Phát triển thương hiệu du lịch biển đảo
(HNTT) – Nhờ lợi thế từ đường bờ biển dài, Việt Nam không thiếu những bãi biển đẹp. Tuy nhiên, biển Việt Nam đến nay vẫn chưa định hình được thương hiệu thiên đường biển đảo như các nước trong khu vực
Việt Nam là quốc gia có tiềm năng lớn về biển, hải đảo khi có hơn 1 triệu km2 diện tích mặt biển, bờ biển hơn 3.000 km trải dài khắp ba miền đất nước; hàng ngàn hòn đảo lớn nhỏ cùng những bãi tắm cát trắng, nước xanh và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đây là lợi thế để chúng ta xây dựng các điểm đến, phát triển thương hiệu du lịch biển đảo như một số quốc gia trong khu vực.
Giàu tiềm năng, nghèo sản phẩm
Hằng năm, các hoạt động du lịch biển đảo Việt Nam thu hút khoảng 70% số lượng khách quốc tế và 50% khách nội địa, mang lại 70% doanh thu cho ngành du lịch cả nước. Đây chính là những điều kiện lý tưởng để Việt Nam khai thác tiềm năng du lịch biển.
Nha Trang – Cam Ranh (Khánh Hòa) là một trong 5 khu vực biển có sức cạnh tranh cao, khai thác hiệu quả về du lịch biển. Ảnh: KỲ NAM
Một số điểm đến nổi tiếng thu hút nhiều du khách quốc tế như vịnh Hạ Long – di sản thiên nhiên thế giới; vịnh Nha Trang – một trong những vịnh đẹp nhất thế giới; bãi biển Đà Nẵng – được tạp chí Forbes bình chọn là 1 trong 6 bãi biển quyến rũ nhất hành tinh.
Các bãi biển thiên nhiên tươi đẹp thu hút đông đảo du khách khiến nhiều doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở lưu trú, cơ sở hạ tầng du lịch vùng ven biển nhằm đáp ứng nhu cầu du khách. Du lịch biển đảo đã mang lại nhiều cơ hội tiềm năng kinh tế, cải thiện đời sống của người dân ở vùng ven biển nhiều địa phương trong cả nước.
Nhờ lợi thế từ đường bờ biển dài, Việt Nam không thiếu những bãi biển đẹp. Tuy nhiên, biển Việt Nam đến nay vẫn chưa định hình được thương hiệu “thiên đường biển đảo” như các nước trong khu vực.
Trên thực tế, du lịch biển đảo tuy là loại hình nổi bật của du lịch Việt Nam trong những năm gần đây nhưng các tiềm năng mới được khai thác ở mức độ đơn giản. Một điều dễ nhận thấy nhất là du lịch biển Việt Nam còn nhiều hạn chế trong các dịch vụ, chưa đa dạng sản phẩm vui chơi giải trí trên biển. Ngoài những điểm đến nổi bật như Hạ Long, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc… thì hoạt động du lịch biển ở các địa phương khác vẫn đơn thuần là tắm biển và ăn uống thông thường. Các hoạt động lễ hội, tour khám phá, trải nghiệm hầu như vắng bóng khi đến những bãi biển địa phương.
Mặt khác, chúng ta chưa khai thác triệt để tiềm năng về du lịch biển bảo. Quy hoạch của nhiều bãi biển đẹp đã bị phá vỡ, phát triển manh mún và khó điều chỉnh. Điển hình là bãi biển Mũi Né đang kẹt cứng trong không gian ven bờ khi có quá nhiều khách sạn, resort chen dày ở mặt tiền biển.
Cho đến nay, nhiều địa phương vẫn đang làm du lịch biển theo lối tự phát, mang tính riêng lẻ, thiếu bản sắc đặc trưng. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng cho việc đón khách cũng là điểm yếu khiến du lịch biển Việt Nam vốn tiềm năng nhưng chưa phải là “thiên đường”. Một số vùng biển rất khó đưa du khách đến với số lượng lớn.
Cần quy hoạch và phát triển đồng bộ
Để phát triển thương hiệu du lịch biển đảo, điều đầu tiên là cần tăng cường nhiều hơn các dịch vụ, hệ thống cơ sở hạ tầng và quy hoạch tổng thể không gian biển hợp lý, bền vững. Các sản vật địa phương liên quan đến biển cũng theo đó mà phát triển thành thương hiệu, đậm dấu ấn bản sắc văn hóa địa phương, góp phần đáng kể vào việc phát triển sản phẩm gắn với các tour du lịch.
Chúng ta đã hình thành 5 khu vực du lịch biển có sức cạnh tranh cao trong khu vực, gồm: Hạ Long – Cát Bà; Lăng Cô – Sơn Trà – Hội An; Nha Trang – Cam Ranh; Phan Thiết – Mũi Né; khu du lịch Phú Quốc. Đồng thời, các khu du lịch biển giàu tiềm năng khác cũng được đầu tư phát triển như Vân Đồn – Cô Tô; bước đầu khai thác tour du lịch ra Trường Sa; đầu tư, khai thác cảng du lịch chuyên dụng.
Hơn nữa, xu hướng du lịch sinh thái biển được xem là một loại hình mới mẻ, hứa hẹn sẽ phát triển mạnh trong tương lai, trong khi hệ sinh thái biển đảo nước ta khá phong phú. Việt Nam hiện có hơn 20 kiểu hệ sinh thái điển hình, thuộc 6 vùng đa dạng sinh học biển khác nhau. Các hệ sinh thái này có giá trị dịch vụ rất lớn, là nơi cư trú, sinh sản, ươm nuôi của nhiều loài thủy hải sản bản địa và di cư, cũng như một số hệ sinh thái có năng suất sinh học cao là rạn san hô, thảm cỏ biển và rừng ngập mặn.
Toàn bộ vùng biển Việt Nam nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa với sự khác biệt đáng kể về khí hậu giữa các vùng biển, rất thuận lợi để hình thành những khu hệ động – thực vật có tính đa dạng sinh học cao. Chính vì vậy, tổ chức thực hiện tốt công tác bảo tồn biển sẽ tạo đà cho việc phát triển mạnh mẽ thương hiệu du lịch biển đảo Việt Nam.
Với quan điểm phát triển du lịch biển đảo trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm tỉ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GDP, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, nên ngay từ bây giờ, ngành du lịch Việt Nam cần sớm khắc phục các mặt hạn chế, nhanh chóng phát triển du lịch nói chung và du lịch biển nói riêng theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, trở thành điểm đến hấp dẫn và tiện ích cho mọi du khách trong và ngoài nước.
“Trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, phát triển thương hiệu du lịch biển đảo chính là thế mạnh cần phải ưu tiên. Chính những yếu tố bản sắc riêng của địa phương được thể hiện một cách chuyên nghiệp, có sự đầu tư hợp lý sẽ tạo động lực thúc đẩy du lịch biển đảo.
Mời tham gia cuộc thi viết “Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm”
Từ thành công của cuộc thi viết “Chủ quyền biển đảo bất khả xâm phạm” lần 1 năm 2020-2021, Báo Người Lao Động phát động cuộc thi viết lần 2 năm 2021-2022 với chủ đề “Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm”.
Nội dung, phạm vi đề tài:
– Phản ánh việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của đất nước, của ngành, của địa phương trong công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, nhất là đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; công cuộc bảo vệ, xây dựng, phân giới, cắm mốc, bảo vệ đường biên giới trên bộ.
– Phản ánh khách quan, sinh động, sâu sắc về đường lối ngoại giao của Việt Nam trong công cuộc bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ quốc gia của Việt Nam.
– Biểu dương tập thể, cá nhân, gương điển hình trong thực thi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền; sự hy sinh, cống hiến của người chiến sĩ Hải quân, Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng… đang ngày đêm canh gác ngoài biển khơi, vùng biên giới.
– Đề xuất ý tưởng, giải pháp có căn cứ khoa học trong việc tuyên truyền đấu tranh bảo vệ chủ quyền; về phát triển kinh tế biển, văn hóa biển, bảo vệ môi trường biển Việt Nam, phát triển kinh tế khu vực biên giới…
Thể lệ, yêu cầu:
– Là bài viết thể loại phóng sự, ký sự, ghi chép, bình luận, phản ánh, tường thuật, ghi nhanh…
– Tác phẩm dự thi (bài và ảnh; clip/video) chưa đăng, phát trên bất kỳ phương tiện đại chúng nào, kể cả trang cá nhân.
– Các tác phẩm có liên quan đến tư liệu, tài liệu lịch sử…, tác giả phải gửi kèm bài viết hoặc trích nguồn, dẫn nguồn.
– Mỗi bài dự thi chỉ đăng 1 kỳ, không quá 1.700 chữ; bắt buộc có ít nhất 3 ảnh chụp nhân vật hoặc vấn đề liên quan tình tiết, nội dung bài báo. Ảnh gửi kèm theo bài, không dán ảnh vào bản thảo dự thi.
– Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm dự thi.
Đối tượng tham gia:
Tất cả công dân Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam và nước ngoài, người nước ngoài đang sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam đều được tham gia cuộc thi trên.
Thời gian:
– Nhận tác phẩm dự thi từ ngày 28-8-2021 đến hết ngày 15-5-2022. Lễ trao giải dự kiến trong tháng 6-2022.
– Tác phẩm dự thi gửi qua email: chuquyenbiendao@nld.com.vn. Tác phẩm dự thi ghi rõ tên tác giả, bút danh, kèm địa chỉ, số điện thoại liên lạc, tài khoản ngân hàng. Tác phẩm dự thi đăng báo được trả nhuận bút theo quy định của Báo Người Lao Động.
Cơ cấu giải thưởng:
– Giải nhất (1 giải): 50 triệu đồng.
– Giải nhì (1 giải): 30 triệu đồng.
– Giải ba (1 giải): 20 triệu đồng.
– Giải khuyến khích (2 giải): 10 triệu đồng/giải.
Theo Nguyễn Ngọc Diễm/nld.com.vn