ThS. Nguyễn Thành Hưng – Giám đốc Chi nhánh số 1 (Trung tâm TTLCC): Chồng di chúc tài sản cho chị gái, vợ đòi được không – Sổ đỏ, sổ hồng chung có vay ngân hàng được?
(HNTTO)- Mới đây, một số tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp thành viên tại tỉnh Đồng Nai đã gửi thư đến Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) và Viện. Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập (IRLIE) nhờ hỗ trợ tham vấn pháp lý liên quan đến di chúc, tài sản chung và riêng…
Dưới góc độ pháp lý, ThS. Nguyễn Thành Hưng – Phó giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC), Giám đốc Chi nhánh số 1 (toạ lạc tại Tổ 1, khu Văn Hải, thị trấn Long Thành, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) xin phúc đáp như sau: Chồng di chúc để lại hết tài sản cho chị gái, vợ kiện đòi được không? Khi vay vốn ngân hàng, người dân thường dùng sổ đỏ, sổ hồng làm tài sản đảm bảo, vậy sổ đỏ, sổ hồng chung có vay ngân hàng được không…
Chồng di chúc để lại tài sản hết cho chị gái, vợ có đòi được không?
Ảnh minh hoạ
Người lập di chúc có quyền sau đây: Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế. Phân định phần di sản cho từng người thừa kế. Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng. Giao nghĩa vụ cho người thừa kế.Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản.
Căn cứ theo Điều 644, Bộ Luật dân sự 2015 quy định, những người thừa kế không phụ thuộc nội dung di chúc gồm: con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng và con đã thành niên mà không có khả năng lao động. Theo đó, những người nêu trên vẫn được hưởng phần di sản bằng 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc hưởng ít hơn 2/3 suất đó.
Vì lẻ đó, chiếu theo quy định trên thì cho dù chồng bạn lập di chúc để lại tài sản cho chị gái nhưng bạn vẫn được hưởng phần di sản bằng 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật. Ngoài ra, con của bạn chưa đủ 18 tuổi hoặc đã đủ nhưng không có khả năng lao động cũng được hưởng phần di sản như của bạn. Lưu ý, cần phải xác định phần di sản mà chồng bạn để lại khi chết là tài sản riêng của chồng hoặc phần riêng mà chồng bạn được hưởng trong khối tài sản chung thì mới áp dụng theo quy định nói trên.
Sổ đỏ, sổ hồng chung có vay ngân hàng được không?
Ảnh minh hoạ
Sổ chung là loại sổ đỏ, sổ hồng được Nhà nước ghi nhận quyền sở hữu đối với một tài sản bất động sản mà có từ hai chủ sở hữu trở lên, nhưng họ không có mối quan hệ gia đình như là vợ chồng hoặc con cái chung. Sổ đỏ, sổ hồng chung cho phép nhiều người sở hữu chia sẻ quyền sử dụng và sở hữu tài sản, được công nhận bởi Nhà nước là văn bản chứng minh quyền sở hữu hợp pháp của các chủ sở hữu.
Căn cứ theo Điều 64 Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định về hợp đồng, văn bản giao dịch về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất như sau: Hợp đồng, văn bản giao dịch về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của hộ gia đình phải được người có tên trên Giấy chứng nhận hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật về dân sự ký tên; Hợp đồng, văn bản giao dịch về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của nhóm người sử dụng đất, nhóm chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất phải được tất cả các thành viên trong nhóm ký tên hoặc có văn bản ủy quyền theo quy định của pháp luật về dân sự, trừ trường hợp các chủ sở hữu căn hộ cùng sử dụng chung thửa đất trong nhà chung cư.
Tương tự, theo Điều 145 Luật Nhà ở 2014 quy định về thế chấp nhà ở thuộc sở hữu chung như sau:Việc thế chấp nhà ở thuộc sở hữu chung phải được sự đồng ý bằng văn bản của các chủ sở hữu nhà ở thuộc sở hữu chung, trừ trường hợp thế chấp nhà ở thuộc sở hữu chung theo phần. Các chủ sở hữu nhà ở thuộc sở hữu chung hợp nhất có trách nhiệm liên đới trong việc thực hiện nghĩa vụ của bên thế chấp nhà ở theo quy định của Bộ luật dân sự. Căn cứ quy định này, sổ hồng chung có thể vay, thế chấp ngân hàng nếu tất cả các thành viên đứng tên trong sổ hồng đồng ý và ký tên vào hợp đồng vay ngân hàng.Thế nhưng, mỗi ngân hàng sẽ có những quy định và tiêu chuẩn riêng về loại tài sản, số lượng người sở hữu, diện tích, vị trí, giá trị tài sản, thời gian vay, lãi suất, phí dịch vụ…Thủ tục vay ngân hàng theo hình thức này khá phức tạp và mất thời gian.
Dưới sự chủ trì của Viện IMRIC và Viện IRLIE, Trung tâm Tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) đã thường xuyên tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật thông qua các buổi hội thảo, toạ đàm khoa học, tham vấn pháp lý trực tuyến và trực tiếp…Có thể nói với nội dung và cách thức triển khai đa dạng, phù hợp với từng đối tượng, hoạt động này của Trung tâm trong thời gian qua đã thực sự trở thành yếu tố quan trọng, không thể thiếu, góp phần không ngừng tăng cường hiệu quả công tác PBGDPL, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật cho Nhân dân, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế – xã hội ở các địa phương.
Thông qua các đợt tuyên truyền pháp luật và trợ giúp pháp lý cho nhân dân, Trung tâm cũng đã tham vấn miễn phí cho người dân, doanh nghiệp pháp luật có nội dung như: các quy định của pháp luật về đất đai, về chính sách bồi thường hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất, về vay vốn ngân hàng chính sách xã hội, bình đẳng giới…Vì vậy, thông qua hoạt động tuyên truyền pháp luật và trợ giúp pháp lý của Trung tâm, nhận thức và hiểu biết pháp luật của nhân dân, doanh nghiệp ngày càng được nâng cao, giúp người dân tự tin hơn khi tham gia vào các quan hệ pháp luật và góp phần tích cực cùng các ngành, các cấp trong việc giải tỏa một số vướng mắc liên quan đến pháp luật của nhân dân trong đời sống hàng ngày.
Nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền pháp luật và trợ giúp pháp lý cho nhân dân, doanhnghiệp trong thời gian tới, Trung tâm tiếp tục phối hợp với các ban, ngành đoàn thể ở các địa phương triển khai mạnh mẽ công tác tuyên truyền pháp luật và trợ giúp pháp lý cho nhân dân, góp phần nâng cao kiến thức và hiểu biết pháp luật trong nhân dân, hạn chế những tranh chấp trong cộng đồng dân cư, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và nhân dân. Từ đó, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tư an toàn xã hội tại địa phương, tạo niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, góp phần vào sự nghiệp cải cách hành chính, cải cách tư pháp và xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Văn Hải – Tuấn Tú (CTV TVVPL thuộc Trung tâm TTLCC)