Tiền số

Việt Nam có môi trường thuận lợi để phát triển tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương

(HNTT) – Báo cáo về Chỉ số Tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương (CBDC) toàn cầu của PwC công bố hồi tháng 4/2021 cho thấy, Việt Nam đang có môi trường thuận lợi để phát triển tiền kỹ thuật số. Thanh toán điện tử đang phát triển mạnh mẽ, công nghệ chuỗi khối (blockchain) đã và đang có những tiến bộ vượt bậc… Đây là những yếu tố căn bản góp phần tạo ra môi trường thuận lợi, hỗ trợ sự phát triển CBDC tại Việt Nam.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Báo cáo của PwC cho biết, CBDC – một dạng tiền điện tử chính thức của một quốc gia – hứa hẹn sẽ trở thành nhân tố tiếp theo thay đổi cục diện ngành ngân hàng và thanh toán trên toàn thế giới. CBDC sẽ cho phép thực hiện giao dịch, dù là trong hay ngoài nước, một cách an toàn và hiệu quả hơn với chi phí thấp hơn. Mặc dù CBDC vẫn đang là một khái niệm khá mới mẻ, nhiều Ngân hàng Trung ương trên thế giới đã thể hiện sự quan tâm và đang xem xét ứng dụng CBDC rộng rãi.

Tại Việt Nam, PwC cho biết, trong Báo cáo “Người tiêu dùng toàn cầu” gần đây do Statista thực hiện tại 74 quốc gia, Việt Nam hiện xếp thứ 2 với số người đã hoặc đang sở hữu một dạng tiền điện tử nào đó. Như vậy, Việt Nam đang có môi trường thuận lợi để phát triển CBDC.

Theo “Báo cáo số 2021: Tiêu điểm Việt Nam”, Việt Nam đạt tới 154,4 triệu kết nối di động vào tháng 1/2021, chiếm 157,9% dân số cả nước. Trong khi Chính phủ dự báo các giao dịch thanh toán không tiền mặt sẽ đạt mức tăng trưởng hàng năm từ 20 – 25%, thanh toán điện tử có khả năng phát triển mạnh mẽ trên toàn quốc, vươn tới các vùng hẻo lánh.

Công nghệ blockchain đã có những tiến bộ vượt bậc tại Việt Nam trong thời gian qua. Đáng chú ý, Bộ Thông tin – Truyền thông đã chính thức ra mắt akaChain, một nền tảng công nghệ blockchain do FPT Software phát triển và áp dụng như một giải pháp định danh số. Trong lĩnh vực tư nhân, rất nhiều các dự án về blockchain tại Việt Nam đã tạo ra tiếng vang trong và ngoài nước, bao gồm Axie Infinity, KardiaChain, My Defi Pet…

Trước nhu cầu sử dụng tiền kỹ thuật số ngày càng gia tăng, từ năm 2017, Chính phủ Việt Nam cũng đã ban hành một số quy định liên quan đến việc quản lý tài sản số, tiền ảo và tiền số. Cụ thể, ngày 15/6/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 942/QĐ-TTg, trong đó giao Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu xây dựng và thí điểm sử dụng tiền ảo dựa trên công nghệ blockchain, trong vòng 3 năm tới. Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính đang bắt tay vào nghiên cứu cơ chế pháp lý cho quản lýtải sản ảo và tiền ảo. Trước đó, năm 2020, Bộ Tài chính cũng đã thành lập tổ nghiên cứu về vấn đề này…

Như vậy, Việt Nam có môi trường và nhiều yếu tố thuận lợi để hình thành và phát triển CBDC, cụ thể:

Thứ nhất, nhu cầu đầu tư vào tiền điện tử kỹ thuật số lớn: Hiện nay, Việt Nam có một lượng lớn người dân quan tâm, tham gia vào lĩnh vực tiền ảo, tiền điện tử kỹ thuật số. Khảo sát của Statista cho thấy, Việt Nam thuộc top 3 toàn cầu về tỷ lệ người dân sở hữu tiền điện tử. Theo ước tính của Chainalysis, các nhà đầu tư Việt Nam đã kiếm được 0,4 tỷ USD trong năm 2020 nhờ đầu tư vào Bitcoin. Xét trên bình diện toàn cầu, Việt Nam đứng thứ 13 thế giới về mức độ kiếm lời liên quan đến Bitcoin.

Thứ hai, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phát triển: Theo Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 4/2021 cả nước có trên 79 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai thanh toán qua internet và 44 tổ chức thanh toán qua điện thoại di động.

Thứ ba, giải quyết nhu cầu thanh toán cho người dân chưa có tài khoản ngân hàng: Theo thống kê của Merchant Machine trong năm 2021, Việt Nam xếp thứ 2 (sau Ma-rốc) trên toàn thế giới, với 69% người dân chưa tiếp cận được dịch vụ tài chính, chưa có tài khoản ngân hàng. Số liệu tổng hợp của Agribank cho thấy, hơn 70% dân số Việt Nam tập trung ở khu vực nông thôn nhưng tỷ lệ tiếp cận dịch vụ ngân hàng hiện đại của khu vực này còn hạn chế. Trong khi đó, chỉ với việc sử dụng một ví kỹ thuật số có lưu trữ tiền kỹ thuật số, các nhu cầu về thanh toán ngân hàng, bảo mật thông tin, an toàn giao dịch… sẽ hoàn toàn được xử lý triệt để, góp phần thực hiện chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt, đẩy mạnh phát triển công nghệ số, kinh tế số. Như vậy, việc sử dụng tiền kỹ thuật số do ngân hàng trung ương phát hành sẽ giải quyết được nhu cầu thanh toán trực tuyến thông qua tài khoản ngân hàng hiện nay.

Tuy nhiên, xu thế phát triển của tiền kỹ thuật số do ngân hàng trung ương phát hành sẽ tác động và gây ra một số rào cản, thách thức đối với Việt Nam trong thời gian tới, cụ thể: Các ngân hàng thương mại, tổ chức tài chính trung gian có thể xóa sổ một số nguồn thu dịch vụ truyền thống. Điều này sẽ khiến cho các tổ chức tài chính – tín dụng mất đi một nguồn thu lớn, ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh. Các quốc gia có chính sách chấp nhận hoặc cấm đoán các đồng tiền kỹ thuật số sẽ gây ra rủi ro cho các trung gian tài chính, công nghệ tài chính vốn chấp nhận thanh toán bằng các đồng tiền này.

Hơn nữa, hoạt động giao dịch, mua bán tiền kỹ thuật số phụ thuộc vào các thiết bị điện tử và hệ thống công nghệ thông tin, vì vậy, luôn hiện hữu nguy cơ mất an toàn khi sàn giao dịch bị sập, ổ cứng bị lỗi, dữ liệu bị virus, các tập tin bị mất cắp, hacker và tội phạm mạng…  Nguồn nhân lực am hiểu về công nghệ số, về CBDC, đặc biệt là cách thức vận hành, phát triển, quản lý… còn hạn chế, thiếu và yếu cả về chất lượng lẫn số lượng. Điều này đặt ra thách thức chung cho nhiều quốc gia không chỉ riêng Việt Nam, bởi hiện nay vấn đề quản lý tiền ảo, tiền kỹ thuật số nói chung…

Do đó, để chuyển đổi số nền kinh tế, khu vực ngân hàng nói chung và có thể là liên quan đến CBDC ở Việt Nam, cần có các chính sách đột phá hay mạnh dạn hơn nữa, theo đó cần có các nghiên cứu chuyên sâu và tầm chiến lược liên quan về kinh tế số, ngân hàng số theo các chính sách đột phá đề ra.

Theo T. Hà/tapchitaichinh.vn

Bài viết liên quan

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button