Nghiên cứu trao đổiXã hội

Nổi niềm của hội viên về nỗi đau da cam dioxin dai dẳng chưa bao giờ chấm dứt

(HNTTO) – Nỗi đau da cam không chỉ là nỗi đau riêng của bao nhiêu nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC)/dioxin đang hứng chịu mà còn là nỗi lo lớn của toàn xã hội. Bởi, những tổn hại về thể xác cũng như cuộc sống nghèo khó cứ vây quanh những số phận rất đáng thương.

Có chứng kiến, tìm hiểu những hoàn cảnh các nạn nhân NNCĐDC/dioxin mới thấy được những mất mát, thiệt thòi mà họ đang gánh chịu. Từ đó, mới thấy cần rất nhiều những tấm lòng chia sẻ, giúp sức để họ vượt qua cuộc sống hết sức khó khăn. Tính đến hiện. tại, chiến tranh đã lùi xa hàng thập kỷ nhưng chất độc da cam dioxin vẫn còn để lại những hậu quả hết sức nặng nề, nỗi đau vẫn còn dai dẳng, hiện hữu mà chưa biết khi nào mới có thể khắc phục.

Trong cuộc chiến tranh phi nghĩa ở Việt Nam, quân đội Mỹ đã sử dụng một lượng chất độc hóa học lớn nhất trong các cuộc chiến tranh của loài người, hơn 80 triệu lít chất diệt cỏ, trong đó có 43 triệu lít chất độc da cam đã được người Mỹ phun, rải xuống miền Nam Việt nam.

Đã 47 năm đất nước hoàn toàn giải phóng (30/4/1975 – 30/4/2022), song, những nỗi mất mát, đau thương do chiến tranh để lại vẫn hiển hiện đâu đó, rõ nhất là trong những gia đình, những người bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin. Hơn 20 năm qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) đã nỗ lực giúp đỡ, bảo vệ quyền lợi cho những nạn nhân chất độc da cam. Đồng thời, VAVA thực hiện hiệu quả nhiệm vụ đại diện cho các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam trong quan hệ với các cơ quan, tổ chức trong nước và nước ngoài. Trong khoảng một thập kỷ trở lại đây, vấn đề chất da cam/dioxin trong chiến tranh Việt Nam thu hút sự quan tâm của các cấp chính quyền, Hội chữ thập đỏ, các nhà khoa học trong và ngoài nước.

Chiến tranh đã lùi xa hàng thập kỷ nhưng chất độc da cam dionxin vẫn còn để lại những hậu quả hết sức nặng nề, nỗi đau vẫn còn dai dẳng, hiện hữu mà chưa biết khi nào mới có thể khắc phục. Những nạn nhân của chất độc da cam là minh chứng cho chúng ta thấy được sự tàn khốc của chiến tranh.

Ngày 10/8/1961 là ngày mở đầu cuộc chiến tranh hóa học của người Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, chỉ cần 85gram dioxin hòa vào hệ thống cấp nước có thể giết chết 08 triệu dân của một thành phố. Vậy mà, trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam, người Mỹ đã dùng gần 400kg chất độc dioxin phun, rải xuống miền Nam Việt Nam. Chất độc này đã bị nghiêm cấm sử dụng tại Mỹ.

Qua đó, luật pháp quốc tế cũng nghiêm cấm sử dụng chât độc này trong chiến tranh. Theo ước tính, Việt Nam có khoảng 4,8 triệu người tiếp xúc, trong đó có hơn 3 triệu người nhiễm loại chất hóa học chết người này. Chất độc da cam dioxin cũng chính là nguyên nhân của hơn 400 nghìn người chết và tàn tật, gần 500 nghìn trẻ em dị tật và khoảng 01 triệu nạn nhân bị tàn phế.

Mặc dù, chiến tranh qua đi, người lính trở về từ chiến trường, họ ước mong có được một gia đình hạnh phúc, một cuộc sống giản dị giữa đời thường. Tuy nhiên, chất độc da cam dioxin đã cướp đi của họ thiên chức của người làm cha, làm mẹ, khi có gia đình thì những đứa con sinh ra phải mang trong mình những thương tật, dị dạng, mất khả năng lao động, mất khả năng kiểm soát bản thân. Chất độc chết người này cũng đã khiến cho nhiều người đau đớn, day dứt về thể xác và tinh thần. Họ chưa một ngày được hưởng hạnh phúc trọng vẹn, đúng nghĩa. Nhiều gia đình có đến bảy, tám nạn nhân. Nhiều gia đình cả ba thế hệ đều nhiễm chất độc này. Những đứa trẻ sinh ra trong đau đớn và suốt đời phải sống cuộc sống thực vật. Họ gần như trong cơn tuyệt vọng, bó mặc cho số phận.

Thật không thể nào cầm được nước mắt khi nhìn những đứa trẻ kêu gào, đau đớn, lay lắt chống chọi với bệnh tật. Nhiều cựu binh Mỹ khi được tận mắt chứng kiến những đứa trẻ sinh ra với hình hài dị dạng cũng không khỏi rùng mình, ghê rợn vì chính bàn tay của mình năm xưa đã gieo rắc tội ác, phun, rải chất độc giết người hàng loạt này xuống những cánh rừng, làng mạc trên đất nước Việt Nam.

Trong Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ năm 1776 có đoạn “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Thế nhưng quyền sống là quyền cao nhất của con người thì lại bị chính quân đội của họ cướp đi trên đất nước Việt Nam. Hàng trăm, hàng nghìn trẻ em vô tội bị tước mất quyền sống ngay trong cơ thể người mẹ, hoặc khi sinh ra cũng không được sống một cuộc sống trọn vẹn, nhiều trẻ em lớn lên bị bệnh lý về tâm thần, không làm chủ được bản thân phải cách ly khỏi cộng đồng.

Để giúp các gia đình bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam dioxin, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản pháp luật, huy động nguồn lực, ưu tiên các chế độ chính sách và đầu tư kinh phí phù hợp để hỗ trợ, chăm sóc, chữa trị cho các nạn nhân da cam, đồng thời tăng cường vận động các quốc gia, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ…để có thêm nguồn lực hỗ trợ khắc phục hậu quả chất độc da cam và giúp đỡ các nạn nhân.

Có thể thấy các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” thực hiện các chính sách an sinh xã hội, thăm hỏi, tặng quà, sổ tiết kiệm, đỡ đầu, cấp học bổng cho con em trong gia đình bị nhiễm da cam; hỗ trợ các nạn nhân nhất là công tác bảo vệ sức khỏe bộ đội đóng quân gần các khu vực nhiễm chất độc dioxin trong chiến tranh….

Chiến tranh đã qua đi, nhưng nỗi đau về thể xác và tinh thần vẫn chưa khi nào nguôi ngoai với những người nhiễm phải chất độc quái ác này. Với họ, thương tích của chiến tranh vẫn đang hằng ngày, hằng giờ hiện hữu. Chứng kiến cuộc sống của họ, chúng ta thêm một lần suy ngẫm về quá khứ, để thấy được sức tàn phá, hủy diệt ghê gớm của chiến tranh, cho chúng ta thêm trân trọng về giá trị to lớn của hòa bình, độc lập, tự do mà chúng ta đang thừa hưởng. Đó cũng là lời nhắc nhở chúng ta không quên về một thời kỳ đau thương nhưng vô cùng hào hùng và oanh liệt của dân tộc. Đó là một cuộc chiến tranh chính nghĩa của dân tộc Việt Nam mà không thế lực nào có thể xuyên tạc.

Có lẽ, mong muốn đó không chỉ riêng của những cán bộ làm công tác Hội NNCĐDC/dioxin, những hội viên mà cũng là mong muốn chung đối với tất cả những ai quan tâm đến những số phận đáng thương. Vì vậy, bên cạnh những chính sách hỗ trợ cho NNCĐDC/dioxin thì rất cần nhiều hơn nữa những tấm lòng sẻ chia, giúp đỡ nạn nhân da cam, người khuyết tật vượt qua nghịch cảnh để không ai bị bỏ lại phía sau…

TS Hồ Minh Sơn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC), Hội viên Hội NNCDDC/dioxin Việt Nam

Bài viết liên quan

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button