Thị trường carbon trăm tỷ USD: Những giao dịch lớn xuất hiện ở Việt Nam
(HNTTO) – Thị trường carbon toàn cầu đang tăng trưởng rất mạnh mẽ và đang được thúc đẩy bởi Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26). Tại Việt Nam, thị trường carbon còn khá mới mẻ cả về thông tin, kiến thức cũng như thiếu hành lang pháp lý cho các chủ thể đủ điều kiện, sẵn sàng tham gia giao dịch. Tuy vậy, đây vẫn là thị trường có tiềm năng lớn đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm và sẵn sàng rót tiền.
Định danh hàng hóa mới
Thị trường carbon (mua bán tín chỉ giảm phát thải khí nhà kính) hay tín chỉ carbon là một loại hình thị trường mà hàng hóa được mua và bán trên thịtrường được tính bằng lượng khí nhà kính (KNK) được cắt giảm của một đơn vị phát thải/hấp thụ khi hoạt động giữa bên mua và bên bán. Chính phủ sẽphân bổ hạn ngạch cho các doanh nghiệp, nếu dùng hết hạn ngạch, các doanh nghiệp phải mua tín chỉ carbon của doanh nghiệp khác. Điều này sẽ giúp hình thành thị trường carbon toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Các bên tham gia mua/bán có thể là các doanh nghiệp trong nước trao đổi với nhau, hoặc giữa các tổ chức trong nước và quốc tế. Trong đó, một bên sẽ trảtiền cho một bên khác để đổi lại một lượng nhất định giảm phát thải KNK. Nguồn doanh thu từ tín chỉ carbon là nguồn hỗ trợ tài chính cho các dự án giảm phát thải KNK dưới dạng đặt mua lượng giảm phát thải này. Vì thế, thị trường carbon được coi là công cụ chính để giảm phát thải khí nhà kính và đang phát triển nhanh chóng về thị phần giao dịch cũng như các tổ chức tham gia.
Thị trường carbon toàn cầu được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt được thúc đẩy bởi Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26). Mặc dù vậy, tại Việt Nam, thị trường carbon còn khá mới mẻ cả về thông tin, kiến thức cũng như thiếu hành lang pháp lý cho các chủ thể đủ điều kiện, sẵn sàng tham gia giao dịch.
Theo ông Nguyễn Thành Công, Phó trưởng phòng Kinh tế và Thông tin Biến đổi khí hậu, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), hiện nay, có khoảng 40 quốc gia, khu vực đang phát triển thị trường carbon, với giá trị giao dịch lên đến hàng trăm tỷ USD một năm.
Ông Công cho biết, trên thị trường carbon có 2 loại hàng hóa sẽ giao dịch. Đầu tiên là hạn ngạch phát thải khí nhà kính. Có thể hiểu Chính phủ sẽ phân bổhạn ngạch đó cho doanh nghiệp (DN), DN sẽ có quyền phát thải trong hạn ngạch mình sở hữu. Còn phát thải thêm thì phải mua hạn ngạch từ các DN khác. Chính vì vậy, giá hạn ngạch ở thị trường lâu đời như liên minh châu Âu, hay Mỹ rất cao. Giá giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính tại thị trường châu Âu dao động ở ngưỡng 80-100 EUR/tấn. Nhìn sang thị trường khác như Hoa Kỳ cũng khoảng 40 USD/tấn. Trung Quốc, Hàn Quốc cũng đã mở cửa thịtrường của riêng mình.
Thứ hai là tín chỉ carbon. Cơ bản giống hạn ngạch (cùng đơn vị là tấn/Co2), tuy nhiên, tín chỉ mang tính chất tự nguyện nhiều hơn. Tức là, khi DN đầu tư vào công nghệ giảm phát thải, ví dụ như trồng rừng, thì các cơ quan quản lý phê duyệt, thẩm định lượng giảm đó. Tín chỉ đó vì mang tính tự nguyện nên giá dao động từ rất rẻ, khoảng 1 USD/tấn, cũng có thể rất cao, khoảng 15 USD/tấn, tùy vào loại hình công nghệ và mức đầu tư.
Buôn bán tín chỉ carbon: Thị trường “ngầm” đã có ở Việt Nam
Hiện nay, trên thế giới, cả 2 loại hàng hóa trên đều được giao dịch mạnh mẽ. Còn tại Việt Nam, ông Vũ Chí Công, Giám đốc, trưởng bộ phận ESG của Vinacapital thông tin: “Việt Nam đang trong quá trình hình thành thị trường tín chỉ carbon bắt buộc. Các dự án về tín chỉ carbon hiện nay đa phần để bán trên thị trường tự nguyện”. Quy mô của thị trường tự nguyện trên toàn cầu hiện khoảng 2 tỷ USD (thống kê năm 2021) và giá trong những năm gần đây tăng rất cao, đặc biệt là năm 2021.
Tại Việt Nam hiện có 2 dự án bán tín chỉ ra quốc tế là dự án ở Bắc Trung bộ giá khoảng 6 USD/tín chỉ và dự án ở Quảng Nam là 10 USD/tín chỉ. Tuy nhiên, mức giá của dự án còn phụ thuộc vào các lợi ích khác cho cộng đồng như là cho người bản địa, cho người nghèo, phụ nữ, người khuyết tật… sẽ bán được giá cao hơn khi những DN tự nguyện mua cũng mong muốn mang lại lợi ích cho xã hội.
Đại diện Bộ TN&MT cho biết thêm: “Hiện đã có nhiều đơn vị quan tâm đến mua bán tín chỉ carbon, không chỉ cấp Chính phủ mà cả tư nhân. Nhưng thịtrường sau này hướng đến bắt buộc, nên phải đợi sự phân bổ hạn ngạch cho các cơ sở phát thải khí nhà kính, đó là những cơ sở có phát thải rất lớn. Chính phủ cũng đã có danh mục các cơ sở, lĩnh vực phải thực hiện giảm phát thải khí nhà kính. DN phát thải trên 3.000 tấn CO2/năm phải thực hiện giảm phát thải”.
Chính phủ Việt Nam từ trước đến nay đã tham gia 2 cơ chế quốc tế phổ biến nhất. Thứ nhất là Nghị định Kyoto, với cơ chế phát triển sạch (CDM-Clean Development Mechanism). Chúng ta đầu tư vào dự án, sau đó bán tín chỉ cho quốc tế. Tuy nhiên, nghị định này có hiệu lực đến năm 2020 nên hiện nay đã tạm dừng hoạt động và đang đợi hướng dẫn mới để triển khai cơ chế dưới điều 6 của thỏa thuận Paris.
Hiện nay chúng ta cung đang triển khai biên bản hợp tác với Nhật, tín chỉ chung theo cơ chế JCM từ năm 2023. Cơ chế giống như cơ chế phát triển sạch. Các DN đầu tư vào công nghệ giảm phát thải, tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo, sau đó được bên thứ 3 kiểm định, thẩm định rồi gửi hồ sơ để được ban hành tín chỉ.
“Chính phủ, Bộ TN&MT và các bộ ngành cũng đang làm việc tích cực với các quốc gia khác quan tâm mua tín chỉ như Hàn Quốc, Singapore…hoặc các đối tác tư nhân muốn đầu tư vào tín chỉ để thực hiện cam kết giảm phát thải tại quốc gia của mình. Tuy nhiên, bài toán quan trọng là cân bằng lợi ích cho DN vềhiệu quả kinh tế, nhưng việc bán tín chỉ cũng phải đảm bảo được cam kết của chúng ta là phát thải ròng bằng 0 tới năm 2050. Tức là, thị trường carbon vẫn phải thúc đẩy tư nhân đầu tư, nhưng cũng phải đảm bảo hài hòa giữa lợi ích kinh tế với các lợi ích khác của quốc gia và các bên tham gia”, ông Nguyễn Thành Công cho hay.
Cách nào hình thành tín chỉ carbon?
Giai đoạn trước, phần lớn các dự án tạo tín chỉ chủ yếu là năng lượng tái tạo, đặc biệt là xây dựng các dự án thủy điện nhỏ. Nhưng trong tương lai, đại diện Bộ TN&MT cho biết: Định hướng tập trung thiên nhiều hơn về các nguồn năng lượng tái tạo và nổi bật nhất là năng lượng mặt trời, điện gió ngoài khơi và năng lượng sinh khối. Thứ hai là tập trung vào các dự án tiết kiệm năng lượng. Chẳng hạn, DN đầu tư vào điều hòa, như điều hòa inverter, nếu đầu tư đủlớn có thể mời các đơn vị thẩm định vào đo đạc và xác định tín chỉ.
“Các quốc gia họ xác định thay vì 1 dự án nhỏ lẻ, thì có thể đầu tư vào cả hệ thống, hay 1 thành phố. Như ở Thái Lan là dự án xe điện cho cả một thành phố, một khu vực… Hay Chính phủ Việt Nam ban hành chính sách đổi mới sáng tạo, cũng được nhiều bên quan tâm, đề nghị có thể đo đạc hiệu quả chính sách đó, để hình thành tín chỉ carbon”, ông Nguyễn Thành Công nói và nhấn mạnh “quan trọng vẫn là cân bằng chi phí vì hiện nay chi phí tư vấn, đo đạc tín chỉcarbon khá cao”.
Tuy nhiên, ông khẳng định đã đến lúc phải hành động khi hiện nay việc phát triển thị trường này đặt trong bối cảnh bị đánh thuế thương mại với carbon (thuế carbon). Liên minh châu Âu là khu vực đầu tiên thực hiện thuế carbon, hiện dự kiến triển khai trên 5 sản phẩm như thép, xi măng, phân bón…, trong đó liên quan trực tiếp thì Việt Nam có thép, xi măng và nhôm.
Cơ chế về nguyên tắc thuế carbon là: Nếu DN gửi kiểm kê về số liệu phát thải cho bên nhập khẩu, thì bên nhập khẩu phải tính toán độ chênh lệch cường độ phát thải sản phẩm đấy. Nếu cường độ phát thải cao hơn mặt bằng châu Âu, thì đơn vị nhập khẩu châu Âu phải mua hạn ngạch – tức là đóng phí chênh lệch đấy.
“Hiện giải pháp cụ thể chưa rõ ràng nhưng có thể có 2 giải pháp: Thứ nhất, Chính phủ Việt Nam có thể đàm phán với châu Âu việc có áp mức thuế đó ngay hay không. Thứ hai là nếu DN chứng minh được việc họ đã có động thái thực hiện đóng góp giảm phát thải rồi thì có thể không phải chịu mức thuế đó”, ông Công nói.
Hồng Hạnh
https://vietnamfinance.vn/thi-truong-carbon-tram-ty-usd-nhung-giao-dich-lon-xuat-hien-o-viet-nam-20180504224288451.htm