TS. Hồ Minh Sơn – Chủ tịch HĐQL Viện IRLPIE, Viện trưởng Viện IMRIC: Năm 2023 – Xu hướng chuyển đổi số doanh nghiệp vừa và nhỏ hướng đến kinh tế số
(HNTTO) – Chuyển đổi số là vấn đề cấp thiết cho tất cả các doanh nghiệp ở mọi quy mô. Theo đó, giúp các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động, trải nghiệm khách hàng và đặc biệt là khả năng cạnh tranh trên thị trường. Thế nhưng, đối với những doanh nghiệp vừa và nhỏ với số vốn ít và khả năng đầu tư vào công nghệ còn hạn chế…Vì lẻ đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường trăn trở họ nên làm gì, bắt đầu từ đâu để chuyển đổi số?
Chuyển đổi số cho doanh nghiệp vừa và nhỏ mang đến nhiều cơ hội và thách thức. Ảnh minh hoạ
Nói về điều này, Tiến sỹ. Nhà báo – Luật gia Hồ Minh Sơn – Chủ tịch Hội đồng quản lý Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập (IRLPIE), Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC), Đại diện Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống phía Nam, Giám đốc Chi nhánh số 1 (Trung tâm tư vấn pháp luật tại TP.HCM) cho biết nhìn lại năm qua, những nền kinh tế hàng đầu thế giới như Mỹ và Trung Quốc đều tăng trưởng chậm lại do những khó khăn như lạm phát, suy thoái kinh tế. Riêng, Trung Quốc thì chính sách đóng cửa Zero Covid – 19 đã khiến nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nề. Qua đó, năm 2023 là năm để các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần đẩy mạnh tiến vào nền kinh tế số.
Cụ thể, theo Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã nhấn mạnh yêu cầu cấp bách để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Cùng với đó, Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Năm 2022 và những năm tiếp theo sẽ là giai đoạn thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số ở mọi ngành, mọi cấp, trên phạm vi toàn quốc, toàn dân và toàn diện.
Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố báo cáo thường niên về chuyển đổi số năm 2021 cho thấy, có khoảng gần 40% doanh nghiệp tại Việt Nam đã ứng dụng các giải pháp số, công nghệ số vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Năm 2022, có lẽ con số này cao hơn, tuy nhiên việc ứng dụng như thế nào và mang lại hiệu quả ra sao thì chúng ta phải nhìn nhận thêm.
Tiến sỹ Hồ Minh Sơn chia sẻ ở Việt Nam, chuyển đổi số trong doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa được hiểu theo nghĩa là quá trình thay đổi từ mô hình truyền thống sang doanh nghiệp số bằng cách áp dụng công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud Computing)… thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa doanh nghiệp. Trong đó, chuyển đổi số được hiểu đúng nghĩa sẽ là sự tác động để con người thay đổi tư duy làm việc, vận hành bộ máy, từ đó sẽ tìm cách để ứng dụng nó vào từng hoạt động cụ thể của doanh nghiệp. Điều này, không chỉ có tác động đến cách làm việc, cách quản trị doanh nghiệp mà nó còn có tác động đến văn hóa, môi trường làm việc của doanh nghiệp.
Hiện nay, sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tác động đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Theo Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), các doanh nghiệp của Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang đứng trước những khó khăn thách thức rất lớn trong quá trình hồi phục sau đại dịch Covid-19. Trong bối cảnh đó, chuyển đổi số là một trong những điều kiện tiên quyết giúp doanh nghiệp ứng phó với các thách thức mới, phục hồi, mở rộng sản xuất, kinh doanh và nâng cao lợi thế cạnh tranh nhằm tham gia bền vững vào chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế.
Tiến sỹ Hồ Minh Sơn cho rằng hầu hết cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam mới ở giai đoạn khởi động, quan sát tìm hiểu và bắt đầu chuyển đổi số, số lượng doanh nghiệp thực sự hình thành và hoàn thiện hệ thống chuyển đổi số là rất ít. Nếu tính riêng các doanh nghiệp SME thì còn ít hơn nữa. Do đó, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh, hạ giá thành sản phẩm, giảm thủ tục hành chính, thời gian, giảm chi phí cho doanh nghiệp. doanh nghiêp vừa và nhỏ đã quan tâm đến chuyển đổi số, nhiều doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số và đạt được nhiều thành công. Tuy nhiên, thực tế một số lượng lớn các doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến chiều sâu là đánh giá mức độ chuyển đổi số của doanh nghiệp chi tiết theo tiêu chí khoa học, rõ ràng từ đó có những thay đổi, chiến lược, kế hoạch phát triển phù hợp.
Theo ông Nguyễn Trọng Đường – Chuyên gia chuyển đổi số (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết công tác chuyển đổi số đã có những bước tiến rõ ràng qua 3 năm thực hiện, đồng thời tạo ra làn sóng về chuyển đổi số trong các doanh nghiệp. Chỉ tính riêng trên cổng chuyển đổi số doanh nghiệp nhỏ và vừa SMEdx của Bộ Thông tin và Truyền thông đã có trên 600.000 doanh nghiệp tiếp cận, tham khảo thông tin về các nền tảng được đăng tải trên đó; và khoảng 70.000 doanh nghiệp sử dụng một trong số các nền tảng của chương trình để chuyển đổi số, chiếm 1/10 số lượng doanh nghiệp. Đồng thời, trên thực tế việc tiến hành chuyển đổi số mới chỉ ở phần nhận thức, thực chất đi vào sử dụng vẫn chưa nhiều. Để chuyển đổi số đi vào thực chất, cuối 2021 Bộ Thông tin truyền thông ban hành Bộ chỉ số đo lường mức độ chuyển đổi số của doanh nghiệp. Tuy nhiên, sau 1 năm, chỉ có 500 doanh nghiệp tham gia và đăng ký tài khoản trên trang Cổng www.dbi.gov.vn. Trong số những doanh nghiệp đăng ký tài khoản, chỉ có khoảng 400 doanh nghiệp tự đánh giá mức độ chuyển đổi số của mình và có một số nhỏ, khoảng vài chục doanh nghiệp thực hiện tư vấn đánh giá.
Trong khi đó, Tiến sỹ Hồ Minh Sơn dẫn chứng các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam phần lớn đi lên từ nghề, họ rất giỏi nghề và thường làm doanh nghiệp từ khát vọng, từ ước mơ, từ thực tiễn công việc kinh doanh của mình, dần dần xây dựng thành công ty và phát triển. Để các SME bước vào nền kinh tế số cần một quá trình dài hơi. Tiến sỹ Hồ Minh Sơn dẫn khảo sát được thực hiện trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 cho thấy, có đến 64% các CEO khi được hỏi khẳng định chuyển đổi số góp phần nâng cao khả năng vận hành giúp doanh nghiệp làm việc từ xa cũng như hỗ trợ doanh nghiệp phân tích dữ liệu lớn đưa ra quyết định kinh doanh. Hai lựa chọn khác được 58% CEO quan tâm là nâng cao trải nghiệm và bảo mật thông tin.
Bên cạnh đó, thách thức trong chuyển đổi số với doanh nghiệp liên quan một số vấn đề như doanh nghiệp đưa ra bài toán của mình trước khi quyết định chuyển đổi số; doanh nghiệp cung cấp giải pháp, phần mềm, dịch vụ phù hợp với loại hình hoạt động; hoạt động bảo mật trên môi trường số, chuyển đổi số bắt đầu từ đâu trong doanh nghiệp…Cách đây 1 – 2 năm, trong quá trình tiếp xúc, tư vấn và làm việc với các SME, nhất là doanh nghiệp ở các tỉnh, không phải chỉ 70% mà có lẽ còn nhiều hơn thế chưa quan tâm đến chuyển đổi số, “chưa vội” chuyển đổi số, khá đáng buồn nhưng đó là thực tế, Tiến sỹ Hồ Minh Sơn chia sẻ thêm.
Theo Tiến sỹ Hồ Minh Sơn cho rằng trong suốt thời gian qua, các cơ quan thông tấn báo chí, các diễn đàn kinh tế xã hội luôn luôn khẳng định “chuyển đổi số là tất yếu”, “chuyển đổi số hay là chết”…Thếnhưng, các SME đã hoạt động theo phương thức truyền thống hàng chục năm nay, họ vẫn đang kinh doanh ổn, vẫn có doanh thu lợi nhuận, hà cớ gì phải thay đổi mà chưa biết thành công hay thất bại.Cùng với đó, câu chuyện nhận thức về chuyển đổi số đã có những cải thiện đáng kể trong năm 2022, khi mà SME phải đối diện với những thách thức lớn từ tác động tiêu cực hậu Covid-19 cũng như suy thoái kinh tế toàn cầu. Trong bối cảnh hàng loạt doanh nghiệp phải đóng cửa, cắt giảm nhân sự…các SME bắt đầu thấy được tầm quan trọng của chuyển đổi số để có thể tồn tại và cạnh tranh trong nền kinh tế ngày càng khắc nghiệt. Vì vậy, năm 2023 sẽ là năm để các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần quyết liệt tiến vào nền kinh tế số, với tỷ trọng gia tăng đáng kể.
Song song đó, năm 2023 sẽ là một năm đầy khác biệt, áp lực lạm phát, những khó khăn trong chuỗi cung ứng và niềm tin của người tiêu dùng suy giảm…Các doanh nghiệp có xu hướng thay đổi quan điểm từ chuyển đổi tập trung vào tăng trưởng sang tiết kiệm chi phí. Xu hướng chuyển đổi số sẽ được thúc đẩy bởi điều đó. Chuyển từ cạnh tranh công nghệ sang cạnh tranh về dịch vụ hệ sinh thái, nền công nghiệp 4.0 là một trong những xu hướng chuyển đổi số trong năm 2023.
Cũng theo Tiến sỹ Hồ Minh Sơn phân tích chuyển đổi số không chỉ có công nghệ mà quan trọng nhất của chuyển đổi số là những giải pháp hỗ trợ việc bán hàng, từ thương mại điện tử đến chăm sóc khách hàng, marketing, thanh toán trực tuyến, logistics… Với những giải pháp này hỗ trợ gia tăng doanh thu và lợi nhuận, nhìn thấy kết quả một cách nhanh chóng. Chắc chắn rằng, doanh nghiệp mới có niềm tin và có đòn bẩy tài chính để thực hiện các bước chuyển đổi số tiếp theo về quản trị, tài chính hay nhân sự…Như vậy, chuyển đổi số là xu thế tất yếu nhưng không thể vội vàng. Đặc biệt, các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần xem xét kỹ nguồn lực của mình, chiến lược phát triển của mình, con đường kinh doanh của mình đã sẵn sàng bước sang một giai đoạn mới hay chưa. Nếu bản thân mô hình kinh doanh hiện tại mình còn chưa làm tốt thì làm sao chuyển đổi số thành công được.
Trước khi bắt tay vào chuyển đổi số, việc đầu tiên cần làm là rà soát lại toàn bộ hoạt động lõi của doanh nghiệp, chuẩn hóa mọi thứ và hoạch định một chiến lược kinh doanh phù hợp với xu thế phát triển, tạo nên một cái móng vững chắc và kiên định với nó thì hành trình xây dựng doanh nghiệp số dù có mất thời gian bao lâu cũng chắc chắn đi đến thành công. Khi chuyển đổi số, văn hoá kinh doanh, quy trình hoạt động của doanh nghiệp thay đổi nên doanh nghiệp cần có kế hoạch đào tạo nâng cao trình độ cho nhân sự, bố trí hoặc luân chuyển nhân sự phù hợp… Ngoài ra, chuyển đổi số không chỉ riêng Bộ Thông tin và Truyền thông hay các doanh nghiệp công nghệ thông tin mà cần sự vào cuộc của các bên cùng tham gia. Muốn chuyển đổi số thành công cần đẩy mạnh hợp tác cùng nhau.
Dịp này, Tiến sỹ Hồ Minh Sơn khuyến nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền: Rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hỗ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số; tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trong doanh nghiệp; tổ chức thực hiện các khóa tập huấn, đào tạo về chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa triển khai chuyển đổi số; tuyên truyền về những mô hình chuyển đổi số thành công của doanh nghiệp để làm bài học kinh nghiệm, lan tỏa trong cộng đồng doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa: Việc các doanh nghiệp đổi mới mô hình kinh doanh trên cơ sở chuyển dần các hoạt động sản xuất kinh doanh truyền thống sang các phương thức dựa trên các nền tảng số là nhu cầu cấp thiết. Khi tham gia vào quá trình này thì doanh nghiệp cũng đối diện với không ít thách thức. Khả năng tiếp nhận đến đâu, nhận thức đến đâu để nhận diện và giải quyết được những thách thức phải đối mặt khi thực hiện chuyển đổi số sẽ là vấn đề của mỗi doanh nghiệp. Để làm được điều này, doanh nghiệp nhỏ và vừa cần tự mình tìm hiểu, học hỏi, nắm bắt được những vấn đề cốt lõi của chuyển đổi số.
Tin rằng, các doanh nghiệp nhở và vừa sẽ tự xác định được mình đang ở giai đoạn nào trong quá trình chuyển đổi số để có cơ sở xây dựng lộ trình, kế hoạch, giải pháp chuyển đổi số phù hợp, tạo nền tảng cho sự phát triển lâu dài và bền vững để các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần quyết liệt tiến vào nền kinh tế số, với tỷ trọng gia tăng đáng kể.
Văn Hải – Thuỳ Duyên