Doanh nghiệp

Làm rõ COVID-19 có phải “bất khả kháng” đối với doanh nghiệp?

(HNTT) – Đại dịch COVID-19 đã khiến cho nhiều doanh nghiệp xuất khẩu (bên bán), không thực hiện được đúng hợp đồng (giao hàng không đúng hạn, hủy hợp đồng…), xảy ra tranh chấp. Nếu COVID-19 là sự kiện “bất khả kháng”, theo thỏa thuận giao kết hợp đồng, bên vi phạm có thể được miễn trách nhiệm. Vậy COVID-19 có phải là sự kiện “bất khả kháng” hay không, nếu có thì áp dụng như thế nào? Đây là điều doanh nghiệp xuất khẩu cần tham khảo.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Ông Phan Trọng Đạt – Quyền Giám đốc Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC), cho biết, thời gian qua, VMC đã nhận được nhiều câu hỏi từ các doanh nghiệp xuất khẩu, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đã không thể thực hiện được hợp đồng xuất khẩu (vi phạm hợp đồng), mong muốn tư vấn áp dụng tình huống sự kiện “bất khả kháng” để miễn trừ trách nhiệm vi phạm hợp đồng, nhưng chưa hiểu và chưa biết nên hành xử với tình huống này như thế nào.

Lý giải về vấn đề nêu trên, PGS.,TS. Đỗ Văn Đại – Trưởng Khoa Luật dân sự Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, cho biết: Trong các văn bản pháp luật quốc tế liên quan đến “bất khả kháng”, không trực diện đề cập đến việc các bên có được hay không được thỏa thuận về sự kiện “bất khả kháng” trong giao kết hợp đồng. Luật Dân sự của Việt Nam cũng không đề cập đến việc có được thỏa thuận trong hợp đồng về “bất khả kháng” hay không. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, trong giao kết hợp đồng, các bên thường đưa ra điều khoản về sự kiện “bất khả kháng”, không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới.

Như vậy, thỏa thuận về tình huống “bất khả kháng” ở đây, có thể coi là chuyện nội bộ của các bên trong giao kết hợp đồng, có giá trị pháp lý thực hiện. Khi có tranh chấp về vấn đề này xảy ra, các bên cần xem lại trong hợp đồng các điều khoản đã thỏa thuận về “bất khả kháng” và đối chiếu với các qui định của pháp luật về “bất khả kháng”, xem COVID-19 có đủ điều kiện để áp dụng “bất khả kháng” hay không.

Pháp luật dân sự hiện hành (Bộ luật Dân sự, Điều 156 khoản 1), qui định, một sự kiện được coi là “bất khả kháng”, là sự kiện đó xảy ra phải có tính khách quan không thể lường trước được, mặc dù các bên đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết để khắc phục trong khả năng cho phép. Đại dịch COVID-19, mặc dù đã tác động nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh nói chung và xuất nhập khẩu hàng hóa nói riêng, nhiều doanh nghiệp không thể thực hiện được hợp đồng xuất khẩu hàng hóa, nhưng cũng vẫn có nhiều doanh nghiệp thực hiện được hợp đồng xuất khẩu.

Như vậy, dịch COVID-19 không thể coi là “bất khả kháng”. Lý do, dù COVID-19 xảy ra là khách quan (không phải bàn cãi), không lường trước được (không phải bàn cãi), nhưng trong bối cảnh ấy, vẫn có thể thực hiện được những hợp đồng xuất khẩu (một số doanh nghiệp đã áp dụng các biện pháp khác nhau để khắc phục và thực hiện được hợp đồng), nên COVID-19 không thỏa mãn đủ điều kiện là tình huống sự kiện “bất khả kháng”.

Theo PGS.,TS. Đỗ Văn Đại, để ứng phó với đại dịch COVID-19, chính quyền đã ban hành nhiều biện pháp hành chính, khiến doanh nghiệp không thể thực hiện được hợp đồng xuất nhập khẩu, do thiếu người lao động, do giãn cách xã hội… và các lý do khác từ hệ quả của các quyết định hành chính. Trong trường hợp này, thì COVID-19 + quyết định hành chính, có thể coi là sự kiện “bất khả kháng”. Căn cứ Luật Thương mại (Điều 295), khi gặp tình huống “bất khả kháng”, thì doanh nghiệp cần thông báo cho đối tác để xác nhận trường hợp miễn trách nhiệm. Nếu không thông báo cho đối tác, doanh nghiệp không đáp ứng được điều kiện áp dụng “bất khả kháng”, vẫn sẽ phải bồi thường thiệt hại cho đối tác.

Ngoài ra, theo điều 79, Công ước Viên 1980, về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, vấn đề “bất khả kháng” giữa hai bên trong hợp đồng còn đề cập đến cả bên thứ 3 gặp “bất khả kháng”. Công ước này thận trọng không dùng khái niệm bất khả kháng của các luật quốc gia, nhưng theo PGS.,TS. Đỗ Văn Đại, nội hàm của khái niệm cơ bản cũng tương đồng với khái niệm “bất khả kháng” của Việt Nam (nhưng không phải là như nhau) và Việt Nam cũng đã là thành viên của công ước này.

Để viện dẫn điều 79, Công ước Viên 1980, về “bất khả kháng” do người thứ ba, cần khẳng định được người thứ 3 đó phải là một bên được giao thực hiện hợp đồng và phải đáp ứng các điều kiện “bất khả kháng” của chính người thứ ba đó, từ đó tạo ra “bất khả kháng” cho một bên khác trong hợp đồng (ở đây là bên bán), mới đủ điều kiện áp dụng “bất khả kháng”.

Trong tranh chấp hợp đồng thương mại (bao gồm bất khả kháng), ông Phan Trọng Đạt, cho rằng, các bên nên chọn phương thức giải quyết bằng “hòa giải thương mại”. Bởi lẽ, kết quả giải quyết tranh chấp thông qua “hòa giải thương mại”, là do các bên thỏa thuận, tự nguyện thực hiện, không có phán quyết thắng – thua. Các cuộc hòa giải thành, cơ hội giữ được đối tác rất lớn. Nếu kiện tụng, giải quyết tại tòa án, các bên sẽ bị lôi vào vòng xoáy tố tụng, tốn kém, mệt mỏi…, thậm chí mất đi đối tác.

Theo Ngọc Quỳnh/congthuong.vn

Bài viết liên quan

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button