TS. Hồ Minh Sơn: Tình huống pháp lý đối với hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên và vụ Jack kiện Thiên An, đòi lại quyền nuôi con?

(HNTTO) – Tiếp tục hoạt động trợ giúp pháp lý trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, nhất là đối với người nghèo, người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số, người già cô đơn không nơi nương tựa, trẻ em…Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) và Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật và Kinh tế hội nhập (IRLIE) phối hợp Tạp chí Doanh nghiệp và Trang trại Việt Nam giao Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn (TTTVPLMS) và Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) tổ chức buổi tham vấn pháp lý bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến vào sáng ngày 28/05/2025 tại số 414, đường Huỳnh Tấn Phát, phường Bình Thuận, quận 7, Tp.HCM. Với mong muốn giúp người dân nâng cao nhận thức, kiến thức pháp luật, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, góp phần đảm bảo an ninh trật tự...
Tại buổi tuyên truyền lần này, TS. Hồ Minh Sơn đã trực tiếp giải đáp các thắc mắc của nhiều độc giả đặc biệt quan tâm. Xin trích dẫn hai tình huống pháp lý như sau:
Tình huống thứ nhất: Hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên sẽ đối diện biện pháp chế tài ra sao?
Qua theo dõi báo chí đưa tin, ngày 19/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Bộ Công an mở rộng điều tra vụ án hình sự “Sản xuất hàng giả” là thực phẩm và Lừa dối khách hàng liên quan đến Công ty CP Asia Lite và Công ty CP Tập đoàn Chị Em Rọt, xảy ra tại TP Hồ Chí Minh và tỉnh Đắk Lắk, cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố đối với 5 bị can.
Cụ thể, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với: Nguyễn Thúc Thùy Tiên (Hoa hậu Hòa bình quốc tế năm 2021) về tội “Lừa dối khách hàng”, quy định tại khoản 2 Điều 198 Bộ luật hình sự, với vai trò đồng phạm với các bị can thuộc Công ty CP Tập đoàn Chị Em Rọt; khởi tố bị can đối với 4 đối tượng là lãnh đạo trong Công ty CP Asia Life, gồm: Nguyễn Phạm Hồng Vy, Giám đốc, đại diện pháp luật; Phạm Thị Diễm Trinh, Trưởng phòng nghiên cứu và Phát triển sản phẩm; Trương Thị Lê, Trưởng phòng Đảm bảo chất lượng kiêm Trưởng phòng Kiểm tra chất lượng; Trần Thị Lệ Thu, Trưởng phòng Sản xuất cùng về tội “Sản xuất hàng giả là thực phẩm” với vai trò đồng phạm với Nguyễn Phong, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Asia Life.
Trong đó, bắt tạm giam đối với Phạm Thị Diễm Trinh và Trần Thị Lệ Thu. Cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Nguyễn Phạm Hồng Vy (do đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi) và Trương Thị Lê (do đang mang thai). Theo cơ quan điều tra, thực phẩm bổ sung kẹo rau củ Kera là sản phẩm của Nguyễn Thúc Thùy Tiên và các cổ đông Công ty Chị Em Rọt hợp tác làm ăn chung. Trong đó, Thùy Tiên được hưởng lợi nhuận theo thỏa thuận góp vốn, tương đương 30%, các cổ đông còn lại góp 70% cổ phần. Sau khi ra mắt sản phẩm, Thùy Tiên cùng Nguyễn Thị Thái Hằng và Phạm Quang Linh đưa ra các thông tin không đúng sự thật, để phóng đại công dụng của sản phẩm…
Có thể thấy, tất cả số tiền thu lợi bất chính từ bán kẹo rau Kera giả sẽ bị tịch thu và sung vào công quỹ, những thiệt hại đã gây ra với những bị hại thì sẽ phải trả lại cho người bị hại. Hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên có thể đối mặt hình phạt đến 5 năm tù.
Dưới góc độ pháp lý, đây là kết quả quá trình mở rộng điều tra vụ án “Sản xuất hàng giả là thực phẩm và Lừa dối khách hàng” liên quan đến Công ty CP Asia Lite và Công ty CP Tập đoàn Chị Em Rọt. Thông tin từ phía cơ quan điều tra thì hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên bị khởi tố về tội Lừa dối khách hàng với vai trò đồng phạm theo quy định tại khoản 2 điều 198 Bộ luật Hình sự.
Căn cứ vào quy định tại Điều 17 Bộ luật Hình sự 2015, đồng phạm là trường hợp có từ 2 người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm. Các vai trò trong đồng phạm gồm: người tổ chức, người thực hành, người xúi giục và người giúp sức. Trong đó, người giúp sức là người tạo điều kiện về tinh thần hoặc vật chất để hành vi phạm tội xảy ra.
Ở trường hợp này, đối với hành vi lừa dối khách hàng là hành vi của những người kinh doanh, đã có hành vi gian dối trong việc cân đo đo đếm, tính gian hàng hóa hoặc có thủ đoạn gian dối khác khiến cho khách hàng hiểu lầm mà giao kết hợp đồng gây thiệt hại đến tài sản của khách hàng hoặc thu lại bất chính đến mức mà bộ luật hình sự quy định thì bị xử lý về tội danh này. Trong trường hợp hành vi phạm tội có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp hoặc có thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng trở lên thì sẽ bị xử lý theo khung tăng nặng có hình phạt là từ 1 năm đến 5 năm tù.
Cũng qua theo dõi báo chí đưa tin, những thông tin bước đầu cho thấy, hoa hậu Thùy Tiên đã tham gia quảng cáo rất nhiều lần, bằng nhiều hình thức đối với kẹo rau quả này, nội dung quảng cáo thể hiện từ vùng nguyên liệu, quá trình sản xuất cho đến công dụng tác dụng của sản phẩm. Do hoạt động quảng cáo này dẫn đến nhiều người đã mua sản phẩm này và bị lừa. Cơ quan chức năng xác định hoa hậu này biết rõ sản phẩm không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, nội dung quảng cáo là sai sự thật dẫn đến nhiều người mua hàng hóa và bị thiệt hại nên hành vi có dấu hiệu tội phạm. Với những thông tin đã được công khai và kết quả điều tra thì hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên sẽ phải đối mặt với khung hình phạt được quy định tại khoản 2, Điều 198 Bộ luật Hình sự là phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
Đồng thời, tất cả số tiền thu lợi bất chính sẽ bị tịch thu và sung vào công quỹ, những thiệt hại đã gây ra với những người bị hại thì sẽ phải trả lại cho người bị hại. Đặc biệt, bên cạnh hình phạt đến 5 năm tù thì các bị can trong vụ án này có thể bị phạt tiền bị cấm đảm nhiệm công việc hoặc hành nghề đến 5 năm. Qua đó, thông qua vụ việc cũng cho thấy sự quyết tâm của cơ quan chức năng trong việc đấu tranh với quảng cáo ranh giới của những người nổi tiếng, của hoạt động kinh doanh thiếu đạo đức, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường. Việc triệt phá các nhóm đối tượng buôn bán hàng giả, quảng cáo gian dối sẽ góp phần làm lành mạnh thị trường, răn đe với người nổi tiếng, đảm bảo cho pháp luật được tôn trọng và đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.
Đây không phải là lần đầu tiên một hoa hậu bị xử lý hình sự. Mặc dù vậy, bị xử lý về vi phạm quảng cáo, lừa dối khách hàng thì có lẽ là lần đầu tiên. Đây cũng là hồi chuông cảnh tỉnh cho những người nổi tiếng trong hoạt động nghề nghiệp của mình, nếu thiếu đạo đức, ý thức coi thường pháp luật, vì lợi nhuận mà bất chấp pháp luật thì cái giá phải trả là rất đắt.
Tình huống thứ hai: Yếu tố pháp lý về vụ Jack kiện Thiên An, đòi lại quyền nuôi con
Qua theo dõi trên không gian mạng xã hội vào tối 26/5 vừa qua, trên Fanpage chính thức, J97 Entertainment đã phát thông cáo báo chí bác bỏ thông tin đời tự sai sự thật và truyền thông không chính xác về nghệ sĩ Jack – J97. Tại thông báo, Jack cho biết thời gian qua ghi nhận nhiều cá nhân, tổ chức có hành vi đưa thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự và tinh thần nam ca sĩ.Cạnh đó, trước đây “lựa chọn giữ im lặng, không phản hồi trước truyền thông vì tôn trọng quyền riêng tư các bên liên quan, đồng thời cũng mong muốn sự việc được giải quyết ôn hòa, hơn cả là để bảo vệ sự phát triển bình yên của cháu Trần Nguyễn Yên Đan”.
Tuy nhiên, phía nam ca sĩ nhận thấy vẫn có những cá nhân lợi dụng sự im lặng để tiếp tục chia sẻ thông tin sai lệch, xuyên tạc và bịa đặt ra những thông tin gây nhầm lẫn nghiêm trọng về mối quan hệ của nghệ sĩ Jack – J97, nhằm mục đích thu hút sự chú ý, tạo dư luận không đúng bản chất vấn đề, đi xa giới hạn pháp luật, nhân phẩm và đạo đức.
Vì lẻ đó, Jack đã ủy quyền cho công ty luật sư, phát thông cáo đến truyền thông và công chúng để làm rõ các vấn đề: Gửi đơn tố cáo hành vi đăng bài viết của Trần Nguyễn Thiên An; Xác định trách nhiệm cá nhân, tổ chức đưa thông tin sai lệch; Làm rõ mối quan hệ tình cảm và trách nhiệm trong quan hệ con chung của Jack và Thiên An; Thông tin về họp báo chính thức.
Vụ việc đang thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng. Mạng xã hội liên tục chỉ ra những điểm bất hợp lý trong thông cáo này. Có không ít những câu hỏi pháp lý xoay quanh thông cáo báo chí cần được làm rõ. Ca sĩ Jack vừa gây chú ý khi khởi kiện Thiên An để giành quyền nuôi con gái. Vụ việc không chỉ thu hút công chúng vì yếu tố đời tư người nổi tiếng mà còn đặt ra nhiều câu hỏi pháp lý xoay quanh thông tin Jack vừa công khai.
Dưới góc độ pháp lý, sự việc đã sử dụng cụm từ như “sẽ phối hợp cơ quan chức năng để xử lý hành vi vu khống, bôi nhọ danh dự” trong thông cáo báo chí, nếu không có bằng chứng rõ ràng, có thể bị hiểu là hình thức gây áp lực ngược lên người tố cáo, nhất là trong những vấn đề nhạy cảm liên quan đến quyền trẻ em. Cần thận trọng khi phát ngôn theo hướng này.
Mặt khác, Jack đã dùng từ ngữ pháp lý thiếu chuẩn xác. Thông cáo sử dụng nhiều khái niệm như “quyền riêng tư”, “vu khống”, “xúc phạm danh dự”…Thế nhưng, không dẫn chiếu điều luật cụ thể, không viện dẫn chứng cứ rõ ràng để chứng minh hành vi vi phạm. Từ đó, khiến lập luận thiếu sức nặng, dễ bị đánh giá là cảm tính, thiên về định hướng dư luận hơn là thể hiện góc nhìn pháp lý nghiêm túc và trung lập.
Căn cứ theo Điều 84 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, người không trực tiếp nuôi con sau ly hôn có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con. Các điều kiện cụ thể được hướng dẫn rõ tại Khoản 1 Điều 6 Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP, trong đó nhấn mạnh đến: Năng lực, điều kiện nuôi dưỡng hiện tại của người đang nuôi; Mức độ gắn bó, sự thân thiết, quan tâm của cha mẹ đối với con; môi trường sống, tâm lý, học tập của con; Lợi ích toàn diện và sự ổn định của trẻ, hạn chế sự xáo trộn môi trường sống/giáo dục của con; Nguyện vọng chính đáng của con từ đủ 7 tuổi trở lên; Yếu tố mới ảnh hưởng đến lợi ích của trẻ.
Ở trường hợp Jack chứng minh Thiên An không còn đủ điều kiện nuôi con do thất nghiệp, thường xuyên gửi con cho người khác, sống không ổn định, cản trở Jack gặp con…thì anh ta có khả năng giành được quyền nuôi con.
Ngoài ra, ở trường hợp Jack có điều kiện vượt trội và con muốn sống với cha. Jack có nhà riêng, người chăm trẻ hỗ trợ, điều kiện giáo dục – y tế tốt. Cùng với đó, con từ 7 tuổi trở lên và có nguyện vọng sống với cha. Như vậy, Tòa sẽ cân nhắc kỹ, nhưng nếu không gây xáo trộn tâm lý cho trẻ, việc thay đổi có thể được chấp nhận.
Do vậy, nếu Jack không có chứng cứ rõ ràng, chỉ viện dẫn điều kiện kinh tế. Trong khi Thiên An vẫn chăm con tốt, con ổn định học tập và tâm lý thì Tòa án sẽ bác yêu cầu của Jack, vì pháp luật ưu tiên sự ổn định và lợi ích tốt nhất cho con.
Dưới góc độ pháp lý, khởi kiện là quyền của Jack. Mặc dù vậy, có được quyền nuôi con hay không còn phụ thuộc vào bằng chứng, chứng cứ cụ thể và lợi ích tốt nhất của trẻ em, chứ không phụ thuộc vào mức độ nổi tiếng hay điều kiện kinh tế.
Căn cứ theo Luật Hôn nhân và gia đình 2014, cha mẹ có quyền, nghĩa vụ nuôi con như nhau khi chưa đăng ký kết hôn. Trong đó, cha mẹ có quyền, nghĩa vụ nuôi con như nhau khi chưa đăng ký kết hôn. Về quyền và nghĩa vụ nuôi con sẽ được giải quyết giống như hai vợ chồng có đăng ký kết hôn – ly hôn, áp dụng Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.
Căn cứ theo điều 81 của luật này thì cha, mẹ có quyền thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con. Trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 7 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
Câu hỏi tại buổi tham vấn pháp lý được độc giả đặt ra là: Hiện tại, con gái của Thiên An và Jack chưa đủ 7 tuổi nhưng lại trên 36 tháng tuổi nghĩa là Tòa án sẽ xem xét điều kiện kinh tế và lối sống của người tranh chấp quyền nuôi con có đảm bảo cho đứa trẻ được phát triển toàn diện hay không?
Có thể thấy, cháu bé từ khi sinh ra đã sống cùng mẹ. Điều kiện kinh tế có thể không bằng cha ruột bé nhưng hiện tại bé cũng đang có cuộc sống rất tốt.
Xét về mặt đạo đức, một người mẹ sinh con khi tuổi đời còn rất trẻ vậy mà cô ấy dám bất chấp điều tiếng một mình sinh và nuôi dưỡng con đến hôm nay thì không vị quan tòa nào đành lòng chia cắt tình mẫu tử đó. Luật pháp nghiêm minh và luật pháp phải làm cho cuộc đời đẹp hơn.
Song song đó, năm 2024, phía ca sĩ Jack khẳng định “không được tiếp cận, chăm sóc con gái từ. Thiên An chấm dứt liên lạc, ngăn cản Jack thăm con, mọi mong muốn, chăm sóc thiết yếu bị đẩy ra giới hạn cho phép”. Bên cạnh đó, Jack cũng tuyên bố sẽ công khai nghĩa vụ tài chính để công chúng có cái nhìn đa chiều. Về pháp lý: Chúng tôi đã nộp đơn tố cáo bà Trần Nguyễn Thiên An đến cơ quan có thẩm quyền xử lý về hành vi đăng tải bài viết trên trang cá nhân Facebook vào ngày 19-1-2025 và ngày 20-1-2025…
Thông qua hai tình huống pháp lý trên, có thể thấy các chương trình tuyên truyền pháp luật và trợ giúp pháp lý không chỉ chú trọng tới những đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý mà qua đó, Viện IMRIC; Viện IRLIE và Tạp chí DN&TTVN mong muốn Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) thực hiện phải lồng ghép tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tư vấn pháp luật miễn phí cho nhân dân, giúp chính quyền cơ sở giải quyết các vướng mắc liên quan đến pháp luật…
Vì vậy, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật, trợ giúp pháp lý nhằm tuyên truyền các nội dung thông qua các câu chuyện pháp luật nhằm gián tiếp tuyên truyền những kiến thức pháp luật, tư vấn những thắc mắc của người dân, doanh nghiệp kịp thời bổ sung kiến thức pháp luật cho người dân.Ngoài ra, thông qua các buổi tuyên truyền pháp luật, ngoài vấn đề trọng tâm là tuyên truyền những nội dung cơ bản của pháp luật, các luật gia, luật sư, tư vấn viên pháp luật còn truyên truyền những văn bản pháp luật mới liên quan trực tiếp đến nhân dân như: Hiến pháp năm 2013, Luật Đất đai (sửa đổi), Luât Hôn nhân và gia đình (sửa đổi), Bộ Luật hình sự năm 2015, Bộ Luật dân sự năm 2015, Luật khiếu nại, Luật tố cáo, chế độ chính sách đối với người có công và thân nhân của họ, về vay vốn ngân hàng phát triển kinh tế…
Đồng thời, tiếp nhận, tư vấn, giải đáp trực tiếp các câu hỏi, đơn yêu cầu tư vấn pháp luật của bà con nhân dân. Nội dung câu hỏi thường xoay quanh những vấn đề liên quan đến tranh chấp đất đai, tranh chấp dân sự, khiếu nại, đền bù, giải phóng mặt bằng, hộ khẩu, hộ tịch, thủ tục ly hôn. Các luật gia, luật sư, tư vấn viên pháp luật của Trung tâm đã trực tiếp tư vấn, giải đáp những vướng mắc pháp luật của người dân. Qua đó, đã tạo được niềm tin của người dân, doanh nghiệp đối với hoạt động trợ giúp pháp lý và nhận được sự đồng tình ủng hộ.
Cùng với đó, Viện IMRIC; Viện IRLIE và TC DN&TTVN; Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm kỳ vọng thông qua hoạt động tuyên truyền pháp luật và trợ giúp pháp lý, nhận thức và hiểu biết pháp luật của nhân dân được nâng cao, giúp người dân tự tin hơn khi tham gia vào các quan hệ pháp luật và góp phần tích cực cùng các ngành, các cấp trong việc giải tỏa một số vướng mắc liên quan đến pháp luật của nhân dân trong đời sống hàng ngày. Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền pháp luật và trợ giúp pháp lý thông qua việc ứng dụng khao học côngn nghệ...Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức pháp luật, kiến thức pháp luật cho người dân, hạn chế các vụ khiếu nại, khiếu kiện không đáng có, góp phần giữ vững an ninh trật tự, phát triển kinh tế – xã hội ở các địa phương.
Nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền pháp luật và trợ giúp pháp lý cho nhân dân, doanhnghiệp trong thời gian tới, Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị, các trường học để triển khai mạnh mẽ công tác tuyên truyền pháp luật và trợ giúp pháp lý cho nhân dân, góp phần nâng cao kiến thức và hiểu biết pháp luật trong nhân dân, hạn chế những tranh chấp trong cộng đồng dân cư, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của những người yếu thế trong xã hội (người nghèo, cac đối tượng chính sách, trẻ em) và nhân dân. Góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tư an toàn xã hội, tạo niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, góp phần vào sự nghiệp cải cách hành chính, cải cách tư pháp và xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
CTV TVPL Bùi Văn Hải – Trung tâm TTLCC và CTV TVPL Trần Ngọc Danh – Trung tâm TVPLMS