Doanh nghiệp trước nguy cơ cạn dòng tiền
(HNTT) – Đại dịch Covid-19 khiến cho không ít doanh nghiệp cạn dòng tiền để duy trì hoạt động sản xuất.
Nhiều doanh nghiệp đã tìm ra giải pháp để duy trì dòng tiền trong khó khăn. Ảnh: H.Dịu
Nhiều doanh nghiệp chỉ còn cầm cự được dưới 1 tháng
Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ (Ban IV) đã công bố báo cáo khảo sát về tình hình doanh nghiệp và người lao động trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Theo đó, nhiều doanh nghiệp đang lâm vào tình cảnh dòng tiền hiện nay không còn đủ để trang trải các chi phí tới hạn trả. Cụ thể, gần 40% doanh nghiệp đang “tạm ngừng hoạt động do dịch” và 17,7% doanh nghiệp đang “duy trì hoạt động sản xuất” cho biết chỉ còn có thể cầm cự “ít hơn 1 tháng”; 46% doanh nghiệp cho biết có thể cầm cự được từ 1-3 tháng; gần 45% doanh nghiệp không dự tính được thời gian phải đóng cửa bao lâu.
Các doanh nghiệp đang phải đối mặt với những khó khăn như trả tiền lương, lãi vay ngân hàng, trả tiền thuê đất, kho bãi, nhà xưởng, thuê văn phòng, cũng như phải đóng các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn, trả nợ gốc cho ngân hàng, thanh toán chi phí đầu vào như nguyên liệu, điện, nước…
“Kẹt tiền, kẹt vốn, bị mất thanh khoản là rủi ro và là nguy cơ lớn nhất của mọi doanh nghiệp phải đương đầu, mặc dù có thể vẫn còn tài sản nhưng do chưa bán được dẫn đến thiếu dòng tiền, nên doanh nghiệp có thể bị “chết trên đống tài sản” của chính mình”, HoREA nhấn mạnh. |
Nói về nguy cơ cạn dòng tiền của doanh nghiệp, Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho hay, thiếu dòng tiền là cái khó trực tiếp lớn nhất và đáng quan ngại nhất đối với doanh nghiệp bất động sản, giống như cơ thể bị “thiếu oxy”. Việc “thiếu oxy dòng tiền” có thể làm doanh nghiệp bị “ngộp thở” ngay lập tức, do không còn tiền để trả lãi vay, trả nợ, không còn tiền để duy trì bộ máy và hỗ trợ, giữ chân người lao động, không còn tiền để duy trì qua giai đoạn quá khó khăn này. Các dự án không thể triển khai đúng tiến độ, phải dừng công trình xây dựng, thiếu sản phẩm trong lúc thị trường bị “đứng hình”, giao dịch bị sụt giảm mạnh, không bán được sản phẩm, doanh số bán hàng “rơi thẳng đứng” nên không thể huy động được vốn như trước đây.
Theo HoREA, cái khó “thiếu dòng tiền” có liên quan trực tiếp đến “cái khó về tín dụng” vì trong lúc này lãi suất vay ngân hàng chưa giảm như kỳ vọng và doanh nghiệp vẫn phải trả lãi ngân hàng đều đặn hàng tháng. Thậm chí, Hiệp hội này còn cho biết, có doanh nghiệp phải đi “vay nóng” để trả lương, duy trì hoạt động tối thiếu.
Hỗ trợ tài chính trực tiếp
Trước thực trạng này, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19, trong đó đưa ra nhiều yêu cầu về các chính sách hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về tài chính, dòng tiền… cần báo cáo ngay trong tháng 9. Chẳng hạn như phải có chính sách về ưu đãi thuế, giảm giá điện, giảm lãi suất cho vay, miễn tiền phạt chậm nộp bảo hiểm xã hội, quản lý giá cước vận tải, xem xét miễn nộp đoàn phí công đoàn…
Thực tế là để giải quyết khó khăn do dòng tiền, nhiều doanh nghiệp đã chọn giải pháp giảm chi phí hoạt động như cắt giảm lao động, tiền lương, tổ chức lại sản xuất hoặc đi vay từ ngân hàng và các tổ chức khác… Theo bà Lê Dung, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đào tạo và Phát triển nhân lực Dgroup, tài chính là yếu tố then chốt và sống còn với các doanh nghiệp. Vì thế, doanh nghiệp phải đưa ra nhiều biện pháp như tiết giảm chi phí, giảm giá dịch vụ để giữ khách hàng, thậm chí doanh nghiệp còn bán bớt tài sản để cơ cấu lại hoạt động sản xuất kinh doanh.
Cũng về vấn đề này, bà Vũ Thị Thuận, Thành viên HĐQT Công ty Traphaco cho hay, khó khăn chung của các doanh nghiệp chính là sức mua của người dân giảm nhiều cùng chi phí sản xuất, phân phối là rất lớn… dẫn đến chi phí tăng trong khi doanh thu của doanh nghiệp lại giảm. Vì thế, doanh nghiệp cần nhanh chóng chuyển đổi hình thức làm việc, quản trị, đưa ra những sáng kiến để hoạt động hiệu quả hơn, tiết kiệm hơn; cắt giảm chi phí không cần thiết để ứng dụng cho công nghệ.
Ngoài ra, để giải quyết những khó khăn về dòng tiền cho doanh nghiệp, các doanh nghiệp luôn mong muốn có các gói tài chính hỗ trợ trực tiếp về thuế, phí, lệ phí và lãi vay ngân hàng. Theo ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), các doanh nghiệp dệt may đề nghị giảm 30% giá điện cho đến hết năm 2021, kiến nghị thành phố Hải Phòng dừng thu phí cảng biển đến 31/12/2021 và nghiên cứu giảm 50% cho năm 2022; TPHCM hoãn áp dụng thu phí cảng biển cho đến 30/6/2022… Bên cạnh đó, Vitas cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo hệ thống ngân hàng không hạ hạn mức tín dụng đối với với những doanh nghiệp gặp khó khăn do Covid-19, tiếp tục giảm lãi suất cho vay từ 0,5-1%/năm và giãn thời gian trả nợ gốc và lãi của năm 2021 và 2022.
Theo Hương Dịu/haiquanonline.com.vn