Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC): Quảng cáo rượu bia trên ô tô bị xử phạt bao nhiêu tiền – Tay nâng chén rượu, đừng rơi mất mình?
(HNTTO) – Mới đây, một số doanh nghiệp thành viên Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) và Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập (IRLIE) đã gửi thư nhờ hỗ trợ pháp lý liên quan đến việc quảng bá sản phẩm rượu bia và tác hại của rượu bia như thế nào…
Dưới góc độ pháp lý, Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm xin phúc đáp như sau: Một số ô tô chở khách vẫn thường có những hình thức quảng cáo sản phẩm trên xe trong đó có rượu, bia vậy hành vi này bị xử phạt thế nào?. Đồng thời, thông tin về Hội thảo ‘Tác hại của rượu, bia đối với người tham gia giao thông đường bộ’, do Bộ Công an và Bộ Y tế tổ chức ngày 29-1 với những con số đáng báo động…
Quảng cáo rượu bia trên ô tô bị xử phạt bao nhiêu tiền?
Ảnh minh hoạ
Căn cứ theo quy định tại Luật Quảng cáo 2012 thì quảng cáo trên phương tiện giao thông không cần phải xin giấy phép trước khi thực hiện. Tuy nhiên, theo Điều 29 Luật Quảng cáo 2012 quy định, thương nhân cần gửi hồ sơ lên Sở Văn hóa; Thể thao và Du lịch để được duyệt mẫu quảng cáo trước khi triển khai sản xuất và sử dụng.
Bên cạnh đó, Điều 32 Luật Quảng cáo 2012 quy định quảng cáo trên phương tiện giao thông phải đáp ứng: Việc quảng cáo trên phương tiện giao thông phải tuân thủ các quy định của Luật này và pháp luật về giao thông; Không được thể hiện sản phẩm quảng cáo ở mặt trước, mặt sau và trên nóc của phương tiện giao thông. Sản phẩm quảng cáo không được vượt quá 50% diện tích mỗi mặt được phép quảng cáo của phương tiện giao thông. Việc thể hiện biểu trưng, lô-gô, biểu tượng của chủ phương tiện giao thông hoặc hãng xe trên phương tiện giao thông phải tuân thủ các quy định của pháp luật về giao thông.
Căn cứ vào điều 7 Luật Quảng cáo 2012; một số sản phẩm không được phép quảng cáo trên ô tô, bao gồm: Hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật; Thuốc lá; Rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên; Sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi; sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ dưới 06 tháng tuổi; bình bú và vú ngậm nhân tạo; Thuốc kê đơn; thuốc không kê đơn nhưng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khuyến cáo hạn chế sử dụng hoặc sử dụng có sự giám sát của thầy thuốc; Các loại sản phẩm, hàng hóa có tính chất kích dục; Súng săn và đạn súng săn, vũ khí thể thao và các loại sản phẩm, hàng hóa có tính chất kích động bạo lực; Các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo khác do Chính phủ quy định khi có phát sinh trên thực tế.
Do đó, rượu hoặc bia có độ cồn từ 15 độ trở lên không được phép quảng cáo trên ô tô. Nếu cố tình thực hiện là vi phạm pháp luật và có thể bị xử phạt.
Cũng theo điều 33 của Nghị định 117/2020/NĐ-CP; quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế; quy định mức xử phạt hình vi vi phạm các quy định về quảng cáo rượu, bia. Theo đó, phạt tiền từ 15 – 20 triệu đồng đối với hành vi sử dụng người chưa đủ 18 tuổi; trực tiếp tham gia vào việc quảng cáo rượu, bia.
Căn cứ theo Nghị định 117 quy định phạt tiền từ 20 – 30 triệu đồng đối với một trong các hành vi quảng cáo rượu có độ cồn trên 15 độ và quảng cáo bia; trên phương tiện giao thông; có thông tin, hình ảnh nhằm khuyến khích uống rượu, bia; thông tin có nội dung, hình ảnh thể hiện rượu; bia có tác dụng tạo sự trưởng thành, thành đạt, thân thiện, hấp dẫn về giới tính; hướng đến trẻ em, học sinh, sinh viên, thanh niên, phụ nữ mang thai;
Như vậy, mức phạt này áp dụng với hành vi sử dụng vật dụng, hình ảnh; biểu tượng, âm nhạc, nhân vật trong phim, nhãn hiệu sản phẩm dành cho trẻ em, học sinh, sinh viên; sử dụng hình ảnh của người chưa đủ 18 tuổi trong quảng cáo rượu, bia; Quảng cáo trong các sự kiện, trên các phương tiện quảng cáo; sản phẩm dành cho người chưa đủ 18 tuổi, học sinh, sinh viên, thanh niên, phụ nữ mang thai;
Cùng với đó, mức phạt tiền từ 20 – 30 triệu đồng cũng áp dụng với hành vi quảng cáo không có cảnh báo để phòng, chống tác hại của rượu, bia theo quy định của pháp luật; quảng cáo trên báo điện tử, trang thông tin điện tử; phương tiện điện tử, thiết bị đầu cuối và thiết bị viễn thông khác; mà không có hệ thống công nghệ chặn lọc, phần mềm kiểm soát tuổi của người truy cập; để ngăn ngừa người chưa đủ 18 tuổi tiếp cận, truy cập, tìm kiếm thông tin về rượu, bia.
Tay nâng chén rượu, đừng đánh rơi mất mình?
Ảnh minh hoạ
Năm 2023, có hơn 770.600 trường hợp vi phạm nồng độ cồn bị xử lý, cao gấp 1,5 lần năm 2022 và cao hơn tổng số 3 năm (2020, 2021, 2022) cộng lại. Gần đây nhất, trong 15 ngày đầu ra quân thực hiện cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, lực lượng chức năng phát hiện, xử lý hơn 40.800 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.
Qua đó, rất nhiều người băn khoăn trước nghịch lý rằng, quy định, chế tài, mức xử phạt đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông đi vào cuộc sống với mức xử phạt tăng cao, thế nhưng số trường hợp vi phạm lại chưa hề giảm.
Ngoài ra, người Việt vốn có bản tính hiếu khách, nhất là mỗi dịp cá nhân, gia đình, dòng họ, làng quê có các sự kiện, công việc, dịp Tết lại càng có nhiều thời gian, điều kiện để tổ chức đón, tiếp nhau. Gặp gỡ đoàn viên, mời nhau chút rượu nồng, chúc một năm mới hạnh phúc tròn đầy đã trở thành nét văn hóa của người Việt. Sẽ chẳng có gì đáng lo ngại nếu nét văn hóa ấy không bị biến tướng thành những cuộc nhậu “chén chú chén anh” quá đà, hay hành động thách thức, ép nhau uống rượu và để lại nhiều hệ quả đáng buồn trong ngày vui.
Điển hình, có những gia đình ngày Tết hóa ngày tang, đau thương tột cùng khi mất đi người thân vì hậu quả của rượu, bia. Rồi nhiều cuộc vui bỗng chốc thành ẩu đả, chửi bới cũng bởi “ma men” dẫn lối đưa đường. Không ít người vướng vào vòng lao lý sau khi gây tai nạn giao thông chỉ vì “một phút quá chén đánh rơi mất mình”.
Tin rằng, những ai quan tâm tới tác hại của rượu, bia, không khỏi ám ảnh với thông tin được cơ quan chức năng công bố: Việt Nam là nước có mức tiêu thụ rượu, bia và đồ uống có cồn đứng thứ hai trong khu vực Đông Nam Á, thứ 10 châu Á và thứ 29 trên thế giới. Thống kê, điều tra xã hội học đối với hơn 45.600 phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại các trại giam của Bộ Công an, cũng đưa ra một con số nhức nhối: Hơn 51% người trước khi phạm tội có sử dụng rượu, bia.
Vì lẻ đó, uống rượu, bia là quyền, niềm vui, thậm chí là sở thích của nhiều người. Điều đó không có gì đáng lên án nếu rượu, bia được sử dụng đúng mực, văn minh, an toàn và “văn hóa rượu, bia” tồn tại chừng mực như một nét đẹp trong mỗi dịp sum vầy. Nhằm góp phần răn đe, ngăn chặn hành vi vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông, việc các cơ quan hữu trách mạnh tay xử lý các trường hợp vi phạm là hành động hết sức cần thiết. Thế nhưng gốc rễ của vấn đề vẫn ở ý thức tự thân, trách nhiệm, lương tâm của mỗi người trong bài trừ “ma men” trên đường phố, góp phần để mỗi cung đường chúng ta đi đều an toàn, hanh thông trọn vẹn.
Ngày 14 tháng 6 năm 2019, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ban hành Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia (PCTH) số 44/2019/QH14, hiệu lực thi hành từ 01/01/2020. Luật có 7 chương, 36 điều qui định các biện pháp giảm mức tiêu thụ rượu, bia; biện pháp quản lý việc cung cấp rượu, bia; biện pháp giảm tác hại của rượu, bia; điều kiện bảo đảm cho hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia; quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Với vai trò nhịp cầu nối của Viện IMRIC và Viện IRLIE. Qua đó, Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) mong muốn thông qua việc tuyên truyền, phổ biến các quy định trong hoạt động quảng cáo được thực hiện một cách bài bản, đồng bộ và hiệu quả ở các địa phương. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực truyền thông và quảng cáo cần nâng cao ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động quảng cáo của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp ngày càng được nâng lên.
Trên cơ sở Luật và các văn bản có liên quan đến hoạt động quảng cáo, các địa phương, đơn vị đã tập trung tuyên truyền phổ biến pháp luật thông qua hình thức như hội nghị, hội thảo khoa học, tập huấn,thông qua các bản tin, các trang tin điện tử như: www.thamvanphapluat.vn; www.chinhsachphapluat.vn; www.huongnghiepthitruong.vn; www.phattriendoanhnghiep.com.vn;www.ttstv.vn; mạng xã hội www.bestlife.net.vn nhằm Giới thiệu Văn bản pháp luật, tham vấn pháp lý bằng hình thức trực tiếp, trực tuyến… Bên cạnh đó, Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm thực hiện theo chỉ đạo của Viện IMRIC và Viện IRLIE phối hợp với các địa phương trên cả nước, thực hiện tuyên truyền phổ biến Luật quảng cáo và các văn bản có liên quan trong chương trình Phổ biến, giáo dục pháp luật, Pháp luật và đời sống để bàn về các vấn đề liên quan đến việc chấp hành Luật.
Đặc biệt, công tác tuyên truyền, vận động người dân, các doanh nghiệp thành viên thuộc tổ chức, cộng đồng tham gia tuyên truyền và thực hiện quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia.Lồng ghép hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia vào các phong trào, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, xây dựng đời sống văn hóa và hoạt động khác tại cộng đồng. Vận động, khuyến khích quy định trong hương ước, quy ước việc hạn chế hoặc không uống rượu, bia tại đám cưới, đám tang, lễ hội trên địa bàn dân cư. Vận động cá nhân, tổ chức không sử dụng sản phẩm rượu, bia không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chưa được kiểm nghiệm an toàn thực phẩm.
Mong rằng, thông qua các hoạt động tuyên truyền sẽ góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về quảng cáo; giúp tổ chức cá nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người tiếp nhận quảng cáo hiểu, nắm rõ các nguyên tắc, trình tự, thủ tục thực hiện quảng cáo và trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan nhà nước trong việc bảo đảm quyền được quảng cáo cho công dân. Mỗi tổ chức, cá nhân, gia đình hãy hạn chế sử dụng rượu bia và thực hiện nghiêm Luật Phòng chống tác hại của rượu bia để bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng.
Vương Minh – Tuấn Tú (TVV, CTV TVPL thuộc Trung tâm TTLCC)