Xã hội

Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn: Công dân có phải đổi lại thẻ Căn cước khi sắp xếp lại đơn vị hành chính – Mức phạt mới nhất nếu không đăng ký tạm trú?

(HNTTO) – Vừa qua, Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) và Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật và Kinh tế hội nhập (IRLIE) nhận được thư của một số doanh nghiệp thành viên…Theo đó, yêu cầu tham vấn pháp lý liên quan Nghị quyết 35/2023/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hộiLuật Cư trú 2020 đối với việc khi sắp xếp lại đợn vị hành chính có phải đổi lại Căn cước công dân và nếu không đăng ký tạm trú có bị phạt hay không?

Nêu lại yêu cầu của doanh nghiệp, Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn (TTTVPLMS) dẫn lại yêu cầu như sau: Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023 – 2025 của nhiều tỉnh, thành phố chính thức có hiệu lực từ 1/12/2024. Xin hỏi, sau khi sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thì công dân có phải làm lại thẻ Căn cước không?. Đồng thời, nếu không đăng ký tạm trú theo pháp luật thì theo quy định mới nhất, người vi phạm sẽ bị phạt bao nhiêu tiền?

Công dân có phải đổi lại thẻ Căn cước khi sắp xếp lại đơn vị hành chính

Căn cứ tại Điều 21 Nghị quyết 35/2023/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030 quy định về chuyển đổi giấy tờ cho cá nhân, tổ chức như sau: Các loại giấy tờ đã được cơ quan có thẩm quyền cấp cho cá nhân, công dân, tổ chức trước khi thực hiện sắp xếp theo đơn vị hành chính cũ nếu chưa hết thời hạn theo quy định vẫn được tiếp tục sử dụng.

UBND cấp tỉnh chỉ đạo UBND cấp huyện, cấp xã thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền và triển khai việc chuyển đổi các loại giấy tờ cho cá nhân, tổ chức, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức khi thực hiện các thủ tục chuyển đổi các loại giấy tờ và không thu các loại phí, lệ phí khi thực hiện việc chuyển đổi do thay đổi địa giới đơn vị hành chính.

Căn cứ tại điểm đ khoản 1 Điều 24 Luật Căn cước 2023 quy định trường hợp cấp đổi thẻ Căn cước như sau: Theo yêu cầu của người được cấp thẻ căn cước khi thông tin trên thẻ căn cước thay đổi do sắp xếp đơn vị hành chính. Do đó, có thể hiểu rằng thẻ Căn cước/Căn cước công dân đã được cơ quan có thẩm quyền cấp cho công dân trước khi thực hiện sắp xếp theo đơn vị hành chính, nếu chưa hết thời hạn theo quy định thì vẫn được tiếp tục sử dụng mà không cần phải cấp đổi. Việc cấp đổi thẻ Căn cước chỉ thực hiện khi người dân có yêu cầu.

Theo Nghị quyết 35/2023/UBTVQH15 và Điều 24 Luật Căn cước 2023 nêu trên không yêu cầu công dân phải đổi giấy tờ Căn cước công dân khi sáp nhập huyện, xã. Thế nhưng, do việc sắp xếp lại đơn vị hành chính nên thông tin về địa chỉ của một số công dân sẽ có sự thay đổi. Vì vậy, Bộ Công an cũng đã có khuyến khích công dân nên đổi Căn cước theo địa danh mới để thuận tiện cho giao dịch, người dân sẽ được miễn lệ phí khi thực hiện thủ tục này căn cứ theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 38 Luật Căn cước 2023. Đối với một số trường thông tin ở giấy khai sinh như nơi sinh, quê quán, Bộ Công an cũng sẽ phối hợp với Bộ Tư pháp để chạy trên toàn hệ thống, đồng thời phối hợp với người dân để điều chỉnh cụ thể từng trường hợp.

Thế nhưng, đối với Chứng minh nhân dân, nếu công dân còn dùng loại giấy tùy thân này thì bắt buộc phải thực hiện thủ tục cấp đổi sang thẻ Căn cước dù có sắp xếp lại đơn vị hành chính hay không. Vì từ 1/1/2025, Chứng minh nhân dân sẽ hết giá trị sử dụng theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 46 Luật Căn cước 2023.

Để thuận tiện hơn trong các hoạt động dân sự sau khi sắp xếp lại các đơn vị hành chính thì người dân có thể liên hệ và yêu cầu cơ quan Công an cấp đổi thẻ Căn cước và việc cấp, đổi căn cước hoàn toàn miễn phí.

Mức phạt mới nhất nếu không đăng ký tạm trú?

Căn cứ Khoản 9 Điều 2 Luật Cư trú 2020, nơi tạm trú là nơi công dân sinh sống trong một khoảng thời gian nhất định ngoài nơi thường trú và đã được đăng ký tạm trú.

Căn cứ tại khoản 1 Điều 27 Luật Cư trú 2020 quy định điều kiện đăng ký tạm trú là công dân đến sinh sống tại chỗ ở hợp pháp ngoài phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đã đăng ký thường trú để lao động, học tập hoặc vì mục đích khác từ 30 ngày trở lên thì phải thực hiện đăng ký tạm trú.

Do vậy, công dân đến sinh sống tại một nơi trong một khoản thời gian nhất định ngoài nơi thường trú để lao động, học tập hoặc vì mục đích khác từ 30 ngày trở lên thì phải thực hiện đăng ký tạm trú. Thời hạn tạm trú tối đa là 2 năm và có thể tiếp tục gia hạn nhiều lần.

Căn cứ theo khoản 1 Điều 9 Nghị định 144/2021/NĐ-CP xử phạt vi phạm quy định về đăng ký và quản lý cư trú như sau:

Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Không thực hiện đúng quy định về đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, xóa đăng ký thường trú, xóa đăng ký tạm trú, tách hộ hoặc điều chỉnh thông tin về cư trú trong Cơ sở dữ liệu về cư trú; Không thực hiện đúng quy định về thông báo lưu trú, khai báo tạm vắng. Như vậy, trong trường hợp không thực hiện đúng quy định về đăng ký tạm trú, xóa đăng ký tạm trú, khai báo tạm vắng sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.

Tờ khai thay đổi thông tin cư trú (người đăng ký tạm trú chưa thành niên thì trong tờ khai phải ghi rõ ý kiến đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ, trừ trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản). và giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp. Người đăng ký tạm trú nộp hồ sơ đăng ký tạm trú đến cơ quan đăng ký cư trú nơi mình dự kiến tạm trú.

Trong khoảng thời gian 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thẩm định, cập nhật thông tin về nơi tạm trú mới, thời hạn tạm trú của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin đăng ký tạm trú. Trường hợp từ chối đăng ký thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Nhằm tuyên truyền, phổ biến các kiến thức pháp luật liên quan mật thiết đến người dân, phát huy tinh thần của nhân dân tuân thủ nguyên tắc sống và làm việc theo pháp luật, góp phần vào công tác phòng, chống tội phạm và giữ gìn an ninh, trật tự…Viện IMRIC thường xuyên phối hợp với Viện IRLIE giao Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn thực hiện các chương trình tuyên truyền, phổ biến pháp luật có sự kết hợp nhiều hình thức đa dạng để mọi người dân và doanh nghiệp nắm bắt được các tình tiết, nội dung của vụ án; các Phiên tòa giả định với trình tự, thủ tục giản lược, chủ yếu tập trung vào phần tranh luận giữa Vị đại diện Viện kiểm sát với Luật sư bào chữa và phần tuyên án của Hội đồng xét xử..

Tin rằng, việc Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn thực hiện tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về cư trú, hoạt động này của Trung tâm với mong muốn cùng chung tay với các đơn vị, doanh nghiệp trong việc thượng tôn pháp luật. Thông qua đó, kịp thời phổ biến đầy đủ những nội dung liên quan đến việc chấp hành đúng pháp luật, tạo sự chuyển biến trong nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của người dân, góp phần làm giảm các hành vi vi phạm pháp luật, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội tại các địa phương.

 LG. Phạm Trắc Long – Phó viện trưởng Viện IRLIE, GĐ Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn

Bài viết liên quan

Back to top button