Ông Hồ Minh Sơn phân tích yếu tố pháp lý liên quan vụ nhân viên Công ty vệ sĩ Security chặn đường ở Thanh Hóa đối diện hình phạt nào?
(HNTTO) – Mới đây, mạng xã hội lan truyền những clip ghi lại cảnh một nhóm người ăn mặc quần áo như vệ sĩ ra giữa Đại lộ Lê Lợi, TP Thanh Hoá (tỉnh Thanh Hóa) để điều tiết phương tiện giao thông cho đoàn xe đám cưới đi qua. Chiều ngày 29/11/2024, theo thông tin từ Công an tỉnh Thanh Hóa đã tạm giữ hình sự các đối tượng là nhân viên Công ty vệ sĩ Security.
Qua đó, nhiều người dân đã quan tâm và thắc mắc, công ty vệ sĩ phải đảm bảo các điều kiện gì để thành lập, hoạt động và có chức năng điều tiết giao thông không?. Phân tích về yếu tố pháp lý, Luật gia. TS. Hồ Minh Sơn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC), Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) đã chia sẻ về nhóm nhân viên Công ty vệ sĩ Security chặn phương tiện lưu thông đã xâm phạm trực tiếp trật tự an toàn giao thông đường bộ. Công ty vệ sĩ không có quyền điều tiết giao thông.
Nhiều vệ sĩ “dẹp đường’ cho đoàn xe đám cưới trên Đại lộ Lê Lợi, TP Thanh Hóa hôm 24-11. Ảnh: MXH
LG.TS. Hồ Minh Sơn dẫn chứng luật, căn cứ theo khoản 25 Điều 3 Luật Giao thông đường bộ, người điều khiển giao thông là cảnh sát giao thông; người được giao nhiệm vụ hướng dẫn giao thông tại nơi thi công, nơi ùn tắc giao thông, ở bến phà, tại cầu đường bộ đi chung với đường sắt. Do đó, chỉ có lực lượng CSGT hoặc người được cơ quan có thẩm quyền giao nhiệm vụ thì mới được thực hiện việc tổ chức, điều khiển giao thông. Trong trường hợp công ty vệ sĩ không được cơ quan có thẩm quyền giao nhiệm vụ điều tiết giao thông thì không có chức năng, nhiệm vụ điều tiết giao thông.
Căn cứ tại khoản 3 Điều 37 Luật Giao thông đường bộ, khi CSGT tham gia nhiệm vụ, họ phải thực hiện việc chỉ huy, điều khiển giao thông trên đường; hướng dẫn, bắt buộc người tham gia giao thông chấp hành quy tắc giao thông; Khi có tình huống gây ách tắc giao thông hoặc có yêu cầu cần thiết khác về bảo đảm an ninh, trật tự được tạm thời đình chỉ đi lại ở một số đoạn đường nhất định, phân lại luồng, phân lại tuyến và nơi tạm dừng xe, đỗ xe. Qua đó, việc thành lập công ty vệ sĩ căn cứ theo một quy định tại Nghị định 96/2016 về điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, LG.TS. Hồ Minh Sơn chia sẻ.
Căn cứ vào Điều 7 Nghị định 96/2016, công ty phải được đăng ký, cấp phép hoặc thành lập theo quy định của pháp luật; đủ điều kiện về an toàn phòng cháy và chữa cháy theo quy định. Đối với người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh là người Việt Nam phải không thuộc trường hợp đã bị khởi tố; có tiền án chưa được xóa án tích; đang trong thời gian được tạm hoãn chấp hành hình phạt tù…Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang hộ chiếu nước ngoài và người nước ngoài không thuộc trường hợp chưa được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp phép cư trú, LG.TS. Hồ Minh Sơn nói.
Tại Điều 10 Nghị định 96/2016, công ty vệ sĩ phải là doanh nghiệp. Người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo vệ phải có bằng tốt nghiệp từ cao đẳng trở lên và không phải là người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo vệ mà trong 24 tháng liền kề trước đó đã bị thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự…Đối với cơ sở kinh doanh nước ngoài đầu tư góp vốn với cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo vệ của Việt Nam phải là doanh nghiệp đang hoạt hoạt động doanh dịch vụ bảo vệ liên tục ít nhất 5 năm. Người đại diện cho phần vốn góp này là người chưa bị xử lý về hành vi vi phạm có liên quan đến hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo vệ từ cảnh cáo trở lên. Phần vốn góp này chỉ được sử dụng để mua máy móc, thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác bảo vệ…LG.TS. Hồ Minh Sơn phân tích thêm.
Bên cạnh đó, theo Điều 32 Nghị định 96/2016 quy định rõ trách nhiệm chung của cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo vệ. Theo đó, cơ sở phải tuyển chọn, sử dụng nhân viên dịch vụ bảo vệ có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; không có tiền án về các tội giết người, cố ý gây thương tích, các tội xâm phạm sở hữu; có lý lịch rõ ràng, có giấy khám sức khỏe và bằng tốt nghiệp trung học cơ sở trở lên. Chỉ sử dụng nhân viên dịch vụ bảo vệ đã được đào tạo và được cấp chứng chỉ nghiệp vụ bảo vệ và phải có hợp đồng lao động với nhân viên dịch vụ bảo vệ. Cơ sở phải cấp biển hiệu, trang phục (có logo gắn trên áo đã đăng ký với cơ quan Công an có thẩm quyền) cho nhân viên bảo vệ. Không được thực hiện dịch vụ bảo vệ cho các đối tượng, mục tiêu hoặc hoạt động trái quy định của pháp luật.
LG.TS. Hồ Minh Sơn khẳng định, những người tự ý dừng phương tiện đang tham gia giao thông trên đường không phải lực lượng Cảnh sát giao thông hay cá nhân, tổ chức được giao nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ đã cấu thành của tội Gây rối trật tự công cộng. Nhấn mạnh thêm, LG.TS. Hồ Minh Sơn nói: “Theo quy định tại Điều 37 Luật Giao thông đường bộ, trách nhiệm điều khiển giao thông thuộc Cảnh sát giao thông, trường hợp cá nhân, tổ chức không phải lực lượng Cảnh sát giao thông mà tự ý tổ chức, điều khiển giao thông như phân luồng, dừng các phương tiện đang tham gia giao thông là hành vi xâm phạm trực tiếp đến trật tự an toàn giao thông đường bộ, vi phạm nếp sống văn minh, quy tắc của cuộc sống xã hội chủ nghĩa, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường ở những nơi công cộng. Đây là hành vi có dấu hiệu vi phạm quy định về trật tự công cộng”.
Mặt khác, tại Điều 7 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình quy định về mức phạt vi phạm về trật tự công cộng. Mức phạt thấp nhất là phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300 – 500 nghìn đồng. Mức phạt cao nhất là phạt tiền từ 30 – 40 triệu đồng. Mức phạt trên áp dụng đối với cá nhân vi phạm, còn đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm thì mức phạt tiền gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP, LG.TS Sơn phân tích.
Song song đó, người vi phạm còn có thể bị áp dụng hình thức phạt bổ sung theo quy định tại khoản 13, Điều 7 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP và có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại khoản 14 Điều 7 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Đối với việc xử lý hình sự căn cứ tại Điều 318 Bộ Luật hình sự 2015, người thực hiện hành vi phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Gây rối trật tự công cộng với khung hình phạt thấp nhất là phạt tiền từ 5 – 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm theo quy định tại khoản 1 Điều 318 Bộ Luật hình sự. Khung hình phạt cao nhất đối với hành vi này là phạt tù từ 2 – 7 năm theo quy định tại khoản 2 Điều 318 Bộ Luật hình sự…
Văn Hải – Trần Danh (TVVPL Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm)