Doanh nghiệp du lịch Nam Bộ tăng cường quảng bá trên nền tảng số
(HNTT) – Để các hoạt động quảng bá du lịch Nam Bộ đạt được hiệu quả cao, cần có sự đổi mới, gắn với chuyển đổi số, tận dụng các ưu thế của công nghệ thông tin để hình ảnh các điểm đến, sản phẩm du lịch đặc thù.
Thành viên tham gia tour về nguồn tham quan vườn trái cây tại Khu du lịch sinh thái Tam Tân, huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: TTXVN phát)
Xây dựng điểm đến và chuỗi dịch vụ đảm bảo an toàn, đáp ứng các tiêu chí phòng dịch COVID-19, đồng thời gắn với đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá các sản phẩm du lịch, chuẩn bị các chính sách kích cầu trong thời gian tới là những giải pháp được ngành du lịch, các doanh nghiệp lữ hành, lưu trú, điểm đến ở Nam Bộ có những bước khởi động, triển khai theo lộ trình một cách linh hoạt, gắn liền với nhiệm vụ kiểm soát dịch COVID-19 hiệu quả.
Xây dựng điểm đến an toàn
Theo bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố thực hiện lộ trình mở cửa du lịch theo từng giai đoạn, gắn với kế hoạch khôi phục các hoạt động kinh tế-xã hội, đảm bảo an toàn, chắc chắn.
Trước hết, trong tháng 10, sau các tour thí điểm tri ân lực lượng tuyến đầu chống dịch là các tour thương mại đón du khách với các điểm đến thuộc “vùng xanh” Củ Chi, Cần Giờ.
Sau đó, từ đầu tháng 11 cho đến hết tháng 12, thành phố dự kiến sẽ nâng dần công suất phục vụ của các tour du lịch, các điểm đến, các điểm đến có thể mở rộng ngoài phạm vi Thành phố Hồ Chí Minh với các yêu cầu đảm bảo phòng dịch.
Giai đoạn từ ngày 1/1/2022, thành phố có thể sẽ khôi phục toàn bộ các hoạt động điểm đến, loại hình du lịch, không có giới hạn về quy mô, loại hình, trong trường hợp khu vực điểm đến có diễn biến biến xấu do dịch bệnh thì tùy theo mức độ sẽ giảm công suất, quy mô hoạt động của khu vực đó.
Nhấn mạnh giải pháp liên kết, hình thành các chuỗi điểm đến an toàn với các địa phương trong cả nước, theo Phó Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, trước tiên đơn vị làm việc với ngành du lịch các tỉnh trong và ngoài khu vực Nam Bộ như Tây Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Hà Giang để chuẩn bị các phương án kết nối các điểm đến phù hợp, làm sao từng bước đưa du khách từ Thành phố Hồ Chí Minh đến du lịch tại các địa phương và đón du khách từ các địa phương đến Thành phố Hồ Chí Minh tham quan, trải nghiệm theo lộ trình phù hợp, đảm bảo đáp ứng các biện pháp phòng dịch gắn với các hoạt động phục hồi du lịch.
Đề cập về giải pháp liên kết lâu dài, căn cơ trong hoạt động du lịch, theo bà Nguyễn Thị Mộng Bình, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Nai, để có sản phẩm du lịch hấp dẫn, trên cơ sở có sự gắn kết giữa các địa phương trong tỉnh cũng như toàn vùng, trong giai đoạn tới, Đồng Nai sẽ tiếp tục thực hiện hợp tác phát triển du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ.
Tỉnh cũng lựa chọn một số di sản phù hợp cho phát triển du lịch để hình thành tuyến du lịch sinh thái gắn với di sản văn hóa, như hoạt động du lịch sinh thái gắn với tham quan, tìm hiểu di sản tại Khu văn hóa Bảo tồn thiên nhiên-văn hóa Đồng Nai; du lịch sinh thái tại Vườn quốc gia Cát Tiên gắn với di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo.
Đẩy mạnh quảng bá trên nền tảng số
Nhiều chuyên gia cho rằng, sau khi dịch COVID-19 đã được kiểm soát, hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch cần được tập trung đẩy mạnh hơn nữa.
Vẻ đẹp hoang sơ của điểm du lịch Hang Rái trong cụm du lịch Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)
Để các hoạt động quảng bá đạt được hiệu quả cao, cần có sự đổi mới, gắn với chuyển đổi số, tận dụng các ưu thế của công nghệ thông tin để hình ảnh các điểm đến, sản phẩm du lịch đặc thù được lan tỏa mạnh mẽ, tạo hiệu ứng tốt hơn cho việc chuẩn bị các bước đón du khách trong nước cũng như thí điểm đón du khách quốc tế trở lại ở một số địa phương.
Bà Trần Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, sau thí điểm đón khách tại 4 điểm, Bà Rịa-Vũng Tàu dự kiến sẽ thúc đẩy chương trình quảng bá sản phẩm, dịch vụ rộng rãi hơn qua sàn thương mại điện tử và hội chợ du lịch trực tuyến.
Hội chợ trực tuyến về du lịch của Bà Rịa-Vũng Tàu dự kiến được tổ chức vào quý 4 năm nay, trên nền tảng sàn thương mại điện tử, góp phần lan tỏa, tăng khả năng quảng bá và tiếp cận với nhiều đối tượng khách hàng trong và ngoài nước, nhằm quảng bá, xúc tiến du lịch, định vị và duy trì thương hiệu du lịch một cách bền vững, khai thác các thị trường mục tiêu và mở rộng các thị trường tiềm năng cho du dịch Bà Rịa-Vũng Tàu.
Còn theo đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ, được sự đồng ý của Ủy ban Nhân dân thành phố, Cần Thơ tham dự Hội chợ Du lịch Quốc tế Busan năm 2021 diễn ra trong các ngày 7-8/10 theo hình thức trực tuyến.
Tham gia Hội chợ này, gian hàng của Du lịch Cần Thơ có chủ đề “Cần Thơ, Việt Nam – đô thị miền sông nước” với mong muốn giới thiệu các điểm đến hấp dẫn, mới mẻ của du lịch thành phố trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Từ khía cạnh nâng cao hiệu quả quảng bá sản phẩm du lịch trên cơ sở tận dụng tối đa lợi thế về công nghệ, chuyển đổi số, theo ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Giám đốc Công ty Saigon ASSET, cần tập trung số hóa tất cả thông tin chuyên trang du lịch nông nghiệp, nông thôn, trong đó phân nhóm theo từng vùng phát triển.
Du lịch nông nghiệp, nông thôn của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cần có chuyên trang giới thiệu, có bản đồ số hóa các tour, các sản phẩm nông sản.
Như khi du khách muốn tìm hiểu về Làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp) sẽ chỉ cần “click” vào bản đồ số chuyên trang, lập tức sẽ có đầy đủ các thông tin về lịch sử làng hoa, các sự kiện, tour tuyến liên quan và cả những sản vật độc đáo.
Làm được điều này không những vừa tiết kiệm được chi phí quảng bá cho hoạt động du lịch, tạo nền tảng để đánh giá dịch vụ, sản phẩm một cách thuận tiện mà còn có thể từ đó xây dựng các hội chợ thực tế ảo, giới thiệu, chào bán thường xuyên các sản vật, mặt hàng nông sản của từng địa phương một cách lâu dài./.
Theo Thanh Trà (TTXVN/Vietnam+)