PGS.TS Trần Xuân Nhĩ: 3 năm đào tạo 1 học sinh có 2 bằng thì chỉ có bắt ‘học ép’
(HNTT) – ‘Nếu trong 3 năm mà đào tạo một học sinh có 2 bằng, vừa tốt nghiệp trung học phổ thông, vừa tốt nghiệp giáo dục nghề nghiệp thì chỉ học ép’.
Đào tạo phải đảm bảo chất lượng
Mới đây, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã kiến nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép các cơ sở giáo dục nghề nghiệp dạy 7 môn văn hóa trung học phổ thông thay vì 4 môn và để trường nghề tự dạy các môn văn hóa thay vì phải liên kết với trung tâm giáo dục thường xuyên như hiện nay.
Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. (Ảnh: Ngọc Quang)
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho biết: “Trên thế giới, tại bậc học trung học phổ thông hầu hết ở tất cả các nước, người ta phải cần đến 3 năm mới đủ được khối lượng kiến thức để công nhận tốt nghiệp.
Vì vậy, nếu Việt Nam mình trong thời gian đó có thể đào tạo một học sinh có 2 bằng, vừa tốt nghiệp trung học phổ thông, vừa tốt nghiệp cơ sở giáo dục nghề nghiệp thì chỉ có bắt học sinh học ép”.
Theo Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ, chỉ có một là cách ép học sinh học, học ngày học đêm, học cố cho đủ kiến thức. Học như vậy thì không những không hiệu quả, không có chất lượng mà còn làm cho học sinh cảm thấy quá tải. Bởi để đảm bảo kiến thức cho cả hai chương trình học đều tốt thì chắc chắn các em sẽ bị căng thẳng về mặt thời gian, tâm lý và nhiều hệ lụy liên quan khác.
Hai là với số lượng môn học như vậy, để đủ số môn mà không ép về thời gian thì bắt buộc phải giảm thiểu lượng kiến thức môn học. Mà đã giảm thiểu thì không thể đạt được như trình độ của quốc tế, không đạt được thì tất nhiên quốc tế không công nhận.
“Nếu học trong thời gian ngắn ‘nhồi nhét’ để đạt được một trình độ quốc tế không công nhận thì Việt Nam đang làm một việc không giống ai và như vậy là không được”, Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ khẳng định.
Việc đào tạo tại trường nghề hiện nay là phải tìm ra các phương án làm sao nâng cao trình độ, tay nghề để từ các trường nghề, học sinh có thể liên thông lên cấp cao đẳng nghề hoặc tiếp tục học phổ thông liên kết đào tạo với các cơ sở giáo dục thường xuyên chứ không phải thêm lượng kiến thức, thêm số môn học để rồi không đảm bảo chất lượng với mục tiêu đào tạo nào.
“Việc của trường nghề là dạy nghề chứ không phải giáo dục phổ thông. Phải đảm bảo chất lượng đào tạo đầu ra về tay nghề, chứ không phải chú trọng dạy phổ thông tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp”, Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ nhấn mạnh.
Nên đưa về một đầu mối quản lý
Theo Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ, nếu xét về quy định của luật pháp hiện nay, chỉ có Bộ Giáo dục và Đào tạo được quy định đào tạo bậc trung học phổ thông chứ chưa có chỗ nào giao cho Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đào tạo và chịu trách nhiệm về giáo dục phổ thông phổ thông. Vì vậy, ngành Lao động– Thương binh và Xã hội không thể nào vừa công nhận tốt nghiệp trường nghề, vừa công nhận tốt nghiệp giáo dục phổ thông. Mà nếu có muốn như vậy thì cần phải sửa đổi luật.
Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ cho biết, trên thế giới hầu hết các nước đều đưa các vấn đề liên quan từ giáo dục, đào tạo, dạy nghề, huấn luyện về một cơ quan giáo dục duy nhất quản lý.
“Hiện nay, đang có sự chồng chéo trong quy định, quản lý giáo dục phổ thông và giáo dục nghề nghiệp. Một mối đều là giáo dục, đào tạo mà chúng ta đang chia ra nhiều cơ quan có chức năng điều khiển. Điều này tạo ra rắc rối trong quản lý, gây nhiều hiểu nhầm cho người học cũng như quy định về bằng cấp trong các cơ sở giáo dục hiện nay. Chính vì vậy, tốt nhất là phải xem xét lại cách quản lý của bộ máy giáo dục nước ta hiện nay”, Phó Giáo sư Nhĩ cho hay.
Lấy ví dụ ngay về vấn đề giáo dục thể chất thông qua thể dục, thể thao nước nhà khi liên hệ với Thế vận hội Olympic Tokyo 2020 vừa qua, Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ cảm thấy rất tiếc khi đoàn Việt Nam không có tấm huy chương nào mang về.
Nhìn nhận thực tế, Phó Giáo sư chia sẻ: “Muốn có người giỏi có mặt ở sân đấu thế giới thì cần được phát hiện, đầu tư ngay từ ban đầu. Mà ban đầu là lúc nào? Chính là lúc trong lứa tuổi các cấp học phổ thông.
Tuy nhiên vì chúng ta không chú trọng thể dục, thể thao ở các lứa tuổi tại các cấp học phổ thông thì không thể phát hiện ra các nhân tài sớm. Không phát hiện sớm thì khó có thể có đầu tư cho nhân tài phát triển, nở rộ như mong muốn.
Do đó, vấn đề này phải là Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý, tạo thành hệ thống giáo dục đồng bộ, phát triển. Như vậy mới không để lọt nhân tài và đào tạo có hiệu quả, chất lượng”.
Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ nhận định: “Giáo dục nghề nghiệp cũng như giáo dục thể chất tôi lấy ví dụ ở trên. Chúng ta nên đưa về một mối quản lý. Tránh một nội dung liên quan đến giáo dục, liên quan đến các bằng cấp, chứng chỉ lại được quản lý bởi quá nhiều cơ quan khiến nhầm lẫn, chồng chéo và đào tạo không có hiệu quả”.
Theo Cao Kim Anh/giaoduc.net.vn