Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm: Vi phạm hợp đồng mua bán nhà ở bị phạt thế nào – Trách nhiệm của chủ khi vật nuôi gây thiệt hại cho người khác?
(HNTTO) – Sáng ngày 22/12/2024, Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) và Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật và Kinh tế hội nhập (IRLIE) nhận được yêu cầu hỗ trợ pháp lý liên quan đến hợp đồng mua bán nhà ở và vật nuôi gây thiệt hại cho người khác thì trách nhiệm của người chủ như thế nào. Theo đó, Viện IMRIC và Viện IRLIE giao Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) trả lời cho các doanh nghiệp thành viên thuộc Câu lạc bộ Doanh nghiệp IMRIC – IRLIE.
Dưới góc nhìn pháp lý, Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) xin phân tích cụ thể sau: Trong các giao dịch bất động sản, hợp đồng mua bán nhà ở đóng vai trò quan trọng nhưng không phải lúc nào các bên cũng tuân thủ dẫn đến vi phạm hợp đồng. Đồng thời, nêu nêu câu hỏi của chủ doanh nghiệp việc trên đường đi học về, cháu tôi bị chó của nhà hàng xóm cắn với tỷ lệ thương tật là 33%. Xin cho biết, người chủ nuôi con chó có trách nhiệm gì trong trường hợp này hay không?
Vi phạm hợp đồng mua bán nhà ở bị phạt thế nào?
Hình từ internet
Tại Khoản 1 Điều 328 Bộ luật Dân sự 2015 quy định, đặt cọc là việc một bên (gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.
Theo đó, trước khi ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, các bên liên quan thường lập hợp đồng đặt cọc. Cũng theo nguyên tắc của pháp luật dân sự, các bên có quyền thỏa thuận về mức phạt khi từ chối giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.
Trước khi tìm hiểu về các hình phạt, trước hết chúng ta cần nắm rõ hợp đồng mua bán nhà ở là gì. Đây là một dạng hợp đồng dân sự, trong đó bên bán cam kết chuyển quyền sở hữu nhà ở cho bên mua và bên mua cam kết trả tiền theo thỏa thuận. Các điều khoản trong hợp đồng bao gồm giá bán, phương thức thanh toán, thời điểm chuyển giao quyền sở hữu, và các điều kiện liên quan khác.
Có thể thấy, trong các giao dịch bất động sản, hợp đồng mua bán nhà ở đóng vai trò quan trọng trong việc xác lập quyền và nghĩa vụ của các bên. Thế nhưng, không phải lúc nào các bên cũng tuân thủ đúng các điều khoản thỏa thuận, dẫn đến vi phạm hợp đồng.
Có nhiều hình thức vi phạm hợp đồng mua bán nhà ở, có thể kể đến như: Bên bán không giao nhà đúng thời hạn; bên mua không thanh toán đúng giá trị hoặc không đúng lộ trình và các bên vi phạm cam kết về các điều kiện như chất lượng nhà, các tiện ích đi kèm, hoặc các giấy tờ pháp lý cần thiết.
Khi xảy ra vi phạm, bên bị thiệt hại có quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ quyền lợi của mình như:Bên vi phạm phải thực hiện đúng những gì đã cam kết, như giao nhà đúng chất lượng, hoặc điều chỉnh thanh toán; Bên vi phạm phải bồi thường những thiệt hại thực tế mà bên bị thiệt hại gánh chịu do vi phạm. Số tiền bồi thường thường được căn cứ vào thiệt hại thực tế và các điều khoản trong hợp đồng; Đây là một lượng tiền nhất định mà bên vi phạm phải nộp cho bên còn lại, thường được quy định rõ trong hợp đồng. Mức phạt này không quá cao để tránh tình trạng vi phạm hợp đồng trở thành một “chi phí” mà một bên có thể chịu được mà vẫn cố tình vi phạm.
Cách giải quyết các tranh chấp liên quan đến vi phạm hợp đồng mua bán nhà có thể được giải quyết thông qua các hình thức như hòa giải, trọng tài hoặc khởi kiện tại tòa án. Trong quá trình giải quyết, việc thu thập chứng cứ, như hợp đồng, biên bản làm việc, và các giấy tờ khác, đóng vai trò then chốt trong việc xác định trách nhiệm và mức độ vi phạm của các bên.
Điển hình, để hạn chế rủi ro vi phạm hợp đồng, các bên nên: Tham khảo ý kiến của các chuyên gia pháp lý khi lập hợp đồng. Đảm bảo tất cả các điều khoản thỏa thuận đều rõ ràng. Tuân thủ nghiêm ngặt các cam kết trong hợp đồng để tránh các hậu quả pháp lý không mong muốn.
Vi phạm hợp đồng mua bán nhà ở có thể dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng về pháp lý và tài chính. Do đó, người tham gia giao dịch này cần có sự chuẩn bị kỹ càng và cẩn trọng trong mọi bước đi nhằm bảo vệ quyền lợi của mình một cách tối ưu.
Trách nhiệm của chủ khi vật nuôi gây thiệt hại cho người khác?
Thú cưng, vật nuôi gây thiệt hại thì người chủ chịu trách nhiệm thế nào? (Ảnh minh họa)
Việc không quản lý vật nuôi dẫn đến việc vật nuôi cắn người khác gây thương tích thì chủ vật nuôi phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại và có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Căn cứ theo quy định tại Điều 603 Bộ luật Dân sự 2015 thì chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác.
Tại Điều 590 Bộ luật Dân sự 2015 quy định chủ sở hữu vật nuôi phải bồi thường các khoản chi phí gồm: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại; thiệt hại khác do luật quy định; một khoản tiền bù đắp tổn thất tinh thần do các bên thỏa thuận nhưng không quá 50 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Việc bồi thường thiệt hại do các bên tự thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được, người bị hại có quyền khởi kiện vụ án dân sự tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu chủ vật nuôi bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật.
Tại khoản 3 Điều 66 Luật Chăn nuôi 2018 thì chủ nuôi chó phải có biện pháp bảo đảm an toàn cho người và vật nuôi khác. Trong trường hợp để chó cắn người gây thương tích, chủ nuôi có thể bị xử phạt hành chính từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng do không tuân thủ các biện pháp an toàn cho người và vật nuôi khác theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 3 Điều 2 Nghị định 04/2020/NĐ-CP ngày 03/01/2020).
Căn cứ theo Điều 138 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) – Trường hợp chủ nuôi không tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn để chó cắn người gây thương tích từ 31% trở lên thì có thể bị xử lý hình sự về tội “Vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác”. Mức hình phạt có thể là cảnh cáo, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù đến 3 năm.
Luật sư – ThS. Nguyễn Thành Hưng (PGĐ Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm)