Nghiên cứu trao đổi

TS. Hồ Minh Sơn: Bàn việc tuân thủ pháp luật trong ứng xử văn minh, giữ tình làng nghĩa xóm và khi “lá chắn” bảo vệ người tiêu dùng đã dễ dàng bị chọc thủng bởi đồng tiền

(HNTTO) – Nhận tức đúng về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), việc xác định đúng và trúng nội dung PBGDPL là yếu tố quan trọng, bảo đảm tính cần thiết để thực hiện hoạt động PBGDPL đạt chất lượng, hiệu quả cao hơn. Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) thường xuyên phối hợp Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật và Kinh tế hội nhập (IRLIE); Tạp chí Doanh nghiệp và Trang trại Việt Nam giao Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) và Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn (TTTVPLMS) tổ chức các buổi hội thoại, hội thảo, toạ đàm, tham vấn pháp luật bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến cho công dân. Bởi, xác định công tác truyền thông, tuyên truyền phổ biến pháp luật mong muốn tạo chuyển biến trong nhận thức và ý thức tuân thủ, chấp hành, tự giác học tập, tìm hiểu pháp luật, bảo đảm thực hiện đầy đủ quyền được thông tin về pháp luật của công dân.

Cụ thể, sáng ngày 17/05/2025 vừa qua, tại số 412, đường Huỳnh Tấn Phát, phường Bình Thuận, quận 7, Tp.HCM, Viện IMRIC và Viện IRLIE; Tạp chí DN&TTVN chủ trì, Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm và Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) mong muốn sự nhận thức của cán bộ, nhân dân trong việc thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật ứng dụng trong cuộc sống.

Với sự đổi mới, sáng tạo về hình thức, phương pháp tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL), đảm bảo thực chất, hiệu quả. Thông qua hình thức như tổ chức Hội nghị tuyên truyền, PBGDPL; có thể thấy đây như một sinh hoạt về tìm hiểu pháp luật…đảm bảo phù hợp với từng nhóm đối tượng. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tuyên truyền, PBGDPL (qua cổng trang thông tin điện tử; các luật gia, luật sư và tư vấn viên pháp luật lấy thực tiễn diễn ra công tác xét xử, trợ giúp pháp lý; công tác hòa giải ở cơ sở…Tin rằng, công dân muốn tìm hiểu, giáo dục nâng cao ý thức pháp luật, hình thành nếp sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật của công dân.

Trong tình hình khoa học công nghệ phát triển như vũ bão gần đây, tuyên truyền phổ biến GDPL nếu có thể thực hiện qua các hình thức trực tuyến thì ngày càng tiếp cận được với đông đảo đối tượng, nhất là các đối tượng trẻ và trung tuổi. Hiện nay, không chỉ ở đô thị mà ngay cả ở nông thôn, khu vực miền núi thường xuyên tham gia bằng hình thức trực tuyến để tìm kiếm thông tin, từ đó sự triển khai rộng rãi việc PBGDPL ngày càng trở nên một kênh hữu hiệu để đưa thông tin pháp luật đến với cộng đồng…

Tại buổi tham vấn lần này, sau khi lắng nghe các câu hỏi, các tình huống được các luật gia, luật sư, các tư vấn viên pháp luật giải đáp một cách cụ thể, TS. Hồ Minh Sơn đã bàn về hai tình huống được độc giả đặc biệt quan tâm như: tuân thủ pháp luật trong ứng xử văn minh, giữ tình làng nghĩa xómkhi “lá chắn” bảo vệ người tiêu dùng đã dễ dàng bị chọc thủng bởi đồng tiền

Tình huống thứ nhất: Việc tuân thủ pháp luật trong ứng xử văn minh, giữ tình làng nghĩa xóm

Không thể phủ nhận rằng, trong nhịp sống đô thị ngày càng hiện đại và đông đúc, tiếng ồn từ các hoạt động giải trí như hát karaoke, mở nhạc to trong khu dân cư đang trở thành nỗi ám ảnh của nhiều gia đình. Không chỉ làm xáo trộn đời sống sinh hoạt và tinh thần, hành vi này còn tiềm ẩn nguy cơ gây mâu thuẫn, thậm chí là án mạng nếu không được kiểm soát bằng quy định pháp luật và sự ứng xử văn minh. 

Vào mỗi buổi tối sau giờ làm việc, ai cũng mong được nghỉ ngơi trong không gian yên tĩnh của ngôi nhà mình. Thế nhưng, với nhiều người sống tại các khu dân cư đông đúc, nhất là tại các đô thị lớn như TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh thì sự yên bình ấy lại bị phá vỡ bởi tiếng karaoke chát chúa hay nhạc sống vang lên từ những quán cafe, hàng quán hay chính nhà hàng xóm…Không chỉ gây phiền toái, việc gây tiếng ồn còn có thể dẫn đến những vụ việc nghiêm trọng. Đã có những trường hợp xô xát, thậm chí án mạng, xuất phát từ mâu thuẫn liên quan đến tiếng ồn.

Vào năm 2023, tại Đà Nẵng, một vụ án mạng đã xảy ra khi một người đàn ông không chịu nổi tiếng karaoke ồn ào từ nhà hàng xóm đã xảy ra cự cãi và dẫn đến hậu quả đau lòng. Điều này cho thấy, nếu không được xử lý kịp thời và đúng cách, vấn đề tiếng ồn còn có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho cộng đồng.

Căn cứ vào Nghị định 45/2022/NĐ-CP quy định mức phạt dựa trên mức độ vượt quá quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn. Cụ thể, nếu tiếng ồn vượt quy chuẩn từ 2 dBA đến dưới 5 dBA, mức phạt từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng; từ 5 dBA đến dưới 10 dBA, phạt từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng; và nếu vượt trên 40 dBA, mức phạt có thể lên đến 160.000.000 đồng.

Theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 26:2010/BTNMT về tiếng ồn thì đối với các khu vực thông thường, gồm: khu chung cư, các nhà ở riêng lẻ nằm cách biệt hoặc liền kề, khách sạn, nhà nghỉ, cơ quan hành chính. Giới hạn tối đa cho phép về tiếng ồn (theo mức âm tương đương) cụ thể từ 6h đến 21h là 70 dBA, từ 21h đến 6h là 55 dBA. Qua đó, việc gây tiếng ồn vượt mức cho phép này sẽ bị xử phạt hành chính về tiếng ồn theo như quy định trên tùy mức độ vi phạm cụ thể.

Trong khi đó, ở một số địa phương cũng đã có văn bản chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường xử lý các hành vi gây mất trật tự công cộng, trong đó có tình trạng hát karaoke di động, mở loa công suất lớn làm mất trật tự, ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân.

Mặc dù vậy, việc áp dụng các quy định này trong thực tế vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Một phần vì lực lượng chức năng không thể có mặt kịp thời trong mọi tình huống. Và quan trọng hơn là để áp dụng được mức xử phạt đủ sức răn đe như quy định tại Nghị định 45/2022/NĐ-CP cần có thiết bị đo tiếng ồn chuyên dụng, nếu không có máy đo chuyên dụng thì mức phạt kịch khung cũng chỉ là 1.000.000 đồng theo Điều 8 Nghị định 144/2021/NĐ-CP. Cạnh đó, nhiều người dân còn tâm lý nể nang, ngại va chạm, dẫn đến tình trạng “sống chung với lũ”.

Tuy nhiên, hát karaoke hay nghe nhạc là nhu cầu giải trí chính đáng, đặc biệt đối với những người trẻ tuổi hay người lao động cần thư giãn sau giờ làm việc. Thế nhưng, nhu cầu giải trí ấy cần được đặt trong giới hạn của sự tôn trọng người khác và tuân thủ quy định pháp luật.

Thay vì bật loa công suất lớn, người dân có thể chọn giải pháp hát karaoke bằng các loại loa công suất nhỏ hơn phù hợp với không gian sống của mình hoặc sử dụng các thiết bị giảm âm. Nếu tổ chức sinh hoạt đông người, nên thông báo trước với hàng xóm và cam kết thời gian kết thúc rõ ràng. Những buổi liên hoan có thể được tổ chức vào cuối tuần và kết thúc trước 10h đêm để không ảnh hưởng đến giấc ngủ và sinh hoạt của người khác.

Về phía những người bị ảnh hưởng, việc góp ý cũng cần dựa trên tinh thần xây dựng và văn minh. Việc nói chuyện nhẹ nhàng, khéo léo, thậm chí mời hàng xóm sang nhà chơi để góp ý thay vì đối đầu, có thể khiến mối quan hệ xóm giềng thêm gần gũi, đồng thời, giúp cải thiện hành vi thiếu ý thức mà không làm mất lòng nhau. Trong trường hợp bất đắc dĩ, việc ghi âm, quay video làm bằng chứng để phản ánh tới tổ dân phố hoặc công an khu vực là biện pháp cuối cùng và cần được thực hiện đúng mực.

Giữ gìn sự yên tĩnh không chỉ là bảo vệ quyền lợi của mình, mà còn là biểu hiện của nếp sống văn hóa đô thị. Trong một xã hội ngày càng phát triển, sự văn minh không nằm ở những khẩu hiệu treo ngoài cổng làng mà thể hiện rõ qua cách mỗi người sống và cư xử với nhau trong không gian chung. “Tình làng nghĩa xóm” không phải là thứ xa xỉ, mà là điều hoàn toàn có thể giữ gìn nếu mỗi người biết lùi một bước vì người khác và vì chính mình.

Pháp luật Việt Nam đã có những quy định cụ thể nhằm kiểm soát và xử lý hành vi gây tiếng ồn trong khu dân cư. Căn cứ vào Điều 8 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, hành vi gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư trong khoảng thời gian từ 22h đến 6h sáng hôm sau có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.

Tình huống thứ hai: Dư luận ‘sốc’ khi lộ diện kẻ ‘chống lưng’ cho thực phẩm giả

Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Thanh Phong (nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế) và các cán bộ Cục An toàn thực phẩm để điều tra về hành vi nhận hối lộ. CQĐT làm rõ sai phạm của cán bộ Cục ATTP, Bộ Y tế trong việc thẩm định, hậu kiểm, cấp 4 Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt yêu cầu thực hành sản xuất tốt (Giấy chứng nhận GMP) cho Nhà máy MediPhar và Nhà máy MediUSA; Cấp 207 Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm (Giấy phép công bố sản phẩm) cho nhóm 9 công ty của Nguyễn Năng Mạnh. Qua theo dõi trên báo chí, lời khai ban đầu của ông Nguyễn Thanh Phong, khi cấp dưới đi hậu kiểm ở doanh nghiệp về đã đưa phong bì “lót tay” cho ông cục trưởng và nói là “doanh nghiệp cảm ơn…”

Độc giả tại quận 8 (TP.HCM) nêu câu hỏi: có hay không sự buông lỏng quản lý, thậm chí tiếp tay cho thực phẩm bẩn?

Có thể khẳng định, với việc nhận hối lộ là hành vi suy thoái về tư tưởng, đạo đức, đánh đổi quyền lực nhà nước lấy lợi ích để vun vén cho bản thân, vi phạm đạo đức công vụ và vi phạm pháp luật, làm ảnh hưởng đến tính đúng đắn của hoạt động công vụ, ảnh hưởng đến uy tín của nhà nước đối với nhân dân…Đồng thời, qua vụ việc này, cho thấy vụ án hình sự phức tạp, có liên quan đến nhiều bị can, nhiều doanh nghiệp và hành vi phạm tội kéo dài, có liên quan đến nhiều cơ quan tổ chức.

Có lẻ, CQĐT sẽ tiếp tục điều tra làm rõ hành vi của các bị can là các cán bộ ở Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế để làm rõ phương thức, thủ đoạn phạm tội cũng như số tiền mà các bị can đã nhận hối lộ để xử lý theo quy định của pháp luật.

Căn cứ tại Điều 354 BLHS, CQĐT cũng sẽ làm rõ hành vi đưa hối lộ, nếu đủ căn cứ thì sẽ xử lý người đưa hối lộ theo quy định tại điều 364 BLHS. Việc đấu tranh với thực phẩm bẩn, các hành vi tiếp tay cho thực phẩm bẩn được dư luận xã hội rất đồng tình ủng hộ. Hiện nay, Đảng và nhà nước đang quyết tâm xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm, bán hang giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng là lương thực thực phẩm.

Bên cạnh việc xử lý người thực hiện hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm thì sẽ xử lý nghiêm những người tiếp tay, dung túng cho thực phẩm bẩn, nhất là những người có chức vụ quyền hạn và tham gia hoạt động quảng cáo sai sự thật.

PCVP Viện IRLIE Hồ Vĩnh Chung – CVP Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm

Bài viết liên quan

Back to top button