
(HNTTO) – Mới đây, tại thành phố Aizuwakamatsu, tỉnh Fukushima (Nhật Bản), nghệ thuật Nói thơ Vân Tiên,một hình thức diễn xướng dân gian mang đậm bản sắc Nam Bộ đã được giới thiệu đến Hiệp hội giao lưu Quốc tế thành phố Aizuwakamatsu, Trung tâm Văn hóa thành phố Aizuwakamatsu và thanh thiếu nhi, người dân đang sinh sống tại thành phố Aizuwakamatsu vào tối 23/7/2025.
Anh Phan Thanh Trẻ – Phó Bí thư Tỉnh đoàn Vĩnh Long giới thiệu tác phẩm Lục Vân Tiên, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Đình Chiểu và trình diễn Nói thơ Vân Tiên trong chương trình giao lưu văn hóa Việt Nam tại thành phố Aizuwakamatsu, tỉnh Fukushima (Nhật Bản)
Anh Phan Thanh Trẻ – Phó Bí thư Tỉnh đoàn Vĩnh Long, Phó Trưởng đoàn công tác đã giới thiệu khái quát về tác phẩm Lục Vân Tiên của Danh nhân Văn hóa thế giới Nguyễn Đình Chiểu và trình diễn Nói thơ Vân Tiên, qua đó góp phần đưa một di sản văn hóa đặc sắc của Việt Nam đến gần hơn với công chúng quốc tế.
Đây là chương trình giao lưu văn hóa Việt Nam trong khuôn khổ của Chương trình hợp tác kiến tạo tri thức dành cho lãnh đạo trẻ (KCCP) năm 2025 do Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp với Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức.
Tác phẩm Lục Vân Tiên – Giá trị văn học, đạo lý và bản sắc dân tộc
Truyện thơ Lục Vân Tiên dài 2082 câu thơ lục bát đã được truyền bá rộng rãi trước khi được truyền bá sang chữ quốc ngữ bởi các vị trí thức nông thôn như những Nho sĩ bất mãn với triều đình, những vị quan lui về ở ẩn, những lão nông tri điền, cùng với lực lượng trung nông, tá điền đã trở thành những nghệ sĩ làng quê, góp phần truyền bá truyện thơ Lục Vân Tiên bằng lối hát kể độc đáo Nói thơ Vân Tiên.
Với kết cấu rõ ràng, tình tiết lôi cuốn và ngôn ngữ bình dị, gần gũi, tác phẩm không chỉ phản ánh tư tưởng đạo đức truyền thống của người Việt mà còn là một bản anh hùng ca dân tộc. Tác phẩm đề cao những giá trị truyền thống như trung hiếu, nghĩa tình, và sự sẵn sàng đứng lên bảo vệ lẽ phải, được thể hiện qua hình tượng nhân vật Lục Vân Tiên, người luôn chiến đấu vì công lý và giúp đỡ người yếu thế. Trong thời kỳ mà xã hội rối ren, triều đình suy yếu, và ngoại bang xâm lược, Lục Vân Tiên trở thành nguồn động viên tinh thần, cổ vũ nhân dân giữ vững niềm tin vào đạo lý và sự chính trực, đồng thời khơi dậy ý chí đoàn kết để vượt qua thử thách của thời cuộc.
Bên cạnh giá trị văn học, Lục Vân Tiên còn có ảnh hưởng lớn đến đời sống văn hóa dân gian Nam Bộ. Tác phẩm từng được lưu truyền rộng rãi trong dân gian qua hình thức kể thơ, nói thơ, góp phần bồi đắp nền tảng đạo lý trong đời sống người dân trong suốt nhiều thế hệ.
Nguyễn Đình Chiểu – Danh nhân văn hóa thế giới
Nguyễn Đình Chiểu (1822–1888) là một trong những tên tuổi lớn của văn học Việt Nam thế kỷ XIX. Sinh ra tại Gia Định, ông bị mù từ tuổi trẻ nhưng không ngừng học tập, sáng tác, dạy học và bốc thuốc cứu người. Sau khi Nam Kỳ rơi vào tay thực dân Pháp, ông chọn ở lại quê hương, dùng ngòi bút để động viên nhân dân, lên án sự phản bội và ca ngợi tinh thần kháng chiến.
Thơ văn Nguyễn Đình Chiểu không chỉ thể hiện tư tưởng yêu nước sâu sắc mà còn là tiếng nói đạo lý, luân lý của người dân trong bối cảnh xã hội biến động. Với những đóng góp đặc biệt, ông được UNESCO vinh danh là Danh nhân Văn hóa Thế giới vào năm 2022, nhân dịp kỷ niệm 200 năm ngày sinh.
Nói thơ Vân Tiên – Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Nói thơ là hình thức nghệ thuật trung gian, kết hợp hài hòa giữa đọc thơ và ngâm thơ. Loại hình này thường sử dụng thể thơ lục bát hoặc song thất lục bát, với nội dung phong phú từ ca ngợi đạo lý, nhân nghĩa đến phản ánh đời sống và tình yêu quê hương đất nước. Điểm đặc biệt của nói thơ là tính ứng tác linh hoạt, khi người diễn xướng có thể sáng tạo hoặc thêm thắt lời thơ tùy theo hoàn cảnh, tạo nên sự gần gũi, sống động và phù hợp với khán giả. Nói thơ không chỉ mang tính nghệ thuật mà còn có ý nghĩa cộng đồng, thường được biểu diễn trong các buổi họp mặt, lễ hội hoặc không gian gia đình, giúp gắn kết tình cảm và chia sẻ giá trị văn hóa giữa các thế hệ. Loại hình này phản ánh sâu sắc tâm hồn, phong cách sống của người dân Nam Bộ, trở thành cầu nối giữa nghệ thuật, văn hóa và tinh thần yêu nước, góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc truyền thống trong đời sống hiện đại.
Nói thơ Vân Tiên là tiêu biểu cho nghệ thuật Nói thơ Nam Bộ. Nghệ thuật Nói thơ này ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu phổ biến thơ văn yêu nước, tinh thần đấu tranh kiên cường trước cường quyền, sự tận tâm cống hiến trí tuệ và tài năng vì lợi ích đất nước. Đồng thời, Nói thơ Vân Tiên còn là phương tiện truyền tải đạo lý và tôn vinh những giá trị phẩm hạnh cao đẹp của con người Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh các giá trị truyền thống đang đối mặt với nguy cơ suy thoái và đảo lộn trong xã hội đương thời. Ngoài ra, người dân Nam Bộ còn áp dụng lối Nói thơ Vân Tiên để truyền bá các truyện thơ khuyết danh khác như truyện Thầy Thông chánh, Hai Miêng, Sáu Trọng, Sáu Nhỏ.
Trong quá khứ, Lục Vân Tiên không chỉ hiện diện trên trang sách mà còn được “sống” qua nghệ thuật Nói thơ Vân Tiên – một loại hình diễn xướng dân gian đặc trưng của người Nam Bộ. Người nói thơ sẽ thể hiện tác phẩm theo nhịp riêng, có lúc kể chuyện, có lúc ngân nga, không cần nhạc đệm, không gò bó kịch bản, chủ yếu dựa vào trí nhớ, cảm xúc và khả năng biểu đạt bằng giọng nói.
Cấu trúc của Nói thơ Vân Tiên hình thành trên cơ sở thơ Lục bát và thang điệu của hát ru, hò, nói đối, và ngâm thơ ở Nam Bộ. Do đó, lối Nói thơ mộc mạc, bình dị này có thể được phổ biến rộng rãi trong bình dân lúc bấy giờ. Cấu trúc diễn xướng của Nói thơ Vân Tiên luôn đi theo hai cặp câu 6-8.
Nghệ thuật Nói thơ Vân Tiên trở nên phổ biến ở Nam Bộ, nhất là Ba Tri (tỉnh Bến Tre, nay là tỉnh Vĩnh Long) trong xã hội đương thời vì nội dung gần gũi, giàu giá trị đạo lý và lòng yêu nước của tác phẩm Lục Vân Tiên, dễ dàng được người dân tiếp nhận và lan tỏa. Hình thức nghệ thuật này phù hợp với văn hóa dân gian, với nhịp điệu dễ nhớ, dễ thuộc, tạo sự sinh động và lôi cuốn trong các buổi sinh hoạt cộng đồng như lễ hội đình làng hay hội chợ. Ngoài ra, nói thơ không chỉ đáp ứng nhu cầu giải trí mà còn là công cụ giáo dục đạo đức và truyền bá các giá trị truyền thống. Tính truyền miệng của nó giúp dễ dàng lưu giữ và phổ biến mà không cần công cụ phức tạp, phù hợp với bối cảnh xã hội thiếu thốn phương tiện giải trí hiện đại. Hơn nữa, nội dung nói thơ phản ánh tinh thần tự lực, kiên cường và khát vọng phụng sự đất nước của người dân Nam Bộ, khiến nó gắn bó sâu sắc với đời sống văn hóa và tâm hồn cộng đồng.
Ghi nhận giá trị đặc sắc này, ngày 27/6/2025, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam đã công nhận Nói thơ Vân Tiên tỉnh Bến Tre là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Sự công nhận không chỉ mang ý nghĩa bảo tồn mà còn khẳng định giá trị nghệ thuật dân gian độc đáo, góp phần làm giàu thêm kho tàng di sản văn hóa Việt Nam.
Giao lưu văn hóa và lan tỏa bản sắc
Giới thiệu và trình diễn Nói thơ Vân Tiên tại Nhật Bản không chỉ là hoạt động văn hóa mang tính biểu tượng, mà còn là minh chứng cho sự lan tỏa của văn hóa Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế. Phần trình diễn mộc mạc, không nhạc cụ, nhưng dày cảm xúc đã mang lại ấn tượng sâu sắc cho người nghe. Qua từng câu thơ lục bát, người xem không chỉ thấy được hình tượng nhân vật Vân Tiên chính trực, nghĩa hiệp mà còn cảm nhận được chiều sâu đạo lý phương Đông.
Tại Nhật Bản, Giáo sư Shimizu Masaaki – Trưởng Bộ môn tiếng Việt, Khoa Ngoại ngữ, Đại học Osaka – Công dân Đồng Khởi danh dự đã dịch tác phẩm Lục Vân Tiên sang tiếng Nhật để dạy tiếng Việt cho sinh viên. Đây là bước tiến quan trọng trong việc đưa văn học Việt Nam ra thế giới, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu nghiên cứu và học tập về văn hóa Đông Nam Á tại Nhật Bản ngày càng mở rộng. Việc đưa Lục Vân Tiên vào môi trường đại học giúp người học tiếp cận được giá trị văn học, đạo đức và thế giới quan truyền thống của Việt Nam một cách có hệ thống và khoa học.
Khẳng định vị thế di sản văn hóa Việt Nam
Nói thơ Vân Tiên xuất phát từ truyện thơ Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu, nêu cao giá trị đạo lý, tinh thần chính nghĩa, và nhân cách cao đẹp. Thể thơ lục bát với vần điệu dễ thuộc, dễ truyền bá giúp Lục Vân Tiên và lối nói thơ nhanh chóng phổ biến trong cộng đồng Nam Bộ, đặc biệt là ở Bến Tre. Qua hình thức nói thơ, các giá trị đạo đức, quan niệm nhân quả và nhân cách lý tưởng được truyền tải, góp phần định hình đạo đức và nhân sinh quan của người dân. Đồng thời, Nói thơ Vân Tiên còn là một hoạt động văn hóa, giải trí, gắn liền với đời sống sinh hoạt thường nhật, mang tính kết nối cộng đồng sâu sắc. Nói thơ Vân Tiên không chỉ là di sản văn hóa phi vật thể của Bến Tre, Nam Bộ mà còn là của cộng đồng văn hóa Việt Nam.
Việc giới thiệu và trình diễn loại hình nghệ thuật này tại Nhật Bản mang một ý nghĩa sâu sắc, lan tỏa trong công tác quảng bá di sản, đồng thời khẳng định rằng: văn hóa dân tộc, dù mộc mạc, vẫn có khả năng chạm đến trái tim của cộng đồng quốc tế nếu được truyền tải đúng cách và đúng lúc.
Không cần sân khấu lớn hay phương tiện hiện đại, chỉ bằng giọng thơ và tâm hồn Việt, Nói thơ Vân Tiên vẫn đủ sức kể lại một tác phẩm kinh điển, nuôi dưỡng đạo lý truyền thống và truyền cảm hứng cho những người yêu văn hóa Việt Nam trên khắp thế giới.
Vươn Hoàn/Tạp chí Văn hiến Việt Nam