Nghiên cứu trao đổiXã hội

Phong trào “Bốc phốt, một kiểu ném đá” người khác – Có làm ta đẹp hơn?

(HNTTO) – Có thể hiểu, bất cứ ai trong chúng ta không ít thì nhiều cũng đã từng sử dụng cụm từ “bóc phốt” khi nói chuyện hoặc sử dụng trên mạng xã hội. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết xuất xứ, lai lịch của từ này xuất phát từ đâu?

Ảnh minh hoạ

Chữ “phốt” có nguồn gốc trong tiếng Pháp, có nghĩa là “lỗi” hoặc “cái hố”, người Việt hay gọi nôm na là bể phốt, nơi chứa chất thải hữu cơ bốc mùi và mất vệ sinh. Phốt là một từ cũ được dùng thời xưa có nghĩa là Sai lầm đã mắc phải. Theo đó, một người Bị Phốt tức là bị mang tiếng xấu, đã làm điều gì sai trái nên mọi người mặc định đó là người xấu.

Thế nhưng, dựa trên thực tế hành xử hiện nay trong một bộ phận người trẻ: cái chưa đẹp, thậm chí cái xấu trở nên phổ biến, điều tử tế thành hiếm hoi, đôi khi làm việc tốt lại hóa lố bịch giữa cộng đồng…Không ít người, nhất là các bạn trẻ sử dụng mạng xã hội như một công cụ để xả stress, để soi mói cuộc sống của người khác và thể hiện cái tôi có phần tầm thường của mình. Theo đó, chỉ cần có một đoạn clip, hình ảnh hay câu nói đáng chú ý bị tung lên mạng xã hội, nhân vật chính trong đó sẽ phải hứng chịu “hàng tấn gạch đá” của những người mệnh danh “trẻ trâu”.

Gần đây, nhiều người sử dụng không gian mạng xã hội đã ghép thêm từ “Bóc” với từ “Phốt” thành “Bóc phốt” với hàm ý tiết lộ, công khai những thông tin, những bí mật không được hay ho, không được tốt đẹp hay chẳng vẻ vang gì cho lắm của ai đó, tổ chức nào đó lên mạng xã hội để bàn dân thiên hạ cùng biết, phán xét và đánh giá, thậm chí ném đá.

Xét về khía cạnh tiêu cực, nhiều người “bóc phốt” muốn tăng sự chú ý của cộng đồng mạng nên thường nói quá, hoặc có những việc không đúng sự thật, ảnh hưởng không nhỏ đến danh dự và nhân phẩm của cá nhân, tổ chức. Thậm chí có những người muốn được nổi tiếng còn tự tạo ra phốt nhằm quảng bá bản thân trá hình.

Có thể thấy, “bóc phốt” như một kiểu “ném đá giấu tay” như ám chỉ hành động “làm những việc độc ác một cách lén lút không dám công khai, cố tỏ ra không liên quan gì đến hậu quả của nó”. Những kẻ “ném đá giấu tay” hay “bốc phốt” rồi giấu mặt, hoặc xúi giục người khác “bốc phốt” thay mình thường đứng đằng sau cổ xúy, bơm thổi, khuếch tán…Mục đích của họ là làm cho người khác ngộ nhận về những thông tin sai trái, xuyên tạc, qua đó hướng lái dư luận theo ý đồ, động cơ không trong sáng của một hoặc nhóm người.

Theo nhìn nhận của một số chuyên gia, đã đến lúc chúng ta phải nhìn nhận và định hướng văn hóa ứng xử trên mạng xã hội cho một phận người dùng mạng xã hội hiện nay một cách nghiêm túc. Văn hóa tranh luận đòi hỏi các bên cần phải tôn trọng lẫn nhau, không được mạt sát, công kích đối phương bằng việc quy chụp, đánh giá cá nhân bằng cảm tính, không có dẫn chứng, căn cứ. Điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác…

Thực ra, “ném đá” hay “bốc phốt” người khác hay bằng lý lẽ đạo đức đem ra nhận chìm người khác vì những lầm lỡ, hoặc bị người khác hãm hại thì bản thật người “dấu mặt” để “bốc phốt” hoặc “ném đá”không những không tốt thêm lên mà ngược lại, họ đã để một cái đuôi xấu xí lòi ra rất kỳ cục, phản cảm. Thật vậy, hằng ngày trên không gian mạng người ta dễ dàng tìm thấy những lời bình luận ác ý, những lời đả kích, chê bai trên các trang mạng xã hội, các diễn đàn về bất cứ nhân vật, sự kiện nào.

Trong thời đại mạng xã hội ở Việt Nam hiện nay, tác giả bài viết muốn nhắc lại câu thơ của nhà thơ Nga Evtuchenko: “Đến cả các thiên tài cũng vẫn còn giới hạn. Chỉ có sự đểu cáng của con người mới không có tận cùng”, thật đúng như vậy. Điều này, thể hiện một “văn hóa tranh cãi” đang phát triển mạnh mẽ trên không gian Mạng xã hội. Tranh cãi chưa bao giờ là tranh luận và nó thể hiện rất rõ những vấn đề về phông văn hóa, qua ngôn từ và phương thức ngụy biện của người tranh cãi, thay vì dùng luận cứ, luận chứng để chứng minh mình đúng.

Điển hình, việc “bốc phốt” hoặc “ném đá” mang lại bên trong và bên ngoài, người chưa bị “hé lộ” và người chống phá. Có người sẽ nhân đó lên án và rao giảng đạo đức nhằm hạ bệ “nạn nhân” thêm nữa để chứng minh cho thiên hạ thấy mình là người tốt. Có một số khác sẽ ác ý mà xâu chuỗi những sự kiện khác lại hầu làm cho cái lý “con sâu làm rầu nồi canh” phát huy tối đa hiệu ứng.

Cùng với đó, những người bị “lộ tẩy” hay bàn tay lỡ “nhúng chàm” là một “nạn nhân” của chính họ – trước tiên. Không vượt qua được sức hút của ngũ dục (danh-sắc-tài-ăn-ngủ) thì sẽ dễ trần trụi trước bức tranh cuộc đời và sẽ càng trở nên trần trụi hơn trước miệng lưỡi thế gian – nhất là khi mình đang diễn vai chân-thiện-mỹ.

Cơ chế tự do xuất bản và tâm lý đám đông trên môi trường truyền thông xã hội không gian mạng đã phát sinh hiện tượng tấn công cá nhân mà chúng ta quen gọi là “bốc phốt” hoặc “ném đá” …Có lẽ phái sinh lâu rồi qua thành ngữ “ném đá giấu tay”. Có thể được hiểu là hành vi gây hại có chủ đích. Còn thời Facebook, “bốc phốt” hoặc “ném đá” còn có nghĩa là chê cho…sướng, chửi theo phong trào, theo đám đông. Mạng xã hội là không gian dung dưỡng cái xấu khi sơ hở của bất cứ ai cũng dễ trở thành “miếng mồi” ngon để “cộng đồng mạng” lên án, chỉ trích.

Hiện tượng này trên không gian mạng xã hội giờ đây cũng có nhiều biến tướng: “Bốc phốt” lại những người “bốc phốt… “ném đá” lại những người “ném đá”. Ai cũng phốt, cũng ném, việc gì cũng phốt, cũng ném, nhất cử nhất động của bất cứ người nào, dù nổi tiếng hay chưa, khi đưa lên mạng đều dễ dàng, nhanh chóng trở thành đối tượng bị “phốt”, bị “ném”. Không chỉ thực hiện lẻ tẻ, các “anh hùng bàn phím” còn hiệu triệu nhau hội đồng. Nhiều fanpage, group được lập ra trên mạng để nói xấu những người cụ thể, trong đó có cả thầy cô, nghệ sĩ, các nhà báo hay quan chức…

Việc làm này thực ra không quá mới, hay nó cũng không phải chỉ xảy ra ở Việt Nam. Thuật ngữ này bắt nguồn từ hình phạt những người vi phạm những tội được coi là rất nặng ở một số nước như ngoại tình, phản bội, chửa hoang, vi phạm điều cấm…Hiện nay, có nhiều biến thể trên thế giới ảo khi người ta không hài lòng về vấn đề gì đó. Một người khởi xướng, hàng trăm người ùa theo với sự hồ hởi đôi khi thiếu kiểm soát.

Ảnh minh hoạ

Nhiều người bình luận, chửi rủa, phê bình, chê trách đôi lúc không vì chính kiến, cũng chẳng vì sự bức xúc hay cảm xúc chân thật của chính mình mà cứ làm cho giống, làm cho vui, làm vì sức mạnh của đám đông. Không chỉ ở Việt Nam mà một số quốc gia khác chuyện này cũng tồn tại. Thực ra chưa hẳn việc “phốt hay ném” thể hiện sự bất bình và bức xúc đối với một nhân vật, một sự kiện, một vấn đề nào đó vì đôi lúc người ta làm theo số đông, làm theo quán tính và hành động cảm tính.

Có thể nói, cảm xúc chi phối khá nhiều đến tâm lý của con người. Nhận thức của một cá nhân có thể ảnh hưởng khá nhiều đến cá nhân khác đặc biệt với trào lưu hướng về số đông, gây hấn hay tỏ ra sức mạnh nhóm thì “phốt và ném” dễ dàng trở thành một kiểu ứng xử trên mạng. Hơn nữa, thế giới ảo với nhiều trò lố, với nhiều sự thật không thật nên sẵn sàng “phốt, ném” lâu dần có thể trở thành kiểu công kích, kiểu phản ứng mang tính “chỉnh sửa” được người ta dễ dàng thừa nhận. Đó là nỗi đau của kiểu văn hóa mạng và kiểu cảm tính trong phê bình, nhận xét. Một số cá nhân không đáng bị “phốt, ném” nhưng vẫn bị ném không thương tiếc.

Một số hoàn cảnh người ta bị oan ức vì kiểu sức mạnh liên kết thiếu tỉnh táo, sự ám thị bởi đám đông, sự kích động dây chuyền, sự “đốt pháo” thiếu cân nhắc để quăng vào người khác khiến họ thậm chí khó có thể ngoi đầu lên…Trước hết, có thể nhìn thấy một bộ phận người dung mạng xã hội, đặc biệt là giới trẻ đang dùng thói đố kỵ để “dập hội đồng” thay vì nhìn vấn đề cân bằng, có trước có sau, thấu đáo.

Ngoài ra, có thể nghĩ sâu hơn nữa là thiếu cân nhắc hậu quả khi phốt hay ném người ta dẫn đến những tổn thương hay thậm chí là cái chết. Đó là biểu hiện của thái độ tiêu cực, không tranh luận và phản biện có văn hóa, thái độ thù địch, kẻ cả và trù dập người khác. Do vậy, có những cá nhân cảm thấy thương tổn đến mức mất hẳn niềm tin và nghị lực làm việc. Với một số ý tưởng, việc ném đá vô tình lại trở chiều theo hướng được thừa nhận dù là bất thường. Mặt khác, có những vấn đề và ý tưởng chết yểu trong khi đó lại là một ý tưởng mới hay một lựa chọn tích cực.

Vì lẻ đó, người dùng mạng xã hội cần có cái nhìn sâu sắc và bản lĩnh, cần khách quan và không để bị người khác lôi kéo. Đồng thời, cần trang bị cho mình quan điểm sống và tầm nhìn cũng như hệ tư tưởng vững vàng. Khi tham gia dùng mạng xã hội cần có những kỹ năng đánh giá khách quan, tư duy phản biện, lập trường kiên định cần được trang bị khi xuất hiện và thể hiện trên thế giới ảo…

Nếu chẳng may bị một ai đó “bốc phốt” hoặc “ném đá” chỉ là phê bình, phê phán, phản đối những cái chưa được, không đẹp hoặc xấu xí của một cá nhân, tổ chức nào đó nhằm mang lại sự thay đổi tích cực thì đó là điều cần thiết vì cuộc sống muốn phát triển cần sự phản biện đa chiều. Và, người làm công việc ấy ít nhiều cũng góp phần cải thiện xã hội, hoặc giúp mình lưu ý về những gì đang diễn ra không đẹp để có ý thức tránh và sống tốt lên.

Tuy nhiên, hiện tượng “bốc hay ném” mà bài viết đang đề cập là một biến tướng độc hại của phê bình. Bên cạnh số đông, với nhiều người khác cho rằng việc miệt thị một người là… cần thiết! “Ném đá” kiểu đó chính là bạo lực (mạng xã hội cho phép dùng nick ảo nên không ít người say sưa “ném đá giấu tay”). Những người gặp đâu cũng chửi, phốt hoặc ném vì họ thiếu một chính kiến, thiếu một sự tự tin cần thiết cũng như sự cân nhắc trong việc làm đó. Họ dễ hùa theo đám đông thích “đấm đánh” người khác…

Đừng ngụy biện rằng cái xấu cần được lên án để bị bài trừ và xem “phím chiến” cũng là một hình thức đấu tranh nếu chúng ta chưa đủ bản lĩnh và hiểu biết cách ứng xử văn minh trên mạng. Chính những lời nói, câu chữ, hành vi kém văn hóa, hung hăng không điểm dừng cũng đang biến chính mình thành kẻ xấu. Đừng tự đồng hóa mình với cái xấu. Đừng tự biến mình thành kẻ độc ác.

Thực ra, một cá nhân không phải là tất cả vì tập thể là kết cấu của nhiều cá thể hợp lại. Thế nhưng, một cá thể có vấn đề chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến toàn cục và ít nhiều làm tổn thương tập thể ấy. Giống như khi ta đau, dẫu chỉ là cái khóe móng tay, móng chân nhưng cũng có thể khiến cả người mình đảo điên, phiền não.

Sự thật là, khi mình sai, mình thường yếu đuối bằng cách không dám nhận lỗi hoặc nhận lỗi mà đem ra vô vàn lý do biện bạch. Vì vậy, sau lỗi lầm, ai sửa sai và nhìn nhận thẳng sự yếu kém của mình thì đó đã là một nhân cách đáng trân trọng. Một lời sám hối và nghiêm túc làm lại cuộc đời sẽ giúp người ta thấy ở mình chữ “Dũng” thật đáng ghi nhận. Trong cuộc sống, bất cứ ai cũng có thể có lỗi lầm, nhưng ai cũng thiếu kỹ năng nhận diện lỗi lầm thì làm sao mà có được kỹ năng chữa lành những vết thương, hay cắt gọt đi những ung nhọt trong tâm hồn?

Trên không gian mạng xã hội, khi người ta “bốc hay ném” thì có bao nhiêu người hiểu thấu đáo từ bên trong sự việc của người bị “bóc phốt hay ném đá” mà thay vào đó chỉ nhìn bên ngoài để ném đá cho đã tay và nuôi lớn sự càn quấy của bản thân, gieo thêm nhân thị phi giữa cõi người lênh đênh ngắn ngủi chính là một cách tư duy tích cực. Từ đó, biến thành sự im lặng bình yên, hùng tráng trong tinh thần BI-TRÍ để dung dưỡng nuôi tâm hồn mình tốt nhất.

Song song đó, một đại bộ phận người dun gf mạng xã hội nhìn nhận những hình ảnh đi qua nơi mắt thường dẫu có kinh khủng cỡ nào, đáng chê ra sao thì qua màn lọc của nội tâm vững chãi, chứa đầy năng lượng thương yêu cũng trở thành đáng thương hơn đáng trách. Do đó, nếu chẳng may bị “bóc phốt” hoặc “ném đá” hãy có csmr nhận an nhiên mà mỉm cười thay vì phải khóc, hay cười…

Mặc dù vậy, không ai có quyền cấm chúng ta phê bình người khác nhưng cần nhớ, “lời nói đọi máu” nếu chúng ta sai và gây hậu quả xấu. Pháp luật hình sự có thể xử lý chuyện xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm người khác.

Theo Hiến pháp 2013: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn”. Trong đó, hình ảnh, thông tin cá nhân, địa chỉ nhà… đều được coi là thông tin cá nhân, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và được pháp luật bảo vệ.

Ảnh minh hoạ

Người dùng mạng xã hội phải thượng tôn pháp luật, bởi nếu dùng những lời lẽ thô tục, chửi bới trong bài đăng, bình luận trên MXH (hướng tới một cá nhân cụ thể), có thể sẽ bị xử lý về hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác. Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 8 Luật An ninh mạng năm 2018, một trong những hành vi bị nghiêm cấm trên môi trường mạng là xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác.

Căn cứ tại điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 3-2-2020  về  xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử thì hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức; danh dự, nhân phẩm của cá nhân sẽ bị phạt từ 10-20 triệu đồng (mức phạt này áp dụng đối với tổ chức, trường hợp cá nhân vi phạm thì mức phạt tiền bằng ½ mức phạt tiền đối với tổ chức).

Quá trình “bóc phốt” hay “ném đá” nếu sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử nên nếu xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác theo Khoản 2 Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015 với khung hình phạt từ 03 tháng đến 02 năm tù.

Tiếp theo, nếu hành vi “bóc phốt”, “ném đá” là bịa đặt hoặc lan truyền những điều sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự trên mạng xã hội thì có thể bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm theo khoản 2 Điều 156 Bộ luật Hình sự 2015.

Căn cứ tại Điều 32 Bộ luật dân sự 2015 quy định về Quyền của cá nhân đối với hình ảnh thì cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình.Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Ngoài ra, Điều 38 Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng quy định, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.

Theo đó, trường hợp tự ý đăng tải hình ảnh, thông tin cá nhân của người khác nhằm mục đích “bóc phốt” trên MXH có thể sẽ bị xử lý theo điểm e khoản 3 Điều 102 của Nghị định 15/2020/NĐ-CP với mức phạt từ 10 triệu -20 triệu đồng cho hành vi: Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật.

Căn cứ Điều 584 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì nếu bạn có hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.

Căn cứ theo Điều 592 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm: Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; Thiệt hại khác do luật quy định” …

Ngoài ra, người “bóc phốt” hoặc người “ném đá” còn phải bồi thường cho người bị xâm phạm một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự; nhân phẩm; uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Đặc biệt, căn cứ tại điều 258 Bộ luật Hình sự thì hành vi sử dụng mạng xã hội để đăng tải những bài viết xuyên tạc, không đúng sự thật, bôi nhọ danh dự một số cá nhân là dấu hiệu của tội lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân…Nếu phạm tội thuộc một trong những trường hợp nghiêm trọng thì bị xử lý hình phạt nặng nhất là bị tù từ 2 năm đến 7 năm.

Tin rằng, thông qua bài viết để có các phân tích trên có thể thấy rằng: Mạng xã hội Internet cũng như ngoài đời thật, những câu chửi rủa hay vạch mặt nhau không chỉ nói lên văn hoá ứng xử giữa người với người, mà còn là một hành vi vi phạm pháp luật, nếu vượt quá giới hạn cho phép thì có thể dẫn đến những hậu qua nghiêm trọng.

Luật gia Phạm Trắc Long – Phó viện trưởng TT Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập (IRLIE); Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn (TTTVPLMS)/Nguồn Viện IRLIE

Bài viết liên quan

Back to top button