Nghiên cứu trao đổi

Bà Hồ Thị Thanh Tuyền – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập (IRLIE): Sự nguy hại của tin giả – Phương pháp ngăn chặn

(HNTTO) – Có thể thấy, tin giả đã trở thành vấn nạn, gây nhiễu loạn thông tin, tác động tiêu cực đến tư tưởng, tình cảm, lợi ích từng cá nhân, tổ chức và cả xã hội, sự phát triển của đất nước. Qua đó, việc ngăn chặn, phân biệt và đẩy lùi tin giả đã trở thành vấn đề cấp thiết của cả hệ thống chính trị và tất cả người dân.

Ảnh minh hoạ

Tin giả đang nổi lên thành vấn nạn tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, vấn nạn tin giả diễn ra tràn lan, gây thiệt hại lớn trên nhiều lĩnh vực, phương diện, nhất là các thế lực thù địch sử dụng tin giả để thực hiện âm mưu, thủ đoạn chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và dân tộc ta. Do đó, ngăn chặn, triệt phá tin giả, thông tin xấu độc là nhiệm vụ cấp thiết trong kỷ nguyên số.

Chia sẻ với chúng tôi, Bà Hồ Thị Thanh Tuyền cho rằng với xu hướng toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 dẫn đến sự hình thành xã hội thông tin mà biểu hiện của nó là sự phát triển bùng nổ của mạng xã hội. Bất kể người dùng internet nào hiện nay đều sở hữu cho mình hoặc tham gia vài tài khoản trang mạng xã hội như Facebook, twitter, youtube, intagram…Những mạng xã hội này thu hút hàng chục triệu tài khoản tại Việt Nam, trong đó phần lớn là độ tuổi vị thành niên và người lao động. Đây là một kênh cung cấp, chia sẻ thông tin cực kỳ quan trọng của xã hội hiện đại.

Theo bà Hồ Thị Thanh Tuyền cho biết tin giả còn được gọi là tin rác hoặc tin tức giả mạo, là thông tin cố ý bịa đặt hoặc dùng thủ thuật lừa bịp bằng cách lan truyền qua phương tiện truyền thông hay mạng xã hội (MXH). Tin giả thường được tạo ra để tác động đến tư tưởng, quan điểm, tình cảm, cảm xúc, thái độ, hành vi của người dân, gây ảnh hưởng tiêu cực đến diễn biến thực tiễn, nhằm thực hiện các mục đích chính trị, lợi ích kinh tế hay ý đồ xấu xa của chủ thể tiến hành.

Có thể thấy, tiện  ích tích cực mà mạng internet đưa lại đã điều không ai có thể phủ nhận và chúng ta vẫn đạng tận dụng điều đó hàng ngày. Thế nhưng, với quy luật vận động thì sự phát triển chóng mặt của mạng internet cũng sẽ mang lại nhiều hệ lụy. Rõ ràng, sự gia tăng của những tin độc, tin giả, thông tin thất thiệt, sai sự thật hiện trên mạng xã hội. Những thông tin này không chỉ ảnh hưởng tới sự phát triển, hình thành nhân cách, đạo đức xã hội; xâm phạm đến danh dự, uy tín, lợi ích kinh tế của cá nhân, tổ chức mà nó còn gây nên những tác động tiêu cực trong dư luận xã hội, gia tăng tội phạm, mất trật tự an ninh xã hội; làm giảm uy tín của Nhân dân đối với một bộ phận cán bộ, đảng viên và của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Qua đó, mạng xã hội đang là phương tiện nguy hiểm nhất, với đặc tính lan truyền nhanh, có khả năng mở rộng phạm vi tác động, vượt qua rào cản ngôn ngữ, khoảng cách địa lý, gây tác hại trên diện rộng hơn bất cứ hình thức chống phá nào khác của các thế lực thù địch.

Bà Hồ Thị Thanh Tuyền nhận định trong điều kiện mới với xu thế phát triển nhanh của MXH và các nền tảng MXH xuyên biên giới, kéo theo việc các thế lực thù địch tăng cường lợi dụng, tung tin giả ngày càng phổ biến với nhiều chiêu trò, cách thức, thậm chí rất khó nhận diện, đấu tranh, đẩy lùi.

Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ người dân sử dụng internet rất cao. Do đó, khi tin giả xuất hiện thì cường độ, tốc độ lan truyền nhanh, tác động rất lớn đến đời sống trên không gian mạng và cộng đồng xã hội. Ví như, khoảng cuối tháng 3, đầu tháng 4-2022, loạt tin đồn thất thiệt trên MXH về việc một số doanh nghiệp ngoài nhà nước niêm yết trên sàn chứng khoán bị thanh tra chuyên đề (hoạt động phát hành trái phiếu và việc thực hiện pháp luật về kế toán, thuế, chứng khoán) gây hoang mang cho nhà đầu tư và gây thiệt hại nghiêm trọng cho các doanh nghiệp. Ngay sau đó, dù có thông tin chính thống để đính chính, trấn an cổ đông, nhà đầu tư nhưng cổ phiếu của các doanh nghiệp này vẫn liên tục giảm mạnh. Điều đó cho thấy, chỉ vì tin giả mà kinh tế đất nước bị ảnh hưởng, chi phối rất nghiêm trọng.

Bà Tuyền khuyến nghị, tin giả xuất hiện trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là những vấn đề, lĩnh vực “nóng”, “nhạy cảm” liên quan đến công tác nhân sự, bầu cử, bỏ phiếu tín nhiệm, xử lý kỷ luật cán bộ cấp cao…Rõ ràng, tin giả là một loại thông tin không có thật, nhưng hệ quả và tác hại của nó thì có thật; ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều lĩnh vực đời sống xã hội, nhất là an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, quốc phòng, an ninh.

Điển hình, vào những năm 80, 90 của thế kỷ 20, trên địa bàn Tây Nguyên, các thế lực phản động ở nước ngoài cấu kết với FULRO tung tin giả về việc người Kinh đang chiếm đất của người Thượng, rồi kích động, lôi kéo một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số tụ tập biểu tình, gây rối chính trị ở nhiều địa bàn Tây Nguyên vào các năm 2001, 2004. Tương tự, những sự vụ, sự việc diễn ra ở Thái Bình (năm 1997), Mường Nhé, Điện Biên (năm 2011) và các “điểm nóng” ở Tây Bắc, Tây Nghệ An, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ… đều bắt đầu từ những tin tức giả mạo, bịa đặt một cách trắng trợn. Hay sự kiện diễn ra ở Bình Thuận và hàng chục địa phương trong nước năm 2018 là bài học đau lòng, khi kẻ thù bịa ra tin giả về việc cán bộ Trung ương “tự quyết” cho nước ngoài thuê đất đặc khu trong 99 năm là nhằm hiện thực lợi ích nhóm của một bộ phận cán bộ…Tin giả ấy đã tạo ra sự bức xúc trên MXH, rồi lan ra đời sống, gây nhiều tổn thất cả về vật chất lẫn tinh thần.

Cũng theo bà Tuyền là quốc gia có nhiều nỗ lực và đạt kết quả quan trọng trong phòng, chống, xử lý tin giả, Việt Nam đã hoàn thiện các quy định pháp luật, tăng cường biện pháp quản lý thông tin trên MXH; ban hành các quy định, quy trình xử lý tin sai sự thật; tăng cường hợp tác để yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới loại bỏ thông tin sai lệch, vi phạm pháp luật; thiết lập Trung tâm an ninh mạng quốc gia…Mặc dù vậy, những nỗ lực nêu trên vẫn chưa đủ sức hạn chế, khống chế một cách hiệu quả tình trạng tin giả đang có xu hướng gia tăng trên MXH.

MXH với đặc tính dễ ẩn danh, lan truyền nhanh, khó xác minh, truy vết…đã và đang trở thành môi trường thuận lợi cho việc tán phát tin giả. Hơn thế, trong điều kiện mới, các lực lượng thù địch đang ra sức chống phá cách mạng Việt Nam, trong đó, việc tung tin giả được sử dụng như một mũi công kích chủ yếu.

Để khắc chế, đẩy lùi vấn nạn tin giả, với trách nhiệm rất cao, Việt Nam đã đề xuất thành lập đội phản ứng của ASEAN về tin giả và được các quan chức cao cấp ASEAN đồng thuận, ủng hộ. Tuy nhiên, việc tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, cách thức vận hành đội phản ứng nhanh để đi vào hoạt động hiệu quả vẫn còn là bài toán nan giải. Ngoài ra, việc phát huy vai trò của Trung tâm an ninh mạng quốc gia và Trung tâm phòng, chống tin giả tuy đạt kết quả bước đầu khả quan nhưng vẫn thụ động; chủ yếu là ứng phó, xử lý sự cố, sự việc khi có tình huống mà chưa đề cao đúng mức tính chủ động trong dự báo, ngăn chặn, đẩy lùi tin giả từ sớm, từ xa…

Cùng với đó, để khống chế, đẩy lùi tin giả thì công tác cung cấp, định hướng thông tin chính thống phải được xem là giải pháp trọng yếu, ưu tiên hàng đầu. Theo đó, cơ quan chức năng phải thực sự “đi trước, đón đầu” trong việc cung cấp thông tin chính xác, đồng bộ, rộng khắp; biến thông tin chính thống thành dòng chủ lưu trong đời sống thông tin xã hội để ngăn chặn, phòng ngừa, đẩy lùi tin giả. Khi xuất hiện tình huống tin giả, cơ quan chức năng cần có ngay các giải pháp quản lý, khống chế cả về số lượng, phạm vi, mức độ, cường độ lây lan của tin giả trên không gian mạng. Phải nỗ lực khắc chế, đẩy lùi tin giả từ khi chúng vừa manh nha hình thành, hay chí ít là khi chúng xuất hiện nhỏ lẻ, chứ không thể để tin giả lây lan rộng khắp, trở thành “điểm nóng” trên MXH rồi mới “theo đuôi”, đi tìm cách khắc phục, xử lý…

Bà Tuyền phân tích vấn đề đáng bàn ở đây là vì sao những tin tức giả mạo, bịa đặt trắng trợn vẫn có thể xuất hiện kéo dài trên MXH, gây hậu quả nghiêm trọng, nhưng chưa có cơ quan chức năng kịp thời đứng ra nhận trách nhiệm hoặc chủ động đấu tranh, cung cấp thông tin chính thống nhằm điều chỉnh, uốn nắn, định hướng dư luận ở những thời điểm nhạy cảm?…Trên tinh thần đó, cùng với việc tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống, đẩy lùi vấn nạn tin giả, Việt Nam cần có những quy định chặt chẽ hơn trong việc xử lý khủng hoảng truyền thông; hoàn thiện quy định, quy chế phát ngôn định hướng dư luận; quy rõ trách nhiệm đối với người đứng đầu và cơ quan chức năng trong việc quản lý, đấu tranh với vấn nạn tin giả. Đó là những vấn đề cần lưu tâm, ưu tiên thực hiện.

Tương tự, một giải pháp quan trọng nữa là cần đẩy mạnh hợp tác giữa các cơ quan quản lý truyền thông Việt Nam và các quốc gia trên thế giới trong việc phát hiện, khống chế, đẩy lùi tin giả; tăng cường phối hợp giữa các tổ chức nghiên cứu độc lập, tổ chức xác minh và nhà cung cấp MXH để đối phó với vấn nạn tin giả trong khu vực và trên thế giới; tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các cấp, ngành, cơ quan, địa phương trong cả nước nhằm chủ động ngăn chặn, phát hiện, đấu tranh và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi tán phát, ủng hộ, cổ xúy tin giả nhằm những mục đích tiêu cực, phản động, vi phạm pháp luật, Bà Tuyền thông tin.

Trong thời gian tới đây, Viện IRLIE sẽ phối hợp với Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) giao Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) tiếp tục tổ chức nhiều buổi toạ đàm, hội thảo khoa học nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, định hướng nâng cao nhận thức cho người nhân dân về những thông tin xấu độc trên mạng xã hội; khuyến khích xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh trong cơ quan, đơn vị, trường học, tổ chức, doanh nghiệp để dần hình thành “miễn dịch tâm lý” đối với tin đồn trong nhân dân bằng một nền tảng tri thức đủ sức đề kháng với mọi loại tin đồn độc hại, thất thiệt, sai sự thật.

Bà Hồ Thị Thanh Tuyền khẳng định, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, vai trò của đội ngũ cán bộ, đảng viên các cấp trong phòng, chống thông tin xấu độc trên mạng xã hội; Các bộ, ban, ngành cần phối hợp chặt chẽ, thống nhất, đồng bộ trong việc quản lý Internet; Tăng cường kiểm tra, giám sát, xử phạt nghiêm khắc các sai phạm trên mạng xã hội. Quan tâm hơn nữa đến loại tội phạm công nghệ cao trong tình hình mới bằng các hoạt động triển khai ứng dụng công nghệ, thiết lập hệ thống phòng vệ để chủ động và nâng cao hiệu quả phòng ngừa tội phạm; kịp thời trang bị các phần mềm, phương tiện kỹ thuật chuyên dụng phục vụ công tác phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao.

Viện IRLIE tiếp tục phối hợp với Viện IMRIC và Trung tâm TTLCC tiếp tục tham vấn pháp lý, thông tin hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, đấu tranh, xử lý tội phạm mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao. Trong đó, cần tập trung nghiên cứu, đóng góp ý kiến về các chế định về các hành vi tội phạm, chứng cứ, các biện pháp ngăn chặn…trong Bộ luật Hình sự, Bộ Luật Tố tụng hình sự, Luật Giao dịch điện tử, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Pháp lệnh Thương mại điện tử…phù hợp với đặc thù và yêu cầu của công tác đấu tranh phòng chống loại tội phạm này, bà Tuyền cho hay.

Mặt khác, thông qua các buổi hội thoại, toạ đàm khoa học, các diễn đàn công nghệ thông tin, tìm hiểu phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm, các công cụ, phương tiện do các đối tượng phạm tội sử dụng. Tiếp tục thực hiện hiệu quả hợp tác quốc tế trong phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao. Đặc biệt, sẽ phối hợp với các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình Trung ương, các địa phương để thông tin kịp thời cho người dân. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền pháp luật, cảnh báo các hành vi vi phạm pháp luật; chỉ rõ những thủ đoạn, nội dung thông tin giả mạo, tính chất nguy hại của nó đối với cá nhân và xã hội. Cùng với đó, giúp người dùng am hiểu pháp luật, tránh những hành vi vi phạm cũng như nhận diện các thủ đoạn, nội dung thông tin giả mạo, biết tự sàng lọc, tiếp nhận thông tin hữu ích, chính thống, “miễn dịch” với những thông tin giả mạo làm nhiễu loạn môi trường xã hội, bà Hồ Thị Thanh Tuyền khuyến nghị thêm.

Dịp này, bà Tuyền cho rằng với mỗi người dân, nhất là giới trẻ cần tự trang bị cho mình vốn hiểu biết và những kỹ năng cần thiết trong việc chọn lọc, nhận diện thông tin; kỹ năng công nghệ-thông tin để chặn, lọc, xóa, báo xấu,…các thông tin độc hại khi phát hiện, không để thông tin đó lan truyền; nắm vững và tuân thủ các quy định pháp luật và quy tắc ứng xử văn hóa trên môi trường mạng xã hội; rèn luyện tư duy biện chứng, tư duy phản biện khi tiếp xúc với các thông tin trên mạng xã hội để xem xét sự vật, hiện tượng một cách khách quan đa chiều, nhìn thấu được bản chất ẩn giấu sau hiện tượng bề ngoài, mục đích sâu sa ẩn đằng sau những ngôn ngữ, hình ảnh; thường xuyên cập nhật kiến thức xã hội để nâng cao “sức đề kháng” trước những thông tin xấu, độc, sai trái, không dễ bị mắc lừa, dụ dỗ. Mỗi người dung MXH phải cảnh giác và sẵn sàng tham gia đấu tranh với những thông tin sai trái, nhận thức không đúng, ngộ nhận, mơ hồ trước các thông tin sai trái, thù địch, trái với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, không vô tình tiếp tay cho hành vi sai trái; phát hiện, tố giác các thông tin độc, hại với cơ quan chức năng.

Tin rằng, trước sự phát triển nhanh chóng của mạng xã hội, chúng ta cần phải nhận diện đúng những thông tin xấu, độc khi tiếp cận nhằm phát huy những mặt tích cực, ngăn ngừa những tác động tiêu cực, góp phần ổn định chính trị xã hội của đất nước và xây dựng một môi trường sống an toàn và nâng cao chất lượng cuộc sống của mỗi chúng ta.

 Trần Danh – Kiên Cường/Nguồn Viện IRLIE

Bài viết liên quan

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button