Du lịch

Cần hiểu đúng cách trong việc tôn vinh nhan sắc phái đẹp

(HNTTO) – Có lẽ chưa bao giờ các cuộc thi tôn vinh nhan sắc phái đẹp lại nở rộ như hiện nay, điều này cho thấy sự quan tâm, trân trọng của xã hội đối với phụ nữ. Đáng tiếc, sau khi đoạt giải cao tại cuộc thi sắc đẹp, một số người lại có hành xử tùy tiện, phản cảm… khiến dư luận bất bình. Giới truyềnthông đã từng tốn không ít giấy mực phản ánh tình trạng ‘lạm phát’, ‘bội thực’ các cuộc thi sắc đẹp tại Việt Nam.

Họp báo công bố cuộc thi Hoa hậu Bông sen Việt – Ảnh: Fanpage Hoa Hậu Bông Sen Việt – Miss Vietnam Lotus

Qua đó, nhằm bảo đảm sự toàn vẹn về danh tiếng của hoa hậu, trên thế giới từng xảy ra việc tước vương miện hoa hậu với nhiều lý do. Hoa hậu Thế giới năm 1973 đã bị tước danh hiệu chỉ sau 104 ngày đăng quang vì hẹn hò với người đã có vợ. Hoa hậu Hoàn vũ năm 1974 phải trả lại vương miện vì không tuân theo những quy định của Ban tổ chức trong nhiệm kỳ đăng quang, từ chối thực hiện chuyến hành trình đã được lên lịch sẵn tới Nhật Bản. Tương tự, Hoa hậu Thế giới Singapore năm 2009 đã bị tước vương miện do bị tố giác cô từng phạm tội ăn cắp thẻ tín dụng và bị kết án hai năm tù treo, ngay sau hai tháng được tôn vinh. Hoa hậu Vương quốc Anh năm 2015 bị tước vương miện vì có “cảnh nóng” trên một chương trình truyền hình thực tế. Hoa hậu Hoàn vũ Puerto Rico năm 2016 do “có vấn đề về thái độ” và không hoàn thành trách nhiệm của người đăng quang cuộc thi nhan sắc, nên chỉ sau bốn tháng nhận vương miện cũng đã bị tước danh hiệu.

Rõ ràng để được nhận ngôi vị cao nhất trong một cuộc thi nhan sắc đã là thử thách không dễ vượt qua với các người đẹp, nhưng để giữ được danh hiệu cao quý ấy còn đòi hỏi nỗ lực rất lớn của mỗi người.Trong khi đó, tại Việt Nam, kể từ khi diễn ra các cuộc thi người đẹp đến nay, có nhiều hiện tượng một số người đẹp sau khi đăng quang ít nhiều gây ra tai tiếng, khiến công chúng thất vọng. Từ đó, đã dấy lên các ý kiến đòi hỏi cần nghiêm khắc hơn với những người đã đăng quang tại các cuộc thi sắc đẹp.

Trong đó, công chúng có lẻ chưa quên những bức ảnh mặc áo dài nhưng thiếu nội y gây phản cảm của Hoa hậu Việt Nam năm 2006, thái độ thiếu lễ phép trong trò chuyện với người lớn tuổi trong một clíp quảng cáo của người đẹp này. Công chúng cũng sẽ khó bỏ qua hành vi thiếu trung thực của Hoa hậu Việt Nam năm 2008 vì đã giấu việc chưa tốt nghiệp trung học phổ thông, vi phạm Quy chế tổ chức cuộc thi hoa hậu do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL) ban hành.

Mặc dù vậy, vẫn có trường hợp người đoạt giải xin trả lại danh hiệu hoa hậu vì lý do sức khỏe không tốt bởi phải chịu áp lực công việc, điển hình câu chuyện của Hoa hậu các dân tộc Việt Nam năm 2011. Một năm sau lá đơn xin trả danh hiệu được gửi đi, đơn vị tổ chức của cuộc thi đã gửi văn bản báo cáo Cục Nghệ thuật biểu diễn thuộc Bộ VHTTDL và một số cơ quan chức năng về các vi phạm của hoa hậu, như bỏ bê trách nhiệm, không thực hiện đúng nghĩa vụ của người đăng quang ngôi vị cao nhất một cuộc thi, cạnh đó đề xuất Bộ VHTTDL ra văn bản quyết định thu hồi danh hiệu. Theo Chánh Thanh tra Bộ VHTTDL, căn cứ vào quy định của pháp luật hiện hành, thì chưa có điều nào liên quan việc thu hồi danh hiệu hoa hậu, cho nên danh hiệu Hoa hậu các dân tộc Việt Nam năm 2011 vẫn không bị tước, dù đã có đơn của chính người nhận danh hiệu và của Ban tổ chức cuộc thi! Ví dụ như trường hợp á khôi một cuộc thi sắc đẹp và hoa khôi của một trường đại học đã tham gia vào đường dây bán dâm do Trần Đức Thùy Liên, Đoàn Thị Ngọc Minh tổ chức, đã bị Tòa án nhân dân TP Hạ Long (Quảng Ninh) đưa ra xét xử ngày 25/03/2016.

Có thể hiểu rằng, việc có những cuộc thi hoa hậu như cuộc thi Hoa hậu Việt Nam là rất cần thiết. Đâycũng là sân chơi chính thống, môi trường để phát hiện, bồi dưỡng, lan tỏa những giá trị tốt đẹp nhất của người con gái Việt Nam…Tuy nhiên, bằng câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” vẫn tiếp diễn, khi chỉ trong nửa cuối tháng 6, đầu tháng 7 năm 2025, đã có tới ít nhất 5 cuộc thi được tổ chức. Hết Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam, Hoa hậu Việt Nam, lại đến Hoa hậu Trái đất Việt Nam; Hoa hậu Biển Việt Nam toàn cầu, Hoa hậu Diva Doanh nhân Việt Nam quốc tế Toàn cầu tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (cũ)… Đó là chưa kể, còn hàng loạt cuộc thi nhan sắc khác đang được khởi động như Hoa hậu thế giớiViệt Nam, Hoa hậu Quốc dân Việt Nam…

Điển hình, mới đây trên Fanpage cuộc thi Hoa hậu Bông sen Việt – Miss Vietnam Lotus do Công ty cổ phần Truyền thông Giải trí quốc tế SM Toàn Cầu nắm bản quyền và tổ chức. Theo thông tin này, năm2025 ban tổ chức tuyển sinh mùa đầu tiên. Buổi họp báo công bố cuộc thi Hoa hậu Bông sen Việt diễn ra vào cuối tháng 6, tại TP.HCM. Ban tổ chức giới thiệu đây là cuộc thi tổ chức quy mô toàn quốc với chủ đề Tỏa sáng phẩm giá Việt. Thông qua cuộc thi này, ban tổ chức mong muốn tôn vinh vẻ đẹp, tài năng, trí tuệ của người phụ nữ, đồng thời khẳng định giá trị văn hóa và truyền thống dân tộc.

Bà Đặng Thị Mỹ vừa đăng quang Hoa hậu Diva Doanh nhân Việt Nam quốc tế Toàn cầu tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (cũ) vào tháng 5/2025 nay đã ngồi vào ghế nóng giám khảo cuộc thi Hoa hậu Bông sen Việt – Miss Vietnam Lotus dự kiến diễn ra tại tỉnh Bình Thuận (nay là Lâm Đồng).

Cụ thể, nguyên thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên đảm nhận vai trò trưởng ban cố vấn. Dàn ban giám khảo được công bố là những cái tên xa lạ đối với fan sắc đẹp như: bà Đặng Thị Mỹ, bà Trương Bích Truyền, bà Lê Vân Anh, tiến sĩ Hồ Quang Hòa, nhà báo Lê Trường Sơn, nhà báo Phạm Đức Trọng, hoa hậu Nguyễn Thị Hằng Nga, hoa hậu Nguyễn Thị Thùy Vân. Cuộc thi này có thời gian tuyển sinh khá gấp rút, phát động ngày 26/06, hết hạn đăng ký dự thi ngày 01/08/2025.Thời gian diễn ra các vòng thi bất hợp lý, vòng sơ khảo, bán kết và chung kết diễn ra trong ba ngày liên tục, từ ngày 7 đến 9-8, tại Phan Thiết, Lâm Đồng. Theo kế hoạch, trước khi diễn ra các vòng thi chính, ban tổ chức sẽ tổ chức hoạt động quảng bá du lịch (5-8), hoạt động bảo vệ môi trường và từ thiện (6-8). Do đó, với lịch trình của các người đẹp tham gia cuộc thi này diễn ra liên tục, khiến nhiều khán giả đặt câu hỏi về chất lượng cuộc thi, sức khỏe người dự thi liệu có đảm bảo.

Việc con người hướng tới cái đẹp là điều rất tự nhiên, nhất là người Việt Nam bây giờ có điều kiện để khao khát cái đẹp sau nhiều chục năm phải kìm nén nhu cầu ăn ngon, mặc đẹp, coi đó là xa xỉ. Giờ đâyđược phép bày tỏ, thể hiện, khao khát thì người ta thấy điều này là tuyệt vời, cảm thấy thích thú và hạnh phúc khi có nhiều cuộc thi, nhiều người đẹp, nhất là khi diễn ngôn chung của các cuộc thi sắc đẹp là gắn liền với lòng tự hào dân tộc, các hoa hậu là đại diện cho phái đẹp. Có lẽ, người ta tự hào về những thứ sẽ giúp khẳng định vị trí rằng chúng tôi không kém, không xấu, chúng tôi có người rất đẹp, rất giỏi, có sản phẩm tốt.

Rõ ràng, sự bùng nổ của quá nhiều cuộc thi hoa hậu không chỉ làm sức hút của những đấu trường nhan sắc bị suy giảm, mà còn khiến những gương mặt được vinh danh dễ trở nên nhạt nhòa; danh xưng hoa hậu vì thế cũng kém phần danh giá. Lạm bàn về nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên, nhiều ý kiến cho rằng không thể không đề cập xu hướng thương mại hóa các cuộc thi sắc đẹp.

Trải qua nhiều năm nay, trên thế giới có nhiều nghiên cứu cho thấy các cuộc thi hoa hậu là một cách thương mại hóa cơ thể người phụ nữ chứ thực ra không mang lại lợi ích cho giới nữ nói chung. Vì những cuộc thi đó đưa ra tiêu chuẩn về vẻ đẹp để cho phụ nữ noi theo, người ta lợi dụng cơ thể người phụ nữ để bán hàng cho chính phụ nữ. Đằng sau, những cuộc thi sắc đẹp là cả một ngành công nghiệp làm đẹp hưởng lợi rất nhiều từ kết quả cũng như toàn bộ quá trình của các cuộc thi đó. Các nhãn hàng, với nguồn marketing khổng lồ nhắm vào phụ nữ, thúc đẩy họ chi tiền cho phẫu thuật thẩm mỹ, cho các loại mỹ phẩm được quảng cáo để đuổi theo vẻ đẹp của các hoa hậu. Nhìn chung có thể nói là các cuộc thi hoa hậu không tạo ra tiêu chuẩn vẻ đẹp chung chung mà là các tiêu chuẩn vẻ đẹp để bán được hàng.

Nếu ngày trước, chúng ta phái mất vài năm mới có một cuộc thi hoa hậu, thì bây giờ, tìm kiếm nhan sắc đã trở thành một phần của ngành công nghiệp sắc đẹp. Miễn là đơn vị tổ chức thu được lợi nhuận từ tài trợ, quảng cáo, miễn là thí sinh tham gia vẫn khao khát có được danh hiệu, thì những cuộc thi hoa hậu sẽ cứ thế xuất hiện như “nấm mọc sau mưa”. Điều đáng nói, tỷ lệ nghịch với sự gia tăng về số lượng thường là sự suy giảm về chất lượng ở không ít cuộc thi hoa hậu, nhất là khi có yếu tố lợi ích chi phối.

Từ đây, có thể lý giải tại sao một số cuộc thi sắc đẹp dính nghi án can thiệp kết quả, bị dư luận đặt dấu hỏi về tính công bằng, khách quan. Và cũng có không ít người đẹp sau đăng quang khiến công chúng thất vọng vì dính scandal hay những chuyện “lùm xùm”. Có trường hợp ngay sau khi vừa đăng quang đã bị cộng đồng mạng chê bai, lại cũng có trường hợp còn chưa kịp tỏa sáng đã bị thu hồi danh hiệu…Thông qua tham chiếu tiêu chí, mục đích tổ chức các cuộc thi, hầu như sân chơi nào cũng hướng đến tìm kiếm những gương mặt đại diện cho vẻ đẹp, trí tuệ, lòng nhân ái, ý thức hành động vì cộng đồng.Điều này, còn có nghĩa, khi một người đẹp được lựa chọn trao vương miện, cũng là khoác lên mình sứ mệnh nhân văn, lan tỏa những điều tốt đẹp, tử tế trong xã hội.

Tuy nhiên, việc tôn vinh cái đẹp cần đúng cách, cũng như nhận danh hiệu phải đi kèm trách nhiệm.Trên thế giới thì người ta không còn hâm mộ các cuộc thi sắc đẹp nữa, thậm chí có nhiều cuộc biểu tình phản đối trước các cuộc thi sắc đẹp. Không có những cách truyền thông rầm rộ cho các cuộc thi sắc đẹp hay các truyền thông nhấn mạnh vào vẻ đẹp của các cô gái một cách rộng rãi như chúng ta hiện nay, để tránh tạo ra văn hóa ám ảnh về cơ thể.

Song song đó, chúng ta cần có các nghiên cứu, các sáng kiến truyền thông nhằm thúc đẩy và tài trợ các phân tích về vai trò và tác động của việc đưa hình ảnh các cô gái và phụ nữ lên truyền thông, không đánh đồng giữa vẻ đẹp cơ thể như một tiêu chí để tiến thân, thành công, giàu có và hạnh phúc. Đã đến lúc, nên có sự quy hoạch lại các cuộc thi hoa hậu theo hướng tinh gọn, hạn chế về số lượng để tăng chất lượng.

Qua tham chiếu Nghị định 144/2020/NĐ-CP quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/2/2021) có nhiều điểm “nới” hơn trước khi không giới hạn số lượng các cuộc thi người đẹp. Tuy nhiên, cơ quan quản lý cần siết chặt các quy định về cấp phép, về quy chế và tần suất tổ chức các cuộc thi người đẹp, người mẫu; có cơ chế để đánh giá chất lượng các sân chơi nhan sắc, từ đó quyết định có tiếp tục cấp phép tổ chức hay không? Đây chính là những giải pháp góp phần chuyên nghiệp hóa hoạt động tổ chức thi người đẹp, trả lại cho danh xưng hoa hậu xứng tầm giá trị.

Mặt khác, ban tổ chức các cuộc thi ngoài trách nhiệm tìm ra thí sinh xứng đáng để vinh danh, cũng cần có những cam kết về chiến lược đồng hành cùng các hoa hậu sau đăng quang, để những người đẹp mới chỉ ở tuổi mười tám, đôi mươi có cơ hội trưởng thành, hoàn thiện bản thân, biết cách quản lý hình ảnh và lan tỏa nhiều giá trị tích cực cho xã hội…

Tin rằng, thông qua nhiều sự việc lùm xùm liên quan một số cuộc thi sắc đẹp, từ hành xử phản cảm của một số người sau khi được trao giải tại một số cuộc thi sắc đẹp, rõ ràng không thể không lo ngại về chất lượng các cuộc thi sắc đẹp của chúng ta lâu nay. Với những hiện tượng này không chỉ làm ảnh hưởng tới ý nghĩa các cuộc thi sắc đẹp vốn là nơi tôn vinh giá trị toàn vẹn của phụ nữ, mà còn đẩy nghi ngờ về mục đích của một số cuộc thi và người dự thi. Một người được trao giải tại cuộc thi sắc đẹp có thể sẽ được xã hội chú ý, mà xã hội lành mạnh và chân chính luôn hướng tới người vẹn sắc vẹn tài, bên vẻ đẹp hình thể tự nhiên còn có trình độ tri thức, hiểu biết, sống nhân ái, có kỹ năng ứng xử văn hóa…Vì lẻ đó, nếu dự thi, nếu được trao giải mỗi người đẹp cần ý thức về vai trò của mình, đồng thời các cơ quan chức năng liên quan cũng cần nâng cao trách nhiệm trong việc tổ chức và quản lý, để mỗi hoa hậu được xướng danh không chỉ bởi sắc đẹp, mà còn cả tài năng, nhân cách,…

TS. Hồ Minh Sơn

Bài viết liên quan

Back to top button