Phố thời AI
(HNTTO) – AI phát triển đến chóng mặt, khiến cả giới nghiên cứu khoa học lo mình… bị thay thế. Tôi tần ngần: điều gì AI không thểthay thế? Và vẽ ra viễn cảnh: nếu con phố cổ trước mặt mình là phố của những con robot được cài đặt trí tuệ nhân tạo (AI) thì liệu nó sẽ được thâu nhận là gì?
Thời của AI?
Hôm rồi, tôi đi dịch cho sếp và là giáo sư của mình – GS. Martin Loeffelholz (Đại học Tổng hợp Kỹ thuật Ilmenau – CHLB Đức), khi thầy đến Hà Nội nói chuyện về AI trong truyền thông. Thầy kể câu chuyện, hoàn toàn có thể xảy ra viễn cảnh bạn sẽ không cần đến bác sĩ cũng có thể được phát hiện bệnh.
Chẳng hạn các công nghệ AI được tích hợp vào… toilet để tự phân tích chất thải rồi đoán ra sức khỏe chủnhà, và báo trực tiếp kết quả về điện thoại cá nhân người bệnh hoặc tới bác sĩ gia đình. Những gia đình trung lưu thành thị đổ lên, nếu đủ điều kiện có thể sở hữu những thiết bị mang công nghệ này.
Trong ngành xử lý khủng hoảng của chúng tôi, đã có những “con AI” góp phần dò tìm nguồn của các khủng hoảng trên không gian mạng internet, đặc biệt là trên các mạng xã hội. Việc dò nguồn này giúp các nhà quản trị có thể khoanh vùng, lượng đoán và đưa ra các giải pháp xử lý vấn đề một cách chính xác hơn.
Chị bạn tôi là giáo sư Đại học Otago – New Zealand, có chia sẻ về nỗi sợ “AI chiếm việc” của học giới. Chị kểvề “con AI” có tên Elicit, chuyên làm phần việc “điểm tài liệu” (literature review). Phần việc mà các nhà nghiên cứu có khi làm hàng tháng trời, thậm chí cả năm – tùy theo quy mô dự án nghiên cứu, thì nay AI chỉlàm trong vài giây. “Con AI” này siêu đến mức có thể tổng hợp để tạo các khái niệm chung giữa các nghiên cứu. Chị lo một ngày rất gần, những “công nhân khoa học” sẽ mất việc vì AI. Viễn cảnh AI bước lên giảng đường để dạy học, AI bước vào các phòng thí nghiệm để làm nghiên cứu… sẽ không xa.
Thời của robot cài đặt trí tuệ nhân tạo làm dịch vụ giao hàng tự động trong thành phố đang đến rất gần. Ảnh: WETZKAZ IVS
Kỹ sư Hà Huy Khánh, em rể tôi, tốt nghiệp loại xuất sắc thạc sĩ ngành khoa học máy tính tại Đại học Weimar – CHLB Đức, về đề tài AI và học máy (machine learning). Đề tài anh làm là tạo ra một “con AI” gắn vào máy bay không người lái, và bay quanh các khu phố cổ (ở Đức) để quét hình ảnh, đưa ra các chẩn đoán và chỉđịnh cây cầu cổ nào cần được trùng tu, tòa nhà xưa nào cần được bảo dưỡng v.v.. Công nghệ này cũng được ứng dụng vào việc tạo ra các phần mềm cho ô tô tự hành trong các đô thị…
Tôi hỏi Khánh liệu có khi nào, một viễn cảnh nào đó, những “con AI” này sẽ rảo bước trên các phố thị, nhất là khi mà các mô hình lớn AI có thể tự động cấu tạo và dạy mô hình AI nhỏ mà không cần đến sự can dự của con người? Khánh trả lời viễn cảnh đó hoàn toàn có thể xảy ra, vấn đề là bao lâu…
Chuyện của GS. Loeffelholz, của chị bạn ở New Zealand, hay của em rể mình… làm tôi liên tưởng đến những điều xảy ra ở phố: Những “công dân phố” vốn là “dân cổ cồn” sẽ bị thay thế bởi các “con AI”. AI cũng xuất hiện trong các gia đình trung lưu thành thị để “chẩn bệnh” cho mọi người, và các “con bốt” AI sẽ đi trên phố, bay quanh các tòa nhà… Phố lúc đó là gì trong một viễn tượng xa xăm? Lúc đó, phố sẽ “rất máy” hay phố sẽ“rất người”? Nó làm tôi ám ảnh.
Phố của người…
Tôi từng tự vấn và tắc tị trước câu hỏi: Vì sao người ta gọi một con phố là “phố cổ”? Và thế nào được gọi là phố cổ? Phải chăng đó là phố lâu năm? Nếu thế thì có gì để nói nhỉ? Con phố nào mà chả già, con đường nào mà chả có vết của năm tháng. Sau khi trải nghiệm ở các vùng văn hóa khác nhau, tôi đã có một câu trảlời cho riêng mình…
Phố cổ là gì? Phố cổ phải chăng là phố có gì để kể theo cùng năm tháng? Phố là vật thể không gian đứng yên, nơi chứng kiến vô vàn lời tạm biệt, sự dịch chuyển, chỉ mình nó là đứng yên để chứa đựng các ký ức thuộc về. Phố chứng kiến những giọt nước mắt của người tình. Phố chứng kiến những nỗi đời hàn cực. Phốchứng kiến những nụ cười giòn tan của trẻ thơ. Từng người, từng thế hệ qua đi, phố còn ở lại với những ký ức đậm sâu. Mà phố để được nhận diện là phố thì phải gắn với người. Một phố cổ đáng là phố cổ khi nó chất chứa được các nỗi niềm, chứa đựng được vô vàn câu chuyện để kể. Phố không phải là nơi chứa người máy, với trí tuệ nhân tạo. Phố hẳn là phố, đọng lại trong từng vỉa ký ức của người.
Căn nhà nơi sinh ra thiên tài âm nhạc Wolfgang Amadeus Mozart, ở thành phố Salzburg – Áo. Ảnh: Lê Ngọc Sơn
Còn nhớ có lần tôi và GS. Loeffelholz cùng nhau đi dạo trên con phố cổ của thành phố Erfurt, thủ phủ bang Thueringen – CHLB Đức. GS. Loeffelholz vốn là người Dortmund, một thành phố mạn Tây Đức. Erfurt là thành phố khá nổi tiếng ở mạn Đông Đức. Chúng tôi ngồi ở một quán rượu (pub), sau khi hàn huyên vài chuyện, GS. Loeffelholz chỉ cho tôi một bức chân dung ký họa, dưới đó ghi danh một nhà toán học rất nổi tiếng cách đây vài thế kỷ. GS. Loeffelholz nói với tôi, nhà toán học đó là tổ tiên của mình, và vị đó từng sống trong tòa nhà mà bây giờ là quán pub này. Chính điều đó góp phần tạo thêm sự đặc biệt của con phố này.
Cuối năm rồi, tôi có trải qua một cú sốc tâm lý, bỏ hết tất cả, xách ba lô lên đường đi một vòng. Một trong những nơi tôi đến là Salzburg, một thành phố nhỏ cổ kính của Áo, không xa biên giới với Đức. Tôi vốn thích đồ cổ, nên lượn qua vài con phố dọc theo dòng sông Salzach có trưng bày mặt hàng này với hy vọng có thểchọn cho mình vài món yêu thích. Nhưng tôi lại lạc ngay vào “thánh địa Mozart”, nơi mà mỗi góc phố đều gợi nhớ đến thiên tài âm nhạc này.
Trên con phố này, có căn nhà số 9 Getreidegasse là nơi sinh ra (geburtshaus) thiên tài âm nhạc Wolfgang Amadeus Mozart (ngày 27.1.1756). Gia đình Mozart sống trên tầng ba tòa nhà này từ năm 1747 đến 1773. Cũng trên con phố đó, ở trước một số nhà khác, có một vài viên gạch được bọc kim loại, trên đó ghi đây là con ngõ mà một văn hào từng trú ngụ. Vậy là, con phố này không chỉ làm giàu bể trầm tích văn hóa của Salzburg nổi tiếng, mà còn làm cho kinh tế du lịch của thành phố phát triển rực rỡ thêm.
Tôi tự vấn: Sẽ thế nào nếu quán pub ở Đức, hay con phố Getreidegasse ở Áo không xuất hiện những nhân vật NGƯỜI tiêu biểu đó? Sẽ thế nào nếu ở những địa điểm đó thay vì những nhân vật này là những “con AI”? Phố thiếu “người” hẳn vô hồn lắm.
Phố cần phải có căn tính của phố. Nhắc đến Paris phải có cái lãng đãng tình tứ của những cặp tình nhân đắm say trong tình yêu. Nhắc đến Lisbon, phải gợi đến sự tò mò của tinh thần khám phá thế giới của những nhà thực dân Bồ Đào Nha nhiều thế kỷ trước… Đô thị phải mang hồn vía, cốt cách của riêng mình.
Phố vốn đã có những “người máy” chạy bằng cơm, thêm người máy chạy bằng AI chắc hẳn phố nhiều phức cảm lắm!
Lê Ngọc Sơn (Từ Berlin Crisis Solutions, CHLB Đức)
https://nguoidothi.net.vn/pho-thoi-ai-42571.html