Du lịch

Đưa du lịch nông thôn bứt phá nhờ công nghệ số

(HNTT) – Tới đây các mô hình ‘làng du lịch thông minh’ sẽ được xây dựng để từng bước nhân rộng ra cả nước, trong đó du khách được nâng cao trải nghiệm du khảo đồng quê nhờ ứng dụng công nghệ số.

Công nghệ “chắp cánh” cho du lịch nông thôn

Du lịch nông thôn đóng vai trò quan trọng trong tổng thể phát triển du lịch Việt Nam, kết nối với đô thị và các trung tâm du lịch, góp phần mở rộng phạm vi không gian và kéo dài thời gian lưu trú của khách. Nông thôn Việt Nam sở hữu nguồn tài nguyên tự nhiên và nhân văn phong phú, như văn hóa truyền thống, bản sắc cộng đồng, cảnh quan hoang sơ…; nếu kết hợp với công nghệ sẽ hình thành nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng và chất lượng cao.

Tại Diễn đàn Xúc tiến, quảng bá sản phẩm du lịch nông thôn thông qua chuyển đổi số do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức, ông Nguyễn Lê Phúc – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch đề xuất xây dựng mô hình “Làng du lịch thông minh” (Smart village), từng bước hình thành hệ thống “Làng du lịch thông minh” trên cả nước. Trong đó, các điểm đến nông thôn sẽ kết hợp công nghệ và khai thác giá trị bản địa; kết nối hoạt động truyền thống với nền tảng trực tuyến, đặt dịch vụ, thanh toán trực tuyến. Công nghệ giúp rút ngắn khoảng cách và đưa những giá trị truyền thống, sản phẩm, dịch vụ của khu vực nông thôn đến du khách nhanh chóng, dễ dàng hơn.

Ông Nguyễn Lê Phúc – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch phát biểu tại Diễn đàn Xúc tiến, quảng bá sản phẩm du lịch nông thôn thông qua chuyển đổi số. Ảnh: Minh Khánh

Đồng tình với ý kiến này, ông Lê Bá Ngọc – Phó Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam (Vietcraft) cho rằng việc xây dựng “Làng du lịch thông minh” hay mô hình phát triển du lịch nông thôn bền vững thông qua chuyển đổi số là rất cần thiết, góp phần giảm thiểu các tác động tiêu cực của du lịch tới khu vực nông thôn, cung cấp dịch vụ tốt hơn và trải nghiệm thú vị, thuận tiện hơn.

Ông Lê Bá Ngọc lấy ví dụ, nhờ ứng dụng công nghệ tích hợp trên điện thoại di động, du khách đến làng gốm Bát Tràng (Hà Nội) có thể thử đặt bình gốm vào không gian nhà mình trước khi mua, hay đến làng lụa Vạn Phúc (Hà Nội) có thể ướm thử trang phục lên người mà không cần thay đồ. “Các điểm tham quan và sản phẩm tại Lý Sơn (Quảng Ngãi) được gắn mã QR giúp du khách truy xuất nguồn gốc, tìm hiểu thông tin thuận tiện hơn so với phương thức truyền thống, nhất là với khách du lịch tự túc, không có hướng dẫn viên” – ông Lê Bá Ngọc nói. Ngoài ra, công nghệ sẽ giúp tính toán lượng phát thải, cảnh báo tiến ồn, cảnh báo các yếu tố nhạy cảm về văn hóa để giảm thiểu tác động tiêu cực từ hoạt động du lịch.

Con người vẫn là hạt nhân

Các chuyên gia, nhà quản lý và doanh nghiệp đều cho rằng với sản phẩm du lịch nông thôn, công nghệ giúp nâng cấp trải nghiệm nhưng phải giữ các yếu tố cốt lõi là giá trị nhân văn và cảnh quan tự nhiên. Những giá trị này tạo thành một “vòng tròn văn hóa”, nơi du khách tương tác với người dân và trải nghiệm thiên nhiên.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam nhận định, các sản phẩm du lịch nông thôn phải có sự độc đáo, đặc thù của địa phương, sở hữu giá trị nhân văn văn hóa, tránh đại trà và trùng lặp. “Dù cùng nằm tại đồng bằng sông Cửu Long, vẫn là miệt vườn, đờn ca tài tử nhưng mỗi khu vực phải có điểm nhấn riêng. Tới đây cần xây dựng các tour du lịch thưởng thức giá trị văn hóa của sản phẩm nông nghiệp, ví dụ như tour tìm hiểu văn hóa cà phê, văn hóa sầu riêng. Các sản phẩm OCOP cũng sẽ được nâng cấp giá trị văn hóa, chất lượng, mẫu mã để phục vụ du lịch” – ông Trần Thanh Nam nói.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam phát biểu. Ảnh: Minh Khánh

Theo PGS.TS. Ngô Thị Phương Lan (Trường Đại học Khoa học xã hội & nhân văn TP.HCM), điều đặc sắc nhất của du lịch nông thôn chính là giá trị nhân văn cùng sự tương tác giữa chủ thể văn hóa và khách du lịch. “Khi du khách tương tác với con người, cảnh vật, thiên nhiên, di tích và có trải nghiệm bản thân thì cảm thức về vùng nông thôn và văn hóa bản địa càng dày thêm. Cần xây dựng tư liệu và bộ thuyết minh về nét phong tục độc đáo tại địa phương, các câu chuyện về lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng, nhân vật… Khi đã có sản phẩm, việc quảng bá trực tuyến cũng phải mang thông điệp thể hiện sự tương tác văn hóa này”.

Từ góc độ doanh nghiệp, bà Nhữ Thị Ngần – Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư du lịch Hà Nội (Hanoi Tourism) cho rằng văn hóa vẫn là trụ cột của du lịch nông thôn. Các chương trình du lịch cũng phải theo hướng hấp dẫn, đặc thù dựa vào đặc trưng từng vùng miền, trước khi ứng dụng công nghệ để quảng bá. Môi trường, cảnh quan nông thôn cần phải được gìn giữ cũng như đáp ứng những điều kiện tốt thiểu để tiếp đón du khách.

Lấy ví dụ về sản phẩm du lịch nông thôn nổi bật, bà Nhữ Thị Ngần cho biết hiện nay tại Bình Liêu (Quảng Ninh) đã hình thành nhiều tuyến du lịch hấp dẫn gắn với văn hóa bản địa như tham quan vùng trồng dong và sản xuất miến dong; trải nghiệm văn hóa người Dao và lưu trú tại nhà dân; làm nông nghiệp, trải nghiệm thu hoạch hoa hồi, hoa sở cùng đồng bào và tham gia giao lưu văn hóa; tour trekking biên giới… “Các sản phẩm du lịch này thành công vì lấy văn hóa, kiến trúc, đồng bào dân tộc Dao làm trọng tâm để du khách trải nghiệm” – bà Nhữ Thị Ngần phân tích.

Tìm hiểu văn hóa người Dao tại khu chợ xã Đồng Văn tại Bình Liêu, Quảng Ninh. Ảnh: Nhữ Thị Ngần

Nông dân cần được hỗ trợ nhiều hơn

Ông Nguyễn Lê Phúc – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết phần lớn điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn nước ta có quy mô nhỏ lẻ, mang tính chất tự phát, chủ yếu do các hộ gia đình, tổ hợp tác khai thác nên hạn chế về năng lực, khả năng tiếp cận, ứng dụng công nghệ còn thấp… Do đó để phát triển du lịch nông thôn cần có sự hỗ trợ đầu tư đồng bộ từ nhà nước và các nguồn lực xã hội khác.

Đại diện Công ty Vietravel – ông Lã Quốc Khánh cho biết trước đây TP.HCM đã xây dựng mô hình kết nghĩa giữa công ty lữ hành với các điểm du lịch nông thôn, qua đó các doanh nghiệp trực tiếp tham gia hỗ trợ về hạ tầng và sản phẩm cho từng thôn làng. “Chúng tôi xây nhà vệ sinh đạt chuẩn, hướng dẫn người dân cách đón khách và tạo ra các sự kiện hay lễ hội nông sản để đưa khách tới. Nhu cầu của du khách đôi khi rất nhỏ, ví dụ như đến làng hoa Sa Đéc, khách luôn hỏi tên các loài hoa thì phải có người dân trả lời họ” – ông Lã Quốc Khánh nói, đồng thời đề xuất người nông dân tại các điểm du lịch nông thôn phải được tiêm vaccine đầy đủ để sớm đón khách sau Covid-19; nếu không thì du lịch nông thôn ở vùng sâu, vùng xa tiếp tục tụt lại sau những nơi có độ phủ vaccine cao hơn.

Mô hình du lịch cộng đồng tại huyện Đà Bắc (Hòa Bình) Ảnh: Đà Bắc CBT

Ngoài ra, chuyển đổi số nông thôn sẽ giúp khu vực này tiếp cận thị trường để phân phối nông sản, trong bối cảnh dịch Covid-19 khiến các điểm đến chưa thể đón khách. Ông Nguyễn Lê Phúc cho rằng cần hỗ trợ các hộ gia đình, điểm du lịch cộng đồng đăng ký, chào bán sản phẩm du lịch nông thôn trên sàn giao dịch điện tử, qua đó kết hợp với thúc đẩy tiêu thụ nông sản địa phương thông qua hoạt động du lịch.

Vừa qua dự án GREAT (do chính phủ Australia tài trợ) đã tổ chức tập huấn cho hàng chục hộ gia đình, hợp tác xã và phụ nữ dân tộc thiểu số về thúc đẩy tiêu thụ nông sản và quảng bá du lịch cộng đồng trên sàn thương mại điện tử. Ông Phil Harman – cố vấn trưởng dự án GREAT cho rằng đại dịch COVID-19 đã gián tiếp làm khoảng cách công nghệ đối với phụ nữ và các cộng đồng dân tộc thiểu số trở nên rõ rệt hơn. Vì vậy, đồng bào dân tộc thiểu số cần có những kỹ năng và công cụ cần thiết để có được lợi ích từ các sàn thương mại điện tử, cũng như tìm kiếm thị trường tốt hơn cho các sản phẩm và dịch vụ của mình./.

Theo Hải Nam/VOV.VN

Bài viết liên quan

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button