Thị trường

Bài toán thị trường thanh long –  Các nông hộ, doanh nghiệp nông nghiệp cần nâng tầm tư duy sản xuất

(HNTTO) – Trong suốt nhiều năm qua, thanh long là một trong những cây trồng chủ lực ở nhiều địa phương, trong đó có tỉnh Long An, góp phần giúp người dân giảm nghèo, làm giàu. Thế nhưng, ‘bài toán’ thị trường đòi hỏi các HTX, nông dân cần thay đổi tư duy sản xuất theo hướng liên kết, hình thành chuỗi giá trị.

Hiện tại, trong khi chi phí chăm sóc tăng, giá bán thanh long liên tục duy trì ở mức thấp đang khiến không ít hộ sản xuất lâm vào khó khăn, thu không đủ bù chi, từ đó có ý định phá vườn để trở lại làm lúa hoặc chuyển đổi cây trồng.

Chia sẻ với chúng tôi, nông hộ Nguyễn Ngọc Trinh (ngụ xã Bình Trinh Đông, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An) cho hay từng đầu tư 250 triệu đồng để cải tạo vườn, phát triển 5.000 m2 trồng thanh long với hy vọng loại “trái cây vua” một thời sẽ phát huy giá trị, nâng cao thu nhập, nhưng nay mọi thứ đang trở nên vô cùng khó khăn với gia đình. “Chi phí nhân công, điện nước, phân bón… ngày càng tăng, trong khi giá không mấy khi lên cao khiến thu nhập của chúng tôi bị sụt giảm. Gia đình tôi sẽ kiên trì thêm một thời gian, nếu vẫn không ổn sẽ phá vườn để quay lại trồng lúa”, nông hộ Trinh nói.

Tương tự, tại “thủ phủ” thanh long Châu Thành (chiếm 90% diện tích trồng thanh long ở Long An). Hàng trăm hộ dân đang cải tạo đất trồng thanh long để trồng dừa, mít, chuối, vú sữa, đu đủ, rau màu các loại. Có nhà vườn chuyển sang trồng mai vàng.

Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) phối hợp với Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập (IRLIE) cho thấy, thị trường tiêu thụ vẫn đang là “bài toán” nan giải với những người trồng thanh long tạitỉnh Long An, thực tế này đòi hỏi cần có sự thay đổi cả về cách nghĩ, cách làm để tìm ra “lối thoát hiểm”.

Nói về điều này, ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch HĐQT HTX thanh long Long Trì chia sẻ người trồng thanh long thường hay canh tác theo phương pháp truyền thống, ít quan tâm đầu tư đạt chuẩn VietGAP hoặc cao hơn, vì vậy phải bán theo giá thị trường, giá cả bấp bênh là điều không tránh khỏi.

Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) phối hợp với Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập (IRLIE) cho thấy sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế, tạo ra sản phẩm chất lượng cao là chìa khóa để đảm bảo thị trường tiêu thụ. Nhưng để sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn GlobalGAP đòi hỏi phải đầu tư nhiều công sức và áp dụng kỹ thuật thì sản phẩm mới đạt yêu cầu về chất lượng và sản lượng.

Theo thống kê, toàn huyện Châu Thành hiện có 641,31 ha được cấp giấy chứng nhận VietGAP và 323 ha được cấp giấy chứng GlobalGAP. Ngành nông nghiệp huyện nói riêng và tỉnh Long An cũng luôn tuyên truyền và hướng dẫn người dân sản xuất đúng quy chuẩn chất lượng.

Việc giá cả bấp bênh khiến nhiều người dân phá bỏ vườn thanh long để chuyển đổi là vấn đề được tỉnh đặc biệt quan tâm và có những giải pháp để hỗ trợ người dân, HTX. Hiện, các sở ngành của tỉnh đang nỗ lực tìm đầu ra ổn định bền vững cho trái thanh long, vì đây là cây trồng chủ lực của địa phương.

Được biết, tỉnh Long An có diện tích thanh long khoảng 8.900ha, tập trung nhiều nhất ở huyện Châu Thành và một số huyện lân cận như Tân Trụ, Bến Lức, Thủ Thừa và TP Tân An… Riêng tại huyện Châu Thành, diện tích thanh long hiện còn khoảng 6.800ha.

Trong khi đó, Long An có 236 mã số vùng trồng được cấp để thanh long xuất sang các thị trường trên thế giới. Công tác xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói cho thanh long cũng được đẩy mạnh nhằm giúp người tiêu dùng có thể dễ dàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Qua đó, nâng cao uy tín, thương hiệu, đưa trái thanh long tiếp cận những thị trường khó tính trên thế giới.

Dưới góc độ nhà nghiên cứu thị trường, ThS. Mai Thanh Hải – Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) cho biết nhu cầu của thế giới về thanh long hiện vẫn còn rất lớn. Tuy nhiên, ngoài yếu tố đẹp, bắt mắt thì các thị trường xuất khẩu và người tiêu dùng còn quan tâm đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Kỳ vọng, trong thời gian tới, nông dân cần thay đổi tập quán sản xuất, tập trung xây dựng mã số vùng trồng, chú trọng sản xuất sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, đặc biệt là chú ý đến các quy định, yêu cầu từ thị trường xuất khẩu để có đầu ra ổn định.

(Bài xuất bản đặc san Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông số T9)

An Bình

Bài viết liên quan

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button