Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn: Ai chịu trách nhiệm, xe cứu thương vượt đèn đỏ va chạm xe máy – Không biết đọc chữ, pháp luật có bảo vệ khi ký văn bản bất lợi?

(HNTTO) – Trong quá trình hoạt động, ngoài công tác chuyên môn, Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật và Kinh tế hội nhập (IRLIE) phối hợp Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC); Tạp chí Doanh nghiệp và Trang trại Việt Nam luôn xác định công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần tập thực hiện, nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục phát luật, phát huy vai trò, hiệu quả quản lý nhà nước, quản lý xã hội bằng pháp luật. Qua đó, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) ngày càng đi vào chiều sâu, trọng tâm, thống nhất, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Cụ thể, vào sáng ngày 23/07/2025, tại số 414, đường Huỳnh Tấn Phát, phường Tân Thuận, Thành phố Hồ Chí Minh, Viện IMRIC; Viện IRLIE và TC DN&TTVN giao Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn (TTTVPLMS) tổ chức buổi PBGDPL cho độc giả, các doanh nghiệp thành viên Câu lạc bộ Báo chí Truyền thông&Chính sách pháp luật (Viện IRLIE) và Câu lạc bộ Doanh nhân IMRIC – IRLIE (Viện IMRIC) bằng hình thức trực tuyến và trực tiếp…
Với đội ngũ luật gia, luật sư, các báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật là lực lượng nòng cốt đi đầu, đưa các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với mọi tầng lớp Nhân dân, nên đội ngũ này thường xuyên được rà soát, củng cố, kiện toàn và hoạt động phát huy hiệu quả. Theo đó, các luật gia, luật sư, các báo cáo viên pháp luật công tác ở nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau, có trình độ từ cử nhân trở lên, nhiều người trong số đó là thạc sỹ, tiến sỹ, chuyên gia có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực pháp luật; báo cáo viên pháp luật thường xuyên được bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng phổ biến pháp luật, kỹ năng biên soạn tài liệu, kỹ năng nói chuyện trước công chúng…nhờ đó hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật được thực hiện bài bản, khoa học, hiệu quả hơn.
Đồng thời, việc xây dựng, nhân rộng các mô hình điểm, có hiệu quả về PBGDPL được các cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm nghiên cứu thực hiện, lựa chọn những cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả trong công tác PBGDPL để thực hiện nhân rộng thực hiện, tổ chức biên tập và đăng tải chương trình sách nói pháp luật trên các trang mạng xã hội, trang tin điện tử trực thuộc như: www.bestlife.net.vn; www.huongnghiepthitruong.vn; www.chinhsachphapluat.vn; www.thamvanphapluat.vn; www.tuvanphapluatvietnam.vn; www.doanhnghiepnongnghiep.vn; www.nghiencuupldautu.vn; www.phattrienspcongnghe.vn và trên hai đặc san, Tạp chí Doanh nghiệp và Trang trại Việt Nam (in), góp phần tuyên truyền đến với các cơ quan, tổ chức, cá nhân, trong đó có các Trường đặc biệt dành cho những người yếu thế;…
Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đã được các cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm, tập trung đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả, phát huy được vai trò, tầm quan trọng của công nghệ thông tin vào công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong tình hình mới. Cạnh đó, góp phần triển khai nhanh chóng, chính xác, kịp thời các chủ trương, chính sách hỗ trợ của Đảng và pháp luật Nhà nước đến toàn thể Nhân dân và doanh nghiệp.
Xin trích lược hai tình huống được các luật gia, luật sư, các tư vấn viên pháp luật của Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn (TTTVPLMS) trực tiếp thực hiện như sau:
Tình huống 1: Ai chịu trách nhiệm, xe cứu thương vượt đèn đỏ va chạm xe máy?
Vừa qua, qua theo dõi mạng xã hội xôn xao về một clip một chiếc xe cứu thương va chạm với xe máy khi qua ngã tư tại TP.HCM. Dẫu biết rằng, vụ việc chưa xác định cụ thể ở khu vực nào nhưng nhiều người đặt câu hỏi trách nhiệm pháp lý trong vụ việc này.
Tuy nhiên, thành viên Câu lạc bộ Báo chí Truyền thông&Chính sách pháp luật quan tâm và yêu cẩu phân tích về việc xe cứu thương vượt đèn đỏ…
Căn cứ theo khoản 1, điểm c khoản 2, khoản 4 Điều 27 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm 2024, xe cứu thương đi làm nhiệm vụ cấp cứu được xem là xe ưu tiên, không bị hạn chế tốc độ, được quyền đi trước xe khác khi qua đường giao nhau từ bất kỳ hướng nào tới và được phép đi không phụ thuộc vào tín hiệu đèn giao thông (hay nói cách khác là được phép vượt đèn đỏ), nhưng phải tuân theo hiệu lệnh của người điều khiển giao thông và biển báo hiệu tạm thời.
Tại điểm a khoản 3 Điều 27 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 và điểm đ khoản 2 Điều 19 Nghị định 151/2024, người điều khiển xe cứu thương có trách nhiệm: Bật còi và đèn ưu tiên khi đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu: Xe cứu thương đi làm nhiệm vụ cấp cứu phải có tín hiệu ưu tiên theo quy định của pháp luật, bao gồm: tín hiệu đèn nhấp nháy màu đỏ, tín hiệu còi ưu tiên.
Sử dụng tín hiệu ưu tiên đúng lúc: Tại khoản 24 Điều 9 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024, khi không có nhiệm vụ cấp cứu, xe cứu thương phải tuân thủ quy định giao thông như các phương tiện khác. Việc sử dụng quyền của xe ưu tiên khi không thực hiện nhiệm vụ là hành vi bị nghiêm cấm.
Đảm bảo an toàn giao thông: Qua tham chiếu nguyên tắc tại khoản 4 Điều 3 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024, dù được quyền ưu tiên, người điều khiển xe cứu thương vẫn cần quan sát và di chuyển thận trọng, đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông khác.
Tại khoản 5 Điều 27 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm 2024, khi có tín hiệu của xe ưu tiên, người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải giảm tốc độ, đi sát lề đường bên phải hoặc dừng lại để nhường đường cho xe ưu tiên trong mọi tình huống, không được gây cản trở.
Tại khoản 3 Điều 3 Nghị định 109/2009 (trước đây), về tín hiệu của xe được quyền ưu tiên có định nghĩa: “Xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu” là xe đang chở bệnh nhân cấp cứu hoặc đi đón bệnh nhân cấp cứu. Nghị định này đã hết hiệu lực vào ngày 1-1-2025, thực tế có thể hiểu “đi làm nhiệm vụ cấp cứu” là chở người bệnh, vận chuyển nhân viên y tế hoặc trang thiết bị phục vụ cấp cứu. Qua đó, xe đi đón bệnh nhân cấp cứu (trên xe không có bệnh nhân, chỉ chở nhân viên y tế và trang thiết bị) vẫn có thể xem là “đi làm nhiệm vụ cấp cứu”.
Qua theo dõi clip, vụ tai nạn xảy ra khi xe máy đang đi trên phần đường có đèn xanh, còn xe cứu thương đang vượt đèn đỏ. Trong vụ việc này, cơ quan công an sẽ xác minh, làm rõ các vấn đề như: Tại thời điểm xảy ra tai nạn, xe cứu thương có đang đi làm nhiệm vụ cấp cứu hay không? Nếu đang đi làm nhiệm vụ cấp cứu thì có bật đủ và đúng loại tín hiệu đèn, tín hiệu còi ưu tiên không? Tài xế có quan sát và di chuyển thận trọng không? Bối cảnh vụ việc, vị trí và tốc độ của hai xe, giấy phép lái xe và nồng độ cồn của tài xế,…Từ đây, mới xác định tài xế xe cứu thương có vi phạm quy định về giao thông đường bộ hay không và xác định chế tài xử lý tương ứng.
Có thể xảy ra các trường hợp sau: Nếu xe cứu thương đang đi làm nhiệm vụ cấp cứu, có bật đủ và đúng loại tín hiệu đèn, tín hiệu còi ưu tiên, tài xế có giấy phép lái xe phù hợp và không vi phạm nồng độ cồn,… thì không vi phạm quy định về giao thông đường bộ và không phải chịu trách nhiệm. Bởi lẽ, khi có tín hiệu của xe ưu tiên thì người điều khiển xe máy phải nhường đường trong mọi tình huống và không được gây cản trở. Nếu không nhường đường cho xe ưu tiên thì có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý và các thiệt hại phát sinh; Ngược lại, nếu không đáp ứng một trong các yếu tố trên thì tùy theo tình tiết vụ việc, tính chất và mức độ của hành vi, tài xế xe cứu thương có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý như sau:
Đối với hành vi vượt đèn đỏ (không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông) mà gây tai nạn giao thông: Tại điểm b khoản 9, điểm b khoản 10, điểm d khoản 16 Điều 6 Nghị định 168/2024, có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 22.000.000 đồng, trừ điểm Giấy phép lái xe 10 điểm.
Tại điểm h khoản 4 Điều 6 Nghị định 168/2024, nếu sử dụng thiết bị phát tín hiệu ưu tiên không đúng quy định: Có thể bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.
Căn cứ theo Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), tài xế có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, với mức phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 15 năm, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Về trách nhiệm dân sự, theo quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015 và Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐTP ngày 6-9-2022 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao, tài xế có thể phải bồi thường thiệt hại về tài sản, sức khỏe, tổn thất về tinh thần cho nạn nhân.
Tình huống 2: Không biết đọc tiếng phổ thông, có được pháp luật bảo vệ khi ký văn bản bất lợi?
Thanh viên Câu lạc bộ Doanh nhân IMRIC – IRLIE băn khoăn: Tôi là người dân tộc Mông ở một xã vùng cao, không biết đọc tiếng phổ thông. Cách đây gần một năm, tôi được người quen giới thiệu đi làm công nhân ở một xưởng may. Ngày vào làm, tôi được yêu cầu lăn tay vào một văn bản ‘hợp đồng lao động’. Chị không hiểu nội dung, chỉ nghe người trung gian nói ‘ký để đi làm hợp pháp’. Trải qua, sau 5 tháng làm việc cực nhọc với lương rất thấp, chị xin nghỉ thì bị công ty giữ lại một tháng lương cuối. Khi chị thắc mắc thì được đưa ra bản hợp đồng có chữ ký (lăn tay) với điều khoản “người lao động tự ý nghỉ việc không thông báo trước 45 ngày sẽ bị giữ lại 1 tháng lương để bồi thường”. Tôi rấthoang mang, vì rõ ràng tôi không hiểu gì về hợp đồng khi ký. Liệu trong trường hợp này, chị có thể yêu cầu hủy bỏ hợp đồng không? Pháp luật có bảo vệ người dân tộc thiểu số như chị không?
Căn cứ theo Điều 117 Bộ luật Dân sự 2015, một giao dịch dân sự (bao gồm cả việc ký hợp đồng lao động) chỉ có hiệu lực khi người tham gia nhận thức và làm chủ được hành vi của mình. Trong trường hợp chị M. không biết chữ, không hiểu nội dung hợp đồng, thì việc ký kết đó có thể bị xem là giao dịch không có ý chí tự nguyện, và có thể yêu cầu tòa án tuyên vô hiệu.
Căn cứ Bộ luật Lao động 2019 quy định: Hợp đồng lao động phải được giải thích rõ ràng cho người lao động hiểu trước khi ký. Đồng thời, Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH nêu rõ: Đối với người lao động là người dân tộc thiểu số, doanh nghiệp có trách nhiệm giải thích đầy đủ quyền và nghĩa vụ bằng ngôn ngữ dễ hiểu.
Căn cứ Luật Trợ giúp pháp lý 2017: Người dân tộc thiểu số thuộc diện được trợ giúp pháp lý miễn phí, đặc biệt nếu họ không biết đọc viết hoặc đang gặp tranh chấp về lao động.
Trong trường hợp này chị có thể liên hệ Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tại địa phương để được hỗ trợ miễn phí. Bên cạnh việc hủy giao dịch dân sự trái luật, chị có thể yêu cầu Tòa án tuyên buộc chủ sử dụng lao động phải trả lại cho chị 1 tháng lương mà họ đã giữ trái pháp luật.
Qua đó, để bảo vệ tốt nhất lợi ích hợp pháp của mình chị cần cung cấp bằng chứng về việc chị không hiểu hợp đồng khi ký (có thể là lời khai, người làm chứng, hoàn cảnh ngôn ngữ…).
Từ câu chuyện này của trên chị cũng như những chị em lao động dân tộc thiểu số khác cần lưu ý, khi không hiểu rõ nội dung văn bản, đừng vội lăn tay hoặc ký tên. Cần yêu cầu được giải thích bằng lời nói dễ hiểu hoặc có người thông dịch, tư vấn pháp lý hỗ trợ. Việc lặng lẽ ký những văn bản mà mình không hiểu rõ có thể khiến bạn mất quyền lợi, bị bóc lột hoặc sa vào rủi ro pháp lý.
Xin khuyến nghị: Không biết chữ không có nghĩa là không có quyền. Pháp luật Việt Nam luôn bảo vệ những người yếu thế, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số, khi họ bị xâm phạm quyền lợi do thiếu thông tin hoặc rào cản ngôn ngữ.
Luật sư Phạm Lan Thảo – PGĐ Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn