Thị trường quốc tế

Tiền mã hóa có thể gây thảm họa tài chính tương tự năm 2008?

(HNTT) – Phó thống đốc của Ngân hàng Trung ương Anh cảnh báo rằng tiền mã hóa có thể mang đến tương lai bất ổn nếu các chính phủ không có biện pháp đề phòng.

Phó thống đốc về ổn định tài chính của Ngân hàng Trung ương Anh, Jon Cunliffe, đã cảnh báo về một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu có nguyên nhân là tiền mã hóa.

Trong bài phát biểu vào ngày 13/10, ông Cunliffe cho rằng sự kiện này sẽ chỉ có thể được ngăn chặn khi các quy định cứng rắn được đưa ra.

“Khi một mảnh ghép trong hệ thống tài chính phát triển vượt trội và trong môi trường phần lớn không được kiểm soát, các cơ quan quản lý làm nhiệm vụ ổn định tài chính cần ngồi thẳng dậy và chú ý”, Cunliffe nói.

Tiền mã hóa “thiếu giá trị nội tại”

Để minh chứng cho lập luận, Cunliffe đã chỉ ra tốc độ tăng trưởng chóng mặt của thị trường tiền mã hóa. So sánh với 5 năm trước, thị trường 16 tỷ USD nay đã chạm chưỡng 2.300 tỷ USD. Ông cũng nhắc đến thị trường thế chấp dưới chuẩn 1.200 tỷ USD, nguyên nhân gây ra khủng hoảng kinh tế năm 2008.

Ngân hàng Trung ương Anh cảnh báo về tương lai của tiền mã hóa. Ảnh: Investopedia. 

Cunliffe cho biết các chính phủ và cơ quan quản lý cần cẩn thận để không phản ứng thái quá hoặc phân loại tiền mã hóa là “nguy hiểm” chỉ vì chúng khác biệt. Ông cũng nhấn mạnh rằng tiền mã hóa đã mang lại triển vọng để “cải tiến triệt để” các dịch vụ tài chính.

Dù nền tài chính đến nay vẫn ổn định, ông cho rằng hệ thống tiền mã hóa đặt ra mối lo ngại vì phần lớn chúng “không có giá trị nội tại và giá trị dễ gặp các đợt điều chỉnh lớn”.

Hai loại tiền mã hóa lớn nhất, Bitcoin và Ethereum, đã mất hơn 30% giá trị vào đầu năm nay trước khi giá phục hồi. Thực tế chứng minh giá tiền mã hóa cực kỳ biến động kể từ khi được tạo ra. Giá cả của mặt hàng này dễ bị tác động bởi nhiều yếu tố bên ngoài, từ bình luận của CEO Tesla Elon Musk cho đến các biện pháp trừng phạt của chính phủ Trung Quốc.

“Thế giới tiền mã hóa đang bắt đầu kết nối với hệ thống tài chính truyền thống và chúng tôi nhận thấy sự xuất hiện của những người chơi với vốn vay. Quan trọng hơn, chúng diễn ra trong môi trường gần như không được kiểm soát”, Cunliffe nói.

Giá Bitcoin nhiều lần giảm, rồi tăng mạnh trong suốt 13 năm tồn tại. Ảnh: Coinmarketcap. 

Nhận xét của ông lặp lại những đánh giá của Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh, Andrew Bailey vào tháng 5. Khi đó, ông đã cảnh báo các nhà đầu tư tiền mã hóa nên chuẩn bị cho viễn cảnh mất hết tiền do tài sản thiếu “giá trị nội tại”.

Bên cạnh đó, Cơ quan Quản lý Tài chính của Vương quốc Anh cũng đã cảnh báo về tính chất rủi ro của đầu tư tiền mã hóa.

Những điểm tương đồng với khủng hoảng tài chính 2008

Cunliffe cho biết rủi ro có thể tăng cao nếu thị trường tiền mã hóa tiếp tục mở rộng với tốc độ như hiện nay. Tuy nhiên, quy mô của những rủi ro này sẽ được xác định bởi tốc độ phản ứng của các cơ quan quản lý và chính phủ.

Trong 5 năm qua, giá của Bitcoin giảm 10% trong ngày tới 30 lần. Vào ngày cao điểm, mức giảm lớn nhất là gần 40% sau một sự cố mạng xảy ra với công ty BitMEX có trụ sở trụ sở tại Seychelles.

“Câu hỏi về tương lai là điều gì có thể xảy ra từ những sự kiện như vậy, nếu các loại tiền mã hóa này tiếp tục phát triển, nếu chúng tiếp tục tích hợp vào tài chính truyền thống và nếu các chiến lược đầu tư tiếp tục trở nên phức tạp hơn”, Cunliffe phát biểu.

Ông cũng đặt câu hỏi liệu hệ thống có thể hấp thụ các đợt điều chỉnh giá lớn hay không. Hành động này sẽ khiến một số nhà đầu tư chịu thiệt hại nặng nề nhưng tránh được tác động trực tiếp đến nền kinh tế thực.

Cả hai yếu tố này đều đã xuất hiện trong thị trường thế chấp dưới chuẩn năm 2008, tạo ra những tác động để cuối cùng đưa nền kinh tế toàn cầu đi xuống. Cunliffe cho biết hiện cả hai đang ngày một trở nên nổi bật trong thị trường tiền mã hóa.

Nhiều nhà quản lý yêu cầu có sự quản lý chặt chẽ hơn với tiền mã hóa. 

“Mặc dù nền tài chính của tiền mã hóa hoạt động theo những cách mới, nhưng các cơ quan có thể và nên quản lý rủi ro tiền mã hóa như chúng nằm trong thế giới tài chính truyền thống”, Cunliffe nói.

Nhiều cơ quan quản lý trên khắp thế giới đã bắt đầu làm việc để thiết lập khuôn khổ. Thông qua đó, những nhà chức trách có thể quản lý sự phát triển của các loại tiền điện tử. Nhưng từ góc nhìn của Cunliffe, hoạt động này cần được triển khai như một vấn đề cấp bách.

“Công nghệ và đổi mới đã thúc đẩy sự cải tiến tài chính trong suốt lịch sử. Tiền mã hóa mang lại một cơ hội lớn. Như Ralph Waldo Emerson từng nói, nếu bạn làm ra một cái bẫy chuột tốt hơn, cả thế giới sẽ đến trước cửa nhà bạn cùng một con đường mới.

“Nhưng đó phải là một cái bẫy chuột thực sự tốt hơn và không phải là cái chỉ hoạt động dựa theo các tiêu chuẩn thấp hơn – hoặc không có tiêu chuẩn nào cả”, Cunliffe nói.

Theo Tuấn Linh/zingnews.vn

Bài viết liên quan

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button