Xã hội

TS. Hồ Minh Sơn: Phân định pháp lý trong vụ tố 4 con sò điệp, xử lý nhà hàng, quán ăn và vụ bắt ghen trong rạp phim

(HNTTO) – Mới đây, nhiều độc giả đã liên hệ với Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc Tế (IMRIC) và Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật và Kinh tế hội nhập (IRLIE); Tạp chí Doanh nghiệp và Trang trại Việt Nam; Tạp chí điện tử Việt Nam Hương Sắc; Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) và Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn (TTTVPLMS)…Theo đó,yêu cầu tham vấn pháp lý liên quan đến vụ tố 4 con sò điệp giá hơn 1,4 triệu đồng ở Vũng Tàu, nhà hàng, quán ăn ‘chặt chém’ khách, bắt ghen trong rạp phim

Dưới góc độ pháp lý, TS. Hồ Minh Sơn đã trả lời cho quý độc giả, cộng đồng doanh nghiệp thành viên, các doanh nghiệp thuộc Câu lạc bộ Doanh nghiệp IMRIC – IRLIE như sau:

Phân định pháp lý trong vụ tố 4 con sò điệp giá hơn 1,4 triệu đồng ở Vũng Tàu?

Vừa qua, một người đã chia sẻ (nguyên văn): “Đi Vũng Tàu mọi người né quán này ra nha. 4 con sò điệp giá 1,44tr mà hết hồn. Nghe đồn quán này cùng chủ với quán Hải sản Chợ đêm vẫn hay bị phốt”. Kèm với đó là hình ảnh về hóa đơn tại quán. Theo hóa đơn này thì tối 31-1 (mùng 3 Tết), khách ghé quán O.Đ để ăn. Các món sò điệp Nhật nướng mỡ hành được tính với giá 1,2 triệu đồng/kg; lẩu thái cá đuối 250.000 đồng… Tổng hóa đơn hơn 1,7 triệu đồng, trong đó sò điệp Nhật 1,2 kg hết hơn 1,4 triệu đồng.

Căn cứ Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 và Luật Giá năm 2023 quy định quán ăn có trách nhiệm công khai giá cả để khách hàng nắm rõ trước khi sử dụng dịch vụ. Có thể thấy, nếu giá đã niêm yết và khách vẫn quyết định gọi món, thì giao dịch này là tự nguyện, không thể kết luận quán “chặt chém”.

Từ đó cho thấy, nội dung bài đăng có xu hướng gây ảnh hưởng tiêu cực đến danh tiếng quán ăn bằng cách kêu gọi mọi người “né quán này ra” đồng thời gây thiệt hại làm ảnh hưởng đến đến danh dự, uy tín của quán ăn, chủ quán có quyền yêu cầu cơ quan chức năng xử lý theo quy định pháp luật.

Căn cứ theo điều 101 Nghị định 15/2020 (sửa đổi điều 1 Nghị định 14/2022) quy định vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội; trang thông tin điện tử được thiết lập thông qua mạng xã hội sẽ xử phạt từ 10-20 triệu đồng. Cạnh đó, buộc cá nhân gỡ bỏ bài đăng hướng đến thông tin sai sự thật đối với hành vi vi phạm.

Căn cứ tại điều 156 Bộ luật Hình sự 2015 (bổ sung năm 2017), nếu đăng thông tin sai sự thật trên mạng xã hội nhằm bịa đặt hoặc lan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác có thể thế bị phạt tù về tội ” Vu khống” có mức phạt tù lên đến 3 năm tù.

Thông qua vụ việc này, tầm quan trọng của tính minh bạch trong kinh doanh và trách nhiệm khi sử dụng mạng xã hội. Các doanh nghiệp có quyền định giá dịch vụ của mình, tuy nhiên phải tuân thủ quy định pháp luật.

Trong khi đó, việc đăng tải thông tin chưa được kiểm chứng, nếu gây ảnh hưởng đến danh dự và uy tín của người khác, có thể dẫn đến các hậu quả pháp lý nghiêm trọng, từ xử phạt hành chính đến truy cứu trách nhiệm hình sự. Người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ thông tin trước khi sử dụng dịch vụ, trong khi cộng đồng mạng cần thận trọng khi chia sẻ hoặc lan truyền thông tin, tránh những hệ lụy không đáng có.

Chế tài nào xử lý nhà hàng, quán ăn ‘chặt chém’ khách?

Pháp luật hiện hành đã quy định khá đầy đủ chế tài để xử lý các chủ nhà hàng, quán ăn ‘chặt chém’ khách. Cụ thể, một quán ăn ở TP Nha Trang (Aroma Nha Trang) bị phản ánh tính giá cao bất thường đối với khách nước ngoài. Theo ảnh chụp hóa đơn thanh toán hơn 20 triệu đồng, trong đó món cà tím nướng mỡ hành 1,2 triệu đồng/phần; rau muống xào tỏi 500.000 đồng/đĩa… và tính thêm phụ thu Tết 4,7 triệu đồng.

Căn cứ tại Điều 13 Nghị định 87/2024/NĐ-CP, các cá nhân hoặc cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống có thể phải chịu trách nhiệm đối với hành vi không niêm yết giá. Như vậy, pháp luật hiện hành đã quy định khá đầy đủ về chế tài xử lý các nhà hàng, quán ăn “chặt chém” khách hàng.

Do vậy, phạt tiền từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng đối với cá nhân có một trong các hành vi như không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ tại địa điểm phải niêm yết giá; niêm yết giá không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng. Phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với hành vi bán cao hơn giá niêm yết hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân định giá, kê khai (đối với nhóm hàng hóa dịch vụ không thuộc Danh mục bình ổn giá, hàng hóa, dịch vụ trong thời gian Nhà nước thực hiện bình ổn giá).

Biện pháp chế tài, gồm: Buộc trả lại cho khách hàng số tiền đã thu cao hơn giá niêm yết đối với hành vi vi phạm. Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thông báo công khai nội dung biện pháp khắc phục hậu quả nêu trên lên phương tiện thông tin đại chúng trong thời hạn 30 ngày, trường hợp không xác định được khách hàng hoặc khách hàng từ chối nhận thì nộp toàn bộ số tiền chênh lệch do bán cao hơn mức giá niêm yết vào ngân sách nhà nước

Điển hình, mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Bên cạnh việc xử lý hành chính, hành vi nhà hàng, quán ăn “chặt chém” khách hàng còn có thể bị xem xét xử lý trách nhiệm hình sự.

Căn cứ tại Điều 170 BLHS, trong trường hợp chủ quán đe dọa, uy hiếp tinh thần khách hàng để ép trả tiền theo hóa đơn đã được nâng giá lên có thể bị xem xét xử lý theo tội cưỡng đoạt tài sản với mức phạt tù từ 1 đến 15 năm.

Căn cứ theo Điều 168 BLHS, thì đối với những nhà hàng, quán ăn có hành vi đe dọa sử dụng vũ lực ngay tức khắc hoặc dùng vũ lực để chiếm đoạt tiền của khách thì có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự về tội cướp tài sản với mức hình phạt từ 3 năm tới tù chung thân.

Vụ bắt ghen trong rạp phim: Xử phạt hành chính được không?

Mới đây, mạng xã hội đã lan truyền một đoạn video clip ghi lại cảnh bắt ghen trong rạp phim thu hút hàng triệu lượt xem. Theo nội dung video, một người phụ nữ cùng một người bạn vào bên trong rạp chiếu phim để bắt ghen. Khi vào bên trong, người phụ nữ lớn tiếng với một một cặp đôi đang ngồi ở hàng ghế sweetbox. Sau đó, người đàn ông rời đi chỗ khác còn cô gái lấy tay che mặt và ngồi im tại chỗ…Vụ việc kéo dài khoảng 5 phút khiến buổi xem phim bị gián đoạn, nhiều người còn lấy điện thoại ra ghi hình ảnh, video clip.

Có thể thấy, với hành vi bắt ghen trong rạp phim tuy chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng vẫn có thể bị xem xét xử phạt vi phạm hành chính.

Căn cứ tại Nghị định 144/2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạolực gia đình.

Theo điểm a, Khoản 1, Điều 7 Nghị định 144/2021, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong những hành vi như gây mất trật tự công cộng ở nơi biểu diễn nghệ thuật, nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, thương mại, trụ sở cơ quan, tổ chức, khu dân cư hoặc ở những nơi công cộng khác, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 2, điểm b khoản 5 Điều này.

Tại điểm a khoản 5 Điều 7 Nghị định này quy định, phạt tiền 5-8 triệu đồng đối với một trong những hành vi như cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cùng với đó, người vi phạm còn phải chịu hình phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; buộc chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với hành vi vi phạm…

Trần Danh (CTVTVPL Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn)

Bài viết liên quan

Back to top button