Nghiên cứu trao đổi

TS. Hồ Minh Sơn: Yếu tố pháp lý liên quan TikToker “Thế Lòng Se Điếu” và TikToker Lê Việt Hùng?

(HNTTO) – Tư vấn pháp luật là dịch vụ cung cấp sự hỗ trợ pháp lý bằng cách giải đáp các câu hỏi về pháp luật, hướng dẫn người sử dụng làm thế nào để tuân thủ luật, và cung cấp các dịch vụ pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Trong đó, bao gồm: Hướng dẫn và đưa ra ý kiến pháp lý: Luật sư hoặc trợ giúp viên pháp lý sẽ giải thích các quy định pháp luật và hướng dẫn khách hàng cách thực hiện đúng pháp luật; Soạn thảo giấy tờ pháp lý: Giúp khách hàng soạn thảo các văn bản, hợp đồng, và các giấy tờ liên quan đến việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của họ; Bảo vệ quyền lợi hợp pháp: Hỗ trợ khách hàng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ trước các cơ quan pháp luật hoặc trong các tranh chấp pháp lý.

Căn cứ vào điều 2 Luật Trợ giúp pháp lý 2017 quy định Trợ giúp pháp lý là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý trong vụ việc trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật này, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật. Hoạt động trợ giúp pháp lý là hoạt động nghề nghiệp mang tính pháp lý cao. Hoạt động trợ giúp pháp lý chủ yếu do người thực hiện trợ giúp pháp lý thực hiện thông qua các hình thức tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng, tham gia tố tụng.

Vào sáng ngày 13/05/2025, Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật và Kinh tế hội nhập (IRLIE) đã phối hợp Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) và Tạp chí Doanh nghiệp và Trang trại Việt Nam đã giao Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) và Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn (TTTVPLMS) tổ chức buổi tham vấn pháp lý bằng hình thức trực tuyến và trực tiếp cho cộng đồng doanh nghiệp và độc giả trên cả nước.

Qua đó, tư vấn theo nghĩa thông thường là đóng góp ý kiến về những vấn đề được hỏi đến, nhưng không có quyền quyết định”. Cạnh đó, tư vấn được sử dụng trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội như: tư vấn đầu tư xây dựng, tư vấn kỹ thuật, tư vấn kinh doanh, tư vấn sản xuất, tư vấn pháp luật,…Tư vấn là quá trình thu nhận những thông tin khách quan, những tri thức hiểu biết về một lĩnh vực nhất định không xuất phát và bị chi phối bởi các động cơ chủ quan khác nhau của người tư vấn và người cần tư vấn, vì vậy tư vấn có thể được xem như là những sự khuyên bảo từ một tổ chức hay người có trình độ chuyên môn cao về một lĩnh vực nào đó cho những người hoặc tổ chức có trình độ chuyên môn thấp hơn hoặc không hiểu biết gì về lĩnh vực đó. Đây là hình thức góp ý kiến về một lĩnh vực chuyên môn nhất định mà người “tư vấn” là người chủ động, tích cực, còn người được tư vấn thì thụ động nghe theo sự phân tích và khuyên bảo của người tư vấn.

Tại buổi tham vấn pháp lý, TS. Hồ Minh Sơn đã tham vấn một cách cụ thể, xin trích dẫn hai vấn đề nổi cộm được quan tâm, và khuyến nghị cụ thể:

Trường hợp thứ nhất: Yếu tố pháp lý liên quan TikToker “Thế Lòng Se Điếu”?

Sáng ngày 08/05 vừa qua, đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm quận Cầu Giấy, Hà Nội đã kiểm tra đột xuất cơ sở đăng thông tin lòng se điếu dài 40m trên mạng xã hội – “Lòng chát quán” tại số 18 Trần Thái Tông, phường Dịch Vọng Hậu. Làm việc với đoàn kiểm tra, chủ cơ sở là ông Ngô Quyền Thế – TikToker “Thế Lòng Se Điếu” cho biết, cửa hàng chuyên chế biến các món về lòng chứ không chỉ riêng món lòng se điếu.

Như vậy, bộ lòng se điếu dài 40m, TikToker “Thế Lòng Se Điếu” xin lỗi người tiêu dùng về thông tin đăng tải. Người này thừa nhận: “Thực ra bộ lòng chỉ dài hơn 20m”. Thông qua, vụ việc phơi bày hành vi quảng cáo sai sự thật, đồng thời dấy lên lo ngại về lòng se điếu giả trên thị trường.

Tại khoản 9 điều 8 Luật Quảng cáo 2012 thì hành vi quảng cáo không đúng về số lượng, chất lượng của sản phẩm là hành vi bị cấm.

Căn cứ theo khoản 5 điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP, tùy vào hình thức đăng ký kinh doanh mà quán ăn này có thể bị phạt tiền từ 60-80 triệu đồng (cá nhân) hoặc 120- 160 triệu đồng (tổ chức)…

Theo Điều 197 Bộ Luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì sau khi bị xử phạt hoặc kết án chưa được xóa án tích về hành vi quảng cáo gian dối mà vẫn tái phạm thì người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội quảng cáo gian dối với mức hình phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

Theo Điều 193 Bộ Luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), tùy từng trường hợp cụ thể, người vi phạm mà có thể bị xử lý thêm về các hành vi sản xuất, mua bán hàng giả, hàng kém chất lượng. Trong đó, đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức hình phạt cao nhất lên đến tù chung thân.

Trường hợp thứ hai: TikToker Lê Việt Hùng đối diện hình phạt gì?

Ngày 08/05 mới đây, Công an tỉnh Lạng Sơn đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh tạm giam đối với Lê Việt Hùng (SN 1991, trú tại phường Hoàng Văn Thụ, TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn) về hành vi “Cưỡng đoạt tài sản”. Được biết, Hùng thường xuyên đăng tải các clip lên mạng xã hội Facebook và TikTok trước đó với nội dung đối đáp và gây khó dễ cho lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ.

Có thể thấy, nếu người nào nắm được thông tin bí mật hoặc sai phạm của người khác rồi đe dọa uy hiếp tinh thần, yêu cầu họ phải đưa tiền để “đổi lấy sự im lặng” thì đó là hành vi nguy hiểm cho xã hội. Căn cứ tại Điều 170, Bộ luật Hình sự, đây được xem là cưỡng đoạt tài sản và người thực hiện hành vi này sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự, bị xử lý.

Chắc chắn rằng, sơ quan điều tra sẽ làm rõ phương thức, thủ đoạn, hành vi phạm tội và xác định số tiền mà TikToker này định chiếm đoạt. Đồng thời thu thập tài liệu chứng cứ để chứng minh tội phạm theo quy định của pháp luật.

Trong thời gian qua, có không ít đối tượng lợi dụng quyền tự do dân chủ, sử dụng các thiết bị điện tử để ghi hình lực lượng chức năng đang thực hiện nhiệm vụ, trong đó có CSGT, nhằm gây sức ép, áp lực cho người thi hành công vụ. Nhiều người do nhận thức pháp luật kém, coi thường pháp luật hoặc do có tư tưởng chống đối nên thường xuyên đưa những hình ảnh ghi được đó lên mạng xã hội, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, tạo suy nghĩ tiêu cực trong xã hội.

Ngoài ra, nhiều đối tượng ảo tưởng vào sức mạnh của bản thân trên mạng xã hội, nghĩ rằng mình đang làm việc tốt, chính nghĩa, được tung hô nên đã đi quá giới hạn của quyền tự do dân chủ. Thậm chí có đối tượng còn yêu cầu người khác phải đưa tiền cho mình. Đây là hành vi nguy hiểm cho xã hội.

Đối với những hành vi vi phạm: Cưỡng đoạt tài sản, lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức… đều bị xử lý hình sự về các tội danh khác nhau. Nhiều đối tượng đã phải trả giá đắt do nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật kém.

Khuyến nghị đừng ảo tưởng quyền lực mạng

Có thể nhìn nhận, sự ảo tưởng về quyền lực và tầm ảnh hưởng trên không gian mạng đang dẫn đến những hành vi lệch chuẩn, thậm chí vi phạm pháp luật, mà các vụ việc liên tiếp bị xử lý gần đây là minh chứng rõ nét. Với một số trường hợp nêu trên cho thấy một thực trạng nhiều người dùng mạng xã hội đang tự cho bản thân quyền được phán xét, chỉ trích, thậm chí lăng mạ hoặc cản trở người khác vô căn cứ.

Thực tế cho thấy, không gian mạng không phải là một “vùng cấm”. Mọi hành vi trên mạng xã hội đều phải tuân thủ pháp luật hiện hành. Việc sử dụng mạng xã hội để xuyên tạc, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác, cản trở hoạt động của cơ quan, tổ chức hoặc thực hiện các hành vi tội phạm khác đều là hành vi vi phạm pháp luật.

Do đó, khi đăng phát các thông tin lên mạng xã hội, người dùng cần phải trung thực, tuyệt đối không đăng tải, chia sẻ thông tin sai sự thật, bịa đặt, vu khống về bất kỳ ai hay bất kỳ sự kiện nào. Pháp luật nghiêm cấm các hành vi xúc phạm, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm, uy tín của tổ chức, cá nhân (bao gồm cả cán bộ, công chức đang làm nhiệm vụ).

Mọi người dùng mạng xã hội, không được cản trở, gây rối đối với lực lượng chức năng làm nhiệm vụ. Việc quay phim, ghi hình chỉ được thực hiện khi không cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân và phải tuân thủ quy định; không được dùng lời lẽ, hành vi thách thức, quấy nhiễu lực lượng chức năng.

CTVTVPL Trần Ngọc Danh – Trung tâm TTTVPLMS và CTVTVPL Bùi Văn Hải – Trung tâm TTLCC

 

Bài viết liên quan

Back to top button