Nhiều thị trường lao động đem lại thu nhập cao nhất cho lao động Việt Nam?
(HNTTO) – Năm 2023, lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đạt 159.986 người. Trong đó, thị trường Singapore thu hút 1.355 lao động. Qua 6 tháng đầu năm 2024, 6 tháng đầu năm 2024, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 78.640 lao động đạt 62,91 % kế hoạch năm 2024. Bên cạnh việc duy trì các thị trường hiện có, các cơ quan sẽ tiếp tục phát triển, mở rộng thị trường có thu nhập cao, phù hợp với trình độ, kỹ năng của lao động Việt Nam.
Ảnh minh họa (Nguồn: Cục Quản lý lao động ngoài nước)
Hiện nay, có hơn 650.000 lao động Việt Nam làm việc tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, mang về khoảng 3,5 – 4 tỉ USD kiều hối mỗi năm. Chỉ riêng trong tháng 6/2024, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 12.788 lao động, gồm các thị trường: Nhật Bản 5.388 lao động, Đài Loan 6.235 lao động, Hàn Quốc 373 lao động, Trung Quốc 232 lao động, Singapore 128 lao động, Romania 18 lao động và các thị trường khác.
Theo tìm hiểu của Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) phối hợp Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật và Kinh tế hội nhập (IRLIE) thì “Hồ sơ di cư Việt Nam 2023” mới được công bố, Hàn Quốc hiện dẫn đầu về thu nhập cho lao động Việt Nam, với mức lương từ 1.600 – 2.000 USD/tháng. Kế đến, thị trường lao động Nhật Bản, nơi có mức lương từ 1.200 – 1.500 USD/tháng và Đài Loan (Trung Quốc) với khoảng 800 – 1.200 USD/tháng.
Đồng thời, hiện có nhiều quốc gia châu Âu cũng cung cấp mức thu nhập tương đương, tạo ra nhiều lựa chọn hấp dẫn cho lao động Việt Nam. Thế nhưng, các thị trường tại Trung Đông và Malaysia ghi nhận mức lương thấp hơn, với khoảng 600 – 1.000 USD/tháng cho lao động có tay nghề và 400 – 600 USD/tháng cho lao động phổ thông.
Tất cả các thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam đều có mức lương tối thiểu vượt xa so với thu nhập trong nước, tạo sức hút lớn cho những ai mong muốn cải thiện chất lượng cuộc sống. Giai đoạn 2017-2023 (trừ thời gian dịch bệnh COVID-19), số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng duy trì ở mức trên 100.000 người mỗi năm, với mức tăng khoảng 10.000 người mỗi năm.
Trong năm 2020 và 2021, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, số lao động đi làm việc ở nước ngoài giảm mạnh, chỉ đạt 78.641 người vào năm 2020 và 45.048 người vào năm 2021. Kể từ năm 2022, tình hình đã được cải thiện rõ rệt khi số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tăng lên 142.779 người, và tiếp tục đạt 159.986 người trong năm 2023. Thị trường lao động đang ngày càng mở rộng, với các thị trường chính bao gồm Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc và Malaysia. Điển hình, lao động nữ chiếm từ 30% đến hơn 40% tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó số lượng lao động nữ cao nhất tập trung tại hai thị trường Đài Loan (Trung Quốc) và Nhật Bản.
Về địa phương có số lượng lao động đi nước ngoài cao, khu vực Đồng bằng sông Hồng dẫn đầu với hơn 32.600 người, đến từ các tỉnh như Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định, Hà Nội, Thái Bình, Ninh Bình và Hải Phòng. Khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung xếp thứ hai với hơn 25.500 lao động, tập trung tại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài trong nhiều loại hình, ngành nghề, công việc như: Sản xuất chế tạo (cơ khí, dệt may, giày da, lắp ráp điện tử…), xây dựng, nông nghiệp, ngư nghiệp (đánh bắt và nuôi trồng thủy sản) và dịch vụ (chăm sóc người cao tuổi, người bệnh, giúp việc trong gia đình). Điều kiện làm việc và sinh hoạt tốt, chế độ phúc lợi bảo đảm.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Viện Nghiên cứu Thị tường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) và Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật và Kinh tế hội nhập (IRLIE) đã đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về tình hình lao động xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài theo định kỳ hàng tháng; thông tin cảnh báo, ngăn chặn lừa đảo lao động đi làm việc tại một số thị trường, ngành nghề như Australia (trong lĩnh vực nông nghiệp); Hàn Quốc (trong lĩnh vực dịch vụ theo thị thực E9)…
Bên cạnh đó, tiếp tục tuyên truyền để khuyến cáo tình trạng lừa đảo người lao động đi làm việc ở nước ngoài xảy ra trên môi trường mạng; thông tin hướng dẫn và tư vấn người lao động về những sự chuẩn bị cần thiết, và các kênh hay hình thức để đảm bảo người lao động đi làm việc ở nước ngoài hợp pháp, an toàn và hiệu quả. Ngoài ra, vấn đề nâng cao chất lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài, nhằm đáp ứng nhu cầu của đối tác, đủ sức cạnh tranh trên thị trường lao động quốc tế cũng được Việt Nam đặc biệt quan tâm.
Xuất khẩu lao động hiện nay ngày càng khẳng định được vai trò và ưu thế của một phương thức đổi mới giúp nguồn lao động của Việt Nam có giá trị hơn. Xóa đói giảm nghèo bền vững đồng thời thúc đẩy sự luân chuyển giá trị nguồn ngoại tệ để góp phần vào sự phát triển kinh tế của đất nước.
(Bài xuất bản số T12, đặc san Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông)
Văn Hải – Trần Danh