Kinh tế

Du lịch cần gì để hồi phục sau “chết lâm sàng”?

(HNTT) – Gần 2 năm dịch Covid-19 hoành hành, ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề, nhiều doanh nghiệp “chết lâm sàng” hoặc phải rút khỏi thị trường.

Trong bối cảnh các địa phương dần nới lỏng giãn cách, độ phủ vaccine ngày càng tăng, ngành du lịch đã chuẩn bị những gì để sẵn sàng hoạt động trở lại? Các doanh nghiệp (DN) cần những chính sách hỗ trợ nào để có thể vượt qua giai đoạn khó khăn này?

Việc thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc sẽ là mô hình để các địa phương khác nghiên cứu, rút kinh nghiệm trong việc khôi phục du lịch theo tiêu chí hộ chiếu vaccine

Đã “chạm đáy” khó khăn

Nhớ lại thời điểm này năm trước, bà Trần Thị Bích Thủy, Tổng giám đốc Công ty CP Vivu Journeys Việt Nam (Tập đoàn Thiên Minh – TMG) cho hay, khi dịch Covid-19 vẫn được kiểm soát tốt, TMG vẫn có nguồn thu, thậm chí khi chạy chương trình giảm giá, phục vụ khách nội, các lĩnh vực khách sạn, du thuyền, thủy phi cơ luôn trong tình trạng “cháy hàng” vào tất cả các ngày trong tuần. Thế nhưng câu chuyện của năm nay lại hoàn toàn khác xa.

“Dịch Covid-19 lần thứ 4 đã giáng đòn cực mạnh tới thị trường, tất cả đều đình trệ. Trong suốt những tháng ngày lockdown, bên cạnh nguồn thu tới từ việc đón khách cách ly, các văn phòng du lịch tại châu Âu cũng đã bắt đầu có hiệu quả khi khu vực này nhịp sống bình thường mới gần như đã trở lại. Dù doanh thu từ 2 nguồn này rất ít nhưng dòng tiền vẫn chảy về, giúp chúng tôi có thể “sống sót”. Dù chưa rõ thời gian tới sẽ thế nào, song những đối tác lớn của chúng tôi ở châu Âu cũng đã có sẵn nguồn khách, rất nóng lòng được quay trở lại Việt Nam”, bà Thủy cho hay.

Khoản thu nhỏ nhoi, không thể bù đắp chi phí duy trì hoạt động từ trả lương tới bảo dưỡng hạ tầng cơ sở, do vậy TMG đã phải dựa vào các mối thương thảo ngân hàng để vay mượn trang trải.

Tuy nhiên so với mặt bằng chung, bà Thủy vẫn bày tỏ tự tin với tình trạng “sức khỏe” của DN mình: “Trong thời điểm này, khi chúng tôi liên hệ với các đối tác xin báo giá thì thường xuyên nhận về câu trả lời “đã nghỉ việc” hoặc rất mơ hồ về tương lai gần, bởi nguồn lực đã cạn. Tuy nhiên về phía TMG, lãnh đạo không bao giờ có suy nghĩ phải “đóng cửa” hay “dừng tại đây” mà luôn phải tìm cách xoay xở để giữ cho công ty tồn tại. Thay vào kế hoạch tầm nhìn từ 3 – 5 năm, thì hiện chúng tôi đã thu gọn kế hoạch từ 6 – 12 – 18 tháng với mục tiêu, đường lối cụ thể. Tại cuộc họp tuần trước, lãnh đạo cấp cao khẳng định với nhân viên TMG, vẫn còn đủ tiền để duy trì trong 12 tháng tiếp theo”.

Theo bà Thủy, TMG đã chuẩn bị phương án cho kịch bản, tới quý III/2022 thị trường du lịch mới quay trở lại hoạt động; tới năm 2024 thị trường du lịch mới có thể phục hồi tốt nhất so với thời điểm trước dịch.

Để tồn tại, TMG thường xuyên đào tạo đội ngũ nhân viên cốt lõi, trang bị kỹ năng cũng như khả năng kiên nhẫn cho họ để đối mặt với nhiều áp lực.

Từ lãnh đạo tới nhân viên, tất cả đều làm việc với tinh thần khởi nghiệp. “Có thể thấy khó khăn đã chạm đáy trong 27 năm vận hành của TMG. Chính vì vậy, mọi thứ diễn ra phía trước đều chỉ có thể tốt đẹp hơn mà thôi”, bà Thủy tự tin chia sẻ.

Mở cửa đón khách, du lịch cần chuẩn bị gì?

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ Thị trường Du lịch, Tổng cục Du lịch cho hay, dịch Covid-19 kéo dài đã khiến hàng nghìn DN và người lao động ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề.

“Khó khăn chồng chất khi phần lớn DN đều có khoản nợ với ngân hàng, không có doanh thu, gần như mất khả năng trả nợ các khoản vay đã đến hạn. Người lao động ngành du lịch bắt buộc phải chuyển đổi ngành nghề khác để kiếm sống, dẫn đến nguy cơ thiếu hụt nhân lực khi du lịch khôi phục trở lại”, ông Đức nói.

Từ đầu năm 2020 đến nay, dịch Covid-19 đã tác động nặng nề đến du lịch thế giớinói chung và du lịch Việt Nam nói riêng, chấm dứt chuỗi tăng trưởng trung bình gần 23%/năm về lượng khách quốc tế của giai đoạn 2015 – 2019. Năm 2020, Việt Nam chỉ đón được 3,7 triệu lượt khách quốc tế, giảm 80% so với năm 2019; 56 triệu lượt khách nội địa, giảm 34,1% và tổng thu du lịch chỉ đạt 312.000 tỷ đồng, giảm khoảng 58,7%. 8 tháng đầu năm 2021, khách du lịch nội địa tiếp tục giảm 5,5% so với cùng kỳ 2020, đạt 31,2 triệu lượt khách; tổng thu từ khách du lịch giảm 36,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Cụ thể, tới nay có khoảng 35% lượng DN lữ hành xin thu hồi giấy phép kinh doanh, hiện chỉ còn khoảng 2.134 DN có giấy phép kinh doanh lữ hành trên toàn quốc, trong đó có tới 90% DN vẫn đang đóng cửa hoặc dừng hoạt động do không có khách du lịch.

Đối với dịch vụ lưu trú du lịch, tới nay hầu như không có khách, trừ các cơ sở đón khách cách ly.

Công suất phòng trung bình cả nước 8 tháng đầu năm 2021 dưới 10%. Nhiều cơ sở sau thời gian hoạt động cầm chừng phải đóng cửa.

“Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, chúng ta không thể trông chờ và đợi đến khi “hết dịch” mới mở cửa, phục hồi du lịch. Vì vậy cùng với đẩy mạnh tiêm vaccine và thực hiện nghiêm các biện pháp an toàn, phòng, chống dịch bệnh, cần có những bước đi thăm dò, thí điểm – như hiện nay đang chuẩn bị mở cửa thí điểm Phú Quốc đón khách quốc tế. Làm thành công để nhân rộng, tiến tới mở cửa hoàn toàn các hoạt động du lịch cả quốc tế và nội địa”, ông Đức nói.

Mô hình thí điểm đón khách quốc tế tại Phú Quốc mở ra tia hy vọng cho cộng đồng DN du lịch. Bà Trần Thị Bích Thủy cho biết, ngay từ tháng 7, Vivu Journeys đã chủ động liên hệ các đại lý du lịch tại châu Âu và Bắc Á để cập nhật tình hình, gom khách.

Dự kiến vào tháng 10 khi Phú Quốc mở cửa, DN có thể sắp xếp 1 tuần 1 chuyến bay charter (chuyến bay trọn gói theo hành trình) với lượng khách từ 180 – 270 người.

Về lâu dài, bà Thủy cho biết, Vivu Journeys đã đặt ra 3 tiêu chí để phát triển tour: Sức khỏe, tử tế và phát triển.

“Bên cạnh giảm giá 30 – 40%, khách còn được phép hoàn hủy linh động 24 giờ trước khi tham gia tour. Tất cả hướng tới mục tiêu tháo bỏ hết rào cản khiến khách không còn phải lo lắng khi đi du lịch… ”, bà Thủy chia sẻ.

Tương tự, bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh, Phó giám đốc Công ty Du lịch Vietravel cũng cho hay, đã chuẩn bị các kịch bản chi tiết về việc phục hồi du lịch.

Ngoài việc phục vụ du khách Việt Nam đi du lịch trong nước, đối với mảng Inbound, DN sẽ triển khai mạnh việc đón các chuyên gia, Việt kiều hồi hương, khách quốc tế thuộc “vùng xanh”… hội đủ điều kiện nhập cảnh theo qui định; phối hợp với các tỉnh thành được cho phép đón khách để xây dựng bộ sản phẩm khép kín trong phạm vi nội tỉnh/thành để đảm bảo an toàn. Song song với đó sẽ đưa vào phục vụ các sản phẩm du lịch phù hợp với xu hướng hậu Covid-19 như du lịch gần gũi với thiên nhiên, chăm sóc sức khỏe, du lịch sinh thái, golf…

Mặc dù khẳng định đã sẵn có nguồn lực, đảm bảo 100% yêu cầu “Thẻ xanh Covid-19”… tuy nhiên, ông Minh Mẫn, Giám đốc Truyền thông – Marketing, Công ty Du lịch TSTtourist cho rằng, việc thiết kế các tour hiệu quả khi chưa sạch bóng “F0” là điều vô cùng khó khăn đối với mọi DN.

Việc mở bán sản phẩm du lịch tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố của nơi đi và nơi đến, năng lực khống chế dịch của các tỉnh thành, tâm lý du khách, nhu cầu và khả năng tài chính.

“Muốn đón được khách quốc tế, ngành du lịch cần có chính sách du lịch quốc gia gắn liền với các giải pháp phòng, chống dịch. Dù DN luôn có sự chuẩn bị, nhưng tất cả đều chờ vào những định hướng của ngành và chính sách quốc gia về du lịch”, ông Mẫn nói.

Mong thông tin, chính sách rõ ràng

Theo ông Đinh Ngọc Đức, để kích cầu, phục hồi hoạt động du lịch, lữ hành, Tổng cục Du lịch đang tập trung 6 giải pháp trọng tâm gồm: Đảm bảo an toàn tại điểm đến và an toàn cho khách du lịch; tăng cường hoạt động truyền thông và xúc tiến, quảng bá du lịch; phát triển đa dạng sản phẩm đáp ứng xu hướng mới của thị trường; đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số trong ngành Du lịch; hỗ trợ doanh nghiệp đẩy nhanh phục hồi hoạt động du lịch; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phục hồi hoạt động du lịch.

Bên cạnh đề xuất hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, cơ quan quản lý Nhà nước, các điểm đến, doanh nghiệp cần liên kết, đổi mới trong định hướng, phát triển sản phẩm phù hợp với nhu cầu do tác động của đại dịch; liên kết trong truyền thông xúc tiến, quảng bá và đẩy mạnh áp dụng công nghệ, chuyển đổi số trong các hoạt động du lịch; cũng như chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cho giai đoạn phục hồi, phát triển tương lai.

Cụ thể, về phía DN, Vietravel kiến nghị Chính phủ xem xét miễn giảm thuế thu nhập DN trong năm 2021, giảm thuế GTGT từ 10% về 5% để kích thích thị trường.

Số thuế còn lại (5%) cho DN được vay để phục hồi kinh doanh không lấy lãi trong ít nhất 12 tháng tính từ đầu năm 2022.

Bên cạnh đó là các nhóm đề xuất liên quan chính sách miễn giảm, gia hạn thuế doanh nghiệp, bảo hiểm xã hội… Đại diện TST tourist bày tỏ: “Chúng tôi rất mong Chính phủ và lãnh đạo chính quyền địa phương có sự hỗ trợ nhanh chóng và tích cực hơn đối với ngành lữ hành, vì đến giai đoạn hiện nay không còn nhiều DN lữ hành còn đủ nguồn lực để tồn tại”.

Mặt khác, dù ý thức phải chủ động “tự lực cánh sinh” nhưng lãnh đạo Vivu Journeys cho rằng, chính sách mở cửa cần có lộ trình, thông tin rõ ràng, tránh gây thụ động cho DN.

“Mở cửa thí điểm tại Phú Quốc là tín hiệu tốt nhưng điều kiện đón khách hiện nay còn khá ngặt nghèo, giới hạn nguồn khách. Tới nay chúng ta vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về “Thẻ xanh Covid-19”. Văn bản hướng dẫn tới nay cũng không đề cập sau khi đã đảm bảo điều kiện cách ly 5 ngày tại Phú Quốc, có kết quả xét nghiệm PCR âm tính, liệu du khách có được đi du lịch tại những vùng khác hay không? Tiêu chí nào để đánh giá mô hình thí điểm thành công? Sau 6 tháng, nếu thực hiện tốt sẽ tính thí điểm thêm tại những địa điểm nào, có mở rộng đón khách từ những thị trường khác đã kiểm soát tốt dịch…? Tất cả cần thống nhất lộ trình ít nhất trong 1 năm tới để DN chủ động”, bà Thủy đề xuất.

Tại Tọa đàm trực tuyến “Hộ chiếu vaccine và cơ hội kích cầu cho ngành hàng không, du lịch và dịch vụ” mới đây, ông Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho rằng, khái niệm “sống chung với dịch” cần được hiểu là vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Hay nói cách khác, chúng ta vẫn phải kiểm soát được dịch.

Vì vậy, việc mở cửa ngành dịch vụ như du lịch phải làm thận trọng, an toàn, mở cửa đến đâu phải đảm bảo an toàn đến đó. Phú Quốc sẽ là mô hình để các địa phương khác nghiên cứu, rút kinh nghiệm trong việc khôi phục du lịch theo tiêu chí hộ chiếu vaccine (thẻ xanh vaccine, thẻ xanh Covid-19) dành cho người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine hoặc F0 khỏi bệnh.

Tính đến thời điểm hiện nay, Phú Quốc đã tổ chức tiêm vaccine mũi 1 cho công dân (từ 18 tuổi trở lên) được gần 37.000 liều, đạt 35% và mũi 2 gần 8.000 liều, đạt hơn 6% dân số. Phú Quốc cần khoảng 300.000 liều vaccine nữa tiêm cho 70% dân số để đạt miễn dịch cộng đồng.

Theo Hoàng Ngân – Nguyên Hằng/baogiaothong.vn

Bài viết liên quan

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button