực tiếp, chưa tổ chức dưới hình thức trực tuyến hoặc từ xa. Các chương trình bồi dưỡng chủ yếu được tổ chức ở những thành phố lớn. Thời gian trung bình của các chương trình này là khoảng 47,7 giờ, tương đương với khoảng 6 ngày (mỗi ngày 2 buổi, mỗi buổi 4 giờ), đặc biệt có những chương trình có thời lượng kéo dài 150 giờ như chương trình của Viện Quản trị TSTT Minh Đức phối hợp với Viện Khoa học SHTT. Điều đó cho thấy, so với thực tiễn quốc tế, các chương trình tương ứng ở Việt Nam có thời lượng tương đối dài (6 ngày so với 2,5 ngày) và có thể diễn ra trong nhiều tuần.
Một số khuyến nghị
Mặc dù các chương trình bồi dưỡng cơ bản về quản trị TSTT dành cho trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp được triển khai ở Việt Nam trong thời gian qua đã đạt được một số kết quả đáng kể, nhưng so với các chương trình bồi dưỡng tương ứng của quốc tế, các chương trình ở Việt Nam cần được điều chỉnh với lý do: việc thiết kế cấu trúc và nội dung của các chương trình cần được chuẩn hóa một cách thống nhất, thực sự gắn kết chặt chẽ với vòng đời của TSTT và đặc thù thực tiễn; cần xây dựng bộ tài liệu bồi dưỡng với đề cương thống nhất; chương trình bồi dưỡng cần được triển khai mở rộng ở nhiều địa phương; hình thức bồi dưỡng cần linh hoạt hơn, kết hợp trực tiếp, trực tuyến và từ xa; thời lượng chương trình cần được rút gọn (còn khoảng 2,5 ngày) để gia tăng sự hợp tác của người học.
Về nội dung, chương trình bồi dưỡng cơ bản về quản trị TSTT cần dành riêng một chủ đề về tạo dựng TSTT trong cấu trúc chương trình. Trong chủ đề này, các nội dung cần được nhấn mạnh bao gồm: nhận dạng TSTT; theo dõi, kiểm kê, lập bản đồ TSTT; nguyên tắc bộc lộ và/hoặc giữ bảo mật thông tin SHCN; đánh giá khả năng bảo hộ, tiềm năng thương mại… của TSTT. Đây là những công cụ hữu ích thường được sử dụng trong quá trình tạo dựng TSTT và quản trị TSTT ngay từ khâu bắt đầu hoạt động sáng tạo, nghiên cứu và phát triển của tổ chức.
Chương trình bồi dưỡng cơ bản về quản trị TSTT cần được bổ sung chủ đề về khai thác thông tin SHCN, với các nội dung cần được chú trọng gồm: vai trò của thông tin SHCN; cấu trúc của hệ thống bảo đảm thông tin SHCN; nguồn thông tin và các công cụ khai thác thông tin SHCN của thế giới và Việt Nam; thực hành tra cứu thông tin SHCN bằng các công cụ hữu ích (chẳng hạn IPPlatform, WIPOPublish); phân tích thông tin SHCN phục vụ hoạt động tạo dựng, xác lập quyền, thương mại hóa và bảo vệ TSTT.
Như đã đề cập ở trên, việc bồi dưỡng cơ bản về quản trị TSTT của các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp cần làm rõ tính đặc thù của quản trị TSTT trong mối quan hệ với quản trị kinh doanh và quản trị doanh nghiệp. Vì thế, trong chủ đề về chiến lược và/hoặc quy chế quản trị TSTT của tổ chức, cần chú ý tới tính riêng biệt của quản trị TSTT và vấn đề này đòi hỏi phải được xem xét tới khi tiến hành công tác quản trị ở mọi công đoạn.
Tóm lại, chương trình bồi dưỡng cơ bản về quản trị TSTT ở Việt Nam trong thời gian tới cần đạt được mục tiêu giúp các học viên làm quen với các khía cạnh cơ bản của TSTT và quản trị TSTT, nhận thức được vai trò của TSTT đối với tổ chức, nắm được cách thức chuyển hóa ý tưởng sáng tạo thành TSTT và quyền SHTT, quản trị có hiệu quả khối TSTT của tổ chức và làm gia tăng giá trị TSTT, mang lại lợi ích cho tổ chức và xã hội.
TS Nguyễn Hữu Cẩn – Viện Khoa học sở hữu trí tuệ/Tc KH&CNVN