Những trí thức trẻ đưa nền nông nghiệp vươn xa
(HNTTO) – Trong số 43 thanh niên trẻ xuất sắc nhận Giải thưởng Lương Định Của năm 2023, có 5 trí thức trẻ là chủ công trình nghiên cứu khoa học, các sáng kiến tạo ra sản phẩm thiết thực, được bà con nhân dân ứng dụng phục vụ hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp. Họ là những ‘hạt nhân’ để tạo nên giá trị gia tăng cho xã hội và góp sức đưa nền nông nghiệp vươn xa.
Giải pháp IoT thông minh cho nông nghiệp
Ngoài là tác giả, đồng tác giả của 6 giống lúa ứng phó với biến đổi khí hậu, TS Chu Đức Hà – Giảng viên Khoa Công nghệ Nông nghiệp (trường ĐH Công nghệ, ĐHQG Hà Nội) cùng cộng sự đã nghiên cứu phát triển các giải pháp IoT thông minh trong cảnh báo sâu bệnh và trong điều khiển tưới chính xác để giải quyết hai bài toán lớn cho sản xuất nông nghiệp hiện nay. TS Chu Đức Hà và nhóm nghiên cứu đã xây dựng và phát triển hệ thống IoT trong cảnh báo sâu keo mùa thu gây hại cây ngô tại các tỉnh phía Bắc.
TS Chu Đức Hà là một trong 43 thanh niên nhận giải thưởng Lương Định Của năm 2023.
Đây là giải pháp cho phép thu thập các chỉ số môi trường kèm theo sự xuất hiện của sâu keo mùa thu hại cây ngô, từ đó đưa ra cảnh báo sớm và dự đoán xu hướng xuất hiện và diễn biến dịch trên đồng ruộng. Hiện nay, các hệ thống bẫy sâu keo mùa thu sử dụng pheromone thông minh đã được lắp đặt và đi vào sử dụng tại nhiều địa phương trồng ngô sinh khối, từ đó giúp giảm thiệt hại từ sâu keo mùa thu và giảm chi phí phun thuốc.
Đáng chú ý, ứng viên và nhóm nghiên cứu có độc quyền sáng chế liên quan đến giải pháp hệ thống tưới chính xác trong canh tác thông minh ở các mô hình nhà màng, nhà lưới. Sáng chế này cho phép tự động pha trộn các dung dịch dinh dưỡng, từ đó điều khiển tự động và thông minh nhằm cung cấp một lượng dung dịch tưới chính xác cho các vị trí cây trồng trong mô hình nhà màng, nhà lưới. Hiện nay, giải pháp này đã được áp dụng thành công tại các nhà lưới, nhà màng sản xuất rau sạch hữu cơ trên địa bàn Hà Nội. Trong thời gian tới, giải pháp này được đưa ra thử nghiệm tại các khu vực sản xuất rau sạch cung cấp cho Hà Nội và các địa phương lân cận.
Chuyển giao kỹ thuật cho nông dân
Được biết đến là một kỹ sư nỗ lực chuyển giao công nghệ nuôi cấy mô tế bào thực vật, anh Dương Phú Tiến (TP. Hồ Chí Minh) đã tham gia hơn 15 đề tài, chủ nhiệm 3 đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp cơ sởđã được nghiệm thu.
Anh Dương Phú Tiến, được biết đến là kỹ sư nỗ lực chuyển giao công nghệ nuôi cấy mô tế bào thực vật.
Trong quá trình công tác, anh đã tham gia nhiều sáng kiến giúp cho các cá nhân và doanh nghiệp tham gia ươm tạo tại đơn vị có doanh thu và tiết kiệm được thời gian sản xuất cây giống cũng như giảm giá thành sản xuất tăng lợi nhuận kinh tế nhiều hơn trong lĩnh vực sản xuất cây giống bằng công nghệ nuôi cấy mô tế bào thực vật.
Cụ thể, sáng kiến “Ứng dụng kỹ thuật nuôi cấy mô tế bào thực vật để sản xuất cây giống dược liệu Cốt khí củ(Polygonum cuspidatum Sieb. et Zucc.)”, quy mô sản xuất 20.000 cây giống Cốt Khí Củ trong 1 năm mang lại lợi nhuận 130 triệu đồng cho đơn vị ứng dụng; Sáng kiến “Nhân giống cây Cúc gai dài bằng phương pháp nuôi cấy mô” với quy mô sản xuất 35.000 cây Cúc gai dài trong năm mang lại lợi nhuận 140 triệu đồng cho đơn vị ứng dụng; Sáng kiến “Ứng dụng hệ thống ngập chìm (TIS) Plantima để nhân nhanh sinh khối rễ cây dược liệu Lan một lá”, với quy mô sản xuất 50 kg sinh khối thân rễ tươi của Lan một lá trong năm mang lại lợi nhuận 20 triệu đồng cho đơn vị ứng dụng…
Những đề xuất, hiến kế của anh Dương Phú Tiến cho các hoạt động Đoàn, tập trung ở đối tượng thanh niên nông thôn đó là phát triển mô hình nhân giống cây không phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên ứng dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật cho năng suất cao là rất cần thiết và nên nhân rộng. Việc xây dựng nhiều mô hình liên kết với nhau, phối hợp với các đầu mối tiêu thụ sản phẩm nhằm đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm cũng là một nhiệm vụ cần được ưu tiên.
chị Phạm Quỳnh Nga – Kỹ sư chuyển giao tiến bộ khoa học – Kỹ thuật tỉnh An Giang.
Còn chị Phạm Quỳnh Nga – Kỹ sư chuyển giao tiến bộ khoa học – Kỹ thuật tỉnh An Giang cũng đã tổ chức, triển khai thực hiện nhiều nội dung đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cho nguồn nhân lực ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn như: Lớp bồi các kỹ năng phục vụ công tác, nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số cho đối tượng công chức, viên chức thuộc ngành nông nông nghiệp; bồi dưỡng, tập huấn chuyên sâu cho công chức, viên chức hình thành đội ngũ giảng viên nguồn ngành nông nghiệp; tổ chức các lớp thực hành, học tập kinh nghiệm thực tiễn trong và ngoài tỉnh; tập huấn nâng cao năng lực cho thanh niên, người lao động nông thôn và nông dân ở các lĩnh vực khác nhau.
Đặc biệt, chị Nga đã triển khai hỗ trợ thực hiện nghiên cứu “Đánh giá khả thi mô hình làng tuần hòa thích ứng biến đổi khí hậu tỉnh An Giang” do Trung tâm Khuyến nông chủ trì thực hiện.
Từ ngày 11 – 13/11/2023, tại TP. Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng), T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cùng với sự đồng hành của Sabeco phối hợp tổ chức “Liên hoan Thanh niên nông thôn toàn quốc và trao Giải thưởng Lương Định Của lần thứ XVIII năm 2023”.
Chương trình nhằm động viên, cổ vũ thanh niên nông thôn vươn lên làm giàu, xung kích tham gia phát triển kinh tế – xã hội, đóng góp tích cực, hiệu quả vào quá trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới của đất nước.
Dương Triều
https://svvn.tienphong.vn/nhung-tri-thuc-tre-dua-nen-nong-nghiep-vuon-xa-post1585166.tpo