Ông Hồ Minh Sơn – Viện trưởng Viện ISAI: Vì sao nhiều người dân ‘sập bẫy’ lừa đảo, mất tiền tỷ mặc dù đã được cảnh báo?
(HNTT) – Trong suốt thời gian gần đây, các sàn giao dịch tài chính vẫn nở rộ như “nấm mọc sau mưa”. Trong khi đó, hàng trăm nhà đầu tư bị lừa đảo vì sàn “ma”, với số tiền hàng trăm tỉ đồng “bốc hơi”…Thế nhưng, dường như vẫn chưa đủ để các nhà đầu tư “cảnh tỉnh”. Theo đó, vẫn có người sau khi bị lừa đảo lại tiếp tục gia nhập các sàn khác để mong gỡ gạc. Vì vậy, đây chính là lý do vì sao tình trạng các sàn lừa đảo xuất hiện ngày càng nhiều.
Có thể thấy, nhiều đường dây lừa đảo thông qua các sàn giao dịch tiền ảo hiện đã bị lực lượng công an liên tiếp đánh sập. Mặc dù vậy, tình hình hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng vẫn tiếp diễn phức tạp, có xu hướng gia tăng.
Cụ thể, tại tỉnh Quảng Ninh, chỉ tính từ tháng 5/2020 đến 5/2021, lực lượng công an đã tiếp nhận xử lý 114 vụ, với tổng tài sản bị chiếm đoạt trên 83 tỷ đồng. Đồng thời, chỉ từ đầu năm 2021 đến nay, công an đã nhận hơn 30 đơn trình báo bị lừa đảo chiếm đoạt tiền thông qua các sàn giao dịch tiền ảo.
Mặc dù, các cơ quan chức năng liên tục đưa ra những cảnh báo về một số sàn đầu tư tài chính có dấu hiệu lừa đảo.
Điển hình, Đội Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Quảng Ninh gần đây đã liên tiếp nhận được trình báo của người dân bị chiếm đoạt lừa mất tiền khi tham gia đầu tư các sàn giao dịch tiền ảo. Qua đó, các đối tượng tạo dựng các website đầu tư tài chính, gồm: Busstrade.com; Bigbuy24h; Bimono; Coolcat… giới thiệu, mời chào, lôi kéo người dân tham gia với những hứa hẹn lợi nhuận cao, hoa hồng hấp dẫn.
Mặt khác, vẫn hình thức không mới, người đầu tư đóng tiền vào hệ thống bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản để quy đổi thành tiền “ảo”, đến khi số lượng người tham gia nhất định, website các sàn này bất ngờ dừng hoạt động, còn người tham gia thì mất trắng số tiền đã đầu tư. Chia sẻ về điều này, anh Nguyễn Trọng Hùng (trú TP Hạ Long), một trong những người bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức này cho biết, khi mới tham gia anh nạp tiền ít và cũng cảnh giác, nhưng sau đó mọi người xung quanh khoe lãi cao, thấy tiền lên cao nên ham. Người giới thiệu cam kết không lỗ nên anh Trung đầu tư nhiều hơn, tuy nhiên chỉ một thời gian sau đó sàn sập và không liên lạc được.
Thế nhưng, cơ quan công an cho rằng, các chiêu trò lừa đảo của các sàn tiền ảo là vấn đề không mới, song luôn nóng. Vì lẽ đó, các đối tượng lừa đảo thường đánh vào lòng tham của các nhà đầu tư bằng các chiêu trò quảng cáo như lợi nhuận 3% mỗi giây, 360% một năm. Bên cạnh việc hứa hẹn lãi khủng, các sàn này cũng đưa ra chế độ hoa hồng từ 5-10% cho người chơi mời gọi được thêm các nhà đầu tư mới. Do đó, mà số người tham gia các sàn giao dịch tiền ảo rất đông, lên đến hàng nghìn người ở nhiều tỉnh thành trong cả nước.
Theo Thiếu tá Nguyễn Trọng Hà – Trưởng Đội Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Phòng Cảnh sát hình sự (Công an Quảng Ninh), có một đặc trưng là các đối tượng đưa ra chiêu thức đầu tư rất đơn giản. Nhà đầu tư không cần nghiên cứu vẫn có thể dễ dàng thấy lợi nhuận tăng theo giờ, theo ngày. Khi các đối tượng thu hút được một số lượng tiền nhất định của các nhà đầu tư thì sẽ đánh sập trang.
Tương tự, từ trưa ngày 7/5/2020 cho đến thời điểm hiện tại, rất nhiều người bị hại đến Phòng Cảnh sát Hình sự Công an TP.HCM để nộp đơn tố cáo về việc họ tham gia đầu tư và bị sàn giao dịch tài chính Busstrade chiếm đoạt tiền. Những người đến từ rất nhiều tỉnh lân cận TP.HCM, với khuôn mặt thẫn thờ và dường như họ chưa tin được điều đau đớn là tiền của mình đã bị “bốc hơi” khi sàn sập. Xúc động nói với chúng tôi, anh Nguyễn Hận (ngụ ở Bình Thuận) cho hay, anh tham gia đầu tư vào sàn này từ thời điểm cuối năm 2020. Điển hình, số tiền anh tham gia đầu tư đã lên đến con số gần 700 triệu đồng. Mỗi tuần có 5 phiên giao dịch, nếu chuyên gia thua dẫn đến tài khoản tự động trừ vốn thì bảo hiểm sẽ hoàn đủ số tiền thua. Sau đó, ngày 22/4/2021, những người đầu tư trên sàn Busstrade nhận được thông tin kêu gọi nâng vốn và đóng bảo hiểm 2% với khoản lãi được hứa hẹn như sau: 1.000USD nhận lợi nhuận 5%; 2.000USD nhận lợi nhuận 5%; 5.000USD nhận lợi nhuận 7%. Liền ngay sau đó vào ngày 23/4/2021, người đầu tư đã không truy cập vào sàn này để giao dịch được. Busstrade đã có động thái trấn an người tham gia khi sàn không truy cập được.
Thẳng thắn nhìn nhận, ThS. Hồ Minh Sơn – Viện trưởng Viện Chiến lược và Đổi mới Sáng tạo (ISAI) cho biết: “Tiền ảo không phải là phương tiện thanh toán được pháp luật Việt Nam thừa nhận. Pháp luật không bảo vệ các rủi ro khi tham gia sàn tiền ảo trái phép. Không ít bị hại khi tới cơ quan công an trình báo cho biết, nhận thức được rủi ro khi tham gia các sàn giao dịch tiền ảo và dự định sẽ rút đầu tư “ăn non” trước khi sàn sập. Cùng với đó, có nhiều nguyên nhân khiến cho các sàn tài chính ảo có thể dễ dàng lừa người dùng. Trong đó, quan sát cuộc chơi này thời gian qua chúng ta có thể nhận thấy một hiện tượng rất nguy hiểm đó là có người sau khi bị lừa đảo lại tiếp tục gia nhập các sàn khác để mong gỡ gạc. Điều này chính là lý do giải thích tình trạng các sàn lừa đảo xuất hiện ngày càng nhiều.
Theo ThS. Hồ Minh Sơn – Viện trưởng Viện Chiến lược và Đổi mới Sáng tạo (ISAI) chia sẻ lợi dụng sự thiếu hiểu biết của nhiều nhà đầu tư muốn tham gia vào thị trường tiền điện tử, tiền ảo với những công nghệ mới, đánh vào lòng tham khi trả lãi rất cao nhiều đường dây lừa đảo đã hình thành và tung hoành khắp nơi. Vì vậy, các đối tượng thường đánh vào tâm lý muốn giàu, đổi đời nhanh của người dân. Ban đầu, để tạo niềm tin, các ứng dụng này sẽ trả một mức lãi suất rất cao cho nhà đầu tư. Các nhà đầu tư có thể tự thao tác, rút tiền bất cứ lúc nào. ThS. Hồ Minh Sơn cũng khuyến nghị hầu hết các loại tiền ảo đều không được công nhận là đồng tiền giao dịch hợp pháp, bảo đảm phát hành tại Việt Nam. Hơn nữa, những kẻ tạo ra “bánh vẽ”, giăng bẫy nạn nhân thường sử dụng công nghệ điện toán đám mây nên rất khó xác định ai lập ra, lập ra ở đâu. ThS. Hồ Minh Sơn, nhấn mạnh: “Với việc chưa có cơ sở pháp lý lẫn cơ sở khoa học về tiền ảo nên cơ quan chức năng nếu tìm ra đối tượng vi phạm và có căn cứ chứng minh hành vi phạm tội lừa đảo hoặc “sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” thì cơ quan chức năng có thể xử lý hành vi vi phạm của người phạm tội”.
Cơ quan Công an tỉnh Quảng Ninh lấy lời khai của một nạn nhân bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua sàn giao dịch tiền ảo.
Dịp này, ThS Hồ Minh Sơn cho biết thêm: Theo quy định tại khoản 6, điều 26 Nghị định 88/2019/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng thì các hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính mức từ 50 – 100 triệu đồng. Ngoài ra, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo điều 174 hoặc tội “vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” theo bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Có thể khẳng định, thực tế tất cả các nhà đầu tư tham gia vào các sàn giao dịch tiền ảo đều trở thành nạn nhân của các trò lừa đảo và số tiền đầu tư của họ cũng không biết bao giờ mới có thể thu hồi được, vì hầu hết các máy chủ các website sàn giao dịch tiền ảo trái phép đều đặt ở nước ngoài.
Văn Hải – Trần Danh