Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số: Thực trạng và định hướng giai đoạn 2021-2025
(HNTT) – Để cụ thể hóa chủ trương, định hướng của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và giải pháp của Chính phủ về hỗ trợ chuyển đổi số (CĐS) cho các cơ sở sản xuất kinh doanh (bao gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh) và đáp ứng nhu cầu thực tiễn và cấp bách của các cơ sở sản xuất kinh doanh trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và đại dịch COVID-19, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang dự thảo trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Chương trình hỗ trợ CĐS trong doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh giai đoạn 2021-2025. Bài viết đánh giá thực trạng CĐS trong doanh nghiệp hiện nay và định hướng Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp CĐS giai đoạn 2021-2025 mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang dự thảo trình Thủ tướng Chính phủ.
Thực trạng CĐS trong doanh nghiệp tại Việt Nam
Tính đến tháng 6/2021, cả nước có khoảng 870.000 doanh nghiệp đang hoạt động; hơn 26.000 hợp tác xã với tổng số 6,8 triệu thành viên và 2,5 triệu lao động và hơn 5,1 triệu hộ kinh doanh. Quy mô các cơ sở sản xuất kinh doanh ở Việt Nam chủ yếu là quy mô nhỏ và siêu nhỏ (hầu hết các hộ kinh doanh là quy mô siêu nhỏ; trong các doanh nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm trên 94%, doanh nghiệp quy mô vừa và lớn chiếm khoảng gần 6%).
Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì những năm gần đây, nền kinh tế Việt Nam trở nên sôi động, đặc biệt là khối kinh tế tư nhân, khối doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chính vì vậy, hoạt động CĐS trên thực tế đã diễn ra như một nhu cầu tự nhiên của rất nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh, đặc biệt là CĐS trong hoạt động kinh doanh nhằm đáp ứng hành vi tiêu dùng đang thay đổi của khách hàng. Có thể dễ dàng nhận thấy một tỷ trọng không nhỏ các cơ sở sản xuất kinh doanh đã ứng dụng các phần mềm, giải pháp vào hoạt động quản lý bán hàng, bán hàng trực tuyến, đa kênh, tiếp thị, quản lý quan hệ khách hàng, quản trị kênh phân phối, cụ thể: khoảng 100.000 cửa hàng tại Việt Nam đang sử dụng phần mềm Kiot Việt cho hoạt động quản lý bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ và bán hàng đa kênh; hàng trăm nghìn cơ sở sản xuất kinh doanh đang trực tiếp kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử như Sendo, Tiki, Lazada, Shopee…; một tỷ trọng lớn các doanh nghiệp Việt Nam (hàng trăm nghìn doanh nghiệp) đã sử dụng tiếp thị số (digital marketing) như là một phương pháp tiếp thị quan trọng (chiếm khoảng hơn 20% trong tổng chi tiêu quảng cáo tại Việt Nam) trong hoạt động tiếp thị, bán hàng; các nền tảng tiếp thị số chủ yếu có thể nói đến như Facebook, Google, Youtube, Tiktok, Instagram, 24h, admicro, eclick, adtima…
Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, đối với CĐS trong quản trị doanh nghiệp, dù rằng việc chuyển đổi còn chậm, thể hiện qua số lượng không nhiều các doanh nghiệp ứng dụng các giải pháp ERP, HRM, E-Office, phần mềm chấm công, tính lương…, có một tỷ lệ tương đối lớn các doanh nghiệp đã CĐS hoạt động quản trị, vận hành nội bộ ở mức cơ bản, thể hiện qua những thống kê sơ bộ: hơn 60% cơ sở sản xuất kinh doanh đang sử dụng các phần mềm kế toán, trong đó có gần 200.000 doanh nghiệp sử dụng phần mềm kế toán MISA; trên 200.000 cơ sở sản xuất kinh doanh đang sử dụng các phần mềm hóa đơn điện tử của nhiều nhà cung cấp khác nhau; hầu như các doanh nghiệp đều đã trang bị và sử dụng chữ ký số; các phần mềm khai báo thuế trực tuyến, khai báo bảo hiểm xã hội trực tuyến được ứng dụng tại đại đa số các doanh nghiệp tại Việt Nam.
Bên cạnh các hoạt động chuyển đổi mô hình bán hàng, tiếp thị, quản trị và vận hành, nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh nhìn nhận CĐS như một cơ hội để sáng tạo ra những sản phẩm và dịch vụ mới, hướng tới thay đổi bản chất doanh nghiệp. Điều này đang góp phần tạo ra các doanh nghiệp y tế số, giáo dục số, nông nghiệp số, các doanh nghiệp logistic, giao nhận, thương mại, xuất nhập khẩu, nhà hàng, khách sạn, du lịch và sản xuất… hoạt động theo những phương thức mới, dựa trên việc kết nối các hệ thống công nghệ, dữ liệu và xử lý thông tin tự động. Dù những hoạt này mới chỉ là bước đầu nhưng đã thu hút được sự quan tâm lớn từ cộng đồng doanh nghiệp, kỳ vọng một tương lai không xa sẽ xuất hiện nhiều doanh nghiệp với những mô hình kinh doanh đột phá, dịch chuyển hoàn toàn sang mô hình kinh doanh trên môi trường số.
Khó khăn, thách thức của các cơ sở sản xuất kinh doanh khi thực hiện CĐS
Qua nghiên cứu và triển khai thực tiễn Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp CĐS của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận diện có 4 hạn chế, thách thức khi các cơ sở sản xuất kinh doanh tiến hành CĐS:
Một là, hạn chế về nhận thức, năng lực triển khai.
CĐS bắt đầu từ nhận thức. Với rất nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh chưa có nhiều kinh nghiệm về ứng dụng, khai thác công nghệ thì việc để có thể hiểu, hình dung và nhận thức được các thay đổi đang diễn ra, sẽ ảnh hưởng như thế nào tới hoạt động của doanh nghiệp mình có thể là một việc không dễ dàng. Việc quyết định thực hiện CĐS hay không thực hiện vì thế sẽ cần thời gian để các cơ sở sản xuất kinh doanh hiểu được ý nghĩa, lợi ích của việc này. Ngoài ra, kể cả khi nhận thức được về vai trò, ý nghĩa thì CĐS thành công vẫn là một thách thức không nhỏ. Các doanh nghiệp quy mô càng lớn thì thách thức càng khó khăn, phức tạp, cụ thể: i) Thách thức trong việc xác định được chiến lược; ii) Thách thức trong việc xác định được mô hình kinh doanh và lộ trình triển khai dự án CĐS; iii) Thách thức trong việc lựa chọn cán bộ phụ trách triển khai quá trình CĐS và thiếu nhân lực nội bộ đủ năng lực để triển khai CĐS; iv) Thách thức trong thay đổi, điều chỉnh văn hóa tổ chức; v) Thách thức trong điều chỉnh, phát triển mới các sản phẩm, dịch vụ; vi) Khi thay đổi mô hình kinh doanh, mở rộng tập khách hàng; vii) Thách thức về lo ngại rò rỉ dữ liệu của doanh nghiệp, cá nhân, khách hàng khi tiến hành CĐS.
Hai là, hạn chế về thông tin thị trường các giải pháp CĐS
Hiện nay, các giải pháp số trên thị trường của các nhà cung cấp trong nước và quốc tế rất đa dạng và phong phú. Tuy nhiên, để xác định được đâu là giải pháp phù hợp với điều kiện, nhu cầu của cơ sở sản xuất kinh doanh không phải là đơn giản, nhất là các doanh nghiệp quy mô vừa và lớn, cần các giải pháp công nghệ phức tạp và tốn kém chi phí. Hầu hết các doanh nghiệp quyết định lựa chọn mua giải pháp thông qua tư vấn của các nhà cung cấp giải pháp công nghệ và đôi khi chưa khách quan và phù hợp nhất với cơ sở sản xuất kinh doanh.
Ba là, hạn chế về nguồn tài chính triển khai CĐS
Các dự án CĐS có thể tốn rất nhiều chi phí đầu tư, trong khi năng lực tài chính của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa còn khá hạn chế. Theo khảo sát của VCCI và JETRO, với hơn 400 doanh nghiệp tại Việt Nam năm 2020, có đến 55,6% các doanh nghiệp tham gia khảo sát cho rằng chi phí ứng dụng công nghệ là hạn chế lớn nhất. Ngoài ra, CĐS có thể phát sinh thêm các chi phí như: chi phí thay đổi quy trình, đào tạo nhân sự để thích ứng với quy trình mới; chi phí đầu tư cho hệ thống công nghệ thông tin; chi phí trong việc xây dựng hệ thống, đảm bảo an ninh, an toàn và phòng chống rủi ro… Việc phải trang bị, đầu tư mà không nhìn rõ kết quả, lợi ích của CĐS trong tương lai là thách thức rất lớn để các chủ doanh nghiệp quyết định đầu tư ngân sách cho CĐS.
Bốn là, thách thức trong việc xây dựng hệ sinh thái thuận lợi thúc đẩy các cơ sở sản xuất kinh doanh CĐS.
Môi trường kinh tế số tại Việt nam còn khá khiêm tốn. Ngoài chỉ tiêu số mật độ thuê bao internet băng rộng, các chỉ chỉ số khác của Việt Nam còn rất hạn chế. Đặc biệt, tỷ lệ giao dịch kỹ thuât số của Việt Nam chỉ chiếm 22% so với 34% của Indonesia, 62% của Thái lan; tỷ lệ thanh toán online khi mua sắm trên internet còn thấp, chỉ đạt 10% so với 49% của Indonesia và 52% của Malaysia. Hành lang chính sách, pháp luật của Nhà nước về chính phủ điện tử, các giao dịch, thủ tục hành chính trên nền tảng số vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Đây cũng là các thách thức, hạn chế cho doanh nghiệp khi xác định chiến lược, xây dựng kế hoạch CĐS (tiêu chuẩn công nghệ, giao dịch thương mại điện tử, chứng thực số, thuế, hải quan…).
Hỗ trợ CĐS giai đoạn 2021-2025
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì mục tiêu của “Chương trình hỗ trợ chuyển đổi số trong doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh giai đoạn 2021-2025” là thúc đẩy CĐS thông qua chuyển đổi nhận thức, tầm nhìn, chiến lược của doanh nghiệp; hỗ trợ số hóa các hoạt động kinh doanh, quy trình quản trị, quy trình công nghệ, sản xuất; hỗ trợ CĐS toàn diện để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh.
Dự thảo đã đưa ra mục tiêu cụ thể của “Chương trình hỗ trợ chuyển đổi số trong doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh giai đoạn 2021-2025” đến năm 2025 là: a) 100% các cơ sở sản xuất kinh doanh được nâng cao nhận thức về CĐS; b) Tối thiểu 500.000 cơ sở sản xuất kinh doanh được nhận các hỗ trợ từ Chương trình như sử dụng công cụ tự đánh giá mức độ sẵn sàng CĐS, hỗ trợ đào tạo, tư vấn, tham gia các gói ứng dụng giải pháp công nghệ CĐS; c) Tối thiểu 800 doanh nghiệp, 100 hợp tác xã và 4.000 hộ kinh doanh được hỗ trợ là các thành công điển hình trong CĐS, ưu tiên trong một số lĩnh vực sản xuất, chế biến, chế tạo, nông nghiệp, du lịch; d) Thiết lập Mạng lưới chuyên gia gồm tối thiểu 500 tổ chức, cá nhân tư vấn thúc đẩy CĐS trong doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; đ) Bản đồ hóa và công bố cơ sở dữ liệu gồm tối thiểu 100 giải pháp công nghệ CĐS cho các cơ sở sản xuất kinh doanh.
Dự thảo cũng nêu lên các hoạt động chính của “Chương trình hỗ trợ chuyển đổi số trong doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh giai đoạn 2021-2025” như: xây dựng các tài liệu, công cụ hướng dẫn CĐS và môi trường số triển khai Chương trình; hình thành và tổ chức điều phối mạng lưới chuyên gia tư vấn về CĐS cho các cơ sở sản xuất kinh doanh; hỗ trợ đào tạo, tư vấn CĐS cho các cơ sở sản xuất kinh doanh; hỗ trợ ứng dụng giải pháp công nghệ CĐS cho các cơ sở sản xuất kinh doanh; hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp phát triển các giải pháp, nền tảng CĐS; triển khai các hoạt động truyền thông cho Chương trình để tạo sự lan tỏa và kết nối…
Theo HVC/Tc KH&CNVN