Nghề luật liệu có bị thay thế khi dòng chảy ồ ạt của công nghệ?
![](https://huongnghiepthitruong.vn/wp-content/uploads/2025/02/image2-1-780x470.jpeg)
(HNTTO) – Nghề luật có sứ mệnh trong việc bảo vệ công lý, công bằng trong xã hội, là căn cứ để đánh giá uy tín và chất lượng của hoạt động tư pháp. Khi AI xuất hiện, nhiều người đặt nghi vấn AI sẽ thay thế dần và “đánh cắp” nhiều vị trí trong nghề luật. Nhưng liệu nghề luật có dễ bị thay thế đến vậy haykhông?
Có thể thấy, nghề luật là một khái niệm tương đối rộng, sử dụng để chỉ nghề nghiệp của những người có kiến thức pháp luật, đang thực hiện các công việc liên quan đến pháp lý trong các cơ quan khác nhau như viện kiểm sát, tòa án, cơ quan công an, cơ quan thi hành án, văn phòng luật sư hoặc cơ quan công chứng hay một số bộ phận khác có liên quan đến lĩnh vực pháp lý.
Trong đó, nghề luật có ý nghĩa rất lớn đối với đời sống xã hội cũng như là đối với mỗi người dân trong xã hội. Thế nhưng, khi khoa học công nghệ phát triển trong thời đại hiện nay các quyền của con người ngày càng được pháp luật và nhà nước tôn trọng và bảo vệ do đó những người hành nghề luật có ý nghĩa rất lớn trong việc bảo vệ quyền lợi của người dân…Đảm bảo cho những công bằng xã hội, đảm bảo cho pháp luật được thực hiện một cách công bằng, công khai và minh bạch tạo sự tin tưởng của người dân đối với pháp luật và hệ thống chính trị của nhà nước. Đồng thời, mọi hoạt động hành nghề luật đều hướng tới bảo vệ công lý, hướng tới việc bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân.
Với một người hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ, ứng dụng chuyển đổi số trong doanh nghiệp đặc biệt công tác hoạch định chiến lược truyền thông và nghề luật, đôi khi tôi chợt giật mình nhận ra rằng mình đã bị bỏ lại khá xa khi nhìn dòng chảy của công nghệ, trí tuệ nhân tạo đang ào ạt đi vào cuộc sống như một dòng thác lũ. Đôi lúc ngẫm lại, tôi tự hỏi nghề luật, nhất là những luật gia, luật sư, tư vấn viên pháp luật như đội ngũ của tôi đang ở đâu và làm gì giữa dòng chảy này?
Để định hình lại, hành nghề luật là một công việc đòi hỏi nhiều kiến thức, kỹ năng và phẩm chất đạo đức. Bởi, mang bản chất là ngành nghề đặc thù, nên khi hành nghề luật tôi thiết nghĩ cần có 3 yếu tố như: Thứ nhất, thường xuyên phải rèn luyện khả năng kiên nhẫn. Để được thành công trong nghề luật thì cần phải có một khoảng thời gian để đào tạo và thường xuyên cập nhật, bồi dưỡng về kỹ năng chuyên môn, cần phải tham gia hoạt động thực tế đặt dưới sự quản lý và giám sát của một đơn vị cơ quan nhất định. Thứ hai, thường xuyên trau dồi khả năng tranh luận và có kỹ năng tranh tụng, giữ đạo đức nghề nghiệp là một vấn đề vô cùng quan trọng. Theo đó, coi trọng sự thật để tuân thủ pháp luật một cách nghiêm chỉnh. Thứ ba, không ngưng trau dồi khả năng giao tiếp, diễn đạt có sức thuyết phục để giải quyết vấn đề một cách minh bạch và rõ ràng…
Có thể khẳng định rằng, nghề Luật là một khái niệm mang tính tương đối, sử dụng để chỉ nghề nghiệp của những người có kiến thức pháp luật nhất định, đang thực hiện các công việc liên quan đến các mặt khác nhau của đời sống pháp lý tại tòa án, viện kiểm sát, văn phòng luật sư, cơ quan công an, cơ quan thi hành án, cơ quan công chứng và một số cơ quan khác. Có thể hiểu nghĩa rộng: Đây là nghề nghiệp liên quan đến pháp luật, nhằm thực thi sứ mệnh tuân thủ, bảo vệ sự thượng tôn pháp luật, bảo vệ sự độc lập tư pháp, bảo vệ công lý, bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, với nghĩa hẹp: Đây cũng là nghề nghiệp gắn với chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp theo quy định pháp luật Việt Nam, hoạt động trong lĩnh vực tư pháp, có sứ mệnh thực thi và bảo vệ sự thượng tôn pháp luật, công lý, sự độc lập tư pháp, quyền con người, quyền công dân, quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể quan hệ pháp luật.
Mặc dù vậy, giờ đây ai cũng cảm nhận một cách rõ ràng rằng hầu hết mọi người, mọi ngành, mọi nghề đang ở giữa một thời đại, một kỷ nguyên của công nghệ, của trí tuệ nhân tạo (AI) đang dẫn dắt hầu hết các xu hướng nổi trội có ảnh hưởng sâu sắc gần như đến tất cả ngành, nghề của xã hội, trong đó có nghề luật và những người đang hành nghề luật tại Việt Nam.
Thời đại kỷ nguyên 4.0 đã tạo ra một làn sóng bùng nổ các công nghệ tiên tiến như Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (cloud computing), trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data), chuỗi khối (blockchain) để biến quy trình làm việc trở nên nhanh chóng và chính xác hơn. Khi đại dịch Covid-19 diễn ra, chúng ta đều chứng kiến công nghệ đã trở thành một phần không thể thiếu trong mọi lĩnh vực. Từ các nền tảng học tập và trao đổi công việc chuyên môn trực tuyến như Zoom, Microsoft Teams, Google Meet…cho đến sự ra đời của các công ty áp dụng công nghệ vào lĩnh vực pháp lý đã tạo ra bước ngoặt lớn trong cách chúng ta kết nối và tương tác. Đặc biệt sự ra mắt của các công cụ ứng dụng AI như ChatGPT, Claude, Gemini, Aidu,.. đã mang tới nhiều cơ hội cũng như thách thức đối với mọi ngành nghề.
Như vậy, không thể phủ nhận AI đang tác động mạnh mẽ đến ngành Luật bằng cách thay đổi cách thức nghiên cứu, phân tích dữ liệu, và thậm chí là hỗ trợ tư vấn pháp lý. Với sự tiến bộ này cũng đặt ra nhiều thách thức mới. Nghề luật đóng vai trò thiết yếu trong việc bảo vệ và duy trì một xã hội công bằng, trật tự. Luật gia, Luật sư và tư vấn viên pháp luật là những người được đào tạo bài bản và hành nghề chuyên nghiệp với kiến thức, trải nghiệm và kinh nghiệm chuyên sâu về pháp lý, có khả năng giải thích và áp dụng các quy định pháp luật vào thực tế một cách tốt nhất. Cùng với đó, bằng những yêu cầu vừa nêu, nghề luật còn đòi hỏi ở người làm nghề sự thấu cảm đối với những vấn đề xã hội, đây mới là tố chất then chốt giúp luật gia, luật sư và tư vấn viên pháp luật thực hiện công việc của mình hiệu quả.
Các phần mềm hỗ trợ dịch vụ pháp lý đã trở thành công cụ cạnh tranh quan trọng của các Trung tâm tư vấn pháp luật, các công ty công nghệ pháp lý trên thị trường pháp lý quốc tế hiện nay, phải kể đến một số tên phần mềm điển hình hiện tại như Cilo, Filevine, SmartAdvocate, Contract Express và Kira Systems, LawToolBox, E-discovery và Docket Alarm. Việc ứng dụng AI thông qua máy tính và Internet đã cho ra các công cụ tạo lập và khai thác hồ sơ, kho tàng nghiên cứu học học trên thế giới sẽ rất hữu ích đối với nhiều người, nhiều ngànhkhông chỉ với người hành nghề Luật trong việc tiếp cận các nguồn, dữ liệu pháp luật, công trình nghiên cứu toàn cầu. Với vai trò là công cụ hỗ trợ, công nghệ pháp lý mở ra nhiều cơ hội cho luật gia, luật sư, tư vấn viên pháp luật hiện đại, giúp nâng cao hiệu suất và chất lượng công việc. Ngoài ra, còn đặt ra thách thức lớn đối với những người hoạt động nghề luật hiện đại, buộc họ phải thích nghi, trang bị nhiều kỹ năng hơn để cạnh tranh trong thị trường pháp lý hiện đại.
Trong một xã hội đang chuyển đổi mạnh mẽ theo hướng số hóa và tự động hóa, vai trò của các tổ chức hành nghề luật trở nên quan trọng hơn nhưng ở những khía cạnh có phần khác biệt so với bối cảnh nghề luật của nhiều năm trước đây. Những người hành nghề luật trong thời thịnh hành AI không chỉ giỏi tư vấn và làm đại diện cho khách hàng trong các vụ việc, mà còn phải cho khách hàng thấy giá trị, trí tuệ và tài năng của họ là thứ đáng giá hơn so với những gì AI mang lại cho họ, như chi phí rẻ với chỉ vài chục đô la, phản hồi nhanh chóng trong vài nốt nhạc, vào bất cứ lúc nào, ở đâu.
Các luật gia, luật sư cũng như những người hành nghề luật trong thời điểm này phải luôn đau đáu rằng: “Tại sao khách hàng phải trả cho mình một số tiền như vậy trong vụ việc này?”, “Dịch vụ của mình khác với AI ở chỗ nào, có giá trị như thế nào?”, “Sự khác biệt của mình, dịch vụ mình cung cấp nằm đang ra sao, ở đâu”. Nếu những người hành nghề luật vẫn loay hoay hoặc chưa có câu trả lời thuyết phục đối với câu hỏi này thì có lẻ một ngày nào đó, chính mình sẽ bị thay thế hoặc bị bỏ lại phía sau bởi những công nghệ tân tiến nhất. Thực tế cho thấy, cách thức của mỗi người làm luật đã thay đổi và đang tiếp tục thay đổi.
Không thể phũ nhận, sự xuất hiện của công nghệ và AI vừa làm thay đổi cách mà chúng ta tiếp cận thông tin pháp lý mà vừa làm ảnh hưởng sâu sắc đến cách thức mà luật sư, công ty luật hoạt động, hành nghề và cung cấp dịch vụ pháp lý đến khách hàng. Song song với đó, sức người trong các hoạt động cung cấp pháp lý truyền thống đã dần bị thay thế bằng công nghệ là điều rất dễ thấy. Các luậtgia, luật sư, tư vấn viên pháp luật vẫn làm việc, tương tác với khách hàng và đồng nghiệp nhưng họ bắt đầu sử dụng nhiều công cụ hơn, như hệ thống quản lý hồ sơ trực tuyến, phần mềm soạn thảo hợp đồng thông minh và AI. Nhân viên tại Trung tâm luật, công ty luật, tổ chức về luật bị buộc phải sử dụng thông thạo các công cụ AI như ChatGPT, Copilot, Gamma…trong các khâu cơ bản như phản hồi e-mail cho khách hàng, soạn thảo powerpoint, nghiên cứu, tìm kiếm các quy định pháp lý, án lệ đến các công việc cao cấp hơn, như soạn thảo các quy trình, báo cáo cho công ty, soạn thảo các ý kiến pháp lý cho khách hàng, dịch thuật chuyên ngành.
Vì lẽ đó, AI đang chắc chắn sẽ làm thay đổi căn bản cách thức xử lý công việc pháp lý. AI là có thểphân tích dữ liệu pháp lý, soạn thảo hợp đồng và dự đoán phán quyết. AI có khả năng xử lý một lượng lớn dữ liệu pháp lý, giúp giảm thiểu sai sót và tăng tốc độ ra quyết định. Các Trung tâm luật, công ty luật đã bắt đầu sử dụng AI để tối ưu hóa các quy trình này, từ việc sàng lọc hồ sơ khách hàng đến việc soạn thảo các hợp đồng pháp lý phức tạp.
Đặc biệt, các thuật toán AI có thể “quét” hàng ngàn bản án đã được Tòa án Nhân dân tối cao Việt Nam công bố để tìm ra mẫu số chung và xác định xu hướng ra quyết định của tòa án trong một lĩnh vực, một khía cạnh pháp lý nhất định nào đó. Qua đó, các kết quả này sẽ hỗ trợ luật sư dự đoán cách thức xử lý vụ việc của tòa án để có thể đưa ra những ý kiến pháp lý có phần chính xác và thuyết phục hơn tới khách hàng. Điều này không chỉ giúp các luật sư làm việc hiệu quả hơn mà còn giúp các doanh nghiệp và cá nhân tiếp cận thông tin pháp lý nhanh chóng, chính xác và tiện lợi.
AI sẽ ảnh hưởng sâu rộng, vì vậy đòi hỏi các luật gia, luật sư, tư vấn viên pháp luật phải học hỏi không ngừng cách thức sử dụng, đào tạo, tương tác với các công cụ công nghệ mới để duy trì tính cạnh tranh trong nghề nghiệp của mình, để từ đó một lứa luật sư công nghệ sẽ xuất hiện, đáp ứng các nhu cầu mang tính thời đại của xã hội. Đối với những người hành nghề luật có tuổi đời, thâm niên lâu năm và thiếu sự cập nhật xu hướng mới, đây có thể là một thách thức rất lớn mà nếu không thay đổi, chắc chắn họ sẽ bị bỏ lại phía sau trong sự vận hành và phát triển không ngừng của nghề luật.
Việc sử dụng AI trong pháp lý cũng đòi hỏi những vấn đề đạo đức và pháp lý. Độ tin cậy của dữ liệu và tính chính xác trong ứng dụng AI là một mối quan tâm lớn. AI có thể đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu hiện tại mà không hiểu rõ về ngữ cảnh cụ thể của từng vụ việc. Điều này, có thể dẫn đến những sai lầm không thể cứu vãn trong các quyết định pháp lý quan trọng. Mặc dù có nhiều thuận lợi nhưng rủi ro luôn tiềm ẩn về độ tin cậy của dữ liệu là một vấn đề lớn. AI không thể thay thế hoàn toàn sự phán đoán của con người, nhất là trong các trường hợp phức tạp hoặc chưa có tiền lệ. Các luật gia, luật sư, tư vấn viên pháp luật cần phải kiểm tra lại dữ liệu và đảm bảo rằng các quyết định được đưa ra không chỉ dựa trên các thuật toán máy móc mà còn dựa trên sự hiểu biết sâu sắc về quy định pháp lý và bối cảnh cụ thể của từng trường hợp.
Điển hình, khi sử dụng AI thiếu kiểm soát là việc bảo vệ giá trị đạo đức và tính minh bạch trong việc sử dụng AI trong lĩnh vực pháp lý. AI phải đảm bảo rằng không có sự phân biệt đối xử, không vi phạm quyền riêng tư và dữ liệu phải được bảo vệ. Các luật gia, luật sư, tư vấn viên pháp luật phải có thường xuyên trau dồi những kỹ năng mới để đối phó với những thách thức này, từ việc đánh giá tính xác thực của dữ liệu đến việc sử dụng AI một cách công bằng và hợp lý.
Như vậy, với việc tự động hóa quá mức có thể dẫn đến tình trạng mất việc làm ở một số vị trí pháp lý truyền thống. Các công việc như lập biên bản, soạn thảo hợp đồng hoặc phân tích chứng cứ có thể bị thay thế bởi các phần mềm AI. Từ đây không chỉ ảnh hưởng đến thu nhập của các luật sư mà còn đòi hỏi ngành luật phải tìm kiếm những công việc mới để tái đào tạo và thích ứng.
Ngoài những người hành nghề luật, thì ngành đào tạo đội ngũ chuyên lĩnh vực luật cũng đứng trước thách thức không hề nhỏm, cần phải thay đổi và phát triển các kỹ năng mới cho các luật sư tương lai. Chương trình đào tạo luật cần phải cập nhật liên tục để phản ánh những tiến bộ công nghệ và nhu cầu thực tế của thị trường. Việc tích hợp các khóa học về công nghệ pháp lý, phân tích dữ liệu và AI vào giáo trình sẽ giúp các luật sư mới tốt nghiệp có khả năng làm việc hiệu quả trong môi trường pháp lý hiện đại. Thách thức kể ra rất nhiều nhưng cũng có rất nhiều cơ hội cho nghề luật Việt Nam trong kỷ nguyên công nghệ. Công nghệ có thể hỗ trợ các luật sư trong việc cung cấp dịch vụ pháp lý trực tuyến, từ tư vấn pháp lý ảo đến các ứng dụng pháp lý thông minh. Cạnh đó, không chỉ giúp tiếp cận khách hàng dễ dàng hơn mà còn giúp các Trung tâm luật, công ty luật tiết kiệm chi phí và tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Điều này, hứa hẹn giúp các Trung tâm luật, công ty luật Việt Nam rút ngắn dần những khác biệt trong việc cung cấp dịch vụ pháp lý khi so sánh với các hãng luật hàng đầu thế giới khi doanh thu của họ mỗi năm lên tới vài tỉ đô la.
Việc sử dụng dữ liệu lớn (bigdata) để dự đoán xu hướng và hỗ trợ đưa ra quyết định pháp lý cũng là một cơ hội lớn. Các thuật toán AI có thể phân tích hàng triệu hồ sơ, tài liệu pháp lý và vụ án để tìm ra các mẫu số chung, xác định xu hướng và hỗ trợ các luật sư đưa ra lời khuyên chính xác hơn.
Ví dụ, tại Mỹ mới đây một công ty luật đã sử dụng AI để phân tích hàng ngàn hồ sơ vụ án và đưa ra các dự đoán về khả năng các bị cáo sẽ bị kết tội. Mô hình AI đã có tỷ lệ chính xác lên đến hơn 90%, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho các luật sư và khách hàng. Với một minh chứng về tiềm năng của AI trong việc cải thiện chất lượng dịch vụ pháp lý và hỗ trợ các luật sư làm việc với hiệu suất cao.Đồng thời, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực pháp lý với công nghệ và AI cũng là một cơ hội lớn cho nghề luật Việt Nam.
Việt Nam có thể học hỏi từ các quốc gia tiên tiến trong việc áp dụng công nghệ pháp lý, phát triển các sản phẩm dịch vụ pháp lý công nghệ cao cho thị trường quốc tế. Điều này không chỉ giúp các luật sư Việt Nam nâng cao trình độ chuyên môn mà còn mở ra cơ hội tiếp cận với các khách hàng toàn cầu.Nghề luật hiện đang đứng trước một ngả rẽ quan trọng trong bối cảnh công nghệ và AI phát triển nhanh chóng. Thế nhưng, với những thách thức lớn, nhưng cũng có rất nhiều cơ hội để ngành luật thích ứng và phát triển bền vững. Cần có một sự thay đổi trong tư duy và hành động để đảm bảo rằng các luật sư Việt Nam có thể tồn tại và phát triển trong một thế giới công nghệ “xâm lấn” và dần “xâm chiếm”.
Hiện nay, dù việc chuyển đổi số trong ngành luật tiếp cận các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI) vẫn còn khá mới mẻ đối với lĩnh vực pháp lý, các luật gia, luật sư và tư vấn viên pháp luật vẫn có thể hành nghề theo phương pháp truyền thống, chỉ ứng dụng công nghệ vào một số bước nhất định. Tin rằng, để sẵn sàng cho những biến đổi trong tương lai, các luật gia, luật sư, tư vấn viên pháp luật hiện đại phải không ngừng trang bị kiến thức và kỹ năng công nghệ ngay từ bây giờ. Việc từng bước tìm hiểu, nghiên cứu và áp dụng công nghệ mới sẽ giúp họ tối ưu hóa các quy trình làm việc, từ đó tăng độ chính xác và tốc độ xử lý trong việc hỗ trợ khách hàng. Đối với những luật gia, luật sư, tư vấn viên pháp luật khi bắt kịp xu hướng công nghệ sẽ có lợi thế cạnh tranh nhờ vào khả năng nâng cao chất lượng dịch vụ pháp lý, tối ưu năng suất làm việc, và xây dựng vị thế vững chắc trong ngành.
(Bài xuất bản số T2, đặc san Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông)
TS. Hồ Minh Sơn