Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn (TTTVPLMS): Phạt nặng hành vi bấm còi xe gây tai nạn – Sử dụng điện thoại khi lái xe ô tô có thể bị xử lý hình sự

(HNTTO) – Trong những ngày gần đây, nhiều người dân và các doanh nghiệp đã liên tục liên hệ Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) và Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật và Kinh tế hội nhập (IRLIE); Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn (TTTVPLMS) nhờ tham vấn pháp lý liên quan đến Nghị định số 171/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ; Nghị định 168/2024/NĐ-CP và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024…
Dưới góc độ pháp lý, Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn (TTTVPLMS) xin phúc đáp cụ thể về hai trường hợp cụ thể sau: Trường hợp thứ nhất sẽ phạt rất nặng hành vi bấm còi xe gây ra tai nạn giao thông; Trường hợp thứ hai nếu sử dụng điện thoại khi lái xe ô tô có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trường hợp thứ nhất: Phạt nặng hành vi bấm còi xe gây tai nạn
Có thể thấy, tiếng còi xe là một tín hiệu giao thông quan trọng, tuy nhiên nếu bị lạm dụng, hành vi này không chỉ gây khó chịu mà còn có thể dẫn đến tai nạn. Việc người tham gia giao thông giật mình vì tiếng còi rồi mất lái, té ngã, thậm chí thiệt mạng không phải là hiếm gặp…Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 đã quy định rõ về việc sử dụng tín hiệu còi, nhằm hạn chế những hệ lụy nguy hiểm do hành vi này gây ra.
Điển hình, vụ tai nạn ngày 24/11/2014 vừa qua tại Đồng Nai. Chị P.T.T, SN 1981, đi xe máy từ Quốc lộ 51 chuyển hướng sang Quốc lộ 1A thuộc địa phận phường Long Bình Tân, thành phố Biên Hòa thì giật mình bởi tiếng còi của xe ben chạy phía sau. Chị ngã ra đường và bị chiếc xe ben này đè lên, tử vong tại chỗ. Những tai nạn này là minh chứng rõ ràng cho mối nguy hiểm tiềm tàng từ hành vi sử dụng còi xe bừa bãi.
Được biết, năm 2015, Bộ Giao thông Vận tải đã từng giao Vụ An toàn giao thông chiếu theo các quy định hiện hành và nghiên cứu xem xét điều kiện ban hành “lệnh” cấm bóp còi xe bừa bãi, nếu phù hợp với thực tế và quy định của pháp luật.
Ở nhiều quốc gia trên thế giới, việc sử dụng còi xe trong đô thị đã bị kiểm soát chặt chẽ với mức phạt nghiêm khắc. Tại New York, người vi phạm có thể bị phạt tới 350 USD nếu bấm còi liên tục trong khu dân cư. Một số quốc gia châu Âu thậm chí còn cấm hoàn toàn việc sử dụng còi hơi trong thành phố, trừ những trường hợp khẩn cấp.
Tại Việt Nam, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã quy định nghiêm cấm một số hành vi như: bấm còi, rú ga liên tục; bấm còi trong thời gian từ 22h đêm đến 5h sáng, bấm còi hơi; sử dụng thiết bị âm thanh gây mất an toàn giao thông, trật tự công cộng.
Căn cứ theo Nghị định số 171/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định phạt tiền từ 100.000 – 200.000 đồng đối với người điều khiển, người ngồi trên xe ô tô và các loại xe tương tự như ô tô vi phạm hành vi “bấm còi hoặc gây ồn ào, tiếng động làm ảnh hưởng đến sự yên tĩnh trong đô thị và khu đông dân cư trong thời gian từ 22h ngày hôm trước đến 5h ngày hôm sau”; đồng thời, người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy vi phạm hành vi này bị xử phạt từ 80.000 – 100.000 đồng. Tuy nhiên, các chế tài xử phạt trước đây chưa đủ mạnh để răn đe.
Căn cứ theo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 quy định về việc sử dụng tín hiệu còi đã được đưa vào. Theo Điều 21, chỉ được sử dụng tín hiệu còi của phương tiện tham gia giao thông đường bộ để báo hiệu cho người tham gia giao thông đường bộ khi xuất hiện tình huống có thể mất an toàn giao thông và báo hiệu chuẩn bị vượt xe.
Ngoài ra, tài xế không sử dụng còi liên tục; không sử dụng còi có âm lượng không đúng quy định; không sử dụng còi trong thời gian từ 22h ngày hôm trước đến 5h ngày hôm sau trong khu đông dân cư, khu vực cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, trừ xe ưu tiên. Nếu không tuân thủ, tài xế sẽ bị phạt theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Đối với người điều khiển ô tô, xe chở người 4 bánh có gắn động cơ, xe chở hàng 4 bánh có gắn động cơ và các loại xe tương tự, mức phạt sẽ là 400.000 – 600.000 đồng. Trong trường hợp người lái ô tô thực hiện hành vi bấm còi xe trong khung giờ từ 22h ngày hôm trước đến 5h ngày hôm sau trong khu đông dân cư, khu vực cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (trừ xe ưu tiên), mà gây tai nạn thì bị phạt tiền từ 20 – 22 triệu đồng và bị trừ 10 điểm giấy phép lái xe.
Như vậy, áp dụng mức phạt cao là rất cần thiết, thế nhưng quan trọng hơn vẫn là ý thức của người tham gia giao thông. Nếu mỗi tài xế đều biết sử dụng còi đúng lúc, đúng chỗ, không chỉ trật tự giao thông được cải thiện mà còn giúp giảm thiểu những tai nạn đáng tiếc. Một đô thị văn minh không chỉ được thể hiện qua hạ tầng hiện đại mà còn ở cách con người ứng xử với nhau trên đường.
Trường hợp thứ hai: Sử dụng điện thoại khi lái xe ô tô có thể bị xử lý hình sự
Doanh nghiệp đặt câu hỏi: Sử dụng điện thoại trong quá trình lái xe ô tô là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến các vụ tai nạn giao thông. Qua đó, vì cho rằng không thể bị phát hiện và xử lý kịp thời nên một bộ phận người tham gia giao thông vẫn cứ vi phạm. Xin hỏi, theo quy định mới hành vi sử dụng điện thoại khi lái xe ô tô sẽ bị xử lý như thế nào?
Căn cứ theo khoản 6 Điều 9 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 nghiêm cấm hành vi dùng tay cầm và sử dụng điện thoại hoặc thiết bị điện tử khác khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đang di chuyển trên đường bộ.
Căn cứ điểm h khoản 5 và điểm b khoản 10 Điều 6 Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định về lỗi nghe điện thoại khi lái xe ô tô như sau: Hành vi dùng tay cầm và sử dụng điện thoại hoặc các thiết bị điện tử khác khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đang di chuyển trên đường bộ sẽ bị phạt tiền từ 4 – 6 triệu đồng. Nếu hành vi vi phạm này mà gây tai nạn giao thông sẽ bị phạt tiền từ 20 – 22 triệu đồng.
Cạnh đó, ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt nêu trên, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị trừ điểm giấy phép lái xe căn cứ theo quy định tại điểm b và điểm d khoản 16 Điều 6 Nghị định 168/2024/NĐ-CP, cụ thể: Hành vi sử dụng điện thoại khi lái xe ô tô nhưng không gây tai nạn giao thông bị trừ điểm giấy phép lái xe 4 điểm; trường hợp sử dụng điện thoại khi lái xe ô tô mà gây tai nạn giao thông sẽ bị trừ điểm giấy phép lái xe 10 điểm.
Căn cứ theo quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung 2017), nếu điều khiển phương tiện mà sử dụng điện thoại gây tai nạn làm thiệt hại về tài sản, tính mạng, sức khỏe người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ với mức phạt tù cao nhất của tội này tối đa lên đến 15 năm tù.
Mới đây, Cục Cảnh sát giao thông cũng đã ban hành kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý theo các chuyên đề trong năm 2025. Song song đó, cảnh sát giao thông toàn quốc sẽ tập trung xử lý 6 nhóm hành vi là nguyên nhân chính gây tai nạn giao thông trên các tuyến đường bộ, đường sắt, trong đó có nhóm lái xe kinh doanh vận tải sử dụng điện thoại, thiết bị điện tử khác khi điều khiển phương tiện và không lắp các thiết bị giám sát hành trình, thiết bị ghi nhận hình ảnh lái xe.
Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn khuyến nghị người dân khi tham gia giao thông cần chấp hành quy định của Luật Giao thông đường bộ, không sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe dưới bất kì hình thức nào. Tài xế hãy dừng hẳn xe để nhận cuộc gọi; tuyệt đối không nhắn tin hay lướt mạng, chat khi tham gia giao thông.
ThS. Phạm Trắc Long – Phó viện trưởng Viện IRLIE; GĐ Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn