Nghiên cứu trao đổi

Ông Hồ Minh Sơn: Mỗi người dùng smartphone đã sẵn sàng trở thành một cơ quan báo chí – Sự kiện TikToker Lê Tuấn Khang, câu hỏi về truyền thông như thế nào?

(HNTTO) – Với sự bùng nổ của công nghệ thông tin trong giai đoạn hiện nay, nhiều hình thức truyền thông mới ra đời, nhiều kênh truyền thông nhanh chóng phát triển, nên các hình thức của Digital marketing cũng trở nên ngày càng đa dạng…

Hiện nay, Việt Nam có gần 1.000 cơ quan báo chí, tạp chí. Trong đó, Việt Nam có 100 triệu dân, chưa kể số người Việt ở nước ngoài. Qua đó, mỗi người cầm trên tay chiếc smartphone là đã sẵn sàng trở thành một cơ quan báo chí. Vì vậy, báo chí không thể cạnh tranh về tốc độ thông tin với mạng xã hội.Nếu đặt tiêu chí về việc cân bằng, đa nguồn, khách quan thì các tổ chức khác không bao giờ cạnh tranh được với báo chí.

Điển hình, ngày 03/12/2024 khi video của Lê Tuấn Khang đã có gần 340 triệu lượt xem chỉ sau vài ngày xuất hiện, trang TikTok của Khang đã có hơn 11 triệu người theo dõi trước đó. Liên tục lập các kỷ lục và tự mình phá những kỷ lục ấy…Sự phát triển của công nghệ cộng với sự thay đổi thị hiếu công chúng đã gây ra một sự chuyển dịch công chúng. Không có một tờ báo điện tử nào trong ba ngày thu hút được 300 triệu lượt xem trên cả trang web chính thức và trên các nền tảng số chỉ bằng một sản phẩm.

Ảnh minh hoạ

Chia sẻ với chúng tôi, TS. Hồ Minh Sơn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) khuyến nghị báo chí chính thống đang chuyển mình khá chậm. Trong thời gian qua, báo chí chính thống có sự tự tin, chủ quan không ai sánh được với mình. Thế nhưng, đã có sự thay đổi khi độc giả trong thời đại Intenet. Xu thế chiếm lĩnh của mạng xã hội là điều tất yếu trong cuộc sống. Từ đó, đòi hỏi báo chí chính thống phải cạnh tranh, chạy theo, đi trước mạng xã hội là đòi hỏi không thực tế. Mặc dù vậy, báo chí chính thống không thể và không nên chạy theo mạng xã hội. Tất cả dù là báo chí hay mạng xã hội đều đi chung một cái cổng lớn là Internet và thành công của TikToker này đặt ra những điều mà những người làm truyền thông phải phân tích. Bởi công chúng chính là mục tiêu phục vụ, là động lực và là nguồn thu nhập của mọi ngành, trong đó có truyền thông…

TS. Hồ Minh Sơn nhận định việc dân trí ngày càng nâng cao và ý thức công dân, góp phần xây dựng một xã hội, trong đó, người dân có khả năng tham gia tích cực vào quá trình ra quyết định chính sách của chính quyền. Cùng với đó, quyền tiếp cận thông tin góp phần chuyển đổi thông tin thành kiến thức và nhận thức về các vấn đề kinh tế, xã hội, môi trường; tạo điều kiện cho sự hòa giải và thỏa thuận xã hội. Việc thông tin kịp thời, đầy đủ, chính xác giúp giảm thiểu xung đột xã hội, tăng cường sự hiểu biết và đồng thuận xã hội.

Theo TS. Hồ Minh Sơn cho biết, người làm truyền thông, báo chí phải đòi hỏi mình sáng tạo nội dung và đẩy cảm xúc cho người đọc, người xem. Ngôn ngữ hình ảnh làm tốt điều đó hơn chữ viết. Internet có hai đặc điểm nổi trội: một là tính đại chúng, vì chỉ với internet, máy tính hay điện thoại thông minh (smartphone) mọi người đều có thể “lên mạng”, và trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, YouTube, TikTok, X (trước đây là Twitter), Instagram…Từng người có cơ hội tiếp xúc trên phạm vi rất rộng, có thể biểu lộ bản thân qua tâm sự, chia sẻ, đưa ý kiến về hiện tượng, sự kiện, vấn đề từ quá khứ đến hiện tại, từ trong nước đến ngoài nước, hoặc để quảng cáo, bán hàng online; hai là với internet, mỗi người đều có thể thành chủ thể sản xuất nội dung, có thể kiếm tiền nếu trang mạng có nhiều subscribe (đăng ký), chia sẻ, video được nhiều người truy cập, còn được chia sẻ doanh thu quảng cáo nếu đáp ứng yêu cầu của nhà mạng (như YouTube là: 1.000 subscribe, cộng 4 nghìn giờ xem công khai hợp lệ trong 12 tháng gần nhất, hoặc có 10 triệu lượt xem video ngắn công khai và hợp lệ 90 ngày gần nhất; TikTok trả tiền người sản xuất nội dung qua số lượt view – xem, video). Thiết nghĩ có thể coi đặc điểm thứ hai là cơ sở lý giải vì sao trên các nền tảng mạng xã hội, số TikToker (người chơi TikTok), YouTuber (người chơi YouTube)…gia tăng với tốc độ như vũ bão.

Qua đó, một bài báo sau khi xuất bản dù có hàm lượng thông tin và kiến thức nhưng nó không hấp dẫn, không khiến người ta muốn đọc thì nó cũng chỉ dùng để cất vào ngăn kéo. Ngày nay, khi người ta bị ngập trong biển thông tin, khi “time on site” của những bản tin cũng chỉ dừng lại ở con số 1 phút thì một TikToker không được đào tạo bài bản, điển hình như Lê Tuấn Khang đã tự học và làm nên những sản phẩm có thể níu người xem ở lại hàng giờ trên trang của mình với một lượng followers hàng chục triệu càng đáng khâm phục.

Việt Nam, quyền tự do báo chí được định nghĩa là quyền tiếp cận thông tin. Đây là yếu tố quyết định trong việc bảo đảm quyền tự do báo chí. Báo chí có quyền và khả năng tự do tiếp cận thông tin, tìm kiếm và truyền tải những thông tin quan trọng, đa dạng, thúc đẩy sự công khai, minh bạch và trách nhiệm. Gắn liền với quyền tự do thông tin truyền thông, quyền cơ bản của mỗi công dân và báo chí là tự do biểu đạt, tìm kiếm và truyền tải thông tin. Sự việc, Khang làm được điều đó vì Titokker này rất nghiêm túc trong xây dựng và sáng tạo nội dung để tạo nên sự đồng điệu và lan tỏa. Khán giả khi xem các clip đã chia sẻ nó vì sự đồng điệu, rồi mạch dòng ấy cứ lan đi để tạo nên những con số ấn tượng hôm nay. Những gì Titoker này làm được đều trên nền truyền thông và công nghệ, TS. Hồ Minh Sơn chia sẻ.

Nhấn mạnh thêm, TS. Hồ Minh Sơn cho hay: “Hiện nhiều cơ quan báo chí, truyền thông từ trung ương đến tỉnh, thành phố đang dần thích ứng bối cảnh mới bằng việc lập trang mạng xã hội riêng, kết hợp giữa thông tin đã đăng trên báo chí chính thức với thông tin, hình ảnh mới khai thác, và sự nhanh nhạy đã đem lại kết quả khả quan. Tạm tính, YouTube ANTV có 7,05 triệu subscribe, VTV24 có 5,34 triệu subscribe, VTC Now 4,58 triệu subscribe…Từ lợi thế chuyên môn, điều kiện khai thác thông tin trên diện rộng, trình độ công nghệ…một số cơ quan báo chí, truyền thông còn lập vài trang YouTube thông tin tổng hợp với đầy đủ chuyên mục về kinh tế, văn hóa, công nghệ, nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, quốc tế, bạn đọc, pháp luật…

Đồng thời, không thể phủ nhận sự phát triển mạnh mẽ và trải rộng trên toàn cầu của các công cụ truyền tải thông tin, tri thức trên nền tảng internet đưa tới cơ hội cực kỳ thuận lợi cho quá trình giao lưu, truyền bá, quảng bá giữa các dân tộc, giữa các quốc gia. Trong bối cảnh nền tảng kỹ thuật số phát triển, nhu cầu sử dụng công nghệ, mong muốn kết nối thông tin của xã hội tăng lên, truyền thông số cùng với các nội dung của nó có khả năng tác động, chi phối các khuôn mẫu tư duy cho đến hành vi của các cá nhân. Vì vậy, ở giai đoạn mới của quá trình phát triển truyền thông, các nhà quản lý dành sự lo ngại đáng kể về những nguy cơ tiềm ẩn trong các nội dung truyền thông số, đặc biệt là những vấn đề về văn hóa đạo đức sẽ tác động trực tiếp đến các thành viên trong xã hội, TS. Hồ Minh Sơn nhìn nhận.

Trở lại câu chuyện kênh TikTok của Khang đã bị cuốn hút nhiều người trẻ lẫn trung niên khi xem vì nhìn thấy mình trong đó. Người lớn có thể thấy quê hương, xóm giềng, tuổi thơ mình; người đang có những sự bế tắc có thể thấy trường hợp Khang như một nỗ lực thay đổi cuộc đời khi một cậu bé nhà quê học chỉ hết lớp 7, lên Sài Gòn tìm việc rồi lại về quê đã bắt đầu khởi nghiệp từ việc làm clip về những chi tiết đời sống miền quê dung dị. Có thể hiểu vẫn còn hạn chế về trình độ, học vấn và về công nghệ nhưng sự đam mê và nỗ lực của Titoker này là điều dể hiểu.

TS. Hồ Minh Sơn còn nhìn nhận internet xuất hiện đã mở ra nền tảng không gian số, nơi con người thỏa sức tương tác và sáng tạo để kết nối. Truyền thông của thời đại mới không còn bị giới hạn bởi các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình – cơ quan ngôn luận của chính phủ. Hiện, nội dung truyền thông số được tự do sáng tạo, khai thác bởi nhiều cá nhân, tập thể. Nội dung truyền thông số từng bước trở thành giá trị không thể thiếu trong đời sống văn hóa, tinh thần, giải trí của người dân; trở thành một công cụ kinh tế đắc lực của những doanh nghiệp, tập đoàn lớn hay của những người khởi nghiệp trẻ. Có thể thấy, nội dung truyền thông trong bối cảnh hiện nay tỏ rõ vai trò của mình không chỉ trong việc cung cấp thông tin nhanh chóng, kịp thời mà còn trở thành một tác nhân cơ bản tham gia vào quá trình định hướng mọi hoạt động của con người trong thực tiễn. Nội dung truyền thông số cần được hiểu là các nội dung được sáng tạo, xây dựng, hình thành trên các thiết bị kỹ thuật số giúp công chúng dễ dàng tiếp nhận.

Tuy nhiên, cần xây dựng văn hoá và đạo đức trong truyền thông số là vấn đề lớn mà toàn Đảng, toàn dân hiện đang cải thiện từng ngày. Văn hóa đạo đức là một thành tố quan trọng của văn hóa tinh thần xã hội, thể hiện trình độ đạo đức của một cộng đồng. Nội dung truyền thông số trên mạng xã hội phải dựa trên hệ thống giá trị phù hợp với phong tục, tập quán, đức tin và lối sống của người dùng. Các nội dung truyền thông số tích cực giúp lan tỏa giá trị văn hóa, nâng cao trình độ văn hóa và duy trì thiết chế xã hội tích cực. Song song đó, nội dung tiêu cực có thể gây hại cho giá trị văn hóa đạo đức, làm suy giảm niềm tin và ảnh hưởng xấu đến cộng đồng. Chúng ta cần đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền về sử dụng mạng xã hội một cách có trách nhiệm, qua đó khuyến khích người dân tham gia vào việc xây dựng một không gian mạng lành mạnh. Cần xây dựng văn hóa đạo đức số, tạo dựng một môi trường truyền thông lành mạnh và bền vững, góp phần xây dựng xã hội phát triển toàn diện, TS. Hồ Minh Sơn nói.

Để vượt qua những thách thức từ truyền thông số, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức xã hội và cộng đồng mạng nhằm tạo ra một môi trường truyền thông số lành mạnh, an toàn và bền vững. Tin rằng, với các chính sách quản lý phù hợp, việc giáo dục và nâng cao nhận thức, cùng với sự đóng góp tích cực của lực lượng Công an nhân dân, lực lượng báo chí, truyền thông, chắc chắn có thể tạo ra một môi trường truyền thông số an toàn, lành mạnh và phát triển bền vững trong tương lai gần./.

(Bài xuất bản số T12, đặc san Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông)

Mỹ Huyền – Thanh Tuyền

 

Bài viết liên quan

Back to top button