Cạn tiền không biết xoay đâu, tổng giám đốc sa chân vào tín dụng đen
Theo nhiều DN, đến nay họ đã phải bán cả xe ô tô, cùng các tài sản cố định để duy trì hoạt động. Không ít DN đã phải tự cứu mình bằng cách tìm đến tín dụng đen, với mức lãi suất ‘cắt cổ’ nhằm giải cơn khát vốn.
Thiếu tiền không biết xoay đâu
Khảo sát của Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội mới đây cho thấy, các DN đang phải đối mặt với việc sụt giảm nguồn thu để bù đắp chi phí hoạt động. Trong đó, nhiều DN không có nguồn thu do phải đóng cửa, hàng hóa sản xuất không tiêu thụ được. Các vấn đề về thiếu hụt vốn, thiếu hụt nguyên liệu sản xuất cũng là một khó khăn lớn.
Trong khi doanh thu bị sụt giảm nặng nề, các DN vẫn phải gánh chịu nhiều khoản chi phí lớn như trả lương người lao động, lãi vay ngân hàng, chi phí hoạt động thường xuyên và chi phí thuê mặt bằng,…
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển nhận định, trong giai đoạn khó khăn hiện nay mà tỷ lệ cho vay của ngân hàng lại tăng cao hơn so với tỷ lệ huy động vốn, chứng tỏ nhiều DN đang rất kẹt vốn, cần phải vay để bù đắp về tài chính.
Nhiều DN chỉ có thể cầm cự tối đa 6 tháng.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, đến nay, lượng DN bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh đã quá rõ ràng. Quan trọng nhất, đó là câu chuyện thiếu vốn do phải dừng hoạt động. Toàn bộ chuỗi cung ứng bị đứt gãy, khiến dòng tiền đứt gãy theo. Không còn tiền nên không thể trả lương cho người lao động, vì vậy có khôi phục lại hoạt động cũng không biết xoay sở ra sao.
Trong khi đó, điều tra về thực trạng các DN mới công bố gần đây của Cục Phát triển Doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chỉ ra, khoảng 83% DN cho biết không thể vay vốn nếu không có tài sản thế chấp, 60% cho rằng lãi suất và các điều kiện cho vay đối với DN tư nhân luôn khó khăn hơn với các DN Nhà nước; 46% phản ánh thủ tục vay vốn còn rất nhiều phiền hà; 39% cho biết ngân hàng, các tổ chức tín dụng áp đặt điều kiện tín dụng bất lợi cho họ.
Khảo sát nhanh của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trong tháng 9/2021 với hơn 3.000 DN chỉ ra rằng, nhiều DN chỉ có thể cầm cự tối đa 6 tháng. Trong đó, lĩnh vực nông lâm, thủy sản, trung bình các DN có thể chịu đựng thêm 4,7 tháng, thông tin truyền thông khoảng 4,9 tháng và xây dựng khoảng 5,3 tháng… Nguyên nhân chính là do sắp cạn tiền, nếu không được cứu, hàng loạt DN sẽ tiếp tục rời khỏi thị trường.
Giới chuyên môn ước tính, từ nay đến hết năm, nếu kiểm soát được dịch bệnh và phục hồi kinh tế, số lượng DN ngừng hoạt động hoặc giải thể cũng ở mức 100.000, nếu không thì con số này có thể lên tới khoảng 150.000. Bởi một DN mất thanh khoản, sẽ kéo theo những đối tác của họ không thu xếp được dòng tiền và mất thanh khoản theo.
“Giải cơn khát vốn”
Theo nhiều DN, đến thời điểm này họ đã phải bán cả xe ô tô cùng các tài sản cố định để duy trì hoạt động. Không ít DN, do khó tiếp cận vốn tín dụng, đã phải tự cứu mình bằng cách tìm đến thị trường tín dụng đen, với mức lãi suất “cắt cổ” nhằm giải cơn khát vốn.
Câu hỏi đặt ra là, trong bối cảnh tất cả các DN đều cần tiền, thì lấy nguồn tiền ở đâu để cấp và cấp như thế nào để có hiệu quả tức thời?
Cần khẩn trương có một khoản tái cấp vốn để cho vay mới.
Ông Ngô Trung Hưng, Giám đốc Marketing Công ty Đại Việt Hương, cho rằng, tất cả mọi con đường đều hướng về khoản vay mới. Khi dòng tiền cạn kệt, những khoản vay mới được đánh giá là quan trọng để duy trì sản xuất kinh doanh.
Các cơ quan chức năng phải chủ động giải quyết, ai được vay, ai không được vay. Chuyện xét duyệt danh sách được vay mới, phải do một cơ quan Nhà nước đứng ra thực hiện. Cho vay với những người đang thiếu tiền rất rủi ro, nhưng lại cần phải giúp họ. Vậy cần có người cầm cân nảy mực, để lo vấn đề này, ông Hưng đề xuất. Nếu thông qua các ngân hàng thương mại thì khó càng thêm khó.
Các chuyên gia kinh tế kiến nghị, cần khẩn trương có một khoản tái cấp vốn để cho vay mới. Cần hình thành ngay một quỹ bảo lãnh hoạt động theo cơ chế mới, chứ không phải quỹ bảo lãnh DN hiện có. Nếu cho vay mà vẫn đòi hỏi tài sản đảm bảo, sẽ không có DN nào tiếp cận được. Vì vậy, gói tái cấp vốn này sẽ dành một khoản tiền từ ngân sách, để quỹ bảo lãnh tín dụng cho các DN vay.
Một trong những điều kiện quan trọng nhất để đảm bảo DN tiếp cận được vốn mới, là bảo lãnh 100% cho vay tín chấp. Đồng thời, phải có điều kiện hết sức mở, làm theo thủ tục rút gọn nhanh nhất có thể, nếu cứ theo trình tự thủ tục soạn thảo văn bản thì sẽ rất lâu mới ra được quỹ.
Cùng với đó là tái cấp vốn đặc biệt cho các ngân hàng thương mại với lãi suất rẻ, chỉ định các khoản tái cấp vốn này dành cho vay mới. Điều kiện DN được tiếp cận vốn mới cần hết sức chi tiết, cụ thể, có dữ liệu đánh giá những ảnh hưởng như thế nào, tiến hành kinh doanh ra sao, khả năng phục hồi đến đâu.
Ông Lê Hữu Nghĩa, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM, cảnh báo, nếu các DN ‘chết’ hàng loạt thì ngân hàng sẽ phải gánh chịu nợ xấu. Nên ngân hàng cần hỗ trợ tối đa giúp DN vượt qua khó khăn này.
“Một điểm đáng chú ý mà tôi nghĩ các ngân hàng nên xem xét, đó là tài sản đảm bảo của các DN thường bị ngân hàng định giá thấp hơn nhiều so với giá thị trường, sau đó chỉ được vay tối đa đến 70-80% giá trị. Như vậy, dư địa trên tài sản và hạn mức vẫn còn, ngân hàng hãy tính toán cho DN vay thêm từ 15-20% vốn nữa mà không cần phải thế chấp thêm tài sản. Với nguồn vốn mở rộng này, DN sẽ có tiền trang trải các chi phí khôi phục hoạt động”, ông nói.
Theo Trần Thủy/vietnamnet.vn